Thursday, September 4, 2014

Nuôi cá bống tượng giá bán cao

Cá bống tượng (Oxyeleotris marmorata) có kích thước lớn nhất trong họ cá bống nước ngọt. Nhờ có chất lượng thịt thơm ngon và giá bán cao, cá bống tượng được xem là loài nuôi kinh tế ở Nam bộ.

Hình dáng

Cá có thân hình thoi tròn, đầu to hơn thân, miệng rộng và răng sắc nhọn. Thân cá nhiều nhớt, có nhiều màu đen và vằn nâu, màu lưng hơi xám. Vảy bụng và lưng đều, mang phồng to, các vây xòe ra hết cỡ. Cá dễ phân biệt với cá bống khác do dưới đuôi có hình chữ V màu đen.


Tập tính sống

Cá sống ở sông rạch, ao, ruộng hoặc hồ chứa, thường đi theo cặp, có thể sống được ở pH = 5, độ mặn 0 - 15‰. Cá có thể chịu đựng được nước có hàm lượng ôxy hòa tan thấp (1 mg/lít). Cá thường sống ở tầng đáy, mé bờ gần mặt nước nơi có cỏ cây thủy sinh, ban ngày cá vùi mình xuống bùn hoặc ẩn trong hang hốc, bộng, ban đêm mới đi kiếm ăn. Cá có thể sống nhiều ngày không ăn, trong điều kiện chật hẹp (lu, chậu, bể nhỏ) hoặc nơi ít nước.

Sinh trưởng sinh sản

Bống tượng là loài cá dữ thích ăn mồi sống như cá, tôm, tép, cua, trùn, ấu trùng, côn trùng, thủy sinh... tươi sống và không thích ăn vật ươn thối, hoặc có thể ăn thêm thức ăn khác như cám công nghiệp và chế biến. Cá ăn mạnh về đêm và những ngày nước lớn. Cá là loài đẻ trứng dính, thành thục sau một năm tuổi, mùa sinh sản kéo dài từ tháng 3 - 11, tập trung tháng 5 - 8, sức sinh sản trung bình 170.000 trứng/kg cá cái. Cá sinh sản nơi nước chảy có cây cỏ thủy sinh hay các gốc thân cây chìm ở ven bờ.

Cá nở sau 4 ngày, cá bột mới nở ăn thức ăn gồm động vật phù du cỡ nhỏ và các hạt mịn như bột, trứng, sữa, đậu nành. Từ ngày 20 trở đi, ăn trùn chỉ, sau một tháng ăn tôm, cá nhỏ. Cá lớn chậm ở giai đoạn dưới 100 g, sau đó lớn nhanh hơn. Cá đạt cỡ 3 - 4 cm sau 2 - 3 tháng ương nuôi. Cỡ cá (3 - 4 cm) phải nuôi 3 - 4 tháng mới đạt cỡ giống 100 g/con. Để nuôi lên cá thương phẩm cỡ 400 g/con trở lên phải nuôi cá giống (cỡ 100 g/con) trong ao hoặc lồng bè 5 - 8 tháng.

Hiện trạng nuôi

Cá bống tượng thương phẩm (cỡ 300 g trở lên) có thịt dày, vị ngọt, thơm, ngon, được tiêu thụ trong các nhà hàng khách sạn và phục vụ xuất khẩu. Trước đây người dân đã nuôi cá bằng nguồn giống tự nhiên như nuôi trong ao đầm ở Đồng Nai, Cà Mau và nuôi bè tại An Giang mang lại sản lượng khá. Hiện nay, hầu hết các trạm trại và cơ sở sản xuất giống đã sinh sản nhân tạo được loài cá này đáp được nhu cầu giống cho thị trường. Tuy nhiên, do thời gian ương giống dài (5 - 7 tháng) và việc đáp ứng nhu cầu thức ăn tươi sống của cá còn hạn chế nên tỷ lệ sống của cá ương nuôi lên giống (cỡ 100 g/con) vẫn còn thấp.

Hiện nay cá bống tượng vẫn được nuôi ao đất, bể hoặc lồng bè. Trong các phương pháp nuôi cá bằng thức ăn tự chế, thức ăn tươi sống và thức ăn công nghiệp thì phương pháp nuôi cá bằng thức ăn tươi sống (cá bạc đầu, rô phi…) được xem là hiệu quả kinh tế, vừa giảm chi phí, ô nhiễm nước vừa nâng cao được tỷ lệ sống cá, giúp cá phát triển tốt.

Cá bống tượng tuy giá bán cao nhưng đầu tư lớn, thời gian nuôi dài, tiêu thụ trong nước chậm và việc xuất khẩu không chủ động. Do vậy khi nuôi cá người dân phải tuân theo quy hoạch, nếu tự ý mở rộng diện tích nuôi lớn, nguồn cung vượt cầu, giá bán hạ sẽ khiến người nuôi dễ bị lỗ. 

Giá bán giống trung bình 20.000 đồng/con (cỡ 100 g/con) mật độ thả 6 con/m2, sau 6  - 8 tháng nuôi cá đạt cỡ 0,4 kg/con, tỷ lệ sống 70%, hệ số thức ăn 7 - 8 kg cá mồi/kg cá thịt, sản lượng đạt 10 - 12 tấn/ha. Với giá bán 320.000 đồng/kg, trừ chi phí cho lợi nhuận 500 - 600 triệu đồng/ha.

Quang Chương/ Tạp chí Thủy sản Việt Nam

No comments:

Post a Comment