Saturday, August 9, 2014

Những điều cần lưu ý khi nuôi cá lóc trên bể lót bạt

Cá lóc là loài cá dễ nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên gần đây nó đã trở thành đối tượng nuôi phổ biến của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Cá lóc được nuôi với nhiều hình thức khác nhau như: Nuôi ao, lồng bè, vèo trong ao, bể lót bạt. Trong đó, mô hình nuôi bể bạt đang được nhân rộng phát triển.


Tuy dễ thực hiện nhưng cũng cần lưu ý một số điểm sau:

1. Xây dựng bể nuôi

-  Diện tích từ 10 – 100m2. Nếu diện tích lớn thì nên ngăn ra thành nhiều bể nhỏ để tiện chăm sóc và tách riêng từng cỡ khi cá phân đàn vì cá lóc là loài cá dữ, dễ ăn thịt lẫn nhau.

- Chiều cao bể khoảng 1 – 1,5m. Bố trí ống chống tràn để duy trì mức nước trong bể từ 0,8 – 1m, tránh cá thất thoát khi mưa lớn, mực nước dâng cao. Có thể xây bể chìm hoặc bể nổi nhưng bể chìm sẽ chắc chắn hơn và nhiệt độ nước trong bể ổn định hơn.

- Bể nuôi xây dựng trên mặt đất bằng phẳng và đầm nện kỹ. Đáy bể có độ dốc nghiêng về phía ống thoát nước để loại bỏ các chất cặn bã trong bể khi thay đổi nước.

- Sử dụng cao su 2 mặt để lót bể. Phải có lưới bảo vệ phía trên, tránh cá nhảy ra ngoài làm thất thoát. Nên có mái che hoặc dùng lưới che để giảm nhiệt độ nước trong bể.

- Phải có ống thoát và cấp nước riêng.

2. Con giống

Cá lóc là loài cá dữ, ăn động vật tươi sống. Sự cạnh tranh thức ăn của loài cá này rất quyết liệt vì vậy thường có sự phân đàn lớn sau thời gian nuôi ngắn nên khi thả giống nuôi cần chọn cá đồng cỡ là hết sức quan trọng và quyết định năng suất của bể nuôi.

Tiêu chuẩn chọn giống

- Nên chọn mua giống ở những nơi có uy tín hoặc cho sinh sản nhân tạo và có nguồn gốc rõ ràng.

- Đồng cỡ, không xây xát, không có triệu chứng bệnh, bơi theo đàn, có màu đặc trưng của loài.    

Chuẩn bị nguồn nước

- Trước khi thả cá 3 - 4 ngày, cấp nước vào bể nuôi ngâm - xả vài lần nhằm loại bỏ bớt mùi hóa chất của cao su.

- Cấp nước vào bể nuôi đạt mức nước sâu 0,6m và xử lý bằng một trong loại thuốc – hóa chất khử trùng nước như Avaxide, Fresh water, Virkon® A,… Sau đó nâng dần mực nước cho đạt yêu cầu từ0,8 – 1m nhằm tạo nguồn nước tốt ít mầm bệnh cho cá nhỏ phát triển.

Thả giống

- Nên thả cá giống vào lúc sáng sớm, hoặc chiều mát. Tránh thả cá vào những lúc trời nắng nóng hoặc trời có mưa sẽ gây sốc cho cá làm cá hao hụt nhiều.

- Xử lý cá giống trước khi thả cá vào bể bằng biện pháp tắm để diệt ngoại ký sinh hoặc nấm. Phương pháp tắm: Dùng vợt có chứa cá giống ngâm vào hỗn hợp muối hột và nước pha loãng theo liều lượng 2 - 3% trong thời gian 10 - 15 phút; Virkon® A 2g/ lít nước trong 5 - 10 phút hoặc thuốc có nguồn gốc Iodine theo liều lượng ghi trên bao bì. (Ví dụ như Iodine – complex của Công ty Bio).

- Tuy nhiên, khi tắm cá cần theo dõi biểu hiện của cá để có biện pháp xử lý kịp thời hạn chế gây sốc cho cá. Sau khi thả cá vào bể, tiếp tục theo dõi hoạt động của cá nếu phát hiện có hiện tượng tách đàn nên loại bỏ khỏi bể nuôi.

Mật độ:

Mật độ thả nuôi ban đầu: 120 con/m2, cỡ cá lồng 8. Sau thời gian nuôi 1 tháng sẽ lọc cá cho đồng cỡ và bố trí lại mật độ: 100con/m2.

3. Quản lý môi trường:

- Quản lý chất lượng nước rất quan trọng vì đó là nguyên nhân gây nên dịch bệnh và quyết định năng suất của mô hình nuôi. Định kỳ kiểm tra yếu tố môi trường 1 - 2 lần/tuần, hay khi cá có biểu hiện bất thường:

+ Dùng nhiệt kế kiểm tra nhiệt độ: Nhiệt độ nước thích hợp từ 28 - 320C.

+ Dùng test kiểm tra nhanh một số yếu tố môi trường như độ pH, hàm lượng O2 hòa tan, khí Ammonia…

• Độ pH: pH nước dao động 6,5 - 8; pH nước vượt qua 9 sẽ rất độc cho cá.

• Oxy hòa tan: Hàm lượng oxy hòa tan trong hệ thống nuôi > 3 mg/l. Nếu hàm lượng oxy < 2 mg/llàm cá giảm ăn và chậm lớn.

• Khí Ammonia (NH3 – N): Hàm lượng Ammonia trong bể không vượt quá 1ppm (hàm lượng cho phép trong nước nuôi thủy sản là 0,01ppm).

- Định kỳ xử lý vôi cho nguồn nước trong bể nuôi từ 7 - 10 ngày/lần với 2 - 3kg vôi/100m3 nước bể, bằng cách hòa vào nước lấy nước trong tạt đều khắp bể để hạn chế mầm bệnh.

- Vào thời điểm nguồn nước sông, kênh rạch bị ô nhiễm, nước cần cho qua bể/ao lắng 2 - 3 ngày trước khi cấp vào bể, ao nuôi. Có thể dùng Virkon® A 0,3ppm (3g/m3) sau mỗi lần thay nước mới để diệt mầm bệnh cho cá.

4. Quản lý và chăm sóc sức khỏe cá:

Trong quá trình nuôi nên định kỳ tẩy giun sán cho cá bằng Hadaclean, Veme-clean,... Thường xuyên bổ sung men tiêu hóa, vitamin, khoáng chất vào khẩu phần thức ăn (Vd: Baymix Aqualase, Aqua C Fish Plus, Grow Fish, Prozyme For Fish, Veme-Sitol,...); để cho cá hấp thụ dinh dưỡng tốt, tăng trọng nhanh hơn, tăng sức đề kháng và giảm một phần hệ số FCR.

Theo dõi biểu hiện cá nuôi nhằm phát hiện bệnh sớm và có kế hoạch điều trị hợp lý:

- Nếu thấy cá nổi trên mặt nước nhiều là nguồn nước bị ô nhiễm.

- Nếu cá nổi trên mặt nước, da sẫm màu, phản xạ kém với tiếng động là cá bị ký sinh trùng. Nên dùng muối hột 2 - 3 % tắm cá 5 - 15 phút; CuSO4 2 - 5ppm (2 – 5 gam/m3) tắm cá 5 - 15 phút, Hadaclean theo hướng dẫn của nhà sản xuất,...

- Nếu thấy cá có hiện tượng bị nấm, ký sinh trùng ký sinh nên dùng các hóa chất xử lý môi trường nước với các thành phần như Iod, CuSO4, Formol,…Liều lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Quan sát khả năng bắt mồi của cá để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp: Khi thời tiết thay đổi giảm lượng thức ăn hạn chế thức ăn thừa làm ô nhiễm nguồn nước.

Đặng Bùi Mỹ Chi/ Trung tâm Giống Thủy sản An giang

No comments:

Post a Comment