Thursday, January 29, 2015

Kinh nghiệm gieo mạ khay

Thực hiện chương trình đưa cơ giới hóa đồng bộ vào SX lúa, từ vụ xuân 2012, Trạm Khuyến nông Thạch Thất (Hà Nội) triển khai xây dựng mô hình SX mạ khay, máy cấy tại một số xã… 

Kiểm tra mạ khay tại xã Phú Kim, Thạch Thất, Hà Nội 

Đến nay mô hình đã nhân rộng ra tất cả các xã, thị trấn với diện tích và số lượng không ngừng tăng lên qua các vụ. Trên địa bàn huyện đã có 3 dây chuyền gieo mạ khay tự động 

Gieo mạ khay là một tiến bộ kỹ thuật rất mới nên đòi hỏi bà con nông dân phải thực hiện đúng quy trình, dần đúc rút kinh nghiệm qua thực tiễn để triển khai cho phù hợp với tập quán canh tác tại các vùng khác nhau. 

Tuy nhiên qua thực tiễn tại các địa phương cho thấy, một số tổ dịch vụ và bà con nông dân làm mạ khay chưa thực hiện đúng các bước trong quy trình kỹ thuật, nhất là quá trình phối trộn giá thể, chăm sóc mạ sau gieo... Do đó khi cấy xuống ruộng cây mạ còi cọc, chậm bén rễ, kéo dài thời gian sinh trưởng làm ảnh hưởng đến năng suất lúa. 

Để gieo mạ khay hiệu quả, cây mạ trong khay đạt tiêu chuẩn đem ra cấy, sinh trưởng và phát triển tốt, xin chia sẻ một số kinh nghiệm như sau: 

1. Chuẩn bị nguyên liệu làm giá thể 

Nguyên liệu làm giá thể cần chuẩn bị khoảng 2 - 3 tuần trước khi gieo để chủ động thời vụ và hạn chế sâu bệnh lây nhiễm. Nếu giá thể lưu trữ quá lâu thì sẽ phát sinh nấm, mốc gây hại. Ngược lại nếu chuẩn bị muộn sẽ không chủ động thời vụ gieo, giá thể khó xử lý hết sâu bệnh hại tàn dư 

Để giá thể được chuẩn bị tốt cần lưu ý các nguyên liệu: 

+ Đất: Nên chọn đất đỏ bazan, đất màu, đất phù sa có độ pH trung tính (4,5 - 5,5). Qua thực tiễn cho thấy đất đồi gò nơi mọc các cây sim, mua là loại đất thích hợp nhất cho việc gieo mạ khay. Không chọn đất có thành phần cơ giới nhẹ, đất cát pha, đất cát vì loại đất này có khả năng giữ nước, dinh dưỡng kém. Đất làm giá thể được xử lý sâu bệnh hại, sau đó nghiền nhỏ vừa phải, không nên nghiền thành bột mịn sẽ làm đất khó thoát nước, mất đi tính chất vật lý của đất. 

+ Mùn cưa hoặc trấu hun: Dùng mùn cưa của những loại gỗ không có tinh dầu (keo, mít…) hoặc rơm, rạ đã phân hủy, trấu hun để tạo độ tơi xốp trong giá thể. Không dùng mùn cưa từ cây gỗ lim, bạch đàn… chứa nhiều tinh dầu sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của bộ rễ cây mạ. Trước khi dùng mùn cưa để phối trộn vào giá thể cần tiến hành sàng lọc kỹ sau đó đánh thành đống để xử lý các chất độc hại tàn dư, sau đó trộn nguyên liệu làm giá thể. 

+ Phân bón: Dùng phân hữu cơ vi sinh hoặc phân chuồng đã ủ hoai mục cần sàng, lọc kỹ trước khi phối trộn. Vụ xuân khi thời tiết rét hạn chế bón phân đạm. 

Việc phối trộn giá thể được tiến hành khi chuẩn bị được các nguyên liệu trên. Tỷ lệ phối trộn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, đặc điểm giống lúa gieo, tập quán canh tác... Nếu vụ xuân gặp rét kéo dài thì cần bớt lượng phân đạm hoặc không phối trộn, đồng thời tăng lượng phân bón vi sinh tổng hợp chứa vi lượng để không ảnh hưởng đến cây mạ. 

Do đó trong quá trình triển khai cần điều chỉnh tỷ lệ phối trộn cho phù hợp, thông thường tỷ lệ phối trộn như sau:1m3 + 0,3 - 0,5 m3 mùn cưa kết hợp phân vi sinh hoặc phân chuồng hoai mục + 1,5 kg phân đạm + 10 kg phân lân + 1,5 kg kali. 

2. Chuẩn bị hạt giống 

Chọn các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (vụ xuân dưới 140 ngày, vụ mùa dưới 110 ngày), sinh trưởng phát triển tốt. Nên gieo các giống nằm trong cơ cấu giống của xã, huyện, tỉnh, thành phố để phù hợp với từng địa phương. 

Chuẩn bị nguyên liệu làm giá thể mạ khay 

Thực hiện tốt các nội dung trên, các tổ dịch vụ, HTXNN và bà con nông dân sẽ làm chủ được công nghệ SX mạ khay. Từng bước nhân rộng mô hình mạ khay, máy cấy để tạo tiền đề đưa cơ giới hóa đồng bộ vào SX, góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí SX nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 

Hạt giống phải đảm bảo độ thuần, mẩy và sáng hạt, sạch sâu bệnh, không lẫn tạp cơ giới, đảm bảo chất lượng theo quy định. Trước khi tiến hành gieo cần xử lý hạt giống, sau đó ngâm ủ như phương pháp thông thường. Tuy nhiên khi mầm nhú gai dứa là có thể gieo được, không nên để mầm dài quá chiều dài hạt lúa sẽ khó điều chỉnh mật độ gieo trên khay. 

3. Gieo mạ 

Yêu cầu đảm bảo mật độ đồng đều trên các khay. Sau khi gieo xong tiến hành xếp khay thành chồng (thường dao động từ 20 - 30 khay/chồng, chồng khay này cách chồng khay kia từ 15 - 20 cm để tiện theo dõi, kiểm tra). 

Vụ xuân khi thời tiết rét cần giữ ấm cho mạ bằng cách che phủ nilon hoặc chuyển vào nhà ủ chuyên biệt. Khi mạ nhú mầm dài khoảng 0,5 -1cm thì rải khay thành các băng, luống với kích thước như gieo mạ truyền thống để tiện cho việc chăm sóc sau này. 

4. Chăm sóc sau gieo 

Sau khi ủ hoạt hóa mầm, tiến hành chuyển ra khu vực chăm sóc. Giai đoạn này cần chú ý: 

- Tưới nước: Tưới để giữ độ ẩm trong khay, giúp cây mạ sinh trưởng phát triển tốt. Vụ xuân cần tưới giữ ẩm, không tưới ẩm quá sẽ làm cây mạ bị bệnh. Vụ mùa không để thiếu nước làm khay mạ bị khô sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá sinh trưởng phát triển của cây. Khi thời tiết nắng gắt cần tưới nhiều lần vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, không tưới vào buổi trưa khi cường độ nắng mạnh. 

- Chống rét cho mạ: Vụ xuân khi gặp thời tiết bất thuận, nhất là các đợt không khí lạnh kèm theo mưa ẩm, nhiệt độ xuống thấp cần chống rét cho mạ bằng cách xếp các khay mạ thành luống sau đó làm các vòm có che phủ nilon như chống rét cho mạ theo phương pháp truyền thống. 

- Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra cây mạ để phát hiện sâu bệnh và phòng trừ kịp thời (lưu ý đến bệnh khô vằn khi cây mạ đạt từ 1,5 lá trở lên). Khi mạ đạt tiêu chuẩn (mạ được 2,5 - 3 lá thật, chiều cao cây từ 10 - 20cm, cứng cây, đanh dảnh, sạch sâu bệnh) thì tiến hành đem đi cấy. Trong quá trình vận chuyển có thể cuộn khay mạ lại để dễ dàng vận chuyển. Vệ sinh sạch sẽ các khay mạ và bảo quản dùng cho vụ SX tiếp theo.

