Friday, February 27, 2015

Xử lý chanh ra hoa rải vụ

Giải pháp SX trái cây rải vụ (nghịch vụ) để bán được giá giúp nhà vườn ở ĐBSCL thu về một khoản lợi nhuận rất cao. 

Trồng chanh xử lý cho ra hoa rải rụ sẽ "hốt bạc"

Điển hình là gia đình gia đình anh Nguyễn Hoàng Vũ, ấp Tân An, xã Tân Hội, TP Vĩnh Long (Vĩnh Long). Nhờ xử lý cho cây chanh ra hoa rải vụ, năm 2014, trên diện tích 3.000 m2 anh Vũ đã thu hoạch 9 tấn chanh với giá bán12.000 đồng/kg cho thu nhập 108.000.000 đồng. 
Anh Vũ chia sẻ: "Mùa mưa giá chanh thường rất rẻ, thậm chí không đủ chi phí thu hoạch nên người trồng có khuynh hướng điều khiển cho cây ra hoa nghịch vụ để thu hoạch trong mùa khô, nhất là dịp tết sẽ bán được giá. Việc xử lý ra hoa là yêu cầu kỹ thuật rất quan trọng đối với người trồng chanh". 

Nhờ áp dụng thành công kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ trên cây chanh 5 năm tuổi, anh Vũ từ khó khăn vươn lên khá giàu. 

Anh Vũ cho biết cách thực hiện như sau: Đầu tiên, sau khi thu hoạch tháng 7 - 8 âm lịch khoảng 15 ngày (áp dụng cho cây 5 năm tuổi), cung cấp dinh dưỡng cho cây phục hồi bằng cách: Bón gốc cho cây 1 - 2 kg NPK 20-20-15;10 kg phân hữu cơ hoai mục trộn với 20 gram nấm Trichoderma. Tiến hành cắt tỉa các đoạn cành đã mang trái, cành già cỗi, sâu bệnh… Quét vôi hay Bordeaux lên thân, cành phòng ngừa nấm; đồng thời kết hợp phun thuốc trừ sâu 2 lần (7 ngày/lần) giúp cây phát triển tốt chuẩn bị sức ra hoa. 

Để có được kết quả như hôm nay, anh Vũ cho biết không chỉ áp dụng đúng kỹ thuật, bán được giá cao mà còn phải có tính cần cù chịu khó ham học hỏi. 

Khoảng thời gian 1,5 tháng sau khi cây ra đọt non bón 0,5 kg DAP + 0,5 kg kali. Phun F.Bo 2 lần (7 ngày/lần) phun ướt đều 2 mặt lá. Khi lá đủ già (khoảng 3 tháng) bắt đầu xiết nước 1 - 2 tuần tùy theo thời tiết. 

Quan sát lá chanh héo (lá gần như cuốn lại) thì bắt đầu tưới đẫm cho ướt đều 3 ngày liên tục. Sử dụng chế phẩm C.A.T + F. Bo xịt ướt đều 2 mặt lá ( 5 ngày 1 lần). Sau đó, hoa nở nhanh và nhiều. Cũng như các loại cây có múi khác, khi xử lý ra hoa nghịch vụ, cây chanh cũng bị một số loại dịch hại tấn công do phải phòng trị kịp thời để bảo vệ tốt năng suất và chất lượng trái. 

Ngoài biện pháp xử lý ra hoa bằng cách xiết nước anh Vũ còn áp dụng xử lý hóa chất Thioure làm rụng lá nồng độ 0,5%, 0,3% kết hợp với ure nồng độ 4,6%

Trên đây là cách làm giàu của anh Vũ các nhà vườn có thể nghiên cứu và áp dụng biện pháp xử lý chanh cho ra hoa nghịch vụ để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, đồng thời cũng phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ của thị trường.  

Hồng Lĩnh (Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long)/ nongnghiep.vn

Chăm sóc lúa xuân sau Tết ở đồng bằng sông Hồng

Lập xuân 2015 diễn ra trong năm nên hầu hết diện tích lúa vùng ĐBSH được gieo cấy trước tết.  


Với thời tiết ấm áp của vụ xuân năm nay thì sau tết là thời điểm bón thúc đợt 1 cho lúa gieo thẳng, lúa cấy và thực hiện công tác BVTV đầu vụ. 

Nông dân cần chú ý thực hiện một số biện pháp kỹ thuật sau: 

+ Đối với lúa gieo thẳng: Sau gieo khoảng 10 - 15 ngày là thời điểm cây mạ ra lá. Mặc dù ở giai đoạn 3 lá đầu cây lúa non có thể sinh trưởng được nhờ lấy dinh dưỡng từ chất dự trữ trong hạt gạo. Song nếu chỉ riêng như vậy thì chưa đủ để tạo ra cây mạ khỏe.  

Bón đủ dinh dưỡng ngay từ ban đầu không chỉ tạo ra các lá to hơn mà còn hình thành được nhiều rễ hơn, giúp cho mạ có thể hút được đủ dinh dưỡng để tạo ra các bộ phận mới (lá mới và nhánh mới). 

Vì vậy, ngoài việc bón lót cân đối và đủ đầy cho lúa gieo thẳng, trong giai đoạn này cần lưu ý: Đảm bảo dưỡng tưới nước cho lúa khi có 2 lá thật, lượng nước vừa đủ ngập chân cây lúa (1 cm). Duy trì mực nước này để lúa phát triển thuận lợi và dinh dưỡng phân giải tốt hơn. Khi lúa được 3 - 3,5 lá thật cần bón thúc đẻ với lượng phân bón là 30% tổng lượng đạm và kali cả vụ đồng thời, tỉa dặm để đảm bảo có 250 - 300 cây/m2

Chú ý: 

- Thời kỳ đầu vụ, lúa non thường chìm trong thời tiết âm u, nồm ẩm và ít nắng nên lúa gieo thẳng thường hay mềm yếu thân lá và có hiện tượng “bạch tạng”, lá non không thể tổng hợp được diệp lục bị biến trắng. 

Để đảm bảo cho cây lúa non được khỏe mạnh, phát triển thuận lợi người trồng cần sử dụng một số chế phẩm phân qua lá dễ tiêu như kali trắng + siêu vi lượng hoặc siêu lân phun 1 - 2 lần cách nhau 4 - 5 ngày. 

- Một số diện tích lúa nếu có hiện tượng vàng lá, nghẹt rễ do ngộ độc hữu cơ (cây lúa non chết dần khi rễ thâm đen và thối hỏng). Cần xử lý kịp thời bằng các biện pháp như tháo kiệt nước trong ruộng và thay nước mới, phun phân bón lá tổng hợp giàu lân dễ tiêu từ 2 - 3 lần cách nhau 3 - 4 ngày. 

- Nếu có hiện tượng mạ bị lũng thân lá phần sát gốc do nấm khô vằn gây hại thì cần trừ bệnh bằng phun thuốc validacin để giảm thiểu lượng mạ non bị chết. 

- Chỉ nên bón thúc phân bón cho lúa trong những ngày ấm (> 17 độ C). Trước khi bón phân đợt 1 khoảng 4 - 5ngày cần để lộ ruộng cho mùn giun đùn lên (áp dụng với những ruộng có hệ giun sinh sống). Làm được vậy rễ lúa non sẽ phát triển rộng dài hơn, phân bón cũng thẩm thấu và phân giải tốt hơn. 

+ Đối với lúa cấy mạ dược và mạ nền cứng: Thời điểm sau tết lúa cấy mạ dược và mạ nền sẽ ở giai đoạn bén rễ hồi xanh đến đẻ nhánh. Đây cũng là thời điểm nông dân cần chăm sóc lúa một cách chu đáo để thu được số nhánh hữu hiệu (lúa đẻ ra các nhánh ban đầu là nhánh có bông gọi là đẻ nhánh hữu hiệu, giai đoạn sau là giai đoạn đẻ nhánh vô hiệu- nhánh không bông). 

Tốt nhất cũng nên để lộ ruộng khoảng 5 - 6 ngày trong thời tiết nồm ẩm không giá rét để có mùn giun đùn lên rồi tiến hành tưới nước, bón phân cho lúa đẻ nhánh (30% tổng lượng đạm và kali cả vụ). Sau khi bón phân cần duy trì mức nước khoảng 2 - 2,5 cm để lúa đẻ nhánh thuận lợi. 

Chú ý: 

- Thời kỳ này lúa xuân nếu chìm trong thời tiết âm u, nồm ẩm sẽ rất dễ bị nấm đạo ôn phát sinh gây hại (nhất là các giống lúa mẫn cảm như nếp các loại, Q5, BC15…). 

Vì vậy, bên cạnh việc chăm sóc lúa người trồng cần chú ý phòng bệnh cho lúa xuân thông qua nhiều khâu: Bón phân cân đối giữa đạm và kali; phun thuốc phòng bệnh cho những ruộng lúa dễ nhiễm bệnh; dừng việc bón đạm và kali khi lúa đã chớm bị bệnh và phun trừ bằng thuốc đặc trị… 

- Giai đoạn ra lá, đẻ nhánh đối với lúa gieo thẳng và lúa cấy thường hay bị bọ trĩ, ruồi vàng gây hại. Song nông dân không nên sử dụng thuốc trừ sâu để phun cho lúa sẽ làm giảm đáng kể lượng thiên địch (côn trùng có ích) trên đồng ruộng. Vì thời kỳ này lúa ra lá và đẻ nhánh với tốc độ nhanh (2 - 2,5 ngày là ra 1 lá mới) nên lúa có khả năng đền bù được thiệt hại do sâu gây ra mà không cần dùng đến thuốc để diệt trừ. 

Trần Thị Liên/ nongnghiep.vn

Sunday, February 22, 2015

Trị bệnh ở cá nuôi mùa lạnh

Thời tiết vụ đông xuân ở phía Bắc thường diễn biến phức tạp, xen kẽ giữa rét đậm, rét hại với những ngày nắng ấm, là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh trên cá phát triển. Để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất, người nuôi cần có các biện pháp phòng trừ những bệnh thường hay gặp ở cá nuôi mùa này.

Bệnh nấm thủy mi:

Bệnh do một số loài nấm dạng hình sợi, bào tử nấm có tiên mao gây ra, với những biểu hiện trên da cá xuất hiện các vùng trắng xám, sau vài ngày tại đó mọc lên các sợi nấm mảnh và phát triển lên thành từng búi nấm trắng như bông, 1 đầu sợi nấm bám vào da của cá, đầu kia tự do ngoài môi trường nước. Khi cá bị bệnh nấm thủy mi sẽ bơi lội không định hướng, ngứa ngáy cọ sạt vào bờ hoặc là các vật dụng trong ao. Từ đó làm tróc vẩy trầy da. Đây chính là cơ hội cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, ký sinh trùng xâm nhập và phát triển làm cho bệnh cá càng nặng hơn.

Bệnh này xảy ra ở hầu hết các loài cá nước ngọt như cá trắm cỏ, cá trôi, cá mè, cá chép và còn gây ung trứng cá, nhất là trứng cá chép.

Bệnh phát triển mạnh trong các ao nuôi bị ô nhiễm do mùn bã hưu cơ, ao nuôi ít được thay nước và trong các bể ấp có nhiều trứng bị ung. Nấm thường phát triển đầu tiên ở các trứng bị ung, sau lây lan nhanh sang các trứng khỏe và gây chết cá hàng loạt. 

Cá rô phi bị bệnh nấm Thủy mi. Ảnh tư liệu

Phòng bệnh tổng hợp:

- Cải tạo ao sau mỗi vụ nuôi bằng cách vét bùn, tạt vôi diệt tạp từ 7 – 10kg/100m2 diện tích ao nuôi; rắc vôi định kỳ xuống ao nuôi 2 lần/tháng và trước khi trời mưa từ 1,5 – 2kg/100m3 nước ao; treo túi vôi 2 – 4kg/túi quanh chỗ cho cá ăn. Định kỳ 15 ngày dùng các chế phẩm sinh học như Biobacter, Biopower tạt 1kg cho 8.000 – 10.000m3 nước ao nuôi để xử lý nước đục, nước nhờn, váng nhớt, làm sạch nước, ổn định pH, khử mùi hôi thối, phân hủy nhanh xác động thực vật, thức ăn dư thừa, mùn bã hữu cơ. Thường xuyên theo dõi màu nước ao nuôi và kiểm tra khả năng phản xạ cũng như bắt mồi của cá. Nếu nguồn nước thuận lợi nên thay và cấp nước mới thường xuyên cho ao nuôi.

- Không nuôi cá với mật độ quá dày. Cá giống trước khi thả cần được tắm qua nước muối với liều lượng 2 – 4gmuối/lít nước.

- Định kỳ bổ sung Vitamin C bằng cách trộn vào thức ăn cho cá ăn với liều lượng 200 - 300g/100kg thức ăn.

Phương pháp trị bệnh:

- Khi cá bị bệnh dùng các loại hóa chất: Methylen với liều lượng 2- 3lít cho 1.000m3 nước ao nuôi và lặp lại 2 lần trong 1 tuần; dùng BioIodine với liều lượng 1 lít cho 5.000m3 nước ao nuôi hoặc xử lý bằng Vicato 1kg cho3.000m3 nước ao; dùng 500 – 700g đồng sun phát (phèn xanh) cho 1.000m3 tạt đều khắp mặt ao nuôi.

- Ngoài ra người nuôi có thể dùng cây nghể răm hoặc lá xoan bó thành bó ngâm xuống ao nuôi để trị bệnh cho cá. 

Bệnh virus mùa xuân trên cá chép

Bệnh còn có tên bệnh phù của cá chép do virus gây ra. Với dấu hiệu bên ngoài da sậm màu, mắt lồi, mang nhợt nhạt các tơ mang xơ rách, có hiện tượng xuất huyết điểm ở da, mang. Khi giải phẫu bên trong thấy xoang bụng có dịch, ruột chướng hơi, tụy bị sưng và có hiện tượng xuất huyết ở bong bóng, đây được xem là dấu hiệu đặc trưng của bệnh này.

Bệnh thường xảy ra khi nhiệt độ thấp từ 18 – 20oc. Giai đoạn cá càng nhỏ (dưới 1 năm tuổi) càng nhạy cảm với bệnh này nhất là cá chép giống lưu qua đông.

Đối với bệnh virus mùa xuân trên cá chép chưa có thuốc đặc trị ngoài việc sử dụng vaccine. Tuy nhiên việc dùng vaccine để trị bệnh cho cá chép nuôi thương phẩm rất tốn kém và khó áp dụng đại trà. Nên người nuôi cần điều chỉnh khung thời vụ thả giống hợp lý như vào thời điểm thời tiết có nhiệt độ ổn định 22oc đồng thời áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp như bệnh nấm thủy mi.

Bệnh trùng loa kèn 

Bệnh ký sinh trên da, mang hoặc các phần phụ của các loài thuỷ sản, trong đó có cá. Bệnh hay xuất hiện vào mùa xuân ở miền Bắc.

Phòng và trị bệnh: Dùng 500 – 700g đồng sun phát (phèn xanh) cho 1.000m3 tạt đều khắp mặt ao nuôi; tắm nước muối 2- 4% (2 – 4kg muối ăn cho 100 lít nước) cho cá bị bệnh, thời gian tắm 10 – 15 phút tùy theo sức khỏe của cá.

Tuấn Minh (Trang Trại Việt)

Sunday, February 15, 2015

Quy trình nuôi tôm - trùn quế

Quy trình nuôi tôm - trùn quế đã được nhiều hộ dân ở Bạc Liêu nuôi thử nghiệm cho kết quả khả quan. Tôm tăng trưởng, phát triển nhanh, khả năng kháng bệnh tốt.

Tác dụng của trùn quế

Trong thịt trùn tươi chứa hàm lượng Protein cao, nhiều vi khuẩn có lợi Bacillus, các chất dinh dưỡng như đạm, khoáng, axit amin, Vitamin B, B3, B6, B12... Vì vậy trùn quế là loại thức ăn rất tốt cho tôm, bổ sung vi khuẩn Baccilus kích thích tiêu hóa, ngăn ngừa bệnh đường ruột và bệnh về gan. So với thức ăn thông thường thì thức ăn có trộn dịch trùn giúp tôm sú phát triển nhanh hơn, sức đề kháng mạnh hơn. Phân trùn là loại hữu cơ sinh học, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Trong phân trùn quế có chứa những vi sinh vật có hoạt tính cao, là chất xúc tác sinh học như: vi khuẩn, nấm mốc, đặc biệt là hệ vi khuẩn cố định đạm tự do, vi khuẩn phân giải lân, phân giải cellulose. Đặc điểm chính của phân trùn làm môi trường ao nuôi trong sạch, tảo ổn định do tác dụng của các vi khuẩn có lợi có trong phân trùn: Vi khuẩn cố định đạm, vi khuẩn nitơ hóa... các chỉ tiêu môi trường ao nuôi ổn định giúp tôm khỏe mạnh, nhanh lớn.

Kỹ thuật nuôi trùn quế

Phương pháp nuôi trùn quế khá đơn giản, chỉ cần sử dụng thùng gỗ có kích thước 0,2 - 0,4 m2, chiều cao 0,3 m, hoặc có thể tận dụng thau, chậu có sẵn. Các thùng được đặt nơi hạn chế ánh sáng và phải có các lỗ thoát nước. Chất nền để nuôi trùn yêu cầu tơi xốp, sạch, giàu dinh dưỡng.

Trùn giống được mua ở một số trại giống về sau 2 ngày thì bắt đầu cung cấp thức ăn cho trùn. Trùn quế thường sử dụng mùn bã hữu cơ như phân gia súc làm thức ăn. Lượng thức ăn tùy thuộc vào mật độ trùn hiện có. Chỉ bổ sung lượng thức cho trùn khi thức ăn cũ đã hết hoặc còn ít.

Nuôi tôm - trùn quế cho hiệu quả cao - Ảnh: Thanh Ngân 


Quy trình nuôi tôm

Ao nuôi tôm được chuẩn bị, cải tạo đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật theo những mô hình nuôi tôm thông thường.

Sử dụng lượng phân trùn từ 15 - 20 kg/1.000m2 để gây màu nước hoặc cải thiện màu nước trong ao nuôi tôm. Khi sử dụng phân trùn quế để gây màu nước thì động vật phù du phát triển rất mạnh. Sinh khối lượng thức ăn tự nhiên cho tôm nhiều, đặc biệt là copepoda, một loại thức ăn ưa thích cho tôm nuôi.

- Tôm được nuôi với mật độ 40 - 50 con/m2.

- Trong 7 - 10 ngày nuôi đầu tiên, tôm sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên trong ao nên không cho tôm ăn.

- Sau 10 ngày nuôi, sử dụng trùn quế băm nhỏ, cho vào sàng ăn đưa xuống ao để tôm ăn. Trùn quế trước khi làm thức ăn cho tôm cần được ngâm trong nước khoảng 2 giờ rồi rửa sạch.

- Trong thời gian 20 - 40 ngày nuôi, bắt đầu bổ sung thức ăn công nghiệp với lượng 30%, thịt trùn 70%. Thịt trùn được xay nhuyễn trộn với thức công nghiệp, dùng sàng cho tôm ăn.

- Trong thời gian nuôi 40 - 60 ngày, bổ sung thức ăn công nghiệp với lượng 50%, thịt trùn 50%.

- Trong thời gian nuôi từ 60 ngày đến khi thu hoạch, sử dụng 70% lượng thức ăn công nghiệp, 30% thịt trùn.

- Thường xuyên theo dõi sàng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho tôm nuôi phù hợp. Sang tháng nuôi thứ 2, lượng chất thải hữu cơ gia tăng. Sử dụng chế phẩm sinh học EM liều lượng 2 lít/1.000m3, loại bỏ các chất lơ lửng, làm sạch môi trường ao nuôi, tăng cường vi khuẩn có lợi,  hạn chế sự phát triển của vi sinh vật gây hại. 

Với tôm nuôi, cách tốt nhất là xay thịt trùn quế tươi sau đó trộn với thức ăn hoặc chế biến trùn quế thành dịch trùn bổ sung vào thức ăn cho tôm.

Hồng Lê/ Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Saturday, February 14, 2015

Mạ non héo từng chòm

Hiện nay, có nhiều ô mạ non ở các địa phương miền Bắc bị héo từng chòm khiến bà con nông dân lo lắng.  

Mạ non của một hộ nông dân ở Nam Sách (Hải Dương) bị héo chòm

Mạ đang ở giai đoạn từ 2,5 - 4 lá và bùn gieo vẫn giữ độ ẩm bình thường, nhưng có biểu hiện héo từng chòm và loang rộng nhanh. Kiểm tra không thấy các loại rầy, rệp và vết bệnh do vi sinh vật gây hại. Tuy nhiên, nhổ lên thấy bộ rễ đen và kém phát triển. 

Nguyên nhân: Do thời gian sau gieo thời tiết luôn diễn biến nhiệt độ thấp, biên độ nhiệt ngày đêm và ẩm độ không khí luôn cao. Nền gieo, chất lượng bùn và đảo trộn không đồng đều. 

Biện pháp khắc phục: Mở nylon che úm vào ban ngày có thời tiết ấm. Khẩn trương chuyển ngay ô mạ đó ra giữa ruộng định cấy. Tạo nền bùn mới rồi nhấc cả ô mạ đó đặt vào, quây úm nylon và điều chỉnh nhiệt như ban đầu. Dùng chế phẩm siêu ra rễ (HPC - 97R) loại 15 gr pha ở tỷ lệ 1/2 gói với 6 lít nước, phun đẫm đều cho 50 m2 mạ; phun 2 lần liên tục, lần sau lần 1 từ 1 - 2 ngày.

Nguyễn Hữu Vân/ nongnghiep.vn