Mãng cầu ta (hay còn gọi quả na) là cây ưa độ pH từ trung tính đến kiềm yếu (pH từ 7 - 8). Nếu đất bị chua, mỗi năm bón 60 - 80kg vôi bột/1.000m2 (tùy từng loại đất chua nhiều hay ít). Chú ý bón vôi trước hoặc sau các loại phân khác 10 - 15 ngày.
Thời kỳ kiến thiết cơ bản trong 3 năm đầu cần bón nhiều đạm để cây sinh trưởng thân, lá tốt. Bón NPK tỷ lệ 2:1:1. Cứ 1 - 2 tháng bón một lần khi thời tiết mưa ẩm. Mỗi cây bón 0,1 - 0,2kg urê + 0,05 - 0,1kg kali + 0,2 - 0,5kg super lân. Bón cách gốc 30 - 50cm. Phân chuồng bón 30 - 50kg, cách gốc 50 - 60cm vào hai hốc đối xứng.
Sau đó, trong thời kỳ kinh doanh thì bón làm 3 đợt trong năm. Đợt 1 vào tháng 2 với tỷ lệ NPK là 1:1:1. Đợt 2 vào tháng 6, tỷ lệ NPK là 1:1:2 và đợt 3 sau khi thu quả tháng 9, tỷ lệ NPK là 2:1:1. Lượng phân bón ít hay nhiều tùy cây lớn hay nhỏ. Trung bình mỗi cây bón 0,5 - 1kg urê + 0,5 - 1kg kali + 2 - 4kg super lân + 30 - 50kg phân chuồng mỗi năm. Bón theo tán cây, thành 4 hốc đối xứng nhau, độ sâu lấp phân 3 - 5cm.
Thông thường mãng cầu ta sau khi cho thu hoạch khoảng 3 vụ thì trái nhỏ dần, cây cao khó hái trái. Để có quả to mập cần đốn trẻ lại từ năm thứ 5 trở đi, sau đó cứ 3 năm đốn một lần. Lần đốn đầu cách mặt đất 0,5m, những lần sau cách lần trước 0,2 - 0,3m.
Để có mãng cầu bán đúng vào dịp tết, có thể xử lý ra hoa theo phương pháp sau: Khoảng vào đầu tháng 9 tiến hành tuốt lá kết hợp với tỉa bỏ những cành lá sâu bệnh và cành nhỏ vô hiệu. Chú ý trước khi lặt lá phải bón phân, tưới nước trước đó 1 - 2 tháng và lặt bỏ toàn bộ trái đã ra trong vụ thuận để cây nuôi cành, tạo quả về sau. Sau khi lặt lá xong phải tiến hành làm cỏ kết hợp xới xáo và bón phân, tưới nước (nhưng phải để hạn 7 - 10 ngày cho cây thuận lợi phân hóa mầm hoa tốt nhất). Đồng thời kết hợp với phun thuốc để phòng ngừa sâu bệnh và thuốc kích thích tạo điều kiện cây ra hoa. Nên bón phân có hàm lượng đạm thấp, lân và kali cao. Nếu bón phân đạm nhiều cây sẽ ra đọt non làm giảm khả năng phân hóa tạo mầm hoa.
ThS Khánh Thị Bích Thủy/ Dân Việt
No comments:
Post a Comment