Thời tiết vụ đông xuân ở phía Bắc thường diễn biến phức tạp, xen kẽ giữa rét đậm, rét hại với những ngày nắng ấm, là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh trên cá phát triển. Để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất, người nuôi cần có các biện pháp phòng trừ những bệnh thường hay gặp ở cá nuôi mùa này.
Bệnh nấm thủy mi:
Bệnh do một số loài nấm dạng hình sợi, bào tử nấm có tiên mao gây ra, với những biểu hiện trên da cá xuất hiện các vùng trắng xám, sau vài ngày tại đó mọc lên các sợi nấm mảnh và phát triển lên thành từng búi nấm trắng như bông, 1 đầu sợi nấm bám vào da của cá, đầu kia tự do ngoài môi trường nước. Khi cá bị bệnh nấm thủy mi sẽ bơi lội không định hướng, ngứa ngáy cọ sạt vào bờ hoặc là các vật dụng trong ao. Từ đó làm tróc vẩy trầy da. Đây chính là cơ hội cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, ký sinh trùng xâm nhập và phát triển làm cho bệnh cá càng nặng hơn.
Bệnh này xảy ra ở hầu hết các loài cá nước ngọt như cá trắm cỏ, cá trôi, cá mè, cá chép và còn gây ung trứng cá, nhất là trứng cá chép.
Bệnh phát triển mạnh trong các ao nuôi bị ô nhiễm do mùn bã hưu cơ, ao nuôi ít được thay nước và trong các bể ấp có nhiều trứng bị ung. Nấm thường phát triển đầu tiên ở các trứng bị ung, sau lây lan nhanh sang các trứng khỏe và gây chết cá hàng loạt.
Phòng bệnh tổng hợp:
- Cải tạo ao sau mỗi vụ nuôi bằng cách vét bùn, tạt vôi diệt tạp từ 7 – 10kg/100m2 diện tích ao nuôi; rắc vôi định kỳ xuống ao nuôi 2 lần/tháng và trước khi trời mưa từ 1,5 – 2kg/100m3 nước ao; treo túi vôi 2 – 4kg/túi quanh chỗ cho cá ăn. Định kỳ 15 ngày dùng các chế phẩm sinh học như Biobacter, Biopower tạt 1kg cho 8.000 – 10.000m3 nước ao nuôi để xử lý nước đục, nước nhờn, váng nhớt, làm sạch nước, ổn định pH, khử mùi hôi thối, phân hủy nhanh xác động thực vật, thức ăn dư thừa, mùn bã hữu cơ. Thường xuyên theo dõi màu nước ao nuôi và kiểm tra khả năng phản xạ cũng như bắt mồi của cá. Nếu nguồn nước thuận lợi nên thay và cấp nước mới thường xuyên cho ao nuôi.
- Không nuôi cá với mật độ quá dày. Cá giống trước khi thả cần được tắm qua nước muối với liều lượng 2 – 4gmuối/lít nước.
- Định kỳ bổ sung Vitamin C bằng cách trộn vào thức ăn cho cá ăn với liều lượng 200 - 300g/100kg thức ăn.
Phương pháp trị bệnh:
- Khi cá bị bệnh dùng các loại hóa chất: Methylen với liều lượng 2- 3lít cho 1.000m3 nước ao nuôi và lặp lại 2 lần trong 1 tuần; dùng BioIodine với liều lượng 1 lít cho 5.000m3 nước ao nuôi hoặc xử lý bằng Vicato 1kg cho3.000m3 nước ao; dùng 500 – 700g đồng sun phát (phèn xanh) cho 1.000m3 tạt đều khắp mặt ao nuôi.
- Ngoài ra người nuôi có thể dùng cây nghể răm hoặc lá xoan bó thành bó ngâm xuống ao nuôi để trị bệnh cho cá.
Bệnh virus mùa xuân trên cá chép
Bệnh còn có tên bệnh phù của cá chép do virus gây ra. Với dấu hiệu bên ngoài da sậm màu, mắt lồi, mang nhợt nhạt các tơ mang xơ rách, có hiện tượng xuất huyết điểm ở da, mang. Khi giải phẫu bên trong thấy xoang bụng có dịch, ruột chướng hơi, tụy bị sưng và có hiện tượng xuất huyết ở bong bóng, đây được xem là dấu hiệu đặc trưng của bệnh này.
Bệnh thường xảy ra khi nhiệt độ thấp từ 18 – 20oc. Giai đoạn cá càng nhỏ (dưới 1 năm tuổi) càng nhạy cảm với bệnh này nhất là cá chép giống lưu qua đông.
Đối với bệnh virus mùa xuân trên cá chép chưa có thuốc đặc trị ngoài việc sử dụng vaccine. Tuy nhiên việc dùng vaccine để trị bệnh cho cá chép nuôi thương phẩm rất tốn kém và khó áp dụng đại trà. Nên người nuôi cần điều chỉnh khung thời vụ thả giống hợp lý như vào thời điểm thời tiết có nhiệt độ ổn định > 22oc đồng thời áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp như bệnh nấm thủy mi.
Bệnh trùng loa kèn
Bệnh ký sinh trên da, mang hoặc các phần phụ của các loài thuỷ sản, trong đó có cá. Bệnh hay xuất hiện vào mùa xuân ở miền Bắc.
Phòng và trị bệnh: Dùng 500 – 700g đồng sun phát (phèn xanh) cho 1.000m3 tạt đều khắp mặt ao nuôi; tắm nước muối 2- 4% (2 – 4kg muối ăn cho 100 lít nước) cho cá bị bệnh, thời gian tắm 10 – 15 phút tùy theo sức khỏe của cá.
Tuấn Minh (Trang Trại Việt)
No comments:
Post a Comment