KS Trần Quang Hào/ nongnghiep.vn

Tuesday, January 27, 2015

Quản lý rầy nâu trong giai đoạn lúa đòng trổ (Video)

Hiện nay tại khu vực ĐBSCL, bà con nông dân đã xuống giống vụ lúa đông xuân 2014 - 2015  khoảng 1,5 triệu ha. Trong đó có khoảng 50% diện tích đang ở vào giai đoạn đồng trổ cho đến chín. Với các trà lúa này, theo nhận định của các nhà chuyên môn thì đây là điều kiện thuận lợi để cho các đối tượng sâu bệnh gây hại, đặc biệt là rầy nâu...


Xem video chương trình "Sức mạnh sinh học – Kỳ 39: Quản lý rầy nâu trong giai đoạn lúa đòng trổ" được thực hiện bởi THVL:

Phần 1:


Phần 2:

Saturday, January 24, 2015

Bón phân đón đòng cho cây lúa (Video)

Việc bón phân đón đòng đúng thời điểm, đúng loại phân và bảo vệ lá đòng ở giai đoạn này là rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa sau này. Tuy nhiên, thực tế thì việc bón phân đón đòng vẫn còn có những suy nghĩ và cách làm khác nhau của một số nông dân, đặc biệt là việc chọn thời điểm bón phân và liều lượng khi bón. Chia sẻ của PGS.TS Mai Thành Phụng về vấn đề này...


Xem video chương trình được thực hiện bởi VTV Cần Thơ:


Friday, January 23, 2015

Giảm hao hụt khi ương cá tra giống

Tỷ lệ hao hụt lớn khi ương cá tra, basa giống ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung giống cho thị trường và hiệu quả nghề nuôi cá. Vì vậy, người nuôi cá cần tuân thủ kỹ thuật khi ương từ cá bột lên cá hương, cá giống.

Nguyên nhân hao hụt

Theo một số người chuyên ương nuôi cá tra, basa giống thì ương nuôi từ cá bột lên cá giống bị hao hụt do:

- Mua cá bột từ các trại sản xuất có cá bố mẹ chất lượng thấp (tham gia sinh sản quá nhiều đợt, cá có hiện tượng thoái hóa, nuôi vỗ kém,..) nên chất lượng cá bột yếu.

- Mua cá bột từ trại sản xuất giống mà nguồn gốc cá bố mẹ tham gia sinh sản không được chọn lọc kỹ, không đúng theo tiêu chuẩn ngành.

- Trong quá trình ương nuôi, người nuôi lạm dụng thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh cho cá làm giảm sức đề kháng của cá, cá còi cọc, chậm lớn, chết nhiều,…

Bên cạnh đó: Vận chuyển cá bột không đúng kỹ thuật, mật độ dày; Vận chuyển cá trong thời gian cá đang bị nhiễm bệnh hoặc đang trị bệnh chưa khỏi hẳn; Trong quá trình vận chuyển làm cá bị xây xát, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh tấn công.

Việc chuẩn bị ao trước khi ương giống, cũng như thao tác thả cá không đạt yêu cầu, mật độ thả cá trong ao quá dày cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá khi ương.

Ương nuôi cá bột lên cá giống đòi hỏi người nuôi cần nắm chắc kỹ thuật - Ảnh: Lê Hoàng Vũ 

Cách khắc phục

Để nâng cao tỷ lệ sống khi ương giống cá tra, ba sa, người nuôi cá cần lưu ý:

Cải tạo ao: Tát cạn vét bùn đáy ao, lấp hang cua, ếch, chuột, lươn… Đắp lại những chỗ sạt lở, sửa lại cống bọng, dọn cỏ quanh bờ ao, để tránh địch hại trong giai đoạn đầu thả cá bột.

Lượng vôi sử dụng để rải 10 - 15 kg/100m2 ao. Sau khi rải vôi, ao phải được lắng 2 - 3 ngày.

Cấp nước và gây màu: Nước cấp vào ao phải được lọc qua túi lọc thật mịn để tránh trứng, cá tạp, giáp xác,… Nếu có điều kiện cần phải lắng qua ao trữ 5 - 7 ngày, sau đó mới cấp vào ao.

Sau khi cấp nước phải gây màu nước để tạo thức ăn tự nhiên trong giai đoạn đầu cho cá bột.

Cụ thể: Ao có diện tích 1.000 m2: bón vào 2 kg bột cá mịn 40% đạm + 2 kg bột đậu nành để cung cấp thức ăn tự nhiên cho cá. Trước khi thả cá cần kiểm tra lại các yếu tố môi trường nước ao ương, sao cho đảm bảo pH 7 - 8; nhiệt độ 28 - 30 độ C; ôxy > 3mg/l.

Mật độ thả giống: Mật độ 500 con/m2; Thời gian thả cá bột vào ao nuôi tốt nhất là sáng sớm và chiều mát.

Chăm sóc và cho ăn

7 ngày đầu

Số lượng cho cá ăn (1 triệu con cá bột) trong một lần gồm:

- Bột đậu nành 300 g.

- Bột sữa 300 g.

- Cho cá ăn 5 lần/ngày, vào lúc 7h, 10h, 14h, 17h, 20h.

- Cách cho ăn: hoà tan hỗn hợp trên vào nước rồi tạt đều khắp mặt ao.

7 ngày tiếp theo

- Cho cá ăn 5 lần/ngày vào lúc 7h, 10h, 14h, 17h, 20h. Thức ăn sử dụng là bột thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 40% trở lên.

Liều lượng 0,5kg/lần ăn (x 5 lần/ngày = 2,5 kg/1 triệu con cá bột/ngày).

- Mỗi ngày tăng lượng thức ăn thêm 20%. (Tuỳ mức độ ăn của cá mà điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp).

- Cách cho ăn: hoà tan hỗn hợp trên với nước rồi tạt đều khắp ao ương.

Ngày thứ 15 đến 20

- Sử dụng thức ăn công nghiệp, có hàm lượng đạm 35 - 40%.

- Cho ăn 4 lần/ngày (8 h, 13 h, 14 h, 17 h).

- Tập cho cá gom cầu và định lượng lại thức ăn cho hợp lý.

Ngày thứ 21 trở đi

- Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi có hàm lượng đạm 30 - 35% và có kích cỡ vừa miệng cá.

- Số lần cho ăn 3 lần/ngày, cho cá ăn phải đủ lượng và chất.

- Cuối tuần thứ tư, bắt đầu lọc cá để san thưa, giữ mật độ 150 - 200 con/m2.

Bên cạnh đó, cần tăng cường Vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá, định kỳ dùng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường.

Phòng và trị bệnh

Bổ sung Vitamin C với liều lượng 0,5 - 1 g/1 kg thức ăn; 2 lần/tuần, để tăng sức đề kháng cho cá; Trộn thêm men vi sinh để giúp cá tiêu hóa tốt thức ăn và phòng một số bệnh về hệ tiêu hóa; Sử dụng kháng sinh phòng bệnh phải tuân thủ quy định của cơ quan chức năng về thuốc thú y thủy sản.

Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường ao ương: pH, nhiệt độ, dịch bệnh (bệnh do môi trường, ký sinh trùng,…) để có biện pháp xử lý kịp thời. 

Trọng Nam/ Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Những vấn đề cần lưu ý khi nuôi cá hô

Cá hô (Catlocarpio siamensis) là một loài cá quý trên sông MeKong và là một đặc sản của ĐBSCL. Cá hô có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên để nuôi được loài cá này cũng không phải chuyện dễ.

Cá quý hiếm

Thời gian gần đây, ngư dân ở ĐBSCL liên tục bắt được cá hô có trọng lượng lớn, bán được giá cao. Cá hô được đánh bắt chủ yếu trên các con sông, tập trung nhiều nhất ở ngã ba sông Vàm Nao (đoạn chảy qua tỉnh An Giang). Nghề khai thác cá hô phát triển khá sớm, giá trị của cá hô cao nên cá hô tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Những con cá hô bắt được trong thời gian qua dần trở thành chuyện hiếm.

Để góp phần bảo vệ loài cá quý, đồng thời phát triển nghề nuôi cá hô, ngay từ năm 2005, nước ta đã cho sinh sản nhân tạo thành công loài cá quý này. Nhờ chủ động được nguồn giống nên nghề nuôi cá hô phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Cá hô có thể nuôi đơn trong ao, lồng bè, đăng quầng. Vì vậy, đây là loài cá có tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là ở ĐBSCL và Nam bộ nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp cho cá phát triển.


Kỹ thuật cần lưu ý

Nhiều người nuôi cá thắc mắc, cá hô có giá trị như vậy có thể nuôi ở miền Bắc được không? Theo TS. Phạm Văn Khánh - Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ cho biết: Ở Nam bộ do khí hậu nóng quanh năm, lại là nơi xuất xứ của cá hô nên việc nuôi cá hô là thích hợp. Các địa phương khác như ở miền Bắc nếu nuôi cá hô thì gặp trở ngại vào mùa lạnh, nhiệt độ xuống thấp, cá không chịu đựng được sẽ chết vì quá lạnh. Muốn lưu giữ cá qua mùa đông, cũng như kinh nghiệm lưu giữ qua đông các loài cá khác như cá rô phi, cá lóc, cá tra, cần phải có ao thật sâu, phủ bèo tây (lục bình) gần kín mặt ao nhằm giữ cho nhiệt độ nước ao không xuống quá thấp thì cá mới không bị chết vì rét.

Một số người cũng mua cá hô về thả trong bể kính như nuôi cá cảnh. Tuy nhiên, vì còn mang tính hoang dã, nên chúng hay chạy hoảng đâm đầu vào bể kính bị xây xát đầu và mõm làm cho cá xấu đi. Do đó, muốn nuôi cá hô trong các hồ xi măng hay bể kính, phải tạo nhiều hang hốc cho cá trú ẩn.

Riêng đối với kỹ thuật nuôi, tùy thuộc vào hình thức nuôi là nuôi đơn hay nuôi đăng quầng mà áp dụng những kỹ thuật nuôi phù hợp. Tiến sĩ Khánh chia sẻ: Nếu nuôi đơn, tức là chỉ nuôi chủ yếu cá hô trong ao, không ghép chung với các loài cá khác có cùng chung tập tính bắt mồi và ăn chung cùng một loại thức ăn như nhau. Chỉ có thả ghép thêm với số lượng nhỏ một vài loài cá ăn thức ăn phù du sinh vật như mè trắng, mè hoa, cá sặc rằn... để tận dụng thức ăn tự nhiên trong ao, vì những loài cá này không giành ăn thức ăn của cá hô.

Ao nuôi cá hô có diện tích càng lớn càng thuận lợi cho tăng trưởng của cá; diện tích tối thiểu để làm ao nuôi từ 1.000 m2 trở lên, độ sâu ao từ 1,5 m trở lên. Quanh ao thoáng đãng, không bị tán cây che rợp. Ao nuôi bố trí ở khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt,…

Mùa vụ thả nuôi: cá hô là loài cá của vùng nhiệt đới, nhiệt độ nóng, vì vậy ở miền Nam có thể thả nuôi quanh năm do khí hậu ấm áp. Miền Bắc do có khí hậu lạnh nên nếu nuôi cá hô phải tính toán đến việc lưu giữ cá qua mùa đông giá lạnh và việc này phải kéo dài trong nhiều năm là làm nhà trú đông cho cá.

Xây dựng nhà trú đông cho cá bằng cách làm khung nhà trên mặt ao nuôi cá với các vật liệu chắc như khung sắt hoặc bằng cây tre. Mái lợp bằng vải bạt nylon trong suốt để hấp thu nhiệt. Bố trí sục khí trong ao khi có mái che kín để đảm bảo đủ ôxy hòa tan cho cá.

Mật độ thả nuôi: chỉ thả cá hô với mật độ thưa 0,05 - 0,1 con/m2, thả ghép thêm cá mè trắng, mè hoa, sặc rằn với tỷ lệ 20% tổng số lượng cá thả trong ao (số lượng cá hô chiếm 80%).

Cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp, quản lý chất lượng nước ở ngưỡng thích hợp cho cá phát triển tốt. 

Quốc Minh/ Tạp chí thủy sản Việt Nam

Tuesday, January 20, 2015

Giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất dưa leo (Video)

Hiện nay, việc sản xuất rau màu nói chung và dưa leo nói riêng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Ngoài sự bấp bênh về giá cả thị trường, vấn đề thiệt hại năng suất và sâu bệnh hại trong suốt mùa vụ là điều làm người nông dân lo lắng nhất...


Xem video chương trình "Khoa học nông nghiệp: Giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất dưa leo" được thực hiện bởi THVL: