Wednesday, April 29, 2015

Kỹ thuật nhân giống cây điều bằng phương pháp ghép non nối ngọn

Cây điều là cây giao phấn điển hình, do đó nhân giống bằng hạt cây giống sẽ phân ly mạnh làm giảm năng suất chất lượng, tính ổn định và độ đồng đều giữa các cá thể ở thế hệ sau. Do đó, để giữ ổn định những đặc tính tốt về năng suất và chất lượng của cây mẹ thì phải nhân giống cây điều bằng phương pháp vô tính (giâm, chiết, ghép). Hiện nay, nhân giống cây điều bằng phương pháp ghép non nối ngọn cho kết quả tốt nhất.

Thao tác ghép chồi vạt ngọn

1. Chuẩn bị chồi ghép

Để có đủ chồi ghép cho hàng năm, ta phải trồng vườn nhân chồi ghép hoặc có thể chọn chồi ghép từ những vườn sản xuất.

Vườn nhân chồi ghép:

- Vườn trồng cây lấy chồi ghép gọi là vườn nhân chồi ghép gồm những cây điều giống tốt, đã qua tuyển chọn. Nên trồng vườn nhân chồi ghép sớm hơn một năm để cây có thể cho một số lượng chồi đủ để tiến hành sản xuất giống vào năm sau. Mỗi dòng điều được trồng trong một khu vực riêng theo sơ đồ và có bảng tên phân biệt để tiện việc quản lý chồi ghép. Vườn nhân chồi ghép có thể trồng theo mật độ 2.200 cây/ha với khoảng cách 1,5 x 3 m hoặc 3.300 cây/ha với khoảng cách 1 x 3 m.

- Khi cây 2 tầng lá thì tiến hành cắt ngọn để tạo tán thấp và nhiều cành cấp 1-2 để thu được nhiều chồi. Chồi vượt dưới vết ghép phải được đánh bỏ thường xuyên.

- Hàng năm sau khi thu hoạch chồi, chiều cao cây và đường kính tán phải được hãm thấp ở phạm vi 1,0 - 1,2 m.               

Chọn chồi từ vườn sản xuất:

Trong trường hợp không có vườn nhân chồi ghép thì có thể lấy chồi ghép ở vườn sản xuất nhưng phải chọn ở những cây có từ 3 vụ quả trở lên, năng suất ổn định; tỷ lệ nhân hạt > 28%, kích cỡ hạt < 160 hạt/kg, có 5-10 quả/chùm, tỷ lệ chồi ra hoa > 75%; cây sinh trưởng khỏe, phát tán đều và ít sâu bệnh.

Tiêu chuẩn chồi ghép:

Cành ở ngoài sáng; không quá già hoặc quá non (màu nâu nhạt), có đỉnh chồi to và lá sắp bung ra là tốt nhất; đường kính cành > 0,6 cm; chiều dài cành 7-10 cm; không có vết sâu, bệnh.

Sau khi cắt chồi, tỉa bỏ phiến lá, giữ cho chồi tươi bằng cách bọc trong vải ẩm đặt vào thùng xốp có chứa nước đá, đậy kín thùng xốp và đặt vào nơi thoáng mát. Trong điều kiện thiếu chồi ghép có thể dùng đoạn cành kế chồi ngọn để làm chồi ghép.



2. Chuẩn bị gốc ghép

a. Thiết kế vườn ươm gốc ghép

- Vườn ươm gốc ghép phải đặt nơi cao ráo, thoát nước tốt. Xung quanh khu vực vườn ươm phải quang đãng, không có cây che bóng.

- Bầu ươm: bằng túi nhựa P.E màu đen, dày 0,15mm, kích thước túi bầu 15cm x 25cm hoặc 18cm x 28cm, bầu được đục lỗ thoát nước và bảo đảm độ thoáng khí.

- Hỗn hợp đất vào bầu được trộn theo thể tích như sau: 70 - 90% đất mặt + 10 - 30% phân chuồng hoai + 0,5% Supe lân. Hỗn hợp đất, phân trộn đều và được phun thuốc chống nấm hại rễ 1 - 2 ngày trước khi đóng bầu.

- Bầu ươm gốc ghép được đặt theo luống, mỗi luống xếp từ 4 hàng. Rãnh luống rộng 60 - 80 cm để dễ dàng thực hiện thao tác ghép.     

b. Giống điều làm gốc ghép:

Kinh nghiệm cho thấy sử dụng hạt của cây điều sẻ lùn làm cây ghép sẽ tránh được tình trạng cây điều ghép phát triển không đều. Cây điều sẻ là cây điều lùn, hạt nhỏ (trên 250 hạt/kg) nên hệ số nhân giống cao, sức sống của hạt khoẻ, cây con phát triển mạnh, đồng đều, ít thấy hiện tượng phân ly khi gieo bằng hạt.

c. Xử lý và gieo hạt giống

- Hạt giống làm gốc ghép được thu gom trên các cây mẹ có năng suất cao và sinh trưởng khỏe, được rửa sạch phơi khô đến độ ẩm 8-10%. Bảo quản hạt trong điều kiện khô ráo và kín gió.

- Xử lý hạt: thả hạt vào nước và loại bỏ những hạt nổi, rửa sạch. Ngâm hạt trong ba ngày, hai ngày đầu trong nước, ngày thứ ba trong nước có pha thuốc trừ sâu bệnh (Basudin 0,5% + Benlate C 0,5%) để hạn chế kiến đục nhân và nấm bệnh tấn công hạt khi mới nẩy mầm. Thay nước 1 lần/ngày. Sau đó, ủ hạt trong bao tải (bao gai) hay cát ẩm, nền thoát nước, nơi râm mát, có thể phủ nhẹ trên mặt bằng rơm rạ. Sau 4 - 5 ngày thì hạt nảy mầm.

- Gieo hạt: Khi hạt nảy mầm dùng lưỡi lam cắt chóp rễ (để rễ hình thành chùm rễ cọc sau này) và gieo hạt vào bầu ươm đã được chuẩn bị sẵn. Mỗi bầu gieo 1 hạt, đặt eo hạt tiếp xúc với mặt đất và ấn chìm hạt ngay xuống mặt đất. Tưới ẩm bằng ô doa hoặc vòi phun hàng ngày.

d. Chăm sóc cây con trong bầu

- Tưới đủ nước và làm cỏ sạch khi cây còn nhỏ. Phun thuốc Sherpa 25EC để phòng sâu hại lá, sâu đục ngọn và bọ xít muỗi. Phun thuốc trừ nấm để phòng bệnh lở cổ rễ, đặc biệt thường xảy ra trong tháng đầu tiên khi cây con chưa hóa gỗ.

e. Tiêu chuẩn gốc ghép

- Cây con ươm bằng hạt trong bầu được khoảng 45-60 ngày thì tiến hành đảo bầu (nhấc rễ), loại bỏ các cây còi cọc hoặc dị dạng và xếp lại thành từng ô với mức độ sinh trưởng khác nhau để tiện chăm sóc. Sau đó để cây con ổn định trong thời gian 15 - 30 ngày thì tiến hành ghép.

- Tiêu chuẩn cây gốc ghép:

+ Đường kính thân từ 7 - 10mm.

+ Có từ 10 - 15 lá trở lên.

+ Tuổi cây từ 60 ngày tuổi trở lên.

+ Cây con khỏe mạnh, không bị nhiễm sâu bệnh.

