Tuesday, December 25, 2012

Quy trình kỹ thuật sản xuất rau thủy canh tuần hoàn

1. Điều kiện che chắn: Sản xuất rau trong dung dịch tuần hoàn phải thực hiện trong nhà có mái che; vừa hạn chế thời tiết bất thuận, vừa cách ly côn trùng, hạn chế sâu bệnh hại.

ảnh minh họa

Nguyên tắc chung của nhà có mái che: khung nhà được làm bằng sắt (thép) hoặc bằng bê tông hoặc bằng tre đảm bảo chắc chắn, không bị ảnh hưởng bởi gió bão. Mái nhà lợp bằng tấm lợp plastic hoặc tấm lợp compozit hoặc màng UROZHAI. Xung quanh chắn lưới cách ly côn trùng (có thể dùng lưới nilon hoặc lưới kim loại). Nền nhà cứng, phẳng và sạch. Tốt nhất nên lát nền bằng xi măng + cát + sỏi.

Các dạng nhà lưới hiện đã xây dựng ở các vùng trồng rau có thể sử dụng để sản xuất rau thuỷ canh, song phải cải tạo phần mái để tránh mưa và cải tạo nền cho phù hợp.

2. Lắp đặt hệ thống thuỷ canh tuần hoàn

- Giá sắt để đặt các ống nhựa: Giá sắt được hàn chắc chắn, cao khoảng 70-80 cm, dốc về phía bể thu hồi dung dịch 3 độ. Chiều rộng của giá sắt tuỳ thuộc vào quy mô sản xuất, chiều dài giá sắt 20m

- Bể cấp dung dịch dinh dưỡng: Xây bể hoặc dùng téc nhựa đựng dung dịch dinh dưỡng, thể tích của bể cấp tuỳ thuộc vào quy mô sản xuất, song cứ 100 m2 diện tích sản xuất tương ứng với 1 m3. Bể cấp phải đặt cao 1,2-1,4 m.

- Bể thu hồi dung dịch: Tốt nhất là xây bể chìm dưới đất, thể tích bể chứa cũng tuỳ thuộc vào quy mô sản xuất và tương đương thể tích bể cấp.

- Ống dẫn dung dịch: Dùng ống nhựa dẫn nước đường kính 11 cm, dài 20 m. Trên ống đục các lỗ thẳng hàng, cách nhau 5-6 cm để đưa rọ cây vào đó (đường kính lỗ tuỳ thuộc vào đường kính rọ nhựa). Các ống được đặt trên các giá sắt, tạo thành mặt phẳng nghiêng 3 độ về phía bể thu.

- Máy bơm nước 2 chiều được gắn với phao để khi dung dịch trong bể cấp còn 1/4 thì bơm 2 chiều đóng, dung dịch được đẩy ngược trở lại từ bể chứa lên bể cấp
Tất cả tạo thành hệ thống thuỷ canh tuần hoàn

3. Chuẩn bị nguyên liệu

- Rọ nhựa ươm cây con và đỡ cây trong quá trình sinh trưởng phát triển

- Giá thể ươm cây con: Dùng giá thể ươm cây con của Trung tâm Nghiên cứu phân bón và dinh dưỡng cây trồng cùng với 20-30% mụn xơ dừa.

- Dung dịch dinh dưỡng: Dung dịch dinh dưỡng để sản xuất rau có bán ở một số cơ sở: Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Sinh học – Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Đó là dung dịch mẹ, khi sử dụng, pha 1 lít dung dịch A1 lít dung dịch B trong 1 m3 nước.

- Giống rau: Hệ thống sản xuất rau thuỷ canh tuần hoàn có thể sản xuất được tất cả các loại rau ăn lá. Những giống rau cho sản xuất trái vụ là các giống chịu nhiệt, có thể sử dụng các loại giống sau: xà lách, rau cải ăn lá các loại (cải xanh, cải mơ, cải chít), cần tây, rau muống.

4. Ươm cây con:

- Xử lý hạt giống trước khi gieo: Ngâm hạt 1-2 giờ trong nước nóng 45-50 độ C hoặc ngâm trong dung dịch thuốc tím 0,1% hoặc dung dịch BenlatC 0,1% hoặc dung dịch Ridomil 0,1%; để ráo nước.

