Tuesday, December 30, 2014

Hiện tượng trắng lá lúa giai đoạn mạ (Video)

Vụ đông xuân được xem là vụ mùa chính, vụ ăn chắc của người trồng lúa, vì thế mọi tác động gây hại lên cây lúa đều làm cho bà con nông dân hết sức lo lắng. Hiện nay, bên cạnh những loại sâu bệnh hại lúa thường thấy, bà con nông dân ĐBSCL còn mang thêm 1 nỗi lo khác đó là hiện tượng lá lúa trắng trong giai đoạn mạ...


Xem video chương trình "Khoa học nông nghiệp: Hiện tượng trắng lá lúa giai đoạn mạ" được thực hiện bởi THVL:


Friday, December 26, 2014

Hướng dẫn kỹ thuật ấp nở gà Sao

1. Bảo quản trứng giống

Bảo quản trứng ấp trong điều kiện nhiệt độ 18 - 200C và độ ẩm tương đối 70% là thích hợp nhất. Không dự trữ trứng ấp lâu hơn 4-5 ngày, nếu để lâu khả năng ấp nỡ sẽ kém. Trong thời gian bảo quản ngày thứ 5-7, mỗi ngày tỉ lệ nở giảm đi 1%, đến ngày thứ 8-14, tỉ lệ nở đó sẽ là 2-3%

2. Ấp trứng

Thời gian ấp bình thường là 26,3 ngày. Thời gian ấp trước phụ thuộc vào kế hoạch dự định cho nở gà con và tuổi đàn bố mẹ. Nếu như trứng đượpc đưa vào ấp cùng một lần thì thời gian ấp trước của trứng từ đàn bố mẹ trẻ hơn 35 tuần tuổi hoặc già hơn 55 tuần tuổi sẽ kéo dài thêm 4 giờ so với trứng từ đàn bố mẹ 35-55 tuần tuổi, tuổi trung bình của các đàn. Nếu bảo quản trứng gà quá 7 ngày ta cùng kéo dài thời gian ấp trước. Tiến hành ấp trước ở nhiệt độ (... ....) Và độ ẩm (........) tương đối trong thời gian 23 ngày.

Ảnh minh họa

Lúc chuyển trứng từ máy ấp trước sang máy nở cần phải soi trứng để loại bỏ trứng không phôi và chết phôi để sử dụng tối đa công suất của máy nở. Trong giai đoạn tại máy nở, dùng quạt thông gió gián đoạn sẽ làm tăng kết quả ấp nở mức CO2 tăng lên. Có nghĩa là, dùng quạt thông hơi 2 phút lại dừng 1 phút 45 giây.

3. Mở lổ thông khí ở máy ấp nở

Trong một số loại máy ấp hiện đại, ngoài cách cửa lớn và quạt lớn ra còn có một cửa nhỏ được làm bằng lá sắt nằm nghiêng. Lá sắt này có thể điều chỉnh được như thể cái rèm vậy. Nó được điều chỉnh tự động bằng chương trình có sẵn trong hệ thống điều khiển của máy ấp. Đối với quy trình ấp trứng của trứng gà sao, lá sắt này được điều chỉnh tự động hóa: 2 phút đóng, 1,45 phút ở chế độ thông gió gián đoạn (xem bảng sau).

Trong chế độ thông gió liên tục, độ mở của lá sắt là 1,5. Tất cả các thao tác này được cung tự động hóa nhờ chương trình. Đây là một kỹ thuật đặc biệt nhằm giảm CO2.

Trong điều kiện không có loại máy ấp này thì cần phải ấp liên tục đến 28 ngày.

Các tiêu chuẩn kỹ thuật của máy nở như sau:

Đưa trứng vào máy nở Ngày thứ.......Độ mở ..... Mở lổ thông khí Thông hơi

24 .......... ........ 1,5 .... Liên tục

24,5 ......... ...... 1,5 .....Liên tục

24,5 – 25 ........ 1,0 .....Gián đoạn

25 – 26 ............1,0 .....Gián đoạn

Trước khi nở vài giờ ........ 1,5 ....... Liên tục

Gà sao là giống gà khác với gà thường. Thời gian ấp: 26 ngày. Tuy nhiên vài ngày sau đó, tức ngày 27, 28 gà vẫn tiếp tục nở. cho nên sau ngày 26 mà vẫn còn trứng chưa nở thì chưa vội loại đi. (Đây là một đặt điểm của giống gà hoang dã. gà sao mang nhiều đặc tính của giống gà rừng, kể cả chất lượng thịt.)

4. Cắt Cánh

Sau khi nở cần cắt cánh gà sao lúc 1 ngày tuổi. Dùng một sợi dây nung đỏ để cắt và chì cần cắt 1 cánh tại khớp xương thứ nhất. Chú ý thao tác cắt cánh phải thật chính xác và làm nguội chổ cắt.

Trong điều kiện chăn nuôi lớn, người ta cắt cánh bằng một loại máy đặc biệt. trong máy có một sợi dây bằng đồng, khi nung đỏ nó sẽ "cắt" cánh và làm cho vết thương mau lành.

Trong điều kiện nuôi thả vườn thì có thể không cần cắt cánh. Tuy nhiên chuồng trại phải có lưới phủ bên trên, nếu không khi lớn nó sẽ bay ra.

5. Chương trình chiếu sáng.

Trong vòng 3 ngày đầu úm gà, việc bổ sung ánh sáng tự nhiên là cực kỳ qquan trọng nhằm để cho gà tìm thấy khay thức ăn, máng nước uống. vì vậy, phải bảo đảm ánh sáng có cường độ tối thiểu là 30 lux và chiếu sáng 24 giờ trong ngày. Đến ngày 4 – 7 cần chiếu sang 20 giờ/ngày và đến cuối tuần đầu chỉ cần chiếu sang 16 giờ/ ngày. Đến cuối tuần thứ 2 thì chương trình chiếu sáng cho gà trống, máy bắt đầu khác nhau. (bảng trên).

Trong thời gian úm gà, cần sử dụng ánh sáng nhân tạo để bổ sung ánh sáng tự nhiên. Điều quan trọng và phải phân bố điều ánh sáng trong chuồng gà. Thông thường chỉ sử dụng bong đèn tròn, mặc dù chiếu sang đều nhưng tốn điện. sử dụng đèn cao áp rất có hiệu quả, đặc biệt ở những chuồng có tầng cao, cường độ chiếu sáng lớn gấp 10 lần bóng đèn tròn, nhưng chi phí rất cao. Trên bóng đèn cao áp cần có giá phản quang để tăng cường độ chiếu sang và tiết kiệm năng lượng. Thỉnh thoảng lại phải lao chùi bóng đèn và giá phản quang để có công sức chiếu sáng tối đa.

Nguồn: Sở NN & PTNT Lâm Đồng

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà Sao

Những năm gần đây vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt tỉnh Tiền Giang rộ lên phong trào nuôi gà Sao, có nhiều trang trại nuôi với qui mô vài chục ngàn con. Bởi giống gà này có chi phí tương đối thấp, nhẹ vốn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp bà con xoá nghèo và làm giàu.

Ảnh minh họa

Gà Sao bắt nguồn từ gà rừng, theo cách phân loại gà sao thuộc lớp Aves, bộ Gallformes, họ Phasiani, giống Numidiae, loài Helmeted.

I. Đặc điểm sinh học

1. Đặc điểm ngoại hình

Cả 3 dòng gà Sao đều có ngoại hình đồng nhất. Ở 1 ngày tuổi gà Sao có bộ lông màu cánh sẻ, có những đường kẻ sọc chạy dài từ đầu đến cuối thân. Mỏ và chân màu hồng, chân có 4 ngón và có hai hàng vẩy. Giai đoạn trưởng thành gà Sao có bộ lông màu xám đen, trên phiến lông điểm nhiều những nốt chấm trắng tròn nhỏ. Thân hình thoi, lưng hơi gù, đuôi cúp. Đầu không có mào mà thay vào đó là mấu sừng, mấu sừng này tăng sinh qua các tuần tuổi, ở giai đoạn trưởng thành, mấu sừng cao khoảng 1,5-2cm.

Mào tích của gà Sao màu trắng hồng và có 2 loại: một loại hình lá dẹt áp sát vào cổ, còn một loại hình lá hoa đá rủ xuống. Da mặt và cổ gà Sao không có lông, lớp da trần này có màu xanh da trời, dưới cổ có yếm thịt mỏng. Chân khô, đặc biệt con trống không có cựa.

2. Phân biệt trống mái

Việc phân biệt trống mái đối với gà Sao rất khó khăn. Ở 1 ngày tuổi phân biệt trống mái qua lỗ huyệt không chính xác như các giống gà bình thường.

Đến giai đoạn trưởng thành con trống và con mái cũng hoàn toàn giống nhau.

Tuy nhiên, người ta cũng phân biệt được giới tính của gà Sao căn cứ vào sự khác nhau trong tiếng kêu của từng cá thể. Con mái kêu 2 tiếng còn con trống kêu 1 tiếng, nhưng khi hoảng loạn hay vì một lý do nào đó thì cả con trống và con mái đều kêu 1 tiếng nhưng không bao giờ con trống kêu được 2 tiếng như con mái. Ta có thể nghe thấy tiếng kêu của gà khi được 6 tuần tuổi. Ngoài ra sự phân biệt trống mái còn căn cứ mũ sừng, mào tích, nhưng để chính xác khi chọn giống người ta phân biệt qua lỗ huyệt khi gà đến giai đoạn trưởng thành.

3. Tập tính của gà sao

- Trong hoang dã gà Sao tìm kiếm thức ăn trên mặt đất, chủ yếu là côn trùng và những mẩu thực vật. Thông thường chúng di chuyển theo đàn khoảng 20 con. Về mùa đông, chúng sống từng đôi trống mái trong tổ trước khi nhập đàn vào những tháng ấm năm sau. Gà Sao mái có thể đẻ 20-30 trứng và làm ổ đẻ trên mặt đất, sau đó tự ấp trứng. Gà Sao mái nuôi con không giỏi và thường bỏ lạc đàn con khi dẫn con đi vào những đám cỏ cao. Vì vậy trong tự nhiên, gà Sao mẹ thường đánh mất 75% đàn con của nó.

- Trong chăn nuôi tập trung, gà Sao vẫn còn giữ lại một số bản năng hoang dã. Chúng nhút nhát, dễ sợ hãi, hay cảnh giác và bay giỏi như chim, khi bay luôn phát ra tiếng kêu khác biệt. Chúng sống ồn ào và hiếm khi ngừng tiếng kêu.

- Gà Sao có tính bầy đàn cao và rất nhạy cảm với những tiếng động như: mưa, gió, sấm, chớp, tiếng cành cây gãy, tiếng rơi vỡ của đồ vật. Đặc biệt gà Sao khi còn nhỏ rất sợ bóng tối, những lúc mất điện chúng thường chồng đống lên nhau đến khi có điện gà mới trở lại hoạt động bình thường. Vì vậy cần hết sức chú ý khi nuôi gà Sao để tránh stress có thể xảy ra.Gà Sao thuộc loài ưa hoạt động, ban ngày hầu như chúng không ngủ, trừ giai đoạn gà con. Ban đêm, chúng ngủ thành từng bầy.

4. Hiện tượng mổ cắn

Do quá linh hoạt mà gà Sao rất ít mổ cắn nhau. Tuy nhiên chúng lại rất thích mổ những vật lạ. Những sợi dây tải, hay những chiếc que nhỏ trong chuồng, thậm chí cả nền chuồng, tường chuồng. Do vậy thường làm tổn thương đến niêm mạc miệng của chúng, vì vậy trong chuồng ta không nên để bất cứ vật gì ngoài máng ăn, máng uống, nền, tường chuồng phải làm chắc chắn.