3. Kỹ thuật ghép nối ngọn

Yêu cầu: thực hiện ở nơi râm mát; thao tác nhanh gọn; buộc dây cố định vết ghép thật chặt, tránh tiếp xúc với nước (phòng ngừa nấm bệnh xâm nhiễm).

a. Ghép chồi nêm ngọn:

- Dùng dao ghép cắt ngang ngọn gốc ghép cách mặt đất 10-15 cm, để lại 2-3 lá thật trên gốc ghép. Sau đó chẻ đôi gốc thành 2 phần bằng nhau và dài khoảng 3 cm.

- Vạt xiên 2 bên chồi ghép tạo thành hình cái nêm.      

- Đặt chồi ghép vào trùng khít với gốc ghép đã chẻ, nếu đường kính của chồi ghép và gốc ghép khác nhau thì để cho một bên mép vỏ của chồi ghép và gốc ghép liền khớp nhau. 

Dùng băng ni-lông mỏng quấn chặt từ dưới lên trên để cố định và bịt kín chồi ghép.

b. Ghép chồi vạt ngọn:

- Dùng dao ghép vạt xiên thân gốc ghép một mặt phẳng nghiêng dài 3-4cm, cách mặt đất 10 - 15 cm. Chừa lại 2 - 3 lá thật trên gốc ghép.

- Đối với chồi ghép cũng vạt một mặt xiên tương tự, sau đó áp mặt cắt của chồi ghép vào gốc ghép. Dùng dây nilon quấn chặt từ dưới lên trên để cố định và bịt kín chồi ghép.

c. Thời vụ ghép

Thời vụ ghép tốt nhất, đạt tỷ lệ sống cao là từ tháng 2 - 7. Thời vụ này sử dụng chủ yếu chồi ghép từ vườn nhân chồi. Trong thực tế, từ tháng 2 đến tháng 5 là thời kỳ cây điều có hoa, mang quả nên nếu sử dụng chồi từ cây mẹ thì thời vụ tốt nhất là từ tháng 6 - 7

Nên ghép vào buổi sáng lúc trời mát, lúc cây đã hút đủ nước qua đêm. Thời gian ghép tốt nhất là 6 - 10 giờ sáng.

4. Chăm sóc cây ghép

- Cây sau khi ghép được tưới ẩm bằng vòi phun hoặc ô doa hàng ngày, 2 - 3 ngày đầu có thể tưới số lần nhiều hơn.

- Khi cây ghép đã bứt chồi, nếu tầng lá thứ nhất của cây phát triển kém có thể tưới phân NPK loại 16:16:8 nồng độ 1 - 1,5%.

- Thường xuyên kiểm tra để cắt bỏ các chồi mọc ra ở phía dưới vết ghép.

- Đảo bầu: Khi cây ghép có tầng lá đầu tiên phát triển hoàn chỉnh (thường phải từ 4-6 tuần kể từ lúc ghép) thì tiến hành đảo bầu và phân loại cây.

5. Tiêu chuẩn cây điều ghép trước khi xuất vườn


 - Có đủ 2 tầng tán lá khoẻ, lá bánh tẻ, tầng lá thứ 2 cứng cáp, không héo khi vận chuyển trồng.

- Chiều cao cây > 30 cm

- Đường kính gốc ghép đạt 0,8 - 1 cm trở lên

- Điểm ghép chắc liền, tròn đều trên thân chính. Chiều cao điểm ghép không quá 20cm.

- Cây xuất vườn phải được đảo bầu tối thiểu trước 10 ngày.

Thông thường sau khi ghép 2 tháng cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn.

Ánh Nguyệt/ TTKNQG

Tuesday, April 28, 2015

Thối hoa và quả trên mít non

Tôi trồng khoảng 20 gốc mít đã vào giai đoạn cho trái. Nhưng không hiểu sao thời điểm ra hoa đến trái mít non cỡ trên dưới ngón tay đều thối. Bệnh có phòng trị được không, nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn. Chị Nguyễn Thị Quýt (Ngãi Tứ - Tam Bình)

Ảnh minh họa

Đây là bệnh thối hoa và trái non, do một loại nấm gây ra. Trong thực tế có người cứ tưởng đây là những hoa mít đực nên việc thối rụng đi là điều đương nhiên. Đã có những cây mít không cho trái bởi vì hoa và trái non đã bị bệnh này gây hại làm rụng hết. Trên một chùm nếu một hoa hoặc trái non bị bệnh thì những quả còn lại khó tránh khỏi.

Khi hoa, quả đã bị bệnh thì hầu như không có cách nào chữa trị khỏi mà phòng ngừa là giải pháp chính.

Cụ thể, định kỳ chị nên tỉa bỏ những cành nhỏ, không có khả năng cho trái để vườn luôn được thông thoáng; thu gom kịp thời những hoa, quả đã bị bệnh đem tiêu hủy để hạn chế bệnh lây lan ra những quả xung quanh. 

Nếu vườn thường xuyên bị bệnh gây hại hàng năm thì mỗi khi cây mít ra hoa, quả non nên phun xịt một trong các loại thuốc như: Bemyl 50WP, Bendazol 50WP, Benotigi 50WP, Fundazol 50WP, Benzeb 70WP... để phòng bệnh.

Chúc chị áp dụng hiệu quả!

Nguồn: Báo Vĩnh Long

Monday, April 27, 2015

Một số lưu ý đầu vụ tôm 2015

Dịch bệnh tôm đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành ĐBSCL. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là hoại tử gan tụy trên tôm thẻ chân trắng và đốm trắng trên tôm sú.  

Chuẩn bị ao nuôi tôm

Do nắng nóng kéo dài trên diện rộng sẽ gây nhiều khó khăn cho các hộ nuôi. Theo khuyến cáo của ngành thủy sản, người nuôi nên thả trễ và nên chọn mô hình phù hợp với khả năng quản lý của nông hộ, phải có ao lắng, cải tạo ao thật kỹ, khử trùng nước trước nuôi tôm, chọn thả giống đạt kích cỡ, đã được kiểm dịch, thường xuyên quản lý mật độ và kiểm soát điều kiện ao nuôi, thức ăn. Kiểm tra sức khỏe tôm hàng ngày. 

Để chủ động phòng bệnh, cần chú ý những vấn đề như cải tạo ao, chuẩn bị nước trước khi thả giống. Nguồn nước ban đầu trước khi thả tôm có vai trò cực kỳ quan trọng trong suốt quá trình nuôi sau này. 

Do đó, cần phải bảo đảm nước ao sạch và ổn định, không còn các sinh vật có khả năng gây bất lợi cho tôm nuôi. Xử lý nước ở ao lắng bằng Vimekon trước khi đưa sang ao nuôi; lấy nước vào ao phải qua túi lọc 2 lớp và để lắng khoảng 3 - 5 ngày, sau đó xử lý diệt tạp và sát trùng nước. Diệt giáp xác bằng Anti-parasite. 

Người nuôi có thể dùng Chlorine, Vime-paracide hoặc Vimekon để sát khuẩn nước, cần lưu ý Chlorine chỉ sử dụng có hiệu quả cao ở nước trong và pH £ 8. Do đó khi dự định dùng Chlorine cần để nước lắng thật trong và không nên bón nhiều vôi ở khâu cải tạo. 

Về con giống, con giống tốt là yếu tố quan trọng nhất để thành công trong nuôi tôm. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều nguồn giống khác nhau. Người nuôi cần chọn giống ở những cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt phải kiểm tra chất lượng giống trước khi thả nuôi. 

Phương pháp cảm quan và gây sốc formol giúp lựa chọn được đàn tôm khoẻ mạnh nhưng chưa bảo đảm sạch bệnh và xét nghiệm PCR có thể đánh giá tôm giống có nhiễm các bệnh nguy hiểm (đốm trắng, đầu vàng, MBV) lại không cho biết tình trạng sức khoẻ của tôm. 