- Cho giá thể vào cốc nhựa, lắc nhẹ, tưới nước đủ ẩm rồi gieo hạt, mỗi ngày tưới ẩm 1-2 lần tuỳ thuộc vào thời tiết. Sau 4-6 ngày, cây mọc, tiếp tục tưới ẩm cho cây sinh trưởng 1-2 lần/ngày. Khi cây được 2-3 lá thật thì đưa cây lên hệ thống thuỷ canh tuần hoàn (đặt cả cốc vào trong các lỗ đã đục sẵn trên ống dẫn dung dịch).

5. Chăm sóc

Trước khi đưa cây lên hệ thống thuỷ canh tuần hoàn, phải bơm nước vào bể chứa (cứ 100 m2 diện tích sản xuất tương ứng với m3 nước), đổ 1 lít dung dịch A1 lít dung dịch B vào m3 nước. Dùng máy bơm 2 chiều đẩy dung dịch lên bể cấp. Dung dịch từ bể cấp, chảy qua hệ thống ống dẫn và cung cấp dinh dưỡng cho cây. Khi dung dịch trong bể cấp cạn, bơm 2 chiều lại đẩy dung dịch từ bể chứa lên bể cấp. Cứ như vậy dung dịch chảy tuần hoàn trong ống dẫn và nuôi cấy. 

Định kỳ bổ sung dinh dưỡng: Trong một vụ sản xuất xà lách, cải xanh và cần tây, cần bổ sung dinh dưỡng 3 lần: 10 ngày, 15 ngày, 20 ngày sau khi đưa cây vào dung dịch, với lượng 0,4-0,5 lít dung dịch mẹ trong m3 dung dịch trồng cây. Trước khi thu hoạch 10 ngày, không bổ sung dinh dưỡng. Đối với cây rau muống, sau khi hái lứa đầu mới bổ sung dinh dưỡng cho lứa hái sau; cứ như vậy, chỉ bổ sung dinh dưỡng sau mỗi đợt thu hái. 

Tỉa định cây: Sau khi đưa cây lên hệ thống thuỷ canh tuần hoàn 4-5 ngày, tiến hành tỉa định cây. 
Tỉa bổ những cây xấu, còi cọc, chỉ để lại 2 cây/hốc.

Thường xuyên nhổ sạch cỏ và theo dõi sự phát sinh sâu bệnh trong khu sản xuất để phòng trừ kịp thời.

6. Thu hoạch

Với rau cải ăn lá các loại: Thu hoạch sau khi đưa cây con lên hệ thống thuỷ canh tuần hoàn 23-25 ngày. Dùng dao cắt sát gốc, tỉa bỏ lá gốc, cho vào túi nilon khối lượng 0,5 kg/túi rồi đưa đi tiêu thụ.

Với cây xà lách, cần tây: Thu hoạch sau khi đưa rọ cây lên hệ thống thuỷ canh tuần hoàn 25-30 ngày. Dùng dao cắt sát gốc, tỉa bỏ lá gốc, cho vào túi nilon khối lượng 0,2 kg/túi rồi đưa đi tiêu thụ.

Với cây rau muống: Cứ 10 ngày hái 1 lứa. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 3 tháng. Hái bằng tay những ngọn đủ tiêu chuẩn (tránh không làm ảnh hưởng đến những ngọn nhỏ cho lứa sau), cho vào túi nilon khối lượng 0,5 kg/túi rồi đưa đi tiêu thụ.

Kết thúc thu hoạch, vệ sinh đường ống bể chứa và thay dung dịch để trồng rau khác hoặc trồng lứa mới.

Viện Nghiên cứu Rau quả

Tuesday, May 29, 2012

Kỹ thuật nuôi chim cút mái trong giai đoạn đẻ trứng

Để đạt năng suất cao, trong giai đoạn chim cút đẻ trứng, cần cung cấp cho chim đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng. Ngoài protein, năng lượng trao đổi, lisine, methionin… còn cần chú ý đến canxi, phospho, vì 2 nguyên tố này có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng vỏ trứng và bộ xương của cơ thể. Nồng độ canxi cho chim đẻ trứng phải đạt 2,5 - 3,5%, phospho dễ tiêu là 0,5-0,6%.