5. Tập tính tắm, bay và kêu

Gà Sao bay giỏi như chim. Chúng biết bay từ sáng sớm, 2 tuần tuổi gà Sao đã có thể bay. Chúng có thể bay lên cao cách mặt đất từ 6-12m. Chúng bay rất khoẻ nhất là khi hoảng loạn. Gà Sao cũng có nhu cầu tắm nắng, gà thường tập trung tắm nắng vào lúc 9-11h sáng và 3-4 giờ chiều. Khi tắm nắng gà thường bới một hố cát thật sâu rồi rúc mình xuống hố, cọ lông vào cát và nằm phơi dưới nắng.

6.Tập tính sinh dục

Các giống gà khác khi giao phối thường bắt đầu bằng hành vi ghẹ gà mái của con trống, đó chính là sự khoe mẽ. Ngoài ra, chúng còn thể hiện sức mạnh thông qua tiếng gáy dài nhưng ở gà Sao lại không như vậy, chúng không bộc lộ tập tính sinh dục rõ ràng ngay cả người chăn nuôi hàng ngày cũng khó phát hiện thấy. Gà Sao mái thì đẻ trứng tập trung, khi đẻ trứng xong không cục tác mà lặng lẽ đi ra khỏi ổ.

II. Kỹ thuật nuôi gà Sao

1. Đưa đàn gà mới nở về nuôi:

- Nuôi đàn gà Sao bố mẹ từ 1 ngày tuổi đến khi 5% tổng đàn đẻ là giai đoạn quan trọng nhất để nâng cao khả năng sản xuất trứng sau này.

- Phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi gà giống để đảm bảo cho đàn gà khoẻ mạnh và sinh trưởng đồng đều.

- Cần phải nuôi gà trống trong chuồng riêng biệt với chuồng gà mái.

- Cần xác định trước số lượng gà sẽ úm để chuẩn bị đủ diện tích chuồng, đủ máng ăn, máng uống.

- Trong trường hợp sưởi nhân tạo thì phải làm vòng quây gà con có đường kính 3 - 4 m, cao 0,5 m.

- Phải điều chỉnh thiết bị sưởi sao cho nhiệt độ ổ gà đạt 29-30 độ C. Mùa đông có thể sưởi ấm chuồng 48 giờ, mùa hè 24 giờ trước khi đàn gà đến.

- Cần kiểm tra hệ thống van nước uống trong chuồng, có thể sử lý bằng clo. Trước khi đàn gà đến cần đổ nước ống có nhiệt độ 25 độ C vào máng uống

- Khi đặt gà vào chuồng cho gà uống nước và sau 1 - 2 giờ mới bắt đầu cho ăn, không được làm đàn gà xáo trộn, đè bẹp lẫn nhau, phải làm cho chúng quen với môi trường mới và phát hiện thấy máng ăn, uống. Trong 10 ngày đầu, cần đảm bảo mỗi khay máng ăn nhựa cho 100 con gà con. Trong vòng 1 - 2 giờ sau khi chuyển gà vào chuồng.

- Khi đàn gà được 8 - 10 tuần tuổi, cần lắp đặt cầu cho gà đậu ở trong chuồng. Mỗi cái cầu dài 1 m dành cho 15 con đậu.

* Những lưu ý về sưởi ấm và thông hơi

- Ngày đầu sau khi đưa gà đến, cần đảm bảo nhiệt độ trong vòng quây gà úm là 38 độ C, trong chuồng là 28 độ C.

- Nhu cầu nhiệt độ thay đổi theo lứa tuổi của gà. Số lượng gà con đặt dưới chụp sưởi truyền thống tối đa là 500 con, nếu dùng chụp sưởi tia bức xạ thì nhốt được 1.000 con. Cứ 4 ngày một lần giảm nhiệt độ thấp xuống 20 độ C.

Giai đoạn 14 - 21 ngày tuổi, gà con bắt đầu phân tán khắp chuồng, cho nên việc quan tâm điều chỉnh đều nhiệt độ điều chỉnh trong chuồng là rất cần thiết, có thể bỏ dần số chụp sưởi đi. Trong những ngày đầu, nếu không đủ nhiệt, gà con bị ỉa chảy, yếu, chậm lớn và dễ bị chết vì lạnh. Nếu đủ nhiệt, gà con nằm tản đều dưới vùng sưởi ấm. Nếu quá nóng, gà nằm xoài úp bụng trên nền chuồng, cố nghển cổ, thò đầu ra hoặc chúng cố tìm chỗ mát hơn như dọc tường để nằm. Gà kém ăn, chậm lớn, còi cọc, chết nhiều.

2. Cho gà uống nước và kỹ thuật xử lý nước uống

* Chất lượng nước uống

Phải đảm bảo thường xuyên có nước uống có chất lượng tốt cho gà Sao. Đặc biệt, trong nước uống phải an toàn về vi khuẩn Salmonella.

* Cho gà uống nước:

Nước là chất dinh dưỡng quan trọng nhất, chúng ta phải đảm bảo đầy đủ cho chúng vì nước chiếm 70% khối lượng cơ thể. Nước uống hạn chế sẽ làm giảm khả năng hấp thụ thức ăn và sinh trưởng của chúng. Nếu trời nóng, không đủ nước uống gà có thể bị chết. Cần khử trùng nước uống bằng clo hoặc iốt.

Cần sử dụng đồng hồ đo nước uống hàng ngày của đàn gà để xác định khả năng tiêu thụ nước của chúng. Việc điều chỉnh độ cao của van nước uống là cực kỳ quan trọng. Trong 2 ngày đầu, máng nước để cao ngay tầm mắt của gà, đến ngày thứ 3 nâng van nước lên để gà ngẩng lên uống nước với góc 450. Đến ngày thứ 4 gà phải nghển cổ lên mới uống được. Đến ngày thứ 7 cần sử dụng van nước tự động và đặt ở tầm cao ngang lưng. Sau đó điều chỉnh van nước cao lên, đảm bảo gà hạn chế không làm bắn nước ra ngoài. Máng nước hở phải có mực nước cao tối đa 2 cm hàng ngày cần tháo nước rửa sạch.