Do đó, cần chú ý kết hợp cả ba phương pháp trên theo thứ tự cảm quan – gây sốc – xét nghiệm PCR. Tôm giống đạt cả ba cách đánh giá này sẽ là con giống vừa khoẻ mạnh vừa sạch bệnh, tạo tiền đề quan trọng để có sức sống và tăng trưởng cao trong quá trình nuôi. 

Thả giống là một công đoạn kỹ thuật đơn giản nhưng lại chịu tác động của nhiều yếu tố ngoại cảnh, khách quan. Do vậy, cần lưu ý một số vấn đề: 

- Không nên thả bao tôm vào ao quá 30 phút sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ sống và sức khoẻ của tôm giống. 

- Giống đã được hạ độ mặn sau khi chuyển về đến ao nên được thả ngay, không nên giữ lại trong thau, xô (lâu hơn 3 giờ) để sục khí cho tôm khoẻ vì nếu giữ lại như thế với mật độ cao, sục khí yếu và không cho tôm ăn sẽ làm giảm sức sống và tỉ lệ sống của tôm. Bên cạnh đó, người nuôi cần theo dõi sát biến động thời tiết môi trường, để chủ động tăng sức đề kháng cho tôm nuôi bằng cách bổ sung Vitamin C, b-glucan, Premix tôm. 

Quản lý chất lượng nước tốt là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. 

Các yếu tố môi trường cần chú ý trong ao nuôi tôm


ThS Nguyễn Ngọc Phú Vinh/ nongnghiep.vn

Sunday, April 26, 2015

Quy trình sinh sản ốc nhồi giống

Nguồn ốc nhồi tự nhiên đang đến mức báo động do môi trường sống bị ô nhiễm và khai thác quá mức. Để phục vụ nuôi ốc nhồi thương phẩm chủ yếu dựa vào nguồn giống từ sinh sản nhân tạo.

Chuẩn bị ao nuôi

Ao nuôi phải có bờ bằng đất, bờ ao thoáng, không rậm rạp, cao hơn mức nước cao nhất trong ao 0,5 m, độ sâu mức nước trong ao 0,5 - 1 m. Chất lượng nước tốt, không ô nhiễm, pH 6,5 - 8, hàm lượng ôxy > 1mg/l.

Ao được tháo cạn, cào sạch bùn, cày, bừa, phơi đáy. Tạo độ dốc về phía cống, tu sửa cống. Làm hàng rào lưới ngăn ốc trong khu vực nuôi, để tránh ốc bò ra ngoài và sinh vật khác xâm nhập hại ốc. Diệt tạp và ngăn ngừa sinh vật khác vào ao hại ốc. Để tạo mùn bã hữu cơ làm nguồn thức ăn tự nhiên cho ốc, trước khi thả ốc nên bón rơm, dạ băm nhỏ khắp đáy ao với liều lượng 10 - 15 kg/100m2  và phân chuồng đã được ủ hoai với vôi bột, liều lượng 7 - 10 kg/100 m2. Bón trước khi thả ốc 7 - 10 ngày (khi thấy nước ao sủi bọt thì thả ốc).

Nước cấp vào ao phải được lọc qua lưới để chắn các sinh vật khác vào hại ốc. Thả bèo lục bình làm vật bám cho ốc, diện tích thả bèo chiếm 1/4 diện tích ao nuôi. Làm khung ngăn bèo không để bèo phát triển lan ra quá diện tích cần thả bèo.

Chọn ốc bố mẹ

Ốc bố mẹ được chọn là những con to ( > 30 g/con), màu sắc sáng, không đóng rong rêu, tỷ lệ đực : cái là 1:1. Đến mùa sinh sản, ốc cái nhìn qua lớp vỏ ngoài của vòng xoắn thứ 3, thứ 4 tính từ đỉnh vỏ xuống ta có thể nhìn thấy buồng trứng màu vàng rất rõ nhất là ở những con cái đã thành thục. Ốc đực có tháp vỏ (đỉnh vỏ) nhọn hơn ốc cái.

Chăm sóc ốc bố mẹ

Mỗi ngày cho ốc ăn 1 lần vào buổi chiều. Thức ăn gồm hai loại: Thức ăn xanh là các loại lá cây không đắng, không độc như lá sắn, lá dọc mùng, bèo, các loại rau (rau muống, mùng tơi, rau ngót, rau bắp cải,…). Thức ăn xanh để nguyên cả lá, bèo để nguyên cả cây rắc quanh bờ ao. Thức ăn tinh là các loại ngũ cốc (bột đậu tương, cám gạo, bột sắn). Lượng thức ăn tinh mỗi ngày cho ăn 0,5 - 1% lượng ốc trong ao.

Ốc đẻ trứng trên bờ ao vì vậy phải dọn sạch bờ ao, không để cây cỏ rậm rạp, nhưng cũng không quá trơ trụi mà phải có cây cỏ thưa vì ốc có tập tính làm tổ dấu trứng dưới các cây cỏ.

Ốc giống được nuôi sau 3 tháng có thể cho thu hoạch - Ảnh: Gia Bảo

Thu và ấp trứng

Trứng ốc nhồi sau khi được đẻ ra trong thời gian rất ngắn (15 - 20 phút) là trứng đã cứng ta phải tiến hành thu ngay. Thu các chùm trứng cho vào khay nhựa, không để chồng các chùm trứng lên nhau, cũng không để quá sát vào nhau sẽ làm dập trứng.

Ấp trứng có thể ấp vào khay nhựa, đặt khay nhựa chứa trứng trên mặt nước trong bể xi măng, mỗi ngày phun nước cho trứng một lần để giữ độ ẩm cho trứng. Thời gian ấp từ 13 - 20 ngày trứng ốc sẽ nở ra ốc con, tùy thuộc vào nhiệt độ, nhiệt độ thích hợp để ấp nở là 25 - 300C. Căn cứ vào thời gian đưa trứng vào ấp và màu sắc của chùm trứng ta có thể biết được trứng sắp nở để chuẩn bị ao (bể), thức ăn ương nuôi ốc con lên ốc giống. Trứng ốc mới đẻ ra có màu trắng sau đó chuyển dần sang màu xám, khi trứng sắp nở trứng có màu xám đen, sờ vào chùm trứng ta thấy mềm nhũn, nhìn qua lớp vỏ trứng ta thấy rõ được cả ốc con đang vận động trong lớp vỏ.

Ốc con sau khi nở ra đã có hình dáng giống với ốc trưởng thành. Ốc con mới nở ra đã có khả năng vận động mạnh, bò tìm nơi có nước và tìm vật bám. Ốc con dễ dàng bò ra khỏi khay ấp xuống bể xi măng, ta có thể ương nuôi ốc con lên ốc giống ngay trong bể ấp.Ta cũng có thể ấp trứng trong giai mắc trong ao đất, chú ý phải che giai tránh để ánh nắng trực tiếp chiếu vào trứng, cũng không để trứng bị nước mưa vào sẽ làm ung trứng. Để giữ độ ẩm cho trứng nên dải một lớp rễ bèo tây lên trên trứng (rễ bèo tây phải được khử trùng bằng thuốc tím KMnO4).

Ương nuôi ốc con lên ốc giống

Có thể ương trong bể xi măng hoặc ương trong giai mắc trong ao đất đều cho tỷ lệ sống cao.

Ương trong bể xi măng: Diện tích bể không nên quá to vì ốc ương nuôi được ở mật độ cao, bể nhỏ dễ chăm sóc quản lý hơn (bể nên có hình chữ nhật, diện tích 2 - 4 m2). Bể trước khi ương phải được dọn sạch, khử trùng bằng thuốc tím KMnO4. Nếu là bể mới phải ngâm thời gian ít nhất là 20 ngày trước khi sử dụng. Nước lấy vào bể ương là nước ao hay nước giếng khoan đều được.

Ương trong giai (Giai được mắc trong ao): Giai ương bằng lưới cước dày như giai ương tôm giống, cá giống đảm bảo thức ăn và ốc con không lọt ra ngoài, diện tích giai không nên quá rộng để dễ làm vệ sinh thường từ 2 - 4 m2 là vừa. Mực nước trong bể ương không cần quá sâu, chỉ cần 30 - 50 cm. Mật độ thả 5.000 con/m2. Thả bèo ván làm vật bám cho ốc (thả 1/3 diện tích nuôi).

Thức ăn và chế độ chăm sóc

Ốc con mới nở ra đã có tính ăn như ốc trưởng thành, có thể sử dụng các loại thức ăn như sau: Thức ăn xanh là lá sắn, bèo (bèo tấm, bèo ván ), lá mùng trắng. Thức ăn tinh là cám gạo, bột đậu tương, bột cá nhạt, bột ngô, bột sắn, phối trộn theo tỷ lệ (30% cám gạo, 50% bột đậu tương, 30% bột sắn).

Đối với thức ăn xanh không nên thái nhỏ mà để cả lá, bèo thì để nguyên cả cây, để ốc con dễ bám vào ăn và hạn chế làm bẩn nước. Thức ăn tinh dải trên mặt nước không cần nấu chín (trừ bột đậu tương là phải rang chín trước khi nghiền thành bột). Ốc nghiêng về thức ăn thực vật hơn nên cho ốc ăn thức ăn xanh là chính, thức ăn tinh chỉ cho ăn thêm với lượng 1 - 1,5% trọng lượng ốc.

Kiểm tra lượng thức ăn cho ăn hàng ngày xem thừa hay thiếu. Ở trong bể xi măng cũng như trong giai đều rất dễ kiểm tra, quan sát có thể thấy được lượng thức ăn thừa trong bể (giai) để giảm lượng thức ăn, vớt bỏ các cọng thức ăn xanh thừa, cứng ốc không ăn hết.

Chế độ thay nước

Ốc ương nuôi trong bể nếu cho ăn hợp lý hàng ngày không thừa thức ăn tinh thì mỗi tuần chỉ thay nước 1 - 2 lần. Mỗi lần thay toàn bộ lượng nước trong bể. Đối với ốc nuôi trong giai thì mỗi tuần vệ sinh xung quanh giai và vệ sinh đáy giai 2 lần bằng cách dùng bàn chải có cán dài cọ xung quanh giai và cọ đáy giai sau đó té nước để loại bỏ bớt chất trải (phân ốc, thức ăn thừa, nhớt do ốc thải ra). Cả vụ ương nuôi không cần phải thay nước ao lần nào trừ khi có sự cố đặc biệt.

Thu hoạch ốc

Nếu ương nuôi tốt thì 20 ngày là có thể đưa ra ao để nuôi thành ốc thịt hay xuất bán ốc giống. Với ốc ương trong giai không cần phải tháo nước ao mà chỉ cần dồn ốc vào góc giai rồi dùng vợt mềm súc ốc hoặc cũng có thể mở các nút giai đưa cả giai ốc lên bờ rồi nhặt ốc giống. Đối với ốc ương nuôi trong bể thì cùng vợt vớt ốc sau đó tháo cạn nước bể và nhặt những con còn lại.

Tỷ lệ sống của ốc ương nuôi trong giai cũng như trong bể đều rất cao trên 80%. Cỡ ốc giống 0,4 - 0,5g/con.

Lưu ý

Vào mùa đông ở miền Bắc khi nhiệt độ xuống dưới 100C ốc sẽ chết, vì vậy cần phải có biện pháp trú đông cho ốc. Biện pháp trú đông cho ốc có hiệu quả nhất là đào bể ngầm, dưới mặt đất. Diện tích mỗi bể 2 - 4 m2, độ sâu của bể 0,6 m. Miệng bể làm cao hơn mặt đất 10 cm và được đậy bằng nắp tôn để ngăn gió, mưa và các động vật (chuột, rắn, chim, cò, ếch nhái,…) vào bể hại ốc. Khi đưa ốc vào trú đông cũng như đưa ốc ra ao sau thời gian trú đông, các thao tác phải nhẹ nhàng, tránh làm cho ốc long ruột, dập, sứt vỏ. Mật độ trú đông cho ốc là 250 con/m2 đối với ốc bố mẹ và 2.500 con/m2 đối với ốc giống. Trong thời gian trú đông không cần cho ốc ăn, chỉ cần giữ ẩm cho ốc, 5 - 7 ngày tưới nước vào bể ốc 1 lần (chỉ tưới cho ẩm, không tưới quá nhiều). Bằng phương pháp trú đông này, tỷ lệ sống của ốc đạt trên 70%

Ốc sống được rất lâu ngoài môi trường nước nên việc thu hoạch, vận chuyển cũng dễ dàng hơ. Trong quá trình thu hoạch cũng như vận chuyển chỉ cần chú ý giữ ẩm và tránh va chạm mạnh làm dập vỏ, long ruột ốc là ổn.

Nguyễn Nhung/ Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Saturday, April 25, 2015

Bệnh lạ hại gấc

Hiện nay, nhiều diện tích gấc trên địa bàn huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) xuất hiện một số bệnh lạ gây hại, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây gấc.


Triệu chứng:

Lúc đầu chỉ là những vết loang ướt hình nhẫn trên thân, cuống lá hoặc các chấm trên gân cấp 1 và cấp 2 của lá; búp ngọn, các chồi non đang nhú chuyển màu vàng nhạt. Sau đó, những vết nổ phình to và có chứa chất mềm dẻo màu nâu; búp ngọn và các chồi non chết héo màu vàng thâm. 

Đối tượng gây hại: 

Bóc tách và quan sát kỹ các bộ phận bị hại nhưng chưa khẳng định được rõ đối tượng gây hại. Có thể đây là các ổ bào tử của một loại nấm. 

Đặc điểm phát sinh và phá hại:

Phát sinh trên cây mọc từ mầm chồi của gốc cũ, có thân đang leo bò trên mặt giàn và chưa bị bệnh nấm sương mai giả gây hại. Hiện bệnh này đang lây lan nhanh, gây chết các búp ngọn, mầm non và tua cuốn.

Nguyên nhân và biện pháp khắc phục:

Có thể do các yếu tố thời tiết diễn biến phức tạp và thất thường, nóng ẩm xen kẽ… nên bệnh bùng phát. Vì vậy, cần thăm giàn gấc thường xuyên. Nếu có triệu chứng thì cần dùng kéo sắc, nhẹ nhàng cắt bỏ những búp ngọn, mầm non bị bệnh và thu gom tiêu hủy. Tưới bổ sung urê và kali theo vành khăn cách gốc từ 80 - 100cm với lượng 30g đạm và 100g kali/lần/gốc; tưới làm 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày, vào chiều mát. Dùng 1 gói thuốc Alpine 80WG loại 20g1 gói bám dính HPC loại 20ml pha với 8 lít nước, phun đẫm đều cho gấc. Phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 2 - 3 ngày, phun vào chiều mát. 

KS.Nguyễn Hữu Vân/ Báo Hải Dương

Friday, April 24, 2015

Rệp dính gây hại cây có múi

Cùng với việc mở rộng diện tích trồng cây có múi và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng nhiều, rệp dính Unaspis citri (Comstock) ngày càng gây hại nhiều hơn ở ĐBSCL. 

Rệp dính trên cây dừa

Trên cây có múi, rệp dính thường xuất hiện và tấn công trên thân chính và các nhánh cây. Mật số rệp dính cao và xảy ra trong thời gian dài làm vỏ thân cây bị khô nứt, vết nứt mở đường cho các dịch hại khác xâm nhập và gây hại cây. Sự tấn công của rệp dính làm giảm khả năng sinh trưởng, phát triển của cây. Trường hợp rệp gây hại nặng trên các nhánh nhỏ hoặc cây còn nhỏ có thể làm nhánh hoặc cả cây bị chết. 

Rệp dính cũng tấn công và gây hại trên lá và trái khi mật số cao làm giảm năng suất và chất lượng trái. Phân của chúng thải ra chứa nhiều dưỡng chất, nhất là đường, tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển trên thân, lá. Rệp dính còn truyền bệnh virus trên cây cam quýt. 

Ông Lê Văn Đậu, tổ hợp tác trồng cây ăn trái Đoàn Kết, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cho biết, rệp dính thường gây hại nặng ở những vườn trồng quá dày, kém thông thoáng, ít chăm sóc. Ngoài ra còn gây hại trên một số loại cây trồng khác như dừa, mít, ổi, chuối... Ở mật số cao, rệp dính khiến cây sinh trưởng kém, giảm năng suất và chất lượng của trái. 

Để phòng trừ hiệu quả rệp dính nhà vườn cần trồng ở mật độ hợp lý, thường xuyên cắt tỉa để vườn thông thoáng. Trong quá trình chăm sóc cây trồng, rệp dính có thể theo dụng cụ làm vườn, bám vào quần áo rồi lây lan từ vườn này sang vườn khác; do đó cần vệ sinh dụng cụ làm vườn, giặt kỹ quần áo sau khi chăm sóc ở vườn bị nhiễm rệp dính trước khi vào chăm sóc vườn chưa nhiễm. 

Khi có từ 5% trở lên số cây trong vườn bị nhiễm, có thể sử dụng dầu khoáng hoặc Clothianidin, Permethrin... để trừ. 

Trước khi phun thuốc bảo vệ thực vật nên phun nước rửa chén nhằm phá vỡ lớp sáp của rệp dính để thuốc đạt hiệu quả cao hơn. Khi phun cần phun kỹ vào các bộ phận của cây, đặc biệt là thân và cành cây. Trường hợp mật số rệp dính cao, chúng xếp thành nhiều lớp chồng lên nhau nên cần phun vài lần cho đến khi tất cả các lớp rệp dính bong ra khỏi cây. 

Cần lưu ý trừ rệp dính cả trên cây trồng chính và các cây ký chủ phụ để hiệu quả phòng trừ cao, hạn chế sự lây lan và tái phát trở lại.

Vũ Bá Quan/ nongnghiep.vn

Tuesday, April 21, 2015

Nấm sương mai giả hại gấc

Gấc là cây dễ trồng, luôn cho giá trị cao nên được nông dân duy trì phát triển. Tuy nhiên, bệnh nấm sương mai giả đang phát sinh gây hại.  

Triệu chứng nấm sương mai giả hại gấc

Triệu chứng ở lá, vết bệnh ban đầu nhỏ, màu xanh trong, sau đó chuyển sang màu xanh hơi vàng đến vàng nhạt và có hình tròn đa giác hoặc hình bất định. 

Vết bệnh nằm ở phần thịt lá và bị giới hạn bởi các đường gân. Bệnh nặng, nhìn mặt lá thấy gồ ghề và màu vàng hiện rõ, mặt dưới lá về chiều tối dùng đèn pin soi thấy hiện rõ lớp nấm màu xám bám trạt khiến lá kém phát triển; mép lá bị cháy sém theo đoạn. Cuối cùng cả lá bị khô rạc. 

Ở ngọn, ban đầu khó phát hiện và chỉ thấy khi đã bị cháy đen phần búp với độ dài hơn 2 đốt ngón tay, cùng 1 - 2 lá non liền sát đó bị cháy sém từ mép đến gần giữa lá. 

Bệnh do nấm Pseudoperonospora Cubensis gây nên. Bào tử nấm có sẵn trong không khí, đất và vườn trồng; lây lan theo mưa, gió, các hoạt động cơ giới của con người hoặc theo côn trùng... 

Bệnh phát sinh trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp và thất thường, có sự chênh lệch về nhiệt độ giữa ngày và đêm; nóng ẩm xen kẽ. Bệnh hại từ mặt dưới của lá lên lá non và búp ngọn. 

Biện pháp khắc phục: Vệ sinh và tiêu hủy nguồn bệnh, vơ sạch các tàn dư thực vật trong vườn, dùng kéo sắc cắt ngang những cuống lá bị bệnh, tiêu hủy nơi an toàn. Áp dụng kỹ thuật bón phân kaliclorua bổ sung để tạo cây khỏe. 

Dùng thuốc RidomilGold68WG để phun trừ, cụ thể hòa 25 - 45 gr thuốc và 1 gói bám dính HPC loại 20 ml với 2 lít nước, đảo kỹ cho tan đều rồi pha loãng thành 7 - 8 lít phun đẫm đều cho các bộ phận dưới gốc và cây leo bò trên mặt giàn. Phun trừ 2 lần, mỗi lần cách nhau 2 - 3 ngày, phun vào chiều mát lúc không mưa.

Nguyễn Hữu Vân/ nongnghiep.vn

Kinh nghiệm chọn và nhân giống hươu

Kinh nghiệm nuôi hươu cho thấy nếu có một con đực tốt để làm giống thì giá trị kinh doanh cao hơn nhiều so với việc cho nhung của nó. Còn hươu cái, nếu cho ra đời những hươu có đặc tính tốt thì giá trị của hươu con sẽ thường cao hơn. Do vậy những hươu giống có lý lịch đầy đủ, rõ ràng luôn được người mua đòi hỏi và có giá trị cao hơn những con không có hồ sơ và lý lịch.

1. Chọn hươu đực

Tốt nái thì tốt ổ, tốt đực tốt cả đàn. Trong chăn nuôi hươu, con đực luôn được quan tâm hàng đâu trong công tác giống. Khác với vật nuôi khác, hươu đực không chỉ để phối giống cho đàn cái mà con đực còn có vai trò quan trọng là sản xuất nhung có giá trị kinh tế và giá trị sinh học cao.


Về lý lịch: Cần chọn con đực giống từ những con bố của nó có sức khỏe tốt, có năng suất nhung cao, tốt nhất là 1 năm 2 lứa nhung, khối lượng một lần cho nhung từ 0,8 kg trở lên. Tính di truyền của con bố ổn định. Nếu con bố cho nhung nhiều, sức khỏe tốt… thì con đực là con của nó cũng có những đặc tính đó. Nếu con bố con mẹ có khả năng chống đỡ bệnh tật tốt, tạp ăn thì con cũng được thừa hưởng những đặc điểm tốt từ bố mẹ. Khối lượng sơ sinh của con đực chọn phải từ 4kg trở lên.

Về ngoại hình: Trước hết phải chọn những con đực có ngoại hình nhìn tổng thể: đẹp, khỏe, cân đối và có nhiều đặc điểm của con đực. Cần phải đánh giá một cách chi tiết các chỉ tiêu sau đây:

- Hươu đực có mặt rộng, vầng trán nhô cao, hai xoáy trán cao và cách xa nhau. Cặp sừng thể hiện sức mạnh của con đực. Nếu hươu đã có sừng thì hai sừng phải tạo thành hình chữ V mà đỉnh càng rộng càng tốt. Những hươu có cặp sừng gần như song song là kém, ít nhung. Hươu đực có khuôn mặt ngắn, thô và gân guốc, mắt sáng, mí mắt dày dặn nhìn nhanh nhẹ, linh hoạt và mạnh mẽ là tốt. 

- Cổ ngắn, to trông như có yếm. Mình thon mình ngựa, lưng phẳng, chỉ lưng rõ, kết hợp hài hòa, cân đối.

- Chân ngắn vừa phải và mập, luôn đi bằng 4 móng, không đi bằng bàn chân. Những con mà hai chân sau thấp hơn hai chân trước quá nhiều, chân khẳng khiu đứng chụm lại, khấu đuôi thấp thì không bao giờ có khả năng cho nhiều nhung và khả năng phối giống cũng rất kém.

2. Chọn hươu cái

Khi chọn hươu cái, ngoài phần theo dõi lý lịch thì những đặc điểm điển hình về sinh sản của hươu cái phải được quan tâm đúng mức.

Cần chọn theo huyết thống và lý lịch, tránh cận huyết. Khi chọn phải tìm cách xác định lý lịch ít nhất là một vài đời trước đó. Có như vậy mới tránh được những nguy cơ về đồng huyết. Giá hươu cái thường đắt gấp 4-5 lần hươu đực. Chọn hươu cái phải xem kỹ con mẹ và phần  lịch sử phối giống, sinh đẻ, khả năng chăm sóc con tốt, nhiều sữa, đẻ năm một lần. Khối lượng sơ sinh của hươu cái phải từ 3kg trở lên. Ngoại hình cân đối, hài hòa giữa các phần của cơ thể theo thể trạng của giống cái. Đuôi luôn luôn phe phẩy, mắt sáng.

Đầu hươu cái nhỏ, thanh; mồm rộng, tạp ăn, vành mắt có bộ long màu nâu hoặc hung nâu. Những con có vành mắt trắng, bạc mày thì thường nuôi con kém, thậm chí không biết nuôi con. Cổ phải thon dài, đầu và cổ kết hợp hài hòa. Mặt thanh, đẹp, mắt trông sáng, nhanh nhẹn và linh hoạt. Thân hình nhìn chung phải cân đối. Lưng phẳng, chỉ lưng rõ ràng. Bụng gọn, hông rộng, mông tròn đều và nở; xương chậu to, dễ đẻ và không bị dị tật. Những con mà mông không cân đối, bên cao, bên thấp có thể bị gãy xương chậu từ nhỏ, sẽ rất khó sinh đẻ. Chân thấp vừa phải; chân sau không thấp quá so với chân trước. 

Chọn được những hươu đực, hươu cái giống có những đặc điểm tốt như đã nói ở trên thì chăn nuôi sẽ đạt được những kết quả tốt hơn. 

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng (Theo 100 nghề cho nông dân) (Dân Việt)

Điều trị bệnh phân trắng trên tôm

Bệnh phân trắng trên tôm nuôi đang là vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng lớn đến ngành nuôi tôm ở nước ta, nhất là ở những mô hình nuôi tôm công nghiệp, nuôi khép kín ít thay nước. Bệnh phân trắng thường xảy ra ở tôm nuôi sau 1 tháng tuổi, mức độ xảy ra nhiều nhất là giai đoạn 60 - 90 ngày tuổi.

Nguyên nhân

- Thức ăn không tốt, thức ăn bị nhiễm nấm mốc, độc tố… tôm ăn phải thức ăn không tốt trên sẽ bị bệnh đường ruột (bệnh phân trắng).

- Tôm ăn phải tảo độc, tảo tiết ra enzyme làm tê liệt lớp biểu mô ruột, làm ruột không hấp thu thức ăn được, tôm bị bệnh.

- Ký sinh trùng (Gregarine) bám trên thành ruột, tôm bị bệnh đường ruột.

- Vi khuẩn gây bệnh phân trắng thường gặp thuộc các chuẩn vibrio.

Triệu chứng

- Tôm yếu ăn (hoặc bỏ ăn nếu bị bệnh nặng), phân tôm nổi lên mặt nước và tập trung nhiều ở cuối hướng gió. Khi quan sát đường ruột tôm thấy trống thức ăn hoặc thức ăn bị đứt quãng.

Tôm bệnh có màu sậm hơn (con trên)

Bệnh gây ảnh hưởng đến gan tụy và đường ruột tôm có màu trắng

- Kiểm tra bằng Phương pháp mô học của mẫu tôm bị bệnh phân trắng thì thấy gan cũng bị tổn thương, tế bào gan bị chết từng điểm bong ra.

- Phân tôm có màu trắng, thịt tôm không chứa đầy vỏ, vỏ mềm.

Phòng bệnh

3.1 Lựa chọn thức ăn và bảo quản thức ăn tốt

- Chọn thức ăn chuyên dùng cho tôm, thức ăn có chất lượng, đầy đủ dưỡng chất. Cho tôm ăn thức ăn đúng kích cỡ cho từng giai đoạn nuôi, với lượng thức ăn phù hợp và không bị dư thừa. Thức ăn phải được bảo quản tốt, không nhiễm nấm mốc, độc tố.

- Trong quá trình nuôi nên bổ sung thường xuyên men tiêu hóa có lợi cho đường ruột tôm, bằng cách trộn BIOZYME for shrimp hoặc BIOTIC for shrimp và HEPATIC với thức ăn và cho tôm ăn mỗi cữ ăn. Bà con chăn nuôi nên bổ sung thêm BIO-ACTIVIT for shrimp cho tôm ăn để trợ giúp cơ quan miễn dịch của tôm hoạt động hiệu quả, ngăn chặn các tác nhân gây bệnh…

3.2 Quản lý tốt môi trường ao nuôi

- Tỷ lệ thả tôm giống phải phù hợp với mức độ đầu tư và trình độ nuôi, không nên thả dày. Đặc biệt trước khi thả tôm phải cải tạo chuẩn bị ao thật kỹ, đúng quy trình, ao nuôi tôm công nghiệp phải có đầy đủ trang thiết bị như máy quạt nước, máy sục khí ôxy đáy....

- Có chế độ thay nước định kỳ, ngăn ngừa sự phát triển của tảo độc và diệt khuẩn trong ao bằng các sản phẩm như BIO ABC for shrimp hoặc BIO BKC for shrimp, khoảng nửa tháng 1 lần để phòng tôm ăn phải tảo độc gây bệnh.

- Định kỳ 10 ngày/lần, dùng men vi sinh xử lý đáy ao như BIO- BACTER for shrimp hoặc BIO SUPERBAC for shrimp để phân hủy chất hữu cơ có trong ao do phân thải ra hàng ngày, do tảo tàn, thức ăn thừa, xác vỏ tôm lột xác... tạo môi trường ao nuôi thông thoáng, sạch bệnh.

Trị bệnh

1. Đối với thức ăn: Trộn bổ sung men đường ruột BIOZYME for shrimp hoặc BIOTIC for shrimp cho tôm ăn mỗi cữ ăn để hỗ trợ tiêu hóa đồng thời trộn BIO HEPATIC for shrimp hoặc BIO ACTIVIT for shrimp cho tôm ăn nhằm giúp tăng khả năng đào thải độc tố trong cơ thể tôm.

2. Đối với yếu tố môi trường:

- Nếu do tảo độc: Thay nước nhiều hơn bình thường, kế tiếp tạt BIO ANTISHOCK for shrimp hoặc BIO ANTISTRESS for shrimp giúp chống shock tôm. Tiếp theo dùng  BIO ABC for shrimp hoặc BIO BKC for shrimp để diệt tảo độc.

Sau khi dùng thuốc diệt tảo độc khoảng 2 ngày: dùng men vi sinh xử lý đáy ao như BIO- BACTER for shrimp hoặc BIO SUPERBAC for shrimp để phân hủy xác tảo chết. Đồng thời trộn thêm men tiêu hóa BIO ZYME for shrimp hoặc BIOTIC for shrimp ít nhất 7 ngày giúp phục hồi đường ruột cho tôm.

- Nếu do vi khuẩn gây bệnh: Kháng sinh đặc trị bệnh phân trắng là BIO SULTRIM 48% liều 10 ml/kg thức ăn, cho ăn 7 ngày hoặc BIO OXYTETRA 50% liều 1 g/kg thức ăn, cho ăn trong 5 - 7 ngày. Sau khi dùng kháng sinh trộn men tiêu hóa BIO ZYME for shrimp hoặc BIOTIC for shrimp ít nhất 7 ngày nhằm giúp phục hồi hệ vi sinh vật đường ruột tôm nuôi.

Song song với đó, dùng thuốc sát trùng BIO POVIDINE for shrimp hoặc BIOXIDE for shrimp diệt vi khuẩn có trong nguồn nước, tránh vi khuẩn từ bên ngoài tấn công tôm. 

Đặng Hồng Đức/ Tạp chí Thủy sản Việt Nam


Monday, April 20, 2015

Kỹ thuật trồng gấc

1. Giai đoạn 1: 

- Chuẩn bị đất trồng: Cây Gấc không kén đất nhưng khuyến cáo chọn đất tốt để trồng. Đất trồng Gấc không bị úng và có khả năng thoát nước tốt khi mưa lớn. 


- Đào hố: hố trồng có chiều dài 1-1,2 m, rộng 1-1,2 m và độ sâu từ 40 – 60 cm. Khoảng cách giữa các hố: hố × hố: 3 - 4 m. Hàng × hàng: 4 - 5 m. Để riêng lớp đất mặt bên cạnh hố đào. Không đào hố trồng gấc ngay cạnh gốc cây trồng khác đang sống, nên đào với khoảng cách 1,5m -2m so với gốc cây trồng khác nếu trồng xen canh hoặc trồng trên đất vườn tạp.

- Xử lý hố trồng và tiến hành bón lót : Trộn phần lớp đất vừa đào từ hố lên với các loại phân bón sau: Gavi -Bio: 0,5 kg/hố, GV- hữu cơ vi sinh: 2 kg/hố, phân chuồng hoai: 10-15 kg/hố, Super lân 0,5-0,6 kg/hố. Chế phẩm sinh học có chứa Trichoderma 0,5-1 kg/hố. (Các bước trên thực hiện trước khi trồng 5 – 7 ngày).

- Thiết kế giàn: Giàn có thể dựng bằng các cây tạp, tre nứa hoặc cột bêtông. Bên trên gác các cành tre hoặc đan bằng dây thép hoặc dùng dây cước một sợi (đường kính dây khoảng 2mm) đan thành lưới (kích thước mắt lưới: 40cm x 40cm), sau đó căng lên giàn. Giàn bằng lưới cước chi phí thấp và có thể giữ được từ 3-5 năm. Cách làm này đang được triển khai rộng rãi ở các tỉnh hiện nay cho hiệu quả kinh tế cao. Chiều cao của mặt giàn so với mặt đất bình quân là 2m, phải đảm bảo giàn không bi chùng khi cây bò lên hoặc khi gấc ra trái. 

(Giàn gấc phải được thi công hoàn tất sau 3 tuần kể từ ngày trồng cây con). 

2. Giai đoạn 2: Tiến hành trồng cây 

Chuẩn bị hố ngay trước khi trồng:

- Dọn vệ sinh xung quanh hố (cỏ dại, cây cối…) 

- Xới nhẹ lại đất trong hố trồng 

- Cuốc 2 lổ nhỏ ngay giữa hố để đặt cây gấc giống, khoảng cách giữa 2 lỗ trong cùng 1 hố tối thiểu là 35cm

- Khi đã xử lý hố đất trồng 5 - 7 ngày thì tiến hành trồng cây con 

Lưu ý: Nếu trồng cây giống thực sinh thì khuyến cáo trồng 2 cây gấc trong 1 hố, vì: chúng ta theo dõi sau năm đầu tiên thu trái, cây nào trái ít, hoặc không ra trái,  trái nhỏ hoặc bị sâu bệnh nặng thì ta tiến hành cắt bỏ cây đó đi để cây gấc còn lại phát triển tốt hơn và đảm bảo nguồn thu hoạch gấc., đối với cây ghép hoặc cây hom thì trồng 1 hố từ 1 đến 2 cây. Thông thường, năm đầu tỷ lệ đậu trái thấp , lượng trái chưa nhiều. Cho nên, để tăng sản lượng và khả năng thụ phấn tự nhiên chúng ta nên trồng 2 cây. 

3. Giai đoạn 3: Tưới nước và chăm sóc

- Tưới nước: Cây gấc cần đất đủ ẩm nhưng rất sợ úng do đó phải tưới đủ nước và thoát nước ở gốc cây cho tốt. Ở giai đoạn này, cây cần độ ẩm của đất: 80 - 85%.

+ Khi thời tiết nắng nóng: phải tiến hành tưới nước, phủ rơm rạ, bao ni long để giữ ẩm cho cây. 

- Đào kênh tiêu nước: Cây gấc bị ngập nước sẽ làm cho cây úng và tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh tấn công, dẫn tới năng xuất giảm nếu bị úng nhẹ hoặc nếu ngập úng kéo dài có thể làm chết cây. Chính vì vậy, ở những vườn gấc trũng, ngập nước vào trời mưa thì phải tiến hành đào kênh tiêu nước. Mỗi kênh tiêu nước có kích thước rộng 50cm, sâu 30cm để thoát nước dễ dàng khi trời mưa lớn. 

- Sau 7 ngày tiến hành phun men sinh học Gavi - TriBio 5% dưới gốc và trên lá, với liều lượng pha loãng 300 lần. 

4. Giai đoạn 4: Sau trồng 15 - 30 ngày

- Bắt ngọn leo lên giàn và thường xuyên bắt các ngọn phân tán đều trên giàn; 

- Kiểm tra sâu, bệnh hại trên cây, nếu thấy có xuất hiện thì phải thực hiện phòng trừ. 

- Trong quá trình theo dõi, nếu thấy dây gấc nào vươn dài, nhỏ, yếu, bị sâu ăn lá thì tiến hành cắt bỏ để nhường dinh dưỡng nuôi dây khác. 

- Khi cây con bắt đầu leo lên giàn ( khoảng tuần thứ - tuần thứ 7 kể từ ngày trồng)tiến hành bón lót Phân NPK (16-16-8) 0,3-0,5 kg/hố.Trong giai đoạn này cần tiến hành phun thêm Gavi - TriBio 5% pha loãng 300 lần để tăng cường sức để kháng cho cây, hạn chế sâu bệnh hại. 

- Sau 2 tháng kể từ ngày trồng cần bón thêm chế phẩm Gavi - Bio 0,5 kg/hố để phòng trừ bệnh hại, tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng cho cây. 

5. Giai đoạn 5:  Bón thúc khi Gấc đã phủ lên giàn 

- Cách bón: đào rãnh rộng 10cm và sâu 10cm hoặc cào nhẹ lớp đất mặt trên hố gấc sâu 5-10cm, rồi tiến hành rãi phân GV hữu cơ vi sinh: 3kg trộn đều với đất dưới rãnh. Sau đó cuốc xới nhẹ lấp phân vào hố và tiến hành tưới nước. 

- Chủ động tưới nước giữ ẩm cho cây khi không có mưa phải đảm bảo độ ẩm từ 70-80%

- Theo dõi sâu bệnh và thực hiện phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại, đồng thời kết hợp phun Gavi - TriBio 5% để bảo vệ trái và cây trước sự tấn công của sâu bệnh hại.

6. Giai đoạn 6: Gấc bắt đầu ra hoa, kết trái (sau trồng khoảng tháng thứ 3, thứ 4

- Tiến hành bón thúc cho cây bằng phân trung vi lượng có gốc Canxi-Bo nhằm kích thích sự phát triển trái, tăng khả năng ra hoa, đậu trái. 

- Cách phun: Pha 10ml/16 lít nước phun đều dưới tán lá, nách lá, trái, quanh gốc. Phun làm 2 lần mỗi lần cách nhau khoảng 10 ngày, phun vào buổi sáng sớm hoặc khi chiều mát trời. 

- Tưới nước: Giai đoạn ra hoa và phát triển trái, cây gấc cần phải cung cấp đủ nước cho cây, giai đoạn này cần giữ độ ẩm cho đất 70-80%

- Xử lý ra hoa và kết trái ( giai đoạn tháng thứ 4, thứ 5): Đối với cây chưa ra trái hoặc không đậu trái tiến hành xử lý như sau: 

Cách 1: 

- Cắt tỉa những dây gấc nhỏ, yếu, kém phát triển. Đối với những dây gấc phát triển tốt, khỏe cần tiến hành bấm đọt, vị trí bấm đọt cách gốc 7m

- Đồng thời bón thúc bổ sung dinh dưỡng cho cây nhằm giúp cây tăng tỷ lệ ra hoa và đậu trái. 

+ Bón gốc: Phân hữu cơ vi sinh: 1-1,5 kg/hố, phân NPK (20-20-15) 0,3-0,5 kg/hố, phân chuồng hoai: 5-10 kg/hố. Trộn toàn bộ số phân trên với lớp đất mặt của gốc gấc sau đó lấp lại và tưới nước cho ẩm. 

Lưu ý: Để giúp cây hấp thụ tốt dinh dưỡng ở giai đoạn này cần phải tưới nước thường xuyên để tạo độ ẩm 

+ Bón lá: Kết hợp với phân bón lá trung vi lượng có gốc KNO3 hàm lượng 30-50g/8 lít nước. Cách phun: Phun toàn thân cây từ cành, lá. thân, nách lá, gốc phun lúc mát trời nhắc lại 7-10 ngày

Lưu ý: Công việc này thực hiện trước mùa mưa ít nhất 20-30 ngày

- Chăm sóc khi cây đã ra hoa: Sau khi đã xử lý như trên khoảng 20-30 ngày sau tiến hành giữ độ ẩm trong đất đạt 70-80% bằng cách thường xuyên tưới nước nếu trời không mưa. 

Cách 2: 

- Đầu tiên cắt những gốc không ra trái, với vị trí cắt cách gốc 60 cm

- Sau 1 tuần các nhánh mới ở những cây không ra trái sẽ bắt đầu đâm ra. 

- Sau đó tiến hành chọn những nhánh ở cây mang trái để ghép vào các nhánh của cây không trái. 

Lưu ý: chọn các nhánh ghép không được non, cũng không già quá. Để đảm bảo tỉ lệ cây sống cao nên trùm bao nilong vào nhánh mới ghép để tránh mất nước, hạn chế sự tấn công của sâu bệnh. 

- Sau khi đã đậu trái, phun phân bón lá NPK (20-20-15) để trái phát triển. Trong giai đoạn trái đang phát triển mạnh, cần kết hợp phun thêm kali 100% để trái chắc, tránh nứt trái, chất lượng cao. 

- Trong quá trình cây mang trái nên tiến hành tỉa bỏ những nhánh vô hiệu (nhánh không mang trái), khống chế chiều dài của dây gấc khoảng tối đa 5-6 m nhằm tập trung dinh dưỡng nuôi trái, tránh tình trạng cây tập trung phát triễn thân lá hoặc trái nhiều cây không nuôi nổi trái. 

Cách phòng trừ sâu bệnh hại có thể gặp trên cây gấc 

1. Sâu hại: 

+ Bọ dừa: Bọ cánh cứng dài 8mm cánh màu vàng ăn phá hoại lá gấc. Phòng trừ bằng cách xịt các loại thuốc như Tata 25WG xịt đều trên lá. 

+ Rầy mềm: bu mặt dưới lá hút nhựa, xịt Decis 50ND hoặc Vicidi-M 50ND 20-30ml/bình 8 lít

+ Nhện đỏ: tập trung nhiều ở mặt dưới lá thường thấy trong mùa nắng làm úa lá vàng, xoắn lá, dây gấc mọc cằn cỗi phòng trừ bằng cách phun Alfamite 15EC hoặc SK Enpray 99EC xịt đều trên lá. 

+ Ruồi trái cây: phá hại nặng khi gấc có trái. Ruồi chích trái đẻ trứng ấu trùng phát triển phá vỏ trái làm thối trái, trị bằng cách phun xịt dung dịch Oncol 20EC liều lượng 30ml/8lít, vệ sinh lượm đốt bỏ các trái gấc thối rụng. 

+ Sâu xanh: Sâu xanh ăn hại lá gấc: giai đoạn non chúng thường cuốn lá để làm tổ, sau đó chúng tiến hành ăn khuyết lá, làm cho lá gấc. dùng thuốc Padan 95SP liều lượng 10 - 15 g/10 lít vào chiều mát. 

2. Bệnh hại thường gặp: 

+ Đốm lá: do nấm Pseudope-ronopora cubensis Rostow gây bệnh lá gấc bị bệnh mặt trên có nhiều chấm vàng, mặt dưới có các chất xám sau đó lá chết héo. Dây gấc bị bệnh phát triển kém không cho trái hoặc cho ít trái, trái nhỏ phẩm chất kém, phòng trị bằng cách xịt dung dịch Viben – C hoặc Viroral 50BTN lên lá. 

+ Bệnh cháy lá: do nấm Collectrichum lagenarium Ell and Halst gây bệnh. Lá gấc bị bệnh cháy thành đốm hoặc cháy khô cả lá phòng trị giống như bệnh đốm lá. 

+ Bệnh hoa lá: do virus (CMV) gây bệnh lá gấc bị bệnh thường bị đốm vàng xoắn lá dây mọc còi cọc không cho trái, bệnh do cực vi trùng gây ra không có thuốc trị, phòng trừ bằng cách nhổ bỏ phun thuốc trị bọ dừa và rầy mềm truyền bệnh cũng giảm bớt bệnh. 

+ Tuyến trùng: Tuyến trùng Meloidogyne spp. làm rễ, dây gốc bị tuyến trùng phá hoại trông còi cọc phát triển kém, vàng cho trái hoặc không cho trái. Phòng trừ bằng cách rải một hố 30gram Vifuran 10H hoặc 20gram Vimoca 10G khi gieo hạt hoặc trồng cây con. 

Thu hoạch gấc 

- Thu hoạch: Thu hoạch khi trái đã chín ( ½ quả chuyển sang đỏ), màng bọc ngoài hạt dày và có nhiều chất béo. Quả không dập nát, thối hỏng, không chín ép. Trọng lượng quả từ 0,8kg trở lên mới đạt yêu cầu. 

- Tiêu chuẩn thu mua: Quả gấc phải chín đều về sinh lý, không dập nát, thối hỏng…, không chín ép,  không giấm. Trọng lựơng quả từ 0,8kg trở lên. Màng gấc sấy khô phải đạt: độ ẩm 7% - 8%, màng không dị tật, mốc, cháy khét, sâu mọt,...(dùng tay bẻ gãy là được).

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam