Thời gian qua có khá nhiều bài báo phản ánh về ưu, nhược điểm của phân lân và cách dùng hiệu quả. Nhân đây tôi cũng xin có một số trao đổi xung quanh vấn đề này.
Thứ nhất, về nguyên nhân gây chua đất của phân lân supe, theo một bài báo viết thì có tới 3 nguồn (do axit H2SO4 dư sau chế biến, do các phốt phát hòa tan phân ly thành H+) là không đúng, vì chỉ có một là do axit H3PO4 chứ không phải H2SO4 (do chuyển hóa trong quá trình chế biến). Còn việc các phốt phát hòa tan phân ly ra H+ là sự sai lầm rất cơ bản về mặt khoa học (hóa học, nông hóa) vì các phốt phát trên chỉ có thể phân ly như sau: Ca(H2PO4)2 = Ca2+ + 2H2PO4-1; CaHPO4 = Ca2+ + HPO4-2 để cây trồng sử dụng hay giữ trên bề mặt keo đất (Ca2+), không thể gây chua đất.
Thứ hai, lý do khi dùng phân lân supe trên đất rất chua và chua, thường khuyến cáo bón vôi khử chua đất là để phân này phát huy tối đa hiệu quả của một loại phân lân có mức dễ tiêu cao nhất (do phân sẽ phát huy tối đa hiệu quả trong môi trường trung tính - ít chua) và việc bón vôi ngoài tác dụng khử độ chua, còn có tác dụng làm cho đất tơi xốp hơn (nhờ tác dụng gắn kết các cấp hạt nhỏ, rời rạc của thành phần cơ giới đất thành các hạt kết có tác dụng tốt hơn với độ xốp của đất) chứ không phải làm “chai đất“.
Thứ ba, việc cho rằng gốc SO4-2 (có trong phân supe lân) “có thể tồn dư dẫn đến làm chai đất” (khi sử dụng nhiều và lâu dài) là nguyên nhân trong SX phân DAP phải lọc bỏ toàn bộ thạch cao trong GYP thải” là không đúng trên hai khía cạnh: SO4-2 là dạng dinh dưỡng dễ tiêu của lưu huỳnh (nguyên tố dinh dưỡng trung lượng cây cần khá nhiều) mang điện tích âm (-) nên khi được bón vào đất (trong thành phần của supe lân) sẽ được cây hấp thu, nếu thừa sẽ không được đất giữ vì đất chỉ giữ được các ion mang điện tích dương (+) nên không thể làm “chai đất” và chưa có kết quả nghiên cứu nào kết luận như vậy. Trong SX phân DAP hay supe lân kép việc loại bỏ thạch cao là nhằm tạo ra những dạng phân lân có hàm lượng lân nguyên chất rất cao (46% P2O5) trong sản phẩm.
Thứ tư, việc cho rằng “công nghệ SX supe lân là công nghệ sơ khai của thế giới nên các nước phát triển như Liên Xô (cũ)… đã chuyển sang SX và dùng phân DAP" là không chính xác vì trong SX phân lân, công nghệ SX supe lân là công nghệ đầu tiên phải áp dụng để tạo ra các phân bón có độ dễ tiêu tốt nhất (H2PO4-1 hoà tan trong nước) cho cây trồng, như trong SX các loại phân hóa học khác của thế giới.
Tuy nhiên do dạng lân dễ tiêu đối với thực vật còn có thể là HPO4-2 (tan trong axit yếu, không tan trong nước) nên trong thực tế có thể SX và sử dụng các sản phẩm chứa lân ở dạng trên trong những điều kiện cụ thể (đất chua, đất lúa ngập nước…). Xu hướng tăng cường SX các loại và dạng phân bón có hàm lượng dinh dưỡng (đa lượng) cao như DAP, supe lân kép… là nhằm giảm công vận chuyển, bảo quản và bón phân cho người sử dụng phân bón.
Song, việc SX phân bón theo xu hướng này có hạn chế không nhỏ là phải xử lý một lượng rất lớn chất thải (thạch cao) và cần quan tâm bón các phân trung vi lượng do cho cây trồng (do các chất này không còn trong phân hàm lượng cao như có trong phân lân nung chảy và supe) và nếu đi theo xu hướng SX phân bón này thì các dạng phân lân supe và nung chảy đều không còn được SX.
Thứ năm, việc cho rằng “để phân supe lân phát huy hiệu quả cao, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật”, chỉ “bón phân supe trên đất khô cằn, hạn hán, đất kiềm sẽ tốt hơn” là không đúng, vì khoa học và thực tiễn SX của nông dân trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng supe lân có hiệu quả cao trong hầu hết các điều kiện của thực tế SX, đặc biệt trong những điều kiện mà các dạng phân lân khác có hiệu quả kém (như tại những vùng đất khô cằn, hạn hán, đất kiềm).
PGS.TS Nguyễn Như Hà/ Báo NNVN
No comments:
Post a Comment