3. Giảm streess trong nuôi dưỡng gà

Nguyên tắc cơ bản của việc nuôi dưỡng gà mái Sao là chương trình chờ hạn chế, nhằm mục đích để đàn gà mái phát triển đều. Để kiểm tra chỉ tiêu này, cứ 2 tuần một lần phân ngẫu nhiên khoảng 100 con để cân mẫu. Tuỳ thuộc vào thể trọng của đàn gà để điều chỉnh khẩu phần ăn hàng tuần cho phù hợp.

4. Chương trình chiếu sáng

Trong vòng 3 ngày đầu úm gà, việc bổ sung ánh sáng tự nhiên là cực kỳ quan trọng nhằm để cho gà con tìm thấy khay thức ăn, máng nước uống. Vì vậy phải bảo đảm ánh sáng có cường độ tối thiểu là 30 lux và chiếu sáng 24 giờ trong ngày. Từ ngày thứ 4 đến ngày 7 cần chiếu sáng 20 giờ/ngày và đến cuối tuần chỉ cần chiếu sáng 16 giờ/ngày. Đến cuối tuần thứ 2 thì chương trình chiếu sáng cho gà trống, mái bắt đầu khác nhau.

5. Chuẩn bị đàn gà giống sinh sản:

Đàn gà Sao được 25 tuần tuổi thì được chuyển sang các lồng chuồng đẻ trứng. Nếu áp dụng biện pháp nuôi dưỡng và chương trình chiếu sáng phù hợp thì gà sẽ đẻ trứng từ tuần tuổi thứ 28 50% tổng đàn sẽ đẻ vào lúc 31 - 32 tuần tuổi.

Đàn gà đẻ ở mức tột đỉnh thường vào tuần tuổi thứ 35. Số gà đẻ nhốt trong một lồng chuồng phụ thuộc vào kích thước của lồng. Cần đảm bảo vị trí nuôi nhốt cho một con gà Sao ở ngăn lồng có mặt trước tối thiểu là 12,5 cm.

Nhiệt độ trong chuồng phù hợp cho gà mái đẻ trứng và gà trống sản xuất tinh trùng là 20 độ C.

Trong giai đoạn sinh sản, nếu nhiệt độ trong chuồng là 12 độ C, cần cho gà ăn thức ăn chứa 2.700 - 2.750 kcal17% prôtêin thô.

Điều cực kỳ quan trọng là: Trước khi đẻ trứng không được cho gà mái ăn quá nhiều. Trước khi đẻ trứng, nếu gà béo quá, thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến năng suất trứng và sức sống của chúng. Sau khi gà đẻ trứng ở mức cao điểm, cần giảm khẩu phần ăn kiểm tra mức tăng trọng hàng tuần của gà, trong cùng một ngày và cùng một thời điểm, chọn ngẫu nhiên khoảng 100 con gà để cân cá thể và điều chỉnh khẩu phần ăn khi cần thiết. Khẩu phần ăn cần thiết phụ thuộc vào thể trọng, nhiệt độ chuồng nuôi.

Nguồn: Sở NN & PTNT Lâm Đồng

Thursday, December 25, 2014

Nuôi giữ cá qua đông

Để đảm bảo cá giống, cá thịt qua vụ đông, người nuôi cá cần nắm vững kỹ thuật nuôi cá qua đông để giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả.

Tầm quan trọng

Đối với người nuôi cá, cá giống là yếu tố quan trọng trong sản xuất, nhất là tại các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bởi không khí lạnh và mùa đông kéo dài. Mùa đông đến, nhiệt độ xuống thấp, thậm chí một số tỉnh vùng núi phía Bắc nhiệt độ xuống 00C gây khó khăn cho việc lưu giữ cá giống cho vụ nuôi năm sau.

Nhiệt độ thấp cũng ảnh hưởng đến khả năng thành thục và sinh sản của cá bố mẹ. Vì vậy, miền Bắc thường sản xuất giống muộn, ảnh hưởng không nhỏ đến thời vụ nuôi. Do vậy, việc lưu giữ được cá giống cho vụ sau là điều rất cần thiết.

Ngoài ra, sử dụng cá giống lưu qua đông sẽ tăng được thời gian nuôi cá, thu hoạch sớm hơn và cá bán được giá tốt hơn.

Lưu ý

Chuẩn bị ao nuôi

Đối với ao cá giống và cá thương phẩm thì cần tránh dùng những ao bị ảnh hưởng trực tiếp hướng gió đông bắc.

Ao có bờ chắc chắn, không rò rỉ. Độ sâu mực nước 1,5 - 2 m, nguồn nước cấp vào ao phải sạch, không bị ô nhiễm.

Cải tạo ao: Trước mùa đông thường thu hoạch hết cá giống, cá thịt phân loại để lưu giữ và nuôi qua đông. Sau khi thu hoạch cần tát cạn nước ao, vét bớt bùn đáy, chỉ để lại một lớp bùn sâu 15 - 20 cm. Tu sửa bờ ao, cống. Xử lý ao bằng vôi bột, liều lượng 8 - 10 kg /100 m2 ao. Sau đó, cấp nước vào ao từ 1,8 - 2,2 m.

Thả cá: Sau khi cải tạo ao xong, gây màu tạo nguồn thức ăn là động thực vật phù du đối với ao nuôi cá giống. Trước khi thả cá giống cần phân loại, đong đếm để tiện cho việc chăm sóc và quản lý sau này.

Với cá nuôi thương phẩm cũng phân loại kích cỡ, số lượng để tiện chăm sóc. Thả cá vào những ngày thời tiết nắng ấm.


Chăm sóc quản lý

Thời điểm trước khi đưa cá vào lưu giữ cần tăng cường dinh dưỡng cho cá để cá béo khỏe, có sức đề kháng với bệnh tật và có khả năng chịu đựng được thời tiết lạnh giá. Cho cá ăn đầy đủ thức ăn đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Đối với cá giống và cá thương phẩm trong thời gian lưu giữ, vẫn cho cá ăn vào lúc thời tiết ấm, 9 - 10 giờ sáng hoặc 14h chiều.