Ảnh minh họa

Cần phải lưu ý rằng, các nhu cầu dinh dưỡng mà bài viết đưa ra là những hướng dẫn và để tham khảo, cần được thay đổi để phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi cơ sở sản xuất, giống chim, mùa vụ, tiểu khí hậu chuồng nuôi và năng suất đàn chim…. Các cán bộ kỹ thuật phải dựa vào kiến thức về dinh dưỡng gia cầm để vận dụng một cách linh hoạt và hiệu quả nhất.

Khi chuyển thức ăn của chim hậu bị sang thức ăn của chim đẻ cần phải chuyển từ từ, cũng như chuyển từ thức ăn cho chim con sang chim hậu bị.

Kỹ thuật cho ăn

Số lượng thức ăn cung cấp cho chim mái đẻ hàng ngày phụ thuộc vào tỷ lệ đẻ. Cần căn cứ vào tỷ lệ đẻ mà cho ăn phù hợp. Chim mái đẻ trứng theo quy luật, bắt đầu đẻ vào tuần tuổi thứ 11, đến tuần tuổi thứ 15-16, chim đẻ rất nhiều, 95-98%, duy trì khoảng 7-8 tuần rồi dần dần giảm xuống.

- Từ khi đẻ bói cho đến khi tỷ lệ đẻ đạt đỉnh cao

Khi đàn chim vào đẻ, tỷ lệ đẻ có thể tăng rất nhanh hoặc rất chậm tuỳ thuộc vào độ đồng đều của đàn chim và các điều kiện khác (nhiệt độ, độ ẩm môi trường, chế độ chiếu sáng, kỹ thuật nuôi trong giai đoạn hậu bị v. v..). Có nhiều biện pháp khác nhau để tăng lượng thức ăn trong giai đoạn này.

+ Cách thứ nhất là dựa vào mức tăng tỷ lệ đẻ

Nếu tỷ lệ đẻ hàng ngày tăng trên 3%, nên cho chim ăn lượng thức ăn cao nhất khi tỷ lệ đẻ đạt 35%;

Nếu tỷ lệ đẻ tăng từ 2-3%, cho chim ăn lượng thức ăn cao nhất vào lúc tỷ lệ đẻ đạt 45%;

Nếu tỷ lệ đẻ tăng từ 1- 2%, cho chim ăn lượng thức ăn cao nhất khi tỷ lệ đẻ đạt 55% ; Nếu tỷ lệ đẻ tăng dưới 1%, cho chim ăn lượng thức ăn cao nhất khi tỷ lệ đẻ đạt 65- 75%.

+ Cách thứ hai là dựa vào độ đồng đều của đàn chim ở 9 tuần tuổi

Độ đồng đều của đàn chim được xác định bằng công thức: Độ đồng đều =(n/N)100

Trong đó, n là số chim có khối lượng nằm trong khoảng khối lượng trung bình của đàn ± 10%; N tổng đàn chim

Nếu hệ số biến dị (Cv%) của đàn chim <8%, sau khi tỷ lệ đẻ đạt 5%, tăng lượng thức ăn thêm 15 – 20%; sau khi tỷ lệ đẻ đạt 20%, tăng tiếp 5%; sau khi tỷ lệ đẻ đạt 30% tăng tiếp 5% và sau khi tỷ lệ đẻ đạt 50% sẽ cho ăn lượng thức ăn tối đa.

Nếu Cv% = 9 -12%, sau khi tỷ lệ đẻ đạt 10% tăng lượng thức ăn thêm 15-20%; sau khi tỷ lệ đẻ đạt 20%, tăng tiếp 5%; sau khi tỷ lệ đẻ đạt 30%, tăng tiếp 5% và sau khi tỷ lệ đẻ đạt 50% sẽ cho ăn lượng thức ăn tối đa.

Nếu Cv% >12%, sau khi tỷ lệ đẻ đạt 15% tăng lượng thức ăn thêm 15-20%; Sau khi tỷ lệ đẻ đạt 25% tăng tiếp 5%; sau khi tỷ lệ đẻ đạt 35% tăng tiếp 5% và sau khi tỷ lệ đẻ đạt 50% sẽ cho ăn lượng thức ăn tối đa.

Cần hạn chế bắt chim cút, vì chúng rất nhút nhát và hoảng loạn, bị stress nặng khi bắt chim.

- Sau khi đàn chim đạt đỉnh cao tỷ lệ đẻ

Khi tỷ lệ đẻ của đàn chim tăng đến một độ cao nhất định, dừng ở đó một số ngày (khoảng 7 – 10 ngày) mà không tăng thêm hoặc giảm đi nữa, như vậy tỷ lệ đẻ của đàn chim đã đạt đỉnh cao. Lúc này nếu không giảm lượng thức ăn hàng ngày thì đàn chim sẽ thừa năng lượng, tích luỹ mỡ và quá béo, tỷ lệ đẻ sẽ giảm nhanh, trứng bé.

Tuỳ điều kiện thực tế như thời tiết, khí hậu, khối lượng trứng, mức giảm tỷ lệ đẻ, sức khoẻ của đàn chim và những yếu tố stress… mà giảm lượng thức ăn hàng ngày của mỗi chim mái đẻ từ 0,5-1 g, nhưng chỉ được giảm 10% mà thôi và phải giảm từ từ. Ví dụ, khi chim ăn nhiều nhất (lúc đẻ 98-99%) là 28 g/con/ngày, thì chỉ được giảm nhiều nhất là 10% x 28 g = 2,8 g, tức là sẽ cho ăn tối thiểu là 28-2,8 = 25,2 g/con/ngày.

Cần bổ sung thêm sỏi cho chim đẻ, đường kính sỏi 1-2mm. Mỗi lồng chim nên đặt 1 máng sỏi ở phía ngoài cho chim ăn tự do.

Trong quá trình cho ăn, cần lưu ý điều kiện khí hậu để điều chỉnh mức năng lượng của khẩu phần cho thích hợp, quan trọng nhất là nhiệt độ chuồng nuôi. Khi nhiệt độ chuồng nuôi cao hơn 100C, nếu tăng 10C thì giảm khoảng 0,4 kcal năng lượng cho một chim, giảm 10C phải tăng thêm 0,6 kcal.

Thời gian khai thác chim mái: có thể cho chim mái đẻ đến 60 tuần, sau đó tỷ lệ đẻ giảm. Thời gian kết thúc sớm hoặc muộn hơn tuỳ thuộc vào tỷ lệ đẻ và giá trứng trên thị trường.

Máng ăn

Dùng máng ăn dài gần bằng chiều ngang lồng chim, mỗi máng ăn dùng cho 25-30 chim.

Nước uống

Đối với chim mái đẻ, ngoài các yếu tố ảnh hưởng chung, nhu cầu về nước phụ thuộc vào tỷ lệ đẻ trứng. Khi tỷ lệ đẻ càng cao thì lượng nước uống cũng càng cao, có thể đến 40-70 g nước/con/ngày. Biết được nhu cầu này để cung cấp đủ nước sạch cho chim là một việc làm quan trọng.

BBT TTKNQG

Wednesday, April 25, 2012

Phòng trừ sâu bệnh hại mía

Cây mía tuy dễ trồng nhưng nếu không chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tốt sẽ cho năng suất, chất lượng không cao. Theo Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, để cây mía ít sâu bệnh cho năng suất cao, nông dân chú ý phòng các loại sâu bệnh.

Đồng Nai có gần 9 ngàn hécta mía, tập trung ở các địa phương Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch và Định Quán. Hiện nay, cây mía đang mắc một số loại sâu bệnh như: sâu đục thân, đục ngọn, rệp sáp, bệnh than…

Sâu đục thân

Sâu đục thân mía có 2 loại là loại sâu đục thân chấm đen và sâu đục thân mình hồng.

Sâu đục thân chấm đen có màu vàng sáng, trên lưng mỗi đốt có 4 chấm đen. Đây là loại sâu đơn thực khi thành trùng là bướm màu vàng nâu, trên cánh có chấm đen, cánh dưới màu trắng. Loại sâu này đẻ trứng ở phiến dưới lá thành 2 hàng chồng lên nhau. Sau khi nở khoảng 2 tuần, sau chui xuống bẹ lá, cũng có khi làm nhộng trong cây mía. Loại sâu này thường gây hại ở đầu thời kỳ cây mía được 1-2 lóng. Cây mía bị sâu tấn công có thể bị héo ngọn, gãy ngang thân cây hoặc bị cằn cỗi không phát triển được. Khi ngọn mía bị gãy, các chồi sẽ lên nhiều và trở thành chồi vô hiệu, dẫn đến năng suất giảm.

Nông dân xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đang chăm sóc mía.

Sâu đục thân mình hồng có đặc điểm 2 bên sườn xuống bụng màu trắng. Khi thành trùng thành loại bướm nhỏ màu xám, nâu, cánh có sọc đen, đầu to thô, rậm lông còn gọi là bướm cú mèo. Loại bướm này đẻ trứng thành hàng trong bẹ lá của chồi mía non. Sâu nở ra đục vào thân mía làm thành hang ngầm từ lóng này sang lóng khác, rồi đục lỗ chui ra ngoài làm nhộng ở bẹ lá. Một cây mía có thể có từ một đến nhiều sâu. Loại sâu mình hồng thường tấn công cây mía vào giai đoạn có 5-7 lóng trở lên. Tùy theo vị trí xâm nhập của sâu mà cây có thể bị héo lá, gãy ngang thân, cụt ngọn, đâm chồi nách… Hàng năm thiệt hại do sâu mình hồng với cây mía rất lớn, có vùng năng suất giảm từ 20-30%.

Phòng trừ sâu đục thân, đục ngọn mía là việc tương đối khó khăn không chỉ ở nước ta mà cả các quốc gia có nghề trồng mía phát triển. Để hạn chế sâu đục thân, đục ngọn, nông dân chọn giống kháng sâu đục thân mía. Chuẩn bị đất kỹ trước khi trồng, xung quanh ruộng trồng mía làm sạch cỏ dại, tàn dư thực vật, nếu phát hiện ổ trứng phải đem đi tiêu hủy tránh trứng nở thành sâu lây lan ra diện rộng. Sau khi trồng mía, bón phân đầy đủ, chăm sóc làm cỏ kịp thời. Những ruộng mía để lưu gốc vụ sau khi thu hoạch xong phải vệ sinh xử lý triệt để mầm mống sâu bệnh.

Trong thực tế, ít người dùng thuốc hóa học để phòng trừ sâu đục thân, đục ngọn, vì dùng không đúng sẽ có tác dụng ngược lại, không diệt được sâu bệnh lại gây hại cho môi trường và tốn thêm chi phí. Vì vậy trường hợp dùng thuốc hóa học nông dân sử dụng hợp lý, phối hợp các phương pháp khác để có hiệu quả cao. Nên thực hiện theo phương châm diệt trừ khi sâu còn nhỏ, còn non. Ngoài ra, nông dân trồng mía nên áp dụng các biện pháp sinh học để kiểm soát sâu đục thân hại mía như bảo tồn thiên địch, dùng ong ký sinh để khống chế sâu đục thân, đục ngọn.

Rệp sáp

Rệp sáp hại mía thường phát sinh 6-7 đợt trong năm. Rệp trưởng thành ít di chuyển. Rệp non thường bám vào đốt mía phía trong bẹ lá để hút chất dinh dưỡng. Rệp tiết ra chất ngọt nên tạo điều kiện cho bệnh muội và nhiều loại kiến ăn mật cùng cộng sinh với rệp và giúp rệp phát tán.

Cách phòng trừ rệp sáp là chọn hom mía sạch rệp, bóc bẹ lá và ngâm nước vôi trước khi trồng. Tránh trồng xen kẽ các vụ mía. Khi thấy rệp phát sinh nhiều thì bóc lá và dùng tