Wednesday, April 8, 2015

Cần phòng bệnh phù mắt, xuất huyết trên cá điêu hồng nuôi bè

Những năm gần đây, mô hình nuôi cá điêu hồng lồng bè phát triển mạnh, mức độ thâm canh cao hơn, tuy nhiên, chất lượng cá giống giảm cùng với môi trường nước xấu, khiến cho dịch bệnh trên cá điêu hồng nuôi bè xảy ra trầm trọng và giá trị thiệt hại tăng. Bệnh phổ biến nhất trên cá điêu hồng là phù mắt, xuất huyết do vi khuẩn Streptococcus gây ra.

Người nuôi cần thường xuyên theo dõi bè nuôi cá điêu hồng để có hướng giải quyết kịp thời.

Không phải mới đây mà từ năm 2004, một số hộ nuôi cá điêu hồng trên bè tại tỉnh An Giang đã xuất hiện bệnh phù mắt, xuất huyết với mức độ thiệt hại nhỏ. Thời gian gần đây, bệnh này đã trở nên phổ biến và gây chết cá hàng loạt trên cá điêu hồng nuôi bè tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như: Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long.

Các chuyên gia ngành Nông nghiệp nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển bệnh phù mắt, xuất huyết trên cá điêu hồng nuôi bè là do người dân thả nuôi với mật độ quá cao (trên 200 con/m2), môi trường nước ngày càng xấu cộng với thức ăn kém chất lượng. Theo ghi nhận của Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, cá điêu hồng nuôi bè bị bệnh nhiều và tỷ lệ cá chết cao vào thời điểm giao mùa giữa mùa nắng với mùa mưa và trong thời gian nước sông có nhiều phù sa (hay còn gọi là mùa nước son).

Theo các kiểm nghiệm viên phòng bệnh cá (Chi cục Thủy sản tỉnh), người nuôi cá điêu hồng có thể phát hiện cá bị bệnh phù mắt, xuất huyết thông qua một số biểu hiện bên ngoài như cơ thể cá sậm màu, mắt bị lồi đục, các vây và xương nắp mang bị xuất huyết. Bên cạnh đó, các cơ quan như não, thận và tỳ tạng của cá bệnh bị tổn thương nên cá vận động khó khăn, bơi không định hướng và gây chết cá. Cá bệnh có 2 trường hợp, cá bệnh cấp tính có thể chết rất nhanh và tỷ lệ chết cao, trong khi đó cá bệnh mãn tính bị xuất huyết trên thân nhưng nội tạng không bị tổn thương và cá vẫn sống bình thường.

Theo tài liệu khoa học, bệnh phù mắt, xuất huyết trên cá điêu hồng do nhóm vi khuẩn thuộc giống Streptococcus gây ra. Nhóm vi khuẩn này có kích thước khá nhỏ với dạng ngoài hình cầu hoặc ovan, bắt màu gram dương. Khi xâm nhập vào cơ thể cá, loại vi khuẩn này có khả năng gây tổn thương não cá, sau đó chúng theo máu đến thận, tỳ tạng và làm tổn thương các cơ quan này. Khi quan sát tiêu bản tươi mô gan, thận, tỳ tạng của cá bệnh dưới kính hiển vi điện tử sẽ thấy các vi khuẩn này nằm bên cạnh các tế bào biến dạng, cấu trúc rời rạc, đồng thời các mô thận và tỳ tạng cá bệnh có dấu hiệu xung huyết, xuất huyết và hoại tử.

Trên thực tế, để chẩn đoán cơ bản bệnh bệnh phù mắt, xuất huyết trên cá điêu hồng, người nuôi có thể kết hợp quan sát dấu hiệu bệnh lý bên ngoài với giải phẫu quan sát dấu hiệu bệnh lý của các cơ quan nội tạng. Do Streptococcus là loại vi khuẩn thuộc nhóm gram dương nên việc phòng trị bệnh thường khó khăn, hiệu quả thấp. Do đó, phòng bệnh là công việc quan trọng nhất để mang lại hiệu quả nuôi tốt nhất cho người nuôi cá điêu hồng trên bè.

Để làm tốt công tác phòng bệnh, trước hết cần làm tốt khâu chuẩn bị bè trước khi thả nuôi, chọn con giống chất lượng, được kiểm dịch trước khi thả nuôi, thả nuôi với mật độ khoảng 100 - 150 con/m2, kiểm soát tốt môi trường nước trong suốt quá trình nuôi và nhất là cần duy trì hàm lượng ôxy hòa tan trong bè nuôi hợp lý (5 - 7 mg/lít). Trong trường hợp phát hiện cá bệnh chết cần lập tức vớt khỏi bè, xử lý bằng cách đem chôn trong hố có rải vôi.

Người nuôi cá điêu hồng trên bè cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện bệnh sớm, để có biện pháp chẩn đoán và điều trị kịp thời. Sau khi xác định được tác nhân gây bệnh trên cá là do vi khuẩn Streptococcus, bà con nuôi cá phải dùng các loại kháng sinh có tác dụng với vi khuẩn gram dương để điều trị. Tuy nhiên, để việc điều trị cá bệnh đạt hiệu quả cao, việc chọn lựa loại thuốc kháng sinh và liều lượng sử dụng cần có sự tư vấn của cán bộ chuyên môn thông qua kết quả làm kháng sinh đồ tại các phòng kiểm nghiệm bệnh thủy sản.

Thành Công/ tiengiang.gov.vn

No comments:

Post a Comment