Lượng thức ăn bằng 1 - 1,5% trọng lượng cá trong ao. Thức ăn cần đảm bảo có hàm lượng đạm 18 - 22%. Có thể cho ăn bằng thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự phối chế với thành phần: bột cá 10% + bột đậu tương 20% + bột cám gạo 70%. Đối với cá trắm cỏ cho ăn thêm thức ăn xanh với lượng 20 - 25 kg/100 kg cá/ngày.

Khi cho ăn cần đảm bảo nghiêm túc yêu cầu 4 định: định chất lượng, số lượng, thời gian, địa điểm. Bổ sung thuốc, chất dinh dưỡng vào thức ăn để phòng các bệnh và tăng khả năng chống rét cho cá như tỏi, Vitamin C.

Khi nhiệt độ nước thấp, cá dễ bị mắc bệnh nấm thủy mi. Vì vậy, khi nuôi cá trong ao nên hạn chế đánh bắt, giữ mực nước ổn định 1,5 - 2 m.

Chú ý: Không dùng phân hữu cơ bón trực tiếp xuống ao để tránh các mầm bệnh phát triển gây bệnh cho cá nuôi. Định kỳ, hàng tháng xử lý môi trường ao nuôi khoảng 2 lần, bằng vôi bột hòa nước té đều khắp ao với lượng 2 - 3 kg/100 mnước. Hằng ngày kiểm tra hoạt động của cá, khả năng sử dụng thức ăn, môi trường ao nuôi và tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trong thời gian trú đông không nên đánh bắt, tránh cá giống bị xây xát - Ảnh: Huy Hùng 

Kỹ thuật chống rét

Đối với cá giống: Khi thời tiết lạnh giá kéo dài nhiệt độ nước xuống dưới 8 -140C nên dừng cho cá ăn, chủ động nâng cao mực nước từ 1,5 - 2 m. Có thể thả bèo tây, rau muống phủ kín 1/3 (hoặc 2/3) diện tích mặt ao. Dùng rơm, rạ cuộn thành từng bó cho xuống các góc ao để cá trú rét. Với ao nhỏ có thể dùng nylon phủ trên ao, tạo thành ngôi nhà chống rét cho cá giống.

Vào thời điểm nhiệt độ trên 180C, tập trung cho cá ăn thức ăn tinh giàu đạm để tăng cường khả năng chịu rét cho cá. Trong suốt thời gian trú đông không được dùng lưới kéo cá để kiểm tra, đánh bắt tránh cá bị xây xát dẫn đến nhiễm bệnh và chết. Sau khi hết rét, cần cho cá ăn tích cực đảm bảo đủ chất lượng, số lượng để cá sinh trưởng và phát triển tốt.

Đối với cá thịt: Sau khi tiến hành thu hoạch, cần tuyển chọn lại cá (cá chim trắng, rô phi, trắm cỏ…) chưa đủ cỡ thu hoạch để tiến hành chống rét và nuôi lớn tiếp để bán vào thời điểm sau tết âm lịch hoặc đầu năm.

Cần chọn ao có diện tích khoảng 300 - 1.000 m2, độ sâu 1,2 - 1,5 m, kín gió. Sau khi thả cá vào, tiếp tục cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, thức ăn tinh vào những ngày ấm để cá tăng khả năng chịu rét. Dùng sọt đựng rơm thả xuống đáy ao để cá chui vào trú đông. Trên mặt ao thả bèo kín 1/2 ao về phía bắc, nếu có điều kiện có thể dùng nilon phủ kín mặt ao.

Tăng cường bổ sung dinh dưỡng, thức ăn có độ đạm cao để giúp cá chống rét tốt hơn.

Phòng và trị một số loại bệnh

Bệnh ngoại kí sinh: Cá bị bệnh, màu sắc cá trở nên nhạt, cá thích tập trung ở nơi có đường nước chảy vào. Bệnh xuất hiện khi mật độ nuôi dầy, điều kiện vệ sinh kém, mưa kéo dài thời tiết lạnh.

Phòng, trị bệnh: Thả nuôi mật độ vừa phải, tránh để ao bị ô nhiễm, dùng formol tạt đều khắp ao với nồng độ 20 - 25 ml/m3

Bệnh đốm đỏ: Thân và vùng bụng bị xuất huyết, vảy dựng lên, các gốc vây xuất huyết và ứ nước vàng. Bụng cá trương to chứa dịch và đỏ bầm, cá bơi lội lờ đờ chậm chạm, ít ăn hoặc bỏ ăn.

Phòng bệnh: Không nuôi mật độ quá dày, cho ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng, môi trường ao nuôi luôn giữ ổn định và sạch sẽ. Định kỳ 15 ngày tạt vôi bột CaCO3 với lượng 3 kg/1.000 m3 (vôi hoà tan trong nước tạt đều khắp ao).

Trị bệnh: Sử dụng kháng sinh Neomycine 4g/100 kg cá bệnh và Vitamin C, liều lượng 3g/100 kg cá bệnh, thuốc được trộn vào thức ăn, cho ăn liên tục 5 - 7 ngày.

Bệnh nấm thủy mi: Khi nấm mới ký sinh, mắt thường khó nhìn thấy, phần cuối của sợi nấm đâm sâu vào thịt cá, phần đầu của sợi nấm lơ lửng trong nước. Khi bệnh phát triển nhiều xuất hiện những đám bông màu trắng, gây cho cá ngứa ngáy, cá thường tập trung ở những nơi có nước chảy.

Phòng bệnh: Luôn giữ môi trường sống thuận lợi cho cá, nhất là vào những lúc trời lạnh, không để cá suy dinh dưỡng (thiếu ăn), không nuôi mật độ quá dày hoặc làm cá xây xát.

Trị bệnh: Dùng thuốc tím (KMnO4) tạt đều xuống ao liều 3 - 5 g/m3 nước, hoặc dùng muối ăn tắm cho cá trong 15 phút.

Chú ý: Đối với một số vật nuôi khác như lươn, ếch cũng cần phải có biện pháp chống rét: Che kín bể nuôi bằng bạt nilon, lá dừa… Mặt ao, bể nuôi thả bèo tây chiếm 2/3 diện tích về phía hướng gió. Dùng lá dừa khô tạo thành những ụ ở những chỗ ếch thường nằm để ếch vào tránh rét. Lươn, ếch phải được chăm sóc kỹ, cho ăn bình thường, bổ sung thêm Vitamin C vào khẩu phần ăn giúp ếch tăng sức đề kháng. Vào những ngày nắng ấm hoặc buổi trưa trời nắng cần cho vật nuôi ăn đầy đủ. Lượng cho ăn phải tùy thuộc vào sức ăn mà tăng hoặc giảm để lươn, ếch khỏe mạnh, có khả năng chống rét. 

Miền Bắc đang phát triển nghề nuôi cá rô phi đơn tính, cá điêu hồng trong ao đất, trong lồng bè trên sông, hồ chứa; vì vậy nhu cầu con giống rất lớn. Mỗi hộ nuôi cần phải tăng cường quản lý, lưu giữ cá giống để chủ động con giống cho vụ nuôi sau. Kỹ thuật lưu giữ và chăm sóc cá giống qua đông không chỉ chủ động nguồn cá giống cho gia đình mà có thể cung cấp cho các hộ lân cận.

Trọng Nam / Tạp chí thủy sản Việt Nam

Wednesday, December 24, 2014

Hạn chế tôm càng xào

"Tôm càng xào" là cách mà người nuôi tôm càng xanh dùng để nói về tôm càng xanh đực có đôi càng thứ hai phát triển rất to và dài nhưng thể trọng không phát triển tương xứng.

Tác hại của "tôm càng xào"

"Tôm càng xào" thường có hai loại: Loại thứ nhất có càng to, dài, thân nhỏ nhưng có màu đen toàn bộ do bị bệnh đóng rong (tôm càng xào đen), loại này thường có xu hướng bơi lờ đờ gần bờ ao, di chuyển chậm chạp. Loại thứ hai cũng có càng to, dài màu xanh đậm, thân nhỏ nhưng màu sắc sáng hơn, loại này vẫn di chuyển nhanh nhẹn và sức sống tốt.

Trong các mô hình nuôi tôm càng xanh như: bán thâm canh, luân canh tôm - lúa hay nuôi tôm mùa lũ… tôm càng xào thường xuất hiện từ tháng thứ 5 sau khi thả nuôi với tỷ lệ từ 5 - 7%, thời gian nuôi càng lâu tỷ lệ này ngày càng tăng. 

Tác hại của "tôm càng xào" cho người nuôi là rất lớn, bởi vì chúng vẫn sử dụng thức ăn nhưng lại không tăng trọng. Như vậy, người nuôi bị thiệt hại kép vì vừa phải chịu tăng chí phí đầu vào do sử dụng thức ăn nhiều nhưng sản lượng lại rất thấp. Hơn nữa, trong tình hình hiện nay, hầu hết các hộ nuôi tôm càng xanh đều bán cho các thương lái thu gom để tiêu thụ nội địa. Đối với "tôm càng xào", thương lái thu mua với giá rất thấp, thậm chí thấp hơn cả tôm trứng, riêng đối với loại tôm càng xào đen do không tiêu thụ được nên thương lái không mua.

Tôm càng xanh - Ảnh: Trần Út

Nguyên nhân

Thực chất "tôm càng xào" chính là tôm càng xanh đực thành thục sớm. Vì vậy chúng chỉ tập trung chất dinh dưỡng để phát triển đôi càng mà không tăng trọng lượng cơ thể. tôm càng xanh chuyển sang càng xào sớm vì một số nguyên nhân:

- Chất lượng con giống: Hầu hết các trại giống tôm càng xanh hiện nay đều sử dụng nguồn bố mẹ thu gom được từ các ao nuôi tại địa phương. Vì vậy, sau nhiều năm sản xuất, chất lượng con giống ngày càng thoái hóa do đàn tôm bố mẹ bị cận huyết. Tôm giống được sản xuất từ những đàn bố mẹ này sẽ có trọng lượng trung bình ngày càng nhỏ và thành thục rất sớm. Đối với tôm cái sẽ mang trứng sớm vào giai đoạn 2 - 2,5 tháng, tôm đực chuyển sang càng xào vào giai đoạn khoảng 3,5 - 4 tháng sau khi thả nuôi.

- Mật độ nuôi dày: Theo khuyến cáo, người dân chỉ nên thả nuôi tôm càng xanh trong ao với mật độ từ 5 - 7 con/m2. Tuy nhiên, hiện nay đa phần người dân thả nuôi với mật độ từ 12 - 15 con/m2 và không sử dụng giá thể treo trong ao. Với mật độ như vậy, tần suất gặp nhau giữa các cá thể tôm đực là thường xuyên, vì vậy để cạnh tranh thức ăn cũng như cạnh tranh để giao vĩ với con cái sẽ làm cho tôm đực buộc phải phát triển đôi càng to, khỏe. Những con đực có càng to, dài, khỏe sẽ có ưu thế hơn trong việc tranh giành thức ăn và giao vĩ, tuy nhiên cũng vì tập trung để phát triển đôi càng  mà trọng lượng cơ thể của chúng không tăng thêm nữa.

- Thức ăn: Theo nghiên cứu cho thấy, tôm càng xanh nếu được cho ăn với khẩu phần có bổ sung một số loại thức ăn tươi sống sẽ lớn nhanh và chậm thành thục hơn so với tôm được cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Hiện nay, đa phần các hộ nuôi tôm càng xanh đều không sử dụng thức ăn tươi sống do khó quản lý chất lượng nước trong ao, bên cạnh đó nguồn thức ăn tươi sống như: cá tạp, ốc…cũng ngày càng khan hiếm và giá cao. Vì vậy, việc cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp cũng làm cho tôm nuôi thành thục sớm hơn, tôm đực sẽ chuyển sang càng xào để chuẩn bị cho quá trình sinh sản.

- Nhiệt độ: Đối với các mô hình nuôi tôm mùa lũ, hầu hết đều tận dụng nuôi tôm trên các ruộng lúa sau khi đã thu hoạch. Các ao nuôi có bờ ao thấp, mực nước trung bình trong ao khi chưa có lũ khoảng 0,8 - 1m. Với mực nước thấp và thời tiết nắng nóng kéo dài sẽ làm nhiệt độ nước trong ao tăng đáng kể. Khi nhiệt độ cao trên 280C và kéo dài liên tục thì quá trình trao đổi chất của tôm tăng và thành thục cũng sớm hơn. Vì vậy, nhiệt độ cao cũng góp phần làm cho tôm đực sớm chuyển sang càng xào hơn.

- Chất lượng nước ao nuôi: Nếu ao nuôi không được thay nước thường xuyên, hàm lượng khí độc cao, hàm lượng ôxy hòa tan thấp thì tôm nuôi sẽ bỏ ăn, tăng trọng kém do không lột xác được. Đối với tôm đực, nếu trong giai đoạn chuẩn bị thành thục mà không lột xác được, kết hợp với nền đáy ao dơ, có nhiều chất hữu cơ sẽ làm tôm bị bệnh đóng rong. Những con tôm này sẽ bỏ ăn, toàn thân có màu đen và ngày càng giảm trọng lượng.

Khắc phục

- Nên chọn mua con giống tại các cơ sở uy tín và có kinh nghiệm. Đặc biệt cần quan tâm chất lượng đàn bố mẹ, nên chọn con giống có nguồn gốc từ các đàn bố mẹ đã được gia hóa hoặc mang về từ nhiều nơi trong và ngoài nước. Đảm bảo chắc chắn con giống đã được cải thiện di truyền và đàn bố mẹ không cận huyết.

- Giảm mật độ nuôi ở mức vừa phải. tôm càng xanh có đôi càng to và dài, rất hung dữ, vì vậy nên thả nuôi với mật độ 5 - 7 con/m2 và phải treo một số giá thể để tôm deo bám và trú ẩn khi lột xác. Như vậy, tôm đực sẽ giảm tần suất gặp nhau và ít tranh giành thức ăn cũng như tranh giành giao vĩ, từ đó chúng sẽ ít tập trung phát triển đôi càng và tăng trọng tốt hơn.

- Cần bổ sung một số loại thức ăn tươi sống như: cá tạp, ốc… từ tháng thứ hai sau khi thả nuôi. Tuy nhiên, cần bổ sung với lượng vừa phải (từ 10  - 20 %/tổng lượng thức ăn) và lưu ý theo dõi diễn biến chất lượng nước trong ao vì nếu thức ăn không sử dụng hết sẽ bị phân hủy làm chất lượng nước bị ô nhiễm.

- Thiết kế ao nuôi với bờ ao cao và chắc chắn, mực nước trong ao phải giữ được tối thiểu 1,5 m. Như vậy nhiệt độ sẽ ít dao động và được giữ ở mức phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Tôm nuôi sẽ chậm thành thục hơn và tôm đực sẽ chậm chuyển sang càng xào.

- Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước ao nuôi như: pH, DO, NH3, H2S, độ kiềm… nhằm đảm bảo các chỉ tiêu đều thích hợp cho tôm. Thay nước thường xuyên để kích thích tôm lột xác và hạn chế bệnh đóng rong. 

Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng “tôm càng xào” trong ao nuôi tôm càng xanh, người nuôi cần chuẩn bị ngay từ đầu vụ, thường xuyên theo dõi diễn biến về tăng trọng và chất lượng nước trong ao nuôi. Đồng thời chú ý đến nguồn gốc tôm bố mẹ khi chọn tôm giống.

Nghĩa Lâm / Tạp chí thủy sản Việt Nam

Tuesday, December 23, 2014

Đề phòng tuyến trùng khi trồng hồ tiêu

Tôi vào Tây Nguyên mới thấy, bà con ta đua nhau trồng hồ tiêu. Nhiều nhà còn phá cả vườn cao su, vườn cà phê, vườn ca cao để trồng hồ tiêu. Nguyên nhân chính cũng vì vụ vừa qua, giá hồ tiêu có lúc lên tới trên 200.000 đồng/kg. Có lẽ, đó là vì hồ tiêu được giá nhất. Dân mình thường chạy theo giá. Đã có nhiều bài học đau xót khi gia đương cao lại sụt xuống thê thảm. Đây là việc mà bà con mình phải nghiêm túc nhìn nhận và thận trọng khi sản xuất không theo kế hoạch…

Ảnh minh họa


Mặt khác, rất nhiều gia đình bắt tay vào trồng hồ tiêu mà không chú ý tới các vấn đề kỹ thuật. Điều này còn nguy hại hơn vì rất có thể đến lúc sắp được thu hoạch thì chúng ta lại bị mất trắng. Đây cũng là sự thật mà ở rất nhiều nơi đã gặp phải.

Chúng ta biết rằng, khâu chuẩn bị trước khi trồng hồ tiêu rất quan trọng. Nếu làm không tốt khâu này, đôi khi chúng ta sẽ bị trả giá. Trên báo chí, trên truyền hình đã nhiều lần nêu những trang trại do không làm tốt khâu chuẩn bị từ đầu nên đã bị hủy hoại gần như toàn bộ vườn hồ tiêu…

Để trồng hồ tiêu, trước hết, chúng ta phải xác định vùng đất của mình có trồng được nó hay không. Đất trồng tiêu tốt nhất là đất đỏ bazan, đất phù sa mới bồi và đất đồi nhưng tơi xốp và phải thoát nước mới tốt. Tránh trồng nó trên đất cát khô, sét nặng, đất phèn hoặc đất bị úng ngập.

Có đất rồi thì khâu xử lý đất cũng phải làm rất nghiêm túc. Chúng ta biết rằng, kẻ thù nguy hại nhất ở hồ tiêu chính ta tuyến trùng. Tuyến trùng là loài giun tròn có kích thước rất nhỏ mà mắt ta không nhìn thấy được. Trong hàng nghìn loài tuyến trùng thì có tới hơn 20 loài phá hoại cây tiêu. Chúng thường xâm nhập vào cây rồi làm thành những u, bướu, ngăn các mạch dẫn ở rễ và làm chúng thối dần từ dưới lên, thâm đen từng đoạn rồi làm cây chết. Chúng có ngay trong đất. Gặp điều kiện thuận lợi là chúng tấn công ngay cây tiêu.

Vì vậy, ta phải xử lý đất thật tốt trước khi trồng. Ta dọn sạch cỏ, rác, đào hố, phơi đất. Sau đó, rắc mỗi hố nửa cân vôi hoặc phun dung dịch booc-đô để diện mầm bệnh. Ta dùng phân chuồng hoài mục bón cho mỗi hốc 10kg. Trộn đều đất mặt với phân rồi hãy đưa cây vào trồng. Tiêu cần ẩm nhưng rất sợ úng. Vì vậy, phải có rãnh thoát nước tốt để khi mưa rào, nước không bị ứ trên vườn.

Truyến trùng còn có thể lây lan qua đường cây giống. Ta không lấy cành ở các khu vực có bệnh để nhân giống. Khi cắt cành, ta cũng phải sát trùng dao, kéo vì tuyến trùng có thể qua đó xâm nhập mà cành giâm. Nó cũng có thể theo nước mưa mà xâm nhập vào các vườn tiêu chung bị hại.

Khi xới xáo đất, ta tránh làm đứt rễ tiêu. Vì vết đứt hay vết xây sát là chỗ để tuyến trùng xâm nhập vào cây…

Người ta có giới thiệu một số thuốc diệt tuyến trùng nhưng không đạt được như mong muốn. Nếu đã có cây bị bệnh thì ta phải diệt tận gốc: Đào bỏ toàn bộ cây (kể cả rễ) và đem đi xa tiêu hủy.

Trồng tiêu còn nhiều việc phải làm nhưng phòng chống tuyến trùng là việc đầu tiên mà bà con phải quan tâm.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng phụ trách Email: 1001cachlaman@gmail.com (Dân Việt)

Tăng năng suất cho đậu Hà Lan

Đậu Hà Lan gieo trồng từ 5.10 đến 5.11, thu hoạch từ tháng 12 đến đầu tháng 3 năm sau. Nếu gieo muộn, bệnh phấn trắng hại nặng làm năng suất giảm rõ rệt.

Đậu Hà Lan yêu cầu dinh dưỡng khoáng không cao. Cây có thể sinh trưởng phát triển trên nhiều loại đất, từ đất cát nhẹ nhiều mùn đến đất sét nặng, nhưng tốt nhất là đất nhiều mùn đến đất sét nhiều mùn. Trên đất nhẹ, đất cát không giữ được ẩm, năng suất sẽ kém. Độ chua thích hợp là pH từ 5,5 -7,0, nếu pH dưới 5,5 phải bón vôi (10 – 15kg vôi bột/sào).

Đậu Hà Lan ( Ảnh: nguồn Internet).


Đất phải cày bừa kỹ, làm sạch cỏ dại trước khi gieo. Chia luống rộng khoảng 1m, cao 20 – 30cm. Những giống cao cây, phân cành mạnh cần gieo trồng thưa hơn giống lùn hoặc bám leo. Khoảng cách hàng 60 - 65cm, khoảng cách cây 18 - 20cm (một hạt). Mật độ khoảng 80.000 – 85.000 cây/ha.

Lượng phân bón cho 1ha gieo trồng như sau: 5 - 20 tấn phân chuồng hoai mục, 90 - 100kg N, 60 - 90kg P2O5,100 - 120kg K2O. Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân, 1/3 lượng kali. Cho phân vào rãnh trộn đều với đất ở độ sâu 15 - 20cm. Khi gieo hạt vào mùa khô có thể bón lót khoảng 1/4 tổng lượng đạm.

Bón thúc từ 2 - 3 lần tùy theo tình hình sinh trưởng của cây. Bón thúc lần thứ nhất sau khi cây mọc khoảng 15ngày, lần thứ 2 sau khi mọc 25 - 30 ngày, lần thứ 3 khi cây ra hoa rộ và quả non. Có thể bón ở thể dung dịch hoặc bón dưới dạng khô, viên. Chia đều lượng phân còn lại cho số lần bón thúc, cũng có thể ở thời kỳ đầu khối lượng phân bón ít hơn một chút so với những thời kỳ sau

Nên hòa tan phân đạm (vô cơ) trong nước với nồng độ 1 - 2% để tưới vào gốc. Nếu bón phân ở dạng khô, dùng dầm (xén), que đào hốc sâu 5 - 7cm giữa 2 cây, sau đó bón phân đạm rồi lấp đất. Sau khi bón phân cần tưới nước kịp thời để hoà tan phân bón, thiếu nước sẽ dẫn đến tình trạng nồng độ dung dịch trong đất cao làm ảnh hưởng tới sự phát triển của rễ. Mỗi hốc chỉ nên bón 2 – 3g phân đạm.

Khi bón phân lân cần chú ý đến mục đích sử dụng. Nếu trồng đậu Hà Lan để sử dụng quả non thì bón lượng lân vừa phải, nếu sản xuất hạt giống hoặc trồng để sử dụng hạt khô thì cần tăng cường bón lân.

Làm cỏ, xới, vun 3 lần kết hợp với 3 lần bón thúc. Đối với những giống Hà Lan leo, cần phải làm dàn để cây leo, nếu không năng suất sẽ bị giảm nghiêm trọng.

Đậu Hà Lan yêu cầu luân canh triệt để với cây trồng khác họ, tốt nhất là với cây lương thực để tránh sâu bệnh và cải tạo đất. Bố trí công thức luân canh hợp lý còn có thể sử dụng đất đai một cách hiệu quả, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.

TS Phạm Thu Cúc (Dân Việt)