Monday, July 20, 2015

Những lưu ý khi thu hoạch nhãn

Hiện đang là thời điểm thu hoạch nhãn của các địa phương. Để thu hoạch gọn và cây phát triển tốt trong vụ sau, người trồng cần lưu ý:

Ảnh minh họa

Cách phát hiện nhãn đã chín: Người trồng có thể nhận biết quả chín bằng cách quan sát vỏ, cùi và hạt. Quả nhãn khi chín vỏ chuyển từ màu nâu hơi xanh sang màu nâu sáng, vỏ mọng, nhẵn, hạt có màu đen bóng, cùi nhiều nước, thơm và ngọt, dùng tay nắn thấy mềm.

Cách thu hoạch hợp lý: Cành nhãn có các mầm ngủ phía dưới (để tạo hoa quả năm sau). Vì vậy, khi thu hoạch cần dùng kéo cắt nguyên chùm quả cho vào sọt có lót lá chuối. Không cắt hết cành lá vì sẽ ảnh hưởng đến các mầm ngủ phía dưới chùm quả, làm mất khả năng nảy lộc cho vụ sau. Khi thu hái chú ý không để cành bị xước. Nên thu hoạch ngày tạnh ráo vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Hái xong nên để quả vào chỗ râm mát. Nếu chưa đem bán kịp thì nên rải quả thành một lượt mỏng, không nên xếp thành từng đống sẽ nhanh hư hỏng. 

Chú ý: Muốn bảo quản quả nhãn được lâu, giữ được mã đẹp và phẩm chất tươi ngon, người trồng cần lưu ý một số khâu sau:

- Trước khi thu hoạch khoảng 1 tuần nên ngừng tưới nước. Cần hái nhãn khi quả đúng độ chín, không nên để nhãn quá chín rồi mới hái. Vì như vậy quả sẽ nhạt, độ tươi ngon sẽ giảm do đó không giữ được phẩm chất vốn có của giống. 

- Không nên thu quả vào ngày mưa vì lượng nước trong quả nhiều, nhãn sẽ không ngọt và hay bị thối. Không nên thu vào ngày quá nóng, quả nhãn sẽ hô hấp mạnh khi ở nhiệt độ cao sẽ không có lợi cho cất trữ và vận chuyển. Nên hái cả chùm, tỉa bỏ các quả bị bệnh, quả bị dập nát và cất trữ, vận chuyển nhẹ nhàng. 

- Có thể dùng túi giấy, hộp các tông hoặc sọt tre, hòm gỗ thưa để bảo quản và vận chuyển. Trong thùng nên lót một lớp mỏng giấy chống ẩm. Nếu có điều kiện nên dùng kho lạnh (từ 5 - 10 độ C) để cất trữ  và bảo quản. 

KS. Trần Thị Liên (Báo Hải Dương)

Dùng bẫy đèn diệt trừ sâu đục thân hại cà phê

Tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đang xuất hiện tình trạng sâu đục thân mình trắng (Xylotrechus quadripes Chevrolat) tàn phá cây cà phê, gây thiệt hại nặng cho nông dân. Theo các chuyên gia nông nghiệp, loại sâu này hoạt động quanh năm và phát triển mạnh ở những khu vực nhiệt độ cao và nhiều ánh sáng.
    
Để phòng trừ kịp thời loại sâu đục thân này, người trồng cà phê cần biết: Sâu đục thân mình trắng trưởng thành là một loại xén tóc nhỏ có màu xanh đen. Con trưởng thành đẻ trứng vào vết nứt của đoạn cành hoặc thân rải rác hoặc thành từng cụm. Sau khi nở, sâu non đục vào gỗ, rồi đục ngoằn nghèo quanh vòng cây, tiện ngang các mạch gỗ. Sâu đục tới đâu, đùn phân và mạt cưa bịt kín đến đó. Đến tuổi 5, tuổi 6 sâu đục ra phía gần vỏ tạo 1 khoảng rộng trong phần gỗ của cây và hoá nhộng tại đó.

Sâu đục thân mình trắng hại cà phê. Ảnh: T.L

- Vòng đời từ trứng - sâu non - trưởng thành - đẻ trứng là 200 - 211 ngày trong vụ đông và 126 - 176 ngày đối với vụ hè.

- Cây cà phê bị sâu đục thân mình trắng gây hại có các biểu hiện sau:

+ Toàn bộ lá phía trên ngọn bị vàng héo, các lá phía dưới còn xanh tốt, cây mọc thêm nhiều chồi thân.

+ Trên thân có những đường lằn nổi lên theo vòng, vỏ bị nứt nẻ, có những lỗ đục đường kính 2-3 mm.

+ Cây dễ bị gãy gục tại chỗ bị sâu đục.

+ Chẻ dọc thân cây thấy có đường rãnh sâu đục, phát hiện có sâu non màu trắng ngà, không có chân, toàn thân gồm nhiều đốt.

Biện pháp phòng trừ:

- Đối với vườn cà phê đang bị sâu đục thân phá hại, cần tiến hành cưa bỏ những đoạn cành, thân cây có sâu đục thân hại để tiêu diệt bằng cách đốt hoặc chẻ thân cây ra, thu sâu non để diệt.

- Con trưởng thành (bướm, xén tóc) thường bị kích thích và thu hút bởi ánh sáng vì thế có thể dùng bẫy đèn để bắt các con trưởng thành và tiêu diệt vào đầu mùa mưa. Thời điểm này chúng thường ghép đôi và sinh sản.

- Sử dụng một số loại thuốc BVTV sau để phun trừ: Hoạt chất Diazinon (Diazol 10G, liều lượng 15g/gốc; Diazan 50EC, liều lượng 2,5 lít/ha); hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin (Tungcydan 55EC, liều lượng 1,0 lít/ha)… Lượng nước phun 800 lít/ha, phun lên thân cây 2-3 lần để diệt sâu non ngay từ khi mới nở. Chú ý phun ướt đều toàn bộ cây, đặc biệt phun kỹ thân cây, và phun vào sáng sớm hoặc chiều mát.

- Trồng cây che bóng làm giảm cường độ ánh sáng. Cắt tỉa cành để cây có được bộ tán lá cân đối và thân cây được che phủ từ trên xuống dưới. Bón phân cân đối, đầy đủ để cây phát triển tốt, tăng sức đề kháng cho cây.

- Bảo vệ thiên địch, loài ong Apenesia sahyadrica Azevedo & Waichert ký sinh trên giai đoạn sâu non của sâu đục thân mình trắng.

