Monday, September 8, 2014

Chăm sóc rau màu sau mưa lớn

Nông dân cần có những biện pháp tác động tích cực kịp thời nhằm giảm thiểu lượng rau màu bị thất thoát do úng hoặc bệnh hại. Các biện pháp tác động bao gồm:

Chăm sóc rau màu ở Hải Dương

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén có trục đi qua khu vực Bắc bộ nên các tỉnh vùng ĐBSH vừa qua liên tục có các trận mưa lớn kéo dài. Đây là một điều kiện bất lợi cho rau màu đang phát triển trên đồng ruộng.


Vì vậy, nông dân cần có những biện pháp tác động tích cực kịp thời nhằm giảm thiểu lượng rau màu bị thất thoát do úng hoặc bệnh hại. Các biện pháp tác động bao gồm:

+ Chống úng, trồng dặm rau màu: Các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo, huy động tối đa các trạm bơm hoạt động để chống úng nội đồng cho nông dân. Các biện pháp như khơi thông dòng chảy, nạo vét dõng luống, mương máng, đào hố 2 đầu góc ruộng nhằm tiêu nước trên và dưới bề mặt một cách nhanh nhất...

Lượng nước trong ruộng dóc xuống hố đào nông dân cần khẩn trương tát, múc ra mương máng thường xuyên. Đồng thời, nếu thời tiết sau mưa có nắng, gió thì cần vén màng phủ gần gốc cây để lộ đất cho bộ rễ được thông thoáng, nước sẽ bay hơi nhanh hơn và nấm, vi khuẩn cũng không phát sinh gây hại rễ cây nhiều. Nếu có điều kiện, nên bổ sung một lượng tro bếp nguội vào gần gốc cây để tro hút nước lên bề mặt nhanh.

Đối với những diện tích rau màu mới trồng, mặt luống rau bị dí rẽ, cây con có bộ rễ chưa phát triển mạnh thì nên xới xáo nhẹ, phá váng mặt luống giúp cây hồi phục nhanh hơn kết hợp với trồng dặm các cây bị khuyết để đảm bảo mật độ.

* Chú ý: Tuyệt đối không nên phá váng cho diện tích cây rau màu đã lớn lúc vừa tạnh mưa nhất là các cây có bộ rễ phát triển sum xuê. Vì làm vậy rễ cây sẽ bị xây xát hoặc đứt, nấm và vi khuẩn gây bệnh sẽ xâm nhập gây hại mạnh hơn.

+ Kích thích bộ rễ phát triển và hạn chế bệnh hại cho cây: Do mưa lớn kéo dài, lượng nước bề mặt và dưới bề mặt trong ruộng ở tình trạng thừa đối với rau màu nên bộ rễ cây sẽ có nguy cơ bị úng gây nên hiện tượng vàng lá, nghẹt rễ và chết.

Vì vậy, nông dân cần kịp thời giải quyết được mối nguy này bằng cách: Dùng supe lân(1,5 - 2 kg/sào) hoặc các loại phân bón chuyên dùng siêu ra rễ (theo liều lượng khuyến cáo) tưới cách gốc cây 10 - 15 cm nhằm kích thích bộ rễ phát triển, hồi phục lại tốt hơn. Đồng thời sử dụng các chế phẩm phân bón lá siêu vi lượng + kali sunphat (kali trắng) phun lên thân lá rau màu từ 2 - 3 lần cách nhau 3 - 4 ngày để cây tăng sức đề kháng, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

Mưa lớn kéo dài còn là điều kiện thuận lợi để nấm và vi khuẩn gây bệnh tấn công rau màu qua vết thương xây xát. Vì vậy, sau khi mưa dứt, tranh thủ lúc thời tiết khô ráo, thân lá cây không còn đọng nước nên phun thuốc phòng bệnh cho thân lá và bộ rễ rau màu.

Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Validacin, Topsin, Nativo, Aliette, Mancozeb... phun lên thân lá và vùng rễ cây trồng. Nếu thị trường có bán chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma, tốt nhất nên sử dụng chế phẩm này tưới gốc rau màu theo liều lượng khuyến cáo từ 1 - 2 lần cách nhau 5 ngày nhằm giảm thiểu lượng cây bị chết rũ do bộ rễ bị thối hỏng đồng thời, kích thích rễ phát triển nhanh hơn, cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

* Chú ý:

- Nếu đã dùng chế phẩm nấm đối kháng Trchodecma tưới gốc thì tuyệt đối không được phun hoặc tưới thuốc trừ bệnh hóa học xuống vùng rễ cây trồng sẽ gây phản ứng có hại (nấm đối kháng bị diệt nên không phát huy tác dụng).

- Không nên bấm ngọn tỉa cành hoặc vặt lá gốc cho rau màu ngay sau khi mưa dứt vì sẽ dễ làm nấm, vi khuẩn xâm nhập gây hại cây.

- Không nên sử dụng phân bón lá giàu đạm hoặc chất kích thích sinh trưởng GA3 phun cho rau sau mưa vì dễ làm cây bị thối hỏng do bộ lá mềm mỏng, thân cây vóng mướt.

- Nếu dùng màng phủ nông nghiệp phủ rau thì không nên đục lỗ quá nhỏ, không nên che màng phủ kín cả má (mé) luống xuống tận dõng. Vì làm vậy ôxi rất khó lưu thông vào bộ rễ cây, lượng nước thừa thoát ra ngoài luống cũng rất khó, nấm và vi khuẩn gây bệnh lại phát sinh phát triển gây hại rễ cây nhiều...

Trần Thị Liên/ nongnghiep.vn

No comments:

Post a Comment