Tuesday, December 23, 2014

Đề phòng tuyến trùng khi trồng hồ tiêu

Tôi vào Tây Nguyên mới thấy, bà con ta đua nhau trồng hồ tiêu. Nhiều nhà còn phá cả vườn cao su, vườn cà phê, vườn ca cao để trồng hồ tiêu. Nguyên nhân chính cũng vì vụ vừa qua, giá hồ tiêu có lúc lên tới trên 200.000 đồng/kg. Có lẽ, đó là vì hồ tiêu được giá nhất. Dân mình thường chạy theo giá. Đã có nhiều bài học đau xót khi gia đương cao lại sụt xuống thê thảm. Đây là việc mà bà con mình phải nghiêm túc nhìn nhận và thận trọng khi sản xuất không theo kế hoạch…

Ảnh minh họa


Mặt khác, rất nhiều gia đình bắt tay vào trồng hồ tiêu mà không chú ý tới các vấn đề kỹ thuật. Điều này còn nguy hại hơn vì rất có thể đến lúc sắp được thu hoạch thì chúng ta lại bị mất trắng. Đây cũng là sự thật mà ở rất nhiều nơi đã gặp phải.

Chúng ta biết rằng, khâu chuẩn bị trước khi trồng hồ tiêu rất quan trọng. Nếu làm không tốt khâu này, đôi khi chúng ta sẽ bị trả giá. Trên báo chí, trên truyền hình đã nhiều lần nêu những trang trại do không làm tốt khâu chuẩn bị từ đầu nên đã bị hủy hoại gần như toàn bộ vườn hồ tiêu…

Để trồng hồ tiêu, trước hết, chúng ta phải xác định vùng đất của mình có trồng được nó hay không. Đất trồng tiêu tốt nhất là đất đỏ bazan, đất phù sa mới bồi và đất đồi nhưng tơi xốp và phải thoát nước mới tốt. Tránh trồng nó trên đất cát khô, sét nặng, đất phèn hoặc đất bị úng ngập.

Có đất rồi thì khâu xử lý đất cũng phải làm rất nghiêm túc. Chúng ta biết rằng, kẻ thù nguy hại nhất ở hồ tiêu chính ta tuyến trùng. Tuyến trùng là loài giun tròn có kích thước rất nhỏ mà mắt ta không nhìn thấy được. Trong hàng nghìn loài tuyến trùng thì có tới hơn 20 loài phá hoại cây tiêu. Chúng thường xâm nhập vào cây rồi làm thành những u, bướu, ngăn các mạch dẫn ở rễ và làm chúng thối dần từ dưới lên, thâm đen từng đoạn rồi làm cây chết. Chúng có ngay trong đất. Gặp điều kiện thuận lợi là chúng tấn công ngay cây tiêu.

Vì vậy, ta phải xử lý đất thật tốt trước khi trồng. Ta dọn sạch cỏ, rác, đào hố, phơi đất. Sau đó, rắc mỗi hố nửa cân vôi hoặc phun dung dịch booc-đô để diện mầm bệnh. Ta dùng phân chuồng hoài mục bón cho mỗi hốc 10kg. Trộn đều đất mặt với phân rồi hãy đưa cây vào trồng. Tiêu cần ẩm nhưng rất sợ úng. Vì vậy, phải có rãnh thoát nước tốt để khi mưa rào, nước không bị ứ trên vườn.

Truyến trùng còn có thể lây lan qua đường cây giống. Ta không lấy cành ở các khu vực có bệnh để nhân giống. Khi cắt cành, ta cũng phải sát trùng dao, kéo vì tuyến trùng có thể qua đó xâm nhập mà cành giâm. Nó cũng có thể theo nước mưa mà xâm nhập vào các vườn tiêu chung bị hại.

Khi xới xáo đất, ta tránh làm đứt rễ tiêu. Vì vết đứt hay vết xây sát là chỗ để tuyến trùng xâm nhập vào cây…

Người ta có giới thiệu một số thuốc diệt tuyến trùng nhưng không đạt được như mong muốn. Nếu đã có cây bị bệnh thì ta phải diệt tận gốc: Đào bỏ toàn bộ cây (kể cả rễ) và đem đi xa tiêu hủy.

Trồng tiêu còn nhiều việc phải làm nhưng phòng chống tuyến trùng là việc đầu tiên mà bà con phải quan tâm.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng phụ trách Email: 1001cachlaman@gmail.com (Dân Việt)

No comments:

Post a Comment