Ánh Nguyệt (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia)

Sunday, July 19, 2015

Mọt nước hại lúa

Thời gian qua, tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) xuất hiện dịch mọt nước gây hại trên giai đoạn mạ vụ mùa.

Mọt nước hại lúa tại xã Châu Quang

Đối tượng này từng gây hại trên 10 ha mạ vụ xuân 2012 tại các xã Châu Quang, Châu Đình, Đồng Hợp. Năm nay, xã Châu Quang có 2 ha mạ bị nhiễm. 

Bà Lê Thị Vân, xóm trưởng xóm Khánh Quang, xã Châu Quang cho biết: “Hiện cả xóm có khoảng 1 ha mạ nhiễm, riêng gia đình bà vụ này gieo 6 kg giống bị nhiễm toàn bộ. Trạm bảo vệ thực vật Quỳ Hợp cũng đã kịp thời phát hiện chỉ đạo công tác phòng trừ”. 

Mọt nước (Lissorhoptrus oryzophilus Kuschel), được phát hiện năm 1881, đến năm 1951 Kuschel phân đã loại đối tượng dịch hại này. Là một loài thuộc họ vòi voi (Curculionidae), bộ cánh cứng (Coleoptera) có nguồn gốc từ Mỹ. 

Ở nước ta chỉ mới xuất hiện trong một vài vụ lúa gần đây, nhưng nhiều nơi trên thế giới nó như một dịch hại nguy hiểm và đã kháng thuốc. Đến năm 2010 việc sử dụng nhóm diamide và neonicotinoid như một giải pháp mới nhất. 

Mọt nước trưởng thành ăn mô lá, để lại các vết xước dọc theo phiến lá. Chúng thích nghi trong môi trường nước. Bình thường chúng ăn các thực vật thủy sinh, mùa đông thì trú ẩn trong các bờ ruộng. Tuy nhiên gây hại nặng nhất là giai đoạn ấu trùng. Ấu trùng của mọt nước ở trong đất, tấn công rễ lúa. 

Biểu hiện lỗ mọt nước chui lên sau khi vũ hóa

Trưởng thành đẻ trứng vào trong các bẹ lá nằm dưới mặt nước, trước đây người ta cho rằng trứng đẻ vào rễ vì thấy ấu trùng ăn rễ. Sau 4 - 9 ngày, trứng nở trong nước, ấu trùng chui ra và thả mình xuống đất, đục sâu vào rễ. Giai đoạn ấu trùng kéo dài 28 - 35 ngày, sau đó hóa nhộng. Ở nhiệt độ 20 độ C, thời gian ấu trùng có thể kéo dài đến 50 ngày, chiều dài ấu trùng có thể hơn 1 cm

Ấu trùng ăn rễ lúa và sử dụng oxy để sống nhờ vào cấu tạo chuyên biệt của tế bào rễ lúa. Các tế bào nhu mô khoảng cách (aerenchyma) hay còn gọi là phế căn có mô khí và có chức năng trao đổi khí, tạo ra những khoảng trống to chứa khí giúp rễ trao đổi khí trong đất bị ngập nước. 

Sau khoảng 5 - 14 ngày thì ấu trùng hóa nhộng. Trước khi hóa nhộng, ấu trùng nhả tơ tạo thành buồng nhộng hình bầu dục, che kín và nước không thể vào cũng như không khí không thể thoát ra. 

Hình thái mọt nước hại lúa tại xã Châu Quang 

Sau khi vũ hóa, mọt nước có thể bơi trong nước, con trưởng thành chủ yếu ăn mô lá. Kích thước trưởng thành của mọt nước hại lúa chỉ 3 - 4 mm màu nâu nhạt. Chúng thích nghi với đời sống thủy sinh, nhờ có các sợi lông kỵ nước trên chân, cho phép chúng có thể bơi như một số loài thuộc bộ cánh cứng và bộ cánh nửa sống thủy sinh khác. 

Biện pháp phòng trừ: 

- Dọn cỏ sạch bờ ruộng, bờ đê vì đây là nơi duy trì tích lũy nguồn mọt nước. 

- Tháo nước khô ruộng trước khi vào vụ mới, hoặc khi xuất hiện mọt gây hại. Ruộng khô có thể gây chết và ngăn chặn tốc độ gây hại của trưởng thành, vì trưởng thành di chuyển trong nước tốt hơn. Tuy nhiên biện pháp này không kiểm soát được trứng và ấu trùng. 

- Sau mỗi vụ thu hoạch, cho nước ngập chìm gốc rạ (nếu điều kiện thủy lợi cho phép) đến khi rơm rạ bị phân hủy. Cắt nguồn thức ăn của mọi nước. 

- Nên xử lý hạt giống trước khi gieo bằng các thuốc có chứa thiamethoxam như Actara 25WG, Cruiser plus 312.5FS. 

- Nếu mật độ vượt ngưỡng gây hại kinh tế, phòng trừ bằng các thuốc hóa học thuộc nhóm diamide (Chloratrniliprole) và neonicotinoids (Thiamethoxam) với các thuốc như Actara 25WG, Virtako 40WG. 

- Ngoài ra có thể sử dụng các thuốc có chứa lambda-cyhalothrin (Karate 2.5EC), fipronil (Regent 800WP), diflubenzuron… Trong biện pháp sinh học sử dụng chế phẩm vi khuẩn Bacillus thuringiensis.

ThS Phan Anh Thế (nongnghiep.vn)

Saturday, July 18, 2015

Kỹ thuật chăn nuôi gà tây Huba thịt

Gà tây Huba được nhập vào nước ta từ năm 2008, sau thời gian nuôi thích nghi chịu đựng tốt trong môi trường nhiệt đới nóng ẩm, có khả năng chăn thả, tự kiếm ăn. Tỷ lệ nuôi sống: 92 - 95%, khối lượng cơ thể 5 tháng tuổi: 5,5 - 6,0 kg/con; tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng: 3,2 - 3,3 kg. Hiện nay, nhiều vùng ở Hưng Yên và Hà Nội phát triển chăn nuôi giống gà này thay thế dần gà tây nội có năng suất thấp.


I. Điều kiện chăn nuôi

1. Chuồng nuôi gà tây

- Chuồng nuôi cần đáp ứng yêu cầu chung về chuồng nuôi gia cầm.

- Tiến hành xây chuồng nuôi trên một khu đất cao 30 - 50 cm trong vùng đất khô.

- Độ cao thích hợp cho chuồng nuôi là 2,5 - 2,8m vì gà tây thích nghỉ ngơi trên sào gỗ cao. Mái hiên rộng ít nhất 30 - 40cm.

- Chuồng nuôi cần phải có cửa sổ ánh sáng ở phía Nam hoặc phía Đông Nam, Cửa sổ phải cách sàn nhà 40 - 50cm, diện tích cửa sổ tối thiểu 20% khoảng không gian trong chuồng.

- Nền chuồng có thể được làm bằng đất sét nện hoặc bằng bê tông để dễ dàng vệ sinh và tẩy uế.

Đối với gà non và gà trưởng thành chuồng nuôi đơn giản. Chúng được làm từ vật liệu rẻ và đơn giản, có thể tháo rời được và vận chuyển dễ dàng. Chuồng nuôi kín 3 phía. Độ cao đằng trước: 2,5- 3m, đằng sau: 1,5 - 2m; chiều rộng: 2-3 m; chiều dài phụ thuộc vào số lượng nuôi.

Trong chuồng nuôi cần có sào đậu, chiều cao sào đậu: 50cm (con non); 70 - 150cm (con trưởng thành); chiều dài sào đậu tối thiểu: 35 - 40 cm/con.

2. Dụng cụ chăn nuôi

2.1. Máng ăn

Máng ăn: gà tây 1 ngày tuổi có thể cho ăn từ những hộp giấy cắt (mép cao 2-3cm), hoặc hộp nhựa mép cao 5cm.

0 - 7 ngày tuổi: 40 - 60 con/máng (kích thước máng: cao 3cm x rộng 50cm x dài 80cm)

7 - 42 ngày tuổi: 30 - 40 con/máng tròn (đường kính 40cm).

Sau 42 ngày tuổi: máng ăn tự động: 1 con/3 - 4cm máng dài.

Máng ăn tự động có thể được thay thế bằng máng sắt hoặc máng gỗ rộng 25 - 30cm và cao 15 - 20cm với chân máng cao 40 - 60cm.

2.2. Máng uống

1 - 5 ngày tuổi:     30 con/máng uống (2 lít)

                             hoặc 1 con/1 cm máng uống dài

5 - 42 ngày tuổi:   60 con/máng uống tròn (đường kính 40cm)

                             hoặc 1 con/2 cm máng uống dài.

Sau 42 ngày tuổi: Máng ống cắt (đường kính 130 mm) hoặc máng uống dài: 1 con/2 cm (1 con/1 cm trong trường hợp 2 mặt ngang nhau).

3. Sân chơi và bãi cỏ cho gà tây 

- Diện tích sân chơi tối thiểu gấp 2 - 3 lần diện tích chuồng nuôi.

- Bãi cỏ tiêu chuẩn cho gà tây là vườn cây ăn quả.

- Có thể đưa gà tây tới nơi trồng cỏ.

- Nếu không có đồng cỏ nào tốt, chúng ta phải tạo nơi chạy nhảy cho gà tây: yêu cầu 20 - 25 m2/con.

- Nơi tắm cát cần được đặt trong khu chơi.

- Nơi chơi cần phải được bảo vệ bằng lưới cao 2,5m.

II. Kỹ thuật nuôi gà tây thịt

1. Chuẩn bị điều kiện nuôi gà tây con

Mục đích: Tạo những điều kiện tối ưu cho gà tây đến 6 tuần tuổi.

Trước khi nuôi gà cần chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện vật chất kĩ thuật như: chuồng nuôi, rèm che, cót quây, chụp sưởi, máng ăn, máng uống. Kiểm tra các trang thiết bị lần cuối trước khi đưa gà vào nuôi.

Tất cả các dụng cụ phải được khử trùng trước khi sử dụng 2 - 3 ngày. Chuồng được xông hơi bằng KMnO4 + Foocmol (120 ml foocmol + 60g KMnO4 cho m3 chuồng) rồi đóng kín cửa lại trong 24 giờ, sau đó mở cửa và thông hơi 12 - 24 giờ trước khi đưa gà xuống chuồng. Chuẩn bị đầy đủ thức ăn, thuốc thú y cần thiết cho đàn giống.

Chuồng nuôi phải được thông thoáng tốt sau lần khử trùng cuối cùng. Được đặt ở nhiệt độ ấm tối ưu, hoặc bật lò sưởi và điều chỉnh nhiệt độ chuẩn. Nhiệt độ trong quây úm phải được đảm bảo cao hơn 2 - 30C so với nhiệt độ trong chuồng nuôi.

Sử dụng cót ép cao 40 - 50cm để quây cho gà tây 1 ngày tuổi.

Chất độn chuồng: trấu, dăm bào sạch hoặc rơm chặt ngắn (cắt khoảng 5 - 6 cm), không bị mốc trải dày 5 - 10 cm và được phun thuốc sát trùng (fooc mol 2%). Sưởi ấm chuồng 10 - 12 giờ trước khi đưa gà vào.

2. Chọn giống và thả gà con

Chọn những con gà nhanh nhẹn, mắt sáng, bông lông, bụng gọn, chân mập. Tránh chọn nuôi những con gà khô chân, vẹo mỏ, khoèo chân, hở rốn, xệ bụng, lỗ huyệt bết lông.

Các bước khi tiến hành thả gà con:

- Máng uống cần phải được đổ đầy nước (20-220C) với lượng vitamin mới và phải được hòa tan.

- Đổ sẵn thức ăn vào máng ăn trước khi đưa con non vào.

- Hộp vận chuyển khi mang tới chuồng nuôi được sắp xếp đều trong khu vực thích hợp.

- Bắt đầu thả gà từ những hộp phía trong trước và lùi dần ra ngoài.

Lưu ý:

- Nơi đặt máng ăn cần phải được chiếu sáng vì gà tây con nhìn rất kém.

- Để gà con lớn đều cần nuôi ở mật độ đàn tương đối thấp và kích cỡ đàn nhỏ.

- Gà con ở độ tuổi khác nhau cần phải nuôi riêng biệt.

3. Nhiệt độ

Gà tây con rất cần ấm bởi vì nó không tự điều chỉnh thân nhiệt trong 2 tuần đầu. Do vậy việc giữ ấm theo nhu cầu cơ thể gà trong các tuần tuổi đầu mới xuống chuồng rất cần thiết. Nếu không đảm bảo đủ nhiệt độ, tỷ lệ nuôi sống và khả năng sinh trưởng sẽ bị ảnh hưởng, các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa dễ phát sinh.

Bảng 1. Nhiệt độ nuôi gà tây con


Từ 3 tuần tuổi, gà con cần có nơi để chạy. Đầu tiên chỉ cần mở lỗ hổng vào ban ngày - gà con có thể ra ngoài nếu muốn. Sau đó, chúng ta có thể ngăn gà con ở bên ngoài khoảng 1 - 2 giờ khi thời tiết cho phép. Không cho chúng ở ngoài khi trời mưa, hoặc nơi có nước ở khu vực chơi hoặc cỏ bị ướt vì chúng rất nhạy cảm. Khi chúng có bộ lông hoàn chỉnh đầu tiên (5 tuần tuổi) - sau khi thay lông - chúng chịu được nước, thậm chí chúng có thể tắm được. Khi đó, máng ăn và máng uống có thể để ra ngoài.

Thiết bị sưởi ấm: Có thể dùng bóng điện, bóng hồng ngoại ở những nơi có điện hoặc đèn măng xông, bếp than, lò ủ trấu,... ở vùng sâu vùng xa.

Dụng cụ sưởi treo giữa quây trong ô chuồng, đặt cao hay thấp tùy theo yêu cầu nhiệt độ cụ thể.

Trong quá trình nuôi, quan sát phản ứng của đàn gà đối với nhiệt độ:

- Nếu đàn gà tập trung gần nguồn nhiệt chen lấn, chồng đống lên nhau là chuồng nuôi không đủ nhiệt độ, gà bị lạnh.

- Nếu đàn gà tản xa nguồn nhiệt, nháo nhác, khát nước, há mỏ để thở là bị quá nóng, cần phải điều chỉnh giảm nhiệt độ.

- Nếu gà con tụm lại một phía là bị gió lùa, rất nguy hiểm, cần phải che kín hướng gió thổi.

- Khi nhiệt độ trong quây thích hợp gà vận động, ăn uống bình thường, ngủ nghỉ tản đều.

Chụp sưởi giữ ấm cho gà con

4. Ẩm độ

Độ ẩm trong chuồng cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự điều chỉnh nhiệt của gà con. Độ ẩm tương đối 60 - 70% là phù hợp với gà tây, tuy nhiên ở Việt Nam độ ẩm chuồng trại bao giờ cũng cao hơn nhiều. Để khắc phục độ ẩm cao ở Việt Nam chuồng trại phải luôn giữ cho khô ráo, tránh ẩm ướt. Đặc biệt gà tây con mới nở tuyệt đối không để gà bị ướt vì giai đoạn này chúng rất mẫn cảm với nước.

5. Ánh sáng

Gà con cần chiếu sáng 24/24h từ 1 - 3 tuần đầu, sau đó giảm dần còn ánh sáng tự nhiên.

Trước khi gà đẻ 1 tháng, sử dụng bóng đèn có công suất 75 - 100W. Cường độ ánh sáng 3 - 4 W/m2 nền chuồng.

Chú ý: Lượng ánh sáng phải được phân bố khắp chuồng nuôi.

6. Mật độ nuôi

* Nuôi nền, sử dụng độn chuồng:

Bảng 2. Mật độ nuôi gà tây con


Trong nuôi chăn thả, khi gà tây ở 8 tuần tuổi, mật độ nuôi có thể cao hơn 12 con/m2. Đến 10 - 12 tuần tuổi có thể nuôi 6 - 8 con/m2 cũng không cần san ra, tuy nhiên lớn hơn nữa nếu không san ra thì sẽ chết nhiều.

* Nuôi trên sàn lưới:

Có thể nuôi gà tây con trong lồng đến 8 tuần tuổi. Mật độ nuôi gà tây trên lồng có thể nuôi 60 - 80 con/m2 đến 2 tuần tuổi; 30 - 40 con/m2 đến 4 tuần tuổi và 15 - 20 con/m2 đến 6 tuần tuổi.

7. Nuôi dưỡng, chăm sóc

7.1. Cho ăn

3 - 4 tuần tuổi đầu, gà tây được cho ăn thức ăn hỗn hợp. Sau đó chúng ta có thể thay đổi: gà ăn ngô, gạo. Yêu cầu về protein có thể đáp ứng đủ bằng đậu tương, nguồn protein rau khác và nguồn protein động vật. Cần cho gà ăn nhiều lần trong ngày. Lượng thức ăn mỗi lần cân đối đủ theo nhu cầu để thức ăn luôn được mới, sạch sẽ, kích thích tính thèm ăn của gà. Mỗi lần cho ăn cần loại bỏ chất độn chuồng và phân lẫn trong máng để tận dụng cám cũ.

Thức ăn phải cân đối đầy đủ các chất dinh dưỡng đáp ứng cho nhu cầu phát triển trong giai đoạn nuôi. Thức ăn phối chế đa nguyên liệu, sử dụng đạm có nguồn gốc từ động vật, thực vật, Premix vitamin, khoáng vi lượng. Không dùng nguyên liệu bị nấm mốc, nhiễm độc tố aflatoxin, hoặc bột cá có hàm lượng muối cao. Dùng đỗ tương phải rang chín gà mới tiêu hoá được, nếu không gà ăn vào sẽ bị rối loạn tiêu hoá.

Bảng 3. Giá trị dinh dưỡng nuôi gà tây thịt


7.2. Cho uống

Gà tây cần nước chất lượng tốt liên tục, sạch. Thiếu nước có thể gây nên rối loạn, đặc biệt là mới nuôi và khi nhiệt độ nóng.

Cần cho gà uống nước sạch và để tăng sức đề kháng, trong những ngày đầu nhiệt độ nước phải từ 20 - 220C và nên pha vào nước 5 gram đường gluco + 1 gram vitamin C/1 lít nước. Sử dụng chụp nước uống tự động bằng nhựa, chứa 3,5 lít nước cho 100 con. Vị trí đặt chụp nước có khoảng cách thích hợp với khay ăn để thuận tiện cho gà ăn uống.

Nước cần phải luôn luôn sạch, phải thay vài lần trong một ngày khi thay nước thì máng nước phải được thay đổ hết, rửa sạch và đổ đầy nước mới một ngày một lần bất kể loại nước uống nào. Đối với gà tây tốt nhất là dùng nước máng chảy.

Trong thời gian ở trên bãi chăn luôn phải có đủ nước, nếu trên bãi chăn không có nguồn nước thì phải chứa vào máng uống. Điều này rất quan trọng trong những ngày nóng vì thiếu nước gà tây chịu nóng rất khó khăn.

7.3. Chăm sóc gà tây

Đặc điểm chung

- Trong chuồng nuôi nên hạn chế sử dụng tới mức tối thiểu thiết bị tạo nên tiếng ồn. Tránh tiếng động lớn đột ngột.

- Chúng ta phải làm việc trong chuồng nhẹ nhàng, tránh làm gà bị kích động. Gà tây dễ thích nghi với giọng nói của con người, chúng sẽ dần dần nhận biết người chăm sóc của chúng, người lạ mặt không được làm náo động đàn gà.

Điều kiện để tránh mổ lông:

Mật độ đàn thấp; Chia thành nhiều nhóm nhỏ; Nhiệt độ ổn định; Độ ẩm (tối ưu) thấp; Chế độ ánh sáng thích hợp; Chất độn chuồng khô, sạch; Thức ăn chuẩn, đủ số lượng.

Chất độn chuồng

- Mùn cưa hoặc rơm (cắt khoảng 5 - 6cm), sạch, khô, không bụi và mốc là những vật liệu tốt nhất làm chất độn chuồng.

- Làm tơi chất độn chuồng 2-3 lần/1 tuần.

- Chất độn chuồng không được ướt. Chất độn chuồng ướt hoặc quá bẩn cần được thay mới.

- Khi thay mới chất độn chuồng (và mọi công việc khác) cần tiến hành đưa gà tây ra ngoài.

- Thường xuyên kiểm tra chất độn chuồng quanh máng uống.

Chăm sóc gà tây con

- Gà tây Huba từ 3 tuần tuổi cần phải được tập chạy. Tránh không cho gà tập chạy ở nơi có bệnh, cỏ có cát, bùn đất.

- Từ 6 - 7 tuần tuổi, có thể tập cho gà tây Huba ăn cỏ ở những phòng chứa (nhà kho).

- Sau 6 - 7 tuần tuổi, gà cần phải được đưa đến nơi có cỏ tốt.

- Bãi cỏ phải cách ly đối với xe cộ và người đi lại, và không tiếp xúc với loài gia cầm khác.

- Nếu không có bóng râm tự nhiên trên đồng cỏ, cần phải làm những bóng râm di động để có thể chuyển từ bãi này sang bãi khác. Diện tích bóng râm bảo đảm 1m2/con.


Ghi chú: Trong chăn nuôi gà tây lấy thịt ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng thoả mãn đầy đủ các nhu cầu sinh lý cho gia cầm phát triển đòi hỏi mỗi giai đoạn sẽ khai thác tối đa tiềm năng di truyền của giống, đạt khối lượng giết thịt càng sớm càng tốt.

Để nuôi gà tây vỗ béo thì sau khi nuôi gà tây choai kéo dài đến 10-12 tuần tuổi sau đó chúng được chuyển tới cơ sở vỗ béo. Lúc này gà tây trống nặng khoảng 2,5-3 kg, gà tây mái nặng khoảng 1,5-2 kg và chúng có sức chống bệnh tốt, rất ít đòi hỏi những điều kiện khắt khe. Chế độ chăm sóc nuôi dưỡng như đã nêu ở trên, gà nuôi thịt thì được ăn tự do suốt ngày đêm (ăn càng nhiều càng tốt) cho đến khi giết thịt.

Thời gian chiếu sáng: ban ngày dùng ánh sáng tự nhiên, đêm thắp bóng điện. Sau 4 tuần có thể thả gà ra sân chơi giúp gà tăng cường vận động, cơ săn chắc.

Bảng 4. Khẩu  phần  thức  ăn  phối chế nuôi  gà tây thịt


Bảng 5. Lịch phòng Vắc-xin và thuốc cho gà tây nuôi thịt


TS. Nguyễn Duy Điều (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia)

Kỹ thuật nuôi hàu

Trong nuôi hàu, việc chọn vị trí nuôi rất quan trọng, quyết định thắng lợi của việc nuôi. Vùng nuôi phải là ở vùng cửa sông, ít sóng gió, có độ mặn 20-30, pH thích hợp 7,5-8,5. Nguồn nước sạch, nước lưu thông (có dòng chảy nhẹ), màu nước xanh có nhiều sinh vật phù du. Độ sâu nên chọn vùng hạ triều, chất đáy tương đối cứng. Nên tránh những khu vực có nhánh sông đổ ra trực tiếp. Bãi nuôi hàu phải bảo đảm độ ngập nước cho hàu khi con nước ròng. Khu vực nuôi phải xa khu dân cư, ít thuyền bè qua lại, tránh nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt.

Ảnh minh hoạ.

Mỗi năm có 2 vụ lấy giống. Vụ chính từ tháng 4-5 (tháng 3-4 âm lịch), vụ phụ từ tháng 9-10 (tháng 8-9 âm lịch). Phương pháp lấy giống có hiệu quả cần dựa vào một số tiêu chí như mùa vụ xuất hiện của con giống.

Các yếu tố của môi trường: Nhiệt độ của nước 20-300C, độ mặn của nước 20-30, pH 7,5-8,5; mật độ ấu trùng bám của hàu nhiều nhằm chọn thời điểm thả vật bám cho phù hợp. Tiêu chuẩn của vật bám lấy giống là phải sạch, không mùi vị, không độc, có độ cứng và độ ráp nhất định để hàu dễ bám. Vật bám có thể là vỏ hàu (kích cỡ 5x10cm), tấm phibro ximăng (20x30cm hoặc 20x40cm), vỏ lốp xe (15x25cm), gạch ống, ngói.

Nuôi thương phẩm có 3 hình thức: Nuôi giàn, nuôi bè và nuôi lồng. Nuôi giàn có kỹ thuật nuôi đơn giản, chi phí thấp nhưng chất lượng hàu không cao. Nuôi bè dễ quản lý, dễ chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao nhưng chi phí đầu tư cao hơn nuôi giàn. Nuôi lồng tốc độ tăng trưởng của hàu nhanh, cho năng suất cao nhưng chi phí đầu tư cao nhất so với các hình thức khác.

Quản lý chăm sóc: Nếu điều kiện môi trường không thuận lợi như độ mặn thấp, nguồn thức ăn giảm… có thể hạ các dây nuôi xuống sâu hoặc di chuyển hàu đến vùng khác; thường xuyên kiểm tra các thiết bị nuôi như dàn bè, phao, dây nuôi, lồng nuôi nhằm phát hiện và sửa chữa kịp thời. Cần chú ý mật độ bám và vị trí bám của hàu trên dây nuôi. Nếu hàu bám nhiều ở tầng trên của dây nuôi chứng tỏ nền đáy có vấn đề như oxy thấp, pH thấp hoặc bùn đáy quá dày, rong bám nhiều, đáy có nhiều khí độc… cần làm vệ sinh nền đáy, điều chỉnh vật bám thưa ra. Thường xuyên tiêu diệt các động vật ăn hàu như loài ốc tim gà, ốc ngọc, ốc gai, ốc đỏ; các loài giáp xác như cua còng, cáy và thu các bọc trứng của ốc vào mùa sinh sản (tháng 7-9). Định kỳ vệ sinh hàu bằng cách dùng bàn cọ rửa trên hàu để loại bỏ các chất bẩn, rong và sinh vật bám. Sau khi nuôi khoảng 6 tháng nên thu tỉa bớt những con hàu lớn nhằm giảm mật độ nuôi để hàu sinh trưởng nhanh.

Theo Bản tin Khuyến nông Quảng Ninh

Friday, July 17, 2015

Khắc phục thanh long bị teo hoa

Tôi trồng hơn 20 trụ thanh long ruột đỏ. Khi cây ra hoa thì bị teo, một số ra quả non nhưng sau đó cũng bị rụng, không rõ bệnh gì. Nhờ Bạn Nhà nông cho biết nguyên nhân, cách khắc phục. Ba Hải (TX Bình Minh, Vĩnh Long)

Ảnh minh họa

Anh Hải mến, nguyên nhân vườn thanh long ruột đỏ bị teo hoa và quả non bị rụng có thể do chế độ dinh dưỡng và các biện pháp chăm sóc cây chưa hợp lý.

Anh có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục sau: chú ý cắt tỉa, tạo tán không để các cành thanh long chèn đè lẫn nhau. Bón đầy đủ phân hữu cơ, vô cơ cho cây. Tủ gốc cây, tránh rễ cây bị tổn hại do ánh nắng và gió. Khi cây ra hoa, hàng ngày cần tưới đủ nước cho cây, đồng thời tỉa bớt hoa, mỗi cành chỉ để lại 2- 3 hoa tốt nhất. Đặc biệt, chú ý đảm bảo độ chiếu sáng đầy đủ cho cây.

Bên cạnh, anh có thể dùng một thuốc phun xịt như sau: Pha 15g F.BO + 35 ml RA HOA C.A.T (2 nắp lưng)/8 lít, phun cho cây. Lần 1 phun trước khi ra hoa khoảng 15 ngày, lần 2 phun sau lần thứ nhất 7 ngày. Sau khi hoa nở xong, lặt râu, pha 35ml dưỡng trái/8 lít phun sương đều cả cây, 7 ngày sau phun thêm 1- 2 lần nữa.

Chúc anh thành công.

Bạn nhà nông (Báo Vĩnh Long)

Wednesday, July 15, 2015

Quy trình ương cá tra giống không thay nước

Cá tra giống đã và đang là đối tượng nuôi làm giàu cho nhiều người dân ĐBSCL, tuy nhiên thời gian gần đây do thoái hóa con giống và môi trường ngày càng ô nhiễm nên quá trình ương từ bột lên giống 2 cm tỷ lệ sống không cao. Quy trình nuôi không thay nước sẽ hạn chế tối đa được mầm bệnh bên ngoài vào, qua đó tăng tỉ lệ sống trong quá trình ương.

Chọn vị trí và cải tạo ao nuôi

Ao nuôi cá tra giống cần chọn nơi có ngồn nước sạch tốt, không bị ô nhiễm do chất thải của khu dân cư, khu công nghiệp, có giao thông thuận tiện cả đường bộ và đường thủy, đặc biệt chọn gần sông lớn càng tốt, nếu không được thì sông cũng phải đủ lớn để ghe đục vào khi bán cá giống, nêu không thì chi phí vận chuyển cá giống từ ao ra ghe cao và tỉ lệ hao hụt nhiều.

Ao nuôi cá tra giống có diện tích từ 3.000 - 10.000 m2, hình chữ nhật hoặc hình vuông, chiêu sâu khoảng 1.5 - 2 m. Cải tạo ao bằng cách vét cạn bùn đáy, bón vôi với liều lượng 10 - 15 kg/100 m2 ao, phơi khô ao khoảng 3 ngày, lấp các hang cua, ốc, dọn cỏ xung quanh ao sạch sẽ để hạn chế địch hại.

Lấy nước và thả giống

Lấy nước vào qua lưới lọc mịn để tránh trứng các loại cá tạp, giáp xác..., sau khi lấy nước được khoảng 80 cm tiến hành thả cá bột luôn, không cần gây màu nước. Kinh nghiệm thực tế của nhiều người dân cho thấy, khi gây màu nước có thời gian cho trứng cá tạp, các loại giáp xác nở, chuồn chuồn đẻ ấu trùng xuống ao, ếch nhái cũng đẻ ấu trùng xuống ao... ấu trùng của các loại này có thể ăn cá bột.

Chọn mua cá bột từ những cơ sở có uy tín. Thời gian thả cả bột tốt nhất là sáng sớm hoặc chiều mát, mật độ thả khoảng 500 - 1.000 con/m2 (có tài liệu khoa học khuyên chỉ 500 con/m2). Cách thả cá bột là khi bơm nước vào được 80 cm thì tiến hành thả cá bột trước nguồn nước bơm vào để cho cá được phân tán đều khắp ao. Và tiếp tục bơm nước khi nước đạt khoảng 1,2 cm thì ngừng bơm nước. Sau đó hàng ngày cấp thêm khoảng 30 cm nước khi đạt khoảng 1,5 - 1,7 m thì ngừng cấp thêm.

Cho ăn

Ngày đầu tiên chúng ta cho ăn 2 kg trứng nước (Moina) và 4 kg thức ăn dạng bột 40% đạm (hoặc đầu nành mịn) cho 1.000 m2 ao. Những ngày tiếp theo chúng ta dùng vợt vớt trứng nước trong ao, nếu thấy trứng nước còn nhiều thì không cần cho ăn, nếu thấy trứng nước thưa chúng ta chỉ cần cho thêm thức ăn 40% đạm dạng bột để cho trứng nước phát triển là được.

Sử dụng thức ăn dạng viên kích cỡ thích hợp cho cá giống - Ảnh: Thanh Nhã 

Ngày thứ 7 bắt đầu gom cầu cá, mục đích của việc này là tập cho cá ăn thức ăn công nghiệp và cho ăn gần cầu để dễ cho ăn và phát hiện bệnh nếu có. Bắc 1 cái cầu ra cách bờ khoảng 3 - 5 m, khi cho ăn chúng ta rải thức ăn quanh cầu, giai đoạn này sử dụng thức ăn 40% đạm dạng bột. Do nuôi cá tra giống cần nhiều vốn và ngày càng khó nuôi nên người nuôi không nên cho ăn nhiều, mỗi ngày cho ăn 2 lần sáng và chiều, mỗi lần cho ăn vừa đủ hoặc hơi thiếu so với nhu cầu của cá (cá tra giống cho ăn nhiều và no rất dễ bị bệnh).

Từ ngày thứ 21 trở đi cá bắt đầu có thể ăn được thức ăn dạng viên nổi kích cỡ 0,6 li độ đạm 40%. Chú ý khi cá lớn thì cần đổi thức ăn phù hợp với cỡ miệng của cá bằng cách tăng dần thức ăn cỡ lớn và giảm dần thức ăn cỡ nhỏ trong bữa ăn để cho những con cá nhỏ có thể ăn vừa. Từ ngày thứ 30 trở về sau có thể cho ăn thức ăn có độ đạm 28 - 35% để giảm giá thành thức ăn.

Quản lý

Khi cá nuôi được 15 ngày tuổi, định kỳ sát khuẩn nguồn nước bằng Iodine với liều lượng 1 lít cho khoảng 5.000 - 6.000 m2 ao, lưu ý đánh Iodine vào lúc chiều tối hoặc sáng sớm lúc mặt trời chưa mọc. Sau khi sát khuẩn xong thì ngày hôm sau đánh men vi sinh BZT liều lượng 227g cho 10.000m3 ao để tạo vi khuẩn có lợi cho ao nuôi. Định kỳ lặp lại sau khoảng 7 - 10 ngày.

Để tăng sức đề kháng cho cá, trộn thêm Vitamin C khoảng 1 - 2 g/10kg thức ăn, cho cá ăn 2 ngày liên tục trong 1 tuần.

Trong quá trình nuôi, để hạn chế dịch bệnh bên ngoài, không thay nước mà chỉ xử lý môi trường định kì, khi mực nước trong ao xuống thấp tiếp tục cấp thêm vào, duy trì mực nước trong ao khoảng 1,5 - 1,7 m

Cá tra sau khi nuôi được 30 ngày tuổi trở đi là có thể bán. Thông thường sau khi nuôi khoảng 70 - 80 ngày tuổi, cá đạt kích cỡ khoảng 25 - 30 con/kg là cỡ bán phổ biến. Tỉ lệ sống nuôi từ bột đến 80 ngày tuổi có thể đạt khoảng 10 - 30%.

Ths Nguyễn Gia Hiển (Đại học Đồng Tháp - Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Monday, July 6, 2015

Sử dụng phân bón để lúa mùa đạt hiệu quả cao

Nông dân cần phải theo dõi và quan sát kỹ diễn biến thời tiết diễn ra trong cả vụ cũng như thời điểm bón để điều chỉnh, chọn lựa loại NPK hay phân đơn cho hợp lý.

Ảnh minh họa

Hiện nay, thị trường phân bón nông nghiệp rất đa dạng và phong phú. Ngoài các loại phân đơn (đạm urê, supe lân, kali) còn có phân tổng hợp NPK nên việc lựa chọn phân bón nào và sử dụng ra sao để đạt hiệu quả là vấn đề quan trọng đối với nông dân.

Phân bón gốc cho cây trồng thuộc nhóm khó tiêu (sau khi bón vào đất, phân cần phân giải thành chất dễ tiêu thì cây trồng mới hấp thu được). Quá trình phân giải này nhanh hay chậm phụ thuộc vào độ ẩm và nhiệt độ. Do đó, việc bón phân cho lúa vụ mùa sẽ nhanh thấy kết quả hơn ở vụ xuân. Độ ẩm, nhiệt độ càng cao quá trình phân giải phân càng thuận lợi và diễn ra nhanh hơn, cây trồng hấp thu phân bón được sớm hơn. Ngược lại, nếu độ ẩm và nhiệt độ càng thấp, quá trình phân giải chậm dẫn tới cây trồng chậm được cung cấp dinh dưỡng. Muốn đạt hiệu quả cao trong việc sử dụng phân bón cho lúa mùa, nông dân cần phải theo dõi và quan sát kỹ diễn biến thời tiết diễn ra trong cả vụ cũng như thời điểm bón để điều chỉnh, chọn lựa loại NPK hay phân đơn cho hợp lý:

+ Đối với bón lót: Nếu lúc làm đất cấy lúa vụ mùa gặp thời tiết có mưa to, thậm chí phải tháo nước đi mới gieo cấy được hoặc nắng nóng liên tục kéo dài, nhiệt độ ban ngày trên 36 độ C thì cần ưu tiên sử dụng bón phân hỗn hợp NPK mà không bón phân đơn để tránh thất thoát phân bón, nhất là nguyên tố đạm. Vì nếu bón urê thì khả năng do rửa trôi hoặc bay hơi lớn hơn nhiều phân hỗn hợp NPK.

Nếu thời tiết lúc bón lót thuận lợi thì có thể sử dụng phân đơn để bón sao cho cân đối và hiệu quả (bón phân vùi sâu từ 6-8cm vào đất).

+ Bón thúc đẻ nhánh: Căn cứ vào diễn biến thời tiết cũng như thời điểm bón lót. Cần bón phân đơn nếu thời tiết mưa thuận gió hòa. Được như vậy, cây lúa sẽ nhanh có dinh dưỡng để hấp thu giúp lúa đẻ nhánh nhanh và tập trung ngay giai đoạn đầu của quá trình đẻ nhánh, làm tăng số bông hữu hiệu và tăng năng suất sau này. Nếu thời điểm này có mưa hoặc nắng nóng kéo dài thì sử dụng phân NPK để bón thúc đẻ.

 Lưu ý: Nếu sử dụng phân hỗn hợp NPK bón cho lúa đẻ nhánh cần bón sớm hơn so với bón phân đơn vì phân hỗn hợp phân giải chậm hơn phân đơn (bón vào lúc lúa có 3 lá thật đối với lúa gieo thẳng và bén rễ hồi xanh đối với lúa cấy mạ dược).

+ Bón thúc đòng: Không nên sử dụng phân hỗn hợp NPK để bón cho lúa mùa giai đoạn này vì một tầng đất canh tác lúc này đã chai cứng, khả năng thẩm thấu và phân giải của các viên phân hỗn hợp rất khó và chậm. Cây lúa hút dinh dưỡng giai đoạn này cũng không nhanh bằng giai đoạn lúa còn con gái do bộ rễ đã ăn sâu. Nên sử dụng các loại phân đơn (đạm và kali) để bón theo tỷ lệ thích hợp (trông cây mà bón) sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

+ Bón nuôi hạt: Cây lúa từ thời kỳ trổ bông đến thu hoạch có thời gian là 1 tháng. Đây là thời gian huy động tất cả nguồn dinh dưỡng từ rễ, thân, lá đòng về bông để làm hạt. Năng suất lúa cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn này, nhất là các giống lúa lai (lúa lai từ trổ bông đến thu hoạch hút kali cao gấp hơn 2 lần lúa thuần). Vì vậy, muốn có năng suất cao, nông dân cần phải bón phân cho lúa vào giai đoạn này. Tốt nhất nên sử dụng các loại phân kali sun phát hay còn gọi là kali trắng phun trực tiếp trên bông lúc lúa thấp thoi trỗ hoặc sau trỗ 1 tuần với liều lượng 2 lạng/2 bình phun/lần/sào.

KS. Trần Thị Liên - Trạm Khuyến nông Nam Sách - tỉnh Hải Dương

Giải pháp phòng bệnh đảm bảo năng suất lươn nuôi cao

Tuy lươn là đối tượng dễ nuôi, nhưng hầu hết giống đều đánh bắt từ thiên nhiên chưa được thuần hoá, do vậy khi nuôi lươn bà con nông dân cần áp dụng các giải pháp phòng bệnh ngay từ khi thả giống.

Các nguyên nhân phát sinh bệnh trên lươn: Con giống yếu, có sẵn mầm bệnh, bị xây xát trong quá trình vận chuyển; Nhiệt độ thay đổi đột ngột; Môi trường nước ô nhiễm do mầm bệnh, ký sinh trùng, hoặc dư thừa thức ăn; Cho lươn ăn thức ăn ôi thiu; Nuôi mật độ dày.

Theo các nhà khoa học, nên định kỳ thay nước trong bể, quản lý tốt và tránh dư thừa thức ăn là các yếu tố quan trọng nhất mà người nuôi lươn cần chú ý. Một số bệnh thường gặp và biện pháp phòng trị cho lươn mà bà con nông dân nên chú ý như sau:

Bệnh sốt nóng

Triệu chứng: Nhiệt độ nước tăng lên, nước nhớt do lươn tiết dịch nhờn. Lươn quấn vào nhau, đầu sưng phồng, chết hàng loạt.  Nguyên nhân chính: Do mật độ dày, oxy hòa tan thấp, thức ăn thừa làm môi trường ô nhiễm, theo thông tin từ báo Nông nghiệp Việt Nam. 


Nắm rõ cách phòng trị bệnh cho lươn để đảm bảo năng suất thu hoạch. Ảnh minh họa

Phòng, xử lý và điều trị: Giảm mật độ nuôi, san lươn sang bể khác, thay nước, thêm nước mát vào bể, nâng cao mực nước trong bể, thả bèo, che mát sau đó dùng Anti Shock liều 1 ký/1.000 m3 tạo đều trong bồn nuôi lươn, thả cá trê để ăn thức ăn thừa.

Khi phát hiện bệnh có thể dùng các sản phẩm có nguồn gốc iod hoặc có tính sát trùng để ngâm tắm. Phun dung dịch phèn xanh (sulphate đồng) 0,07%, 5 ml/m3 nước. Vớt lươn chết khỏi ao, thay nước, thay đất nếu ô nhiễm nặng.

Bệnh nấm thuỷ mi

Triệu chứng: Các đám sợi hình bông bám vào mình hay trứng. Nguyên nhân chính là do ký sinh trùng. Phòng, xử lý và điều trị: Trước khi nuôi sát trùng bể bằng vôi. Hoà Sodium bicarbonate với nước tỉ lệ 0,4 phần ngàn, tưới khắp bể nuôi.

Tắm lươn bằng nước muối hay bằng Bio Green Cut liều 1 ppm (tức 1 lít/1.000 m3 nước ), sau đó trộn Bio Oxocol liều 5 gr/kg thức ăn và cho ăn liên tục từ 3 - 5 ngày sẽ trị được bệnh nấm thuỷ mi trên lươn. Ngâm trứng lươn vào dung dịch xanh Methylen.

Bệnh tuyến trùng:

Dấu hiệu bệnh: Do ký sinh trùng đường ruột gây nên, chúng bám vào niêm mạc phá hoại mô, hình thành bào nang gây viêm ruột sưng đỏ. Nếu bệnh nặng, hậu môn lươn bị sưng đỏ, chúng sẽ chết dần.


Bà con nông dân cần áp dụng các giải pháp phòng bệnh ngay từ khi thả giống. Ảnh minh họa

Phòng bệnh: Thức ăn cho lươn ăn cần phải được rửa sạch, nấu chín nguồn lây lan. Định kỳ 3 - 5 ngày/lần, trộn men tiêu hóa vào thức ăn cho lươn ăn với liều lượng 5 - 10 g/kg thức ăn. 

Trị bệnh: Dùng các sản phẩm thuốc thú y thủy sản diệt nội ký sinh trùng của để trộn vào thức ăn cho lươn ăn với liều lượng và cách cho ăn như hướng dẫn trên bao bì.

Bệnh nhiễm trùng huyết:

Dấu hiệu bệnh: Da sẫm màu từng vùng ở bụng. Xuất hiện từng mảng đỏ trên cơ thể. Hoại tử đuôi, xuất hiện các vết thương trên lưng, các khối u trên bề mặt cơ thể. Mắt lồi, mờ đục và phù ra. Xoang bụng chứa dịch, nội tạng hoại tử.

Phòng bệnh: Tránh làm xây xát lươn, vệ sinh bể nuôi đúng kỹ thuật, tránh môi trường nước nuôi bị ô nhiễm, nuôi với mật độ vừa phải, cung cấp đầy đủ hàm lượng ôxy... Dùng thuốc tím (KMnO4­) tắm lươn với liều lượng 4 - 5 g/m3 nước. Định kỳ xử lý 7 ngày/lần

Trị bệnh: Trộn thuốc Oxytetracyline hoặc Streptomycin vào thức ăn với liều lượng 50 - 70 mg/kg thể trọng lươn, cho ăn 5 - 7 ngày.

Bệnh đốm đỏ

Dấu hiệu bệnh: Xuất huyết từng đốm nhỏ trên da, chung quanh miệng và nắp mang, phía mặt bụng. Bề mặt cơ thể có thể chảy máu, tuột nhớt nhưng không xuất huyết vây và hậu môn.

Phòng bệnh: Giảm mật độ nuôi, thay nước hoặc định kỳ 5 - 7 ngày/lần tắm lươn bằng thuốc tím (KMnO4­) với liều lượng 3 - 5 g/m3

Trị bệnh: giống như bệnh nhiễm trùng huyết. 

Theo Ths. Nguyễn Văn Triều, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ.

Thái Hà (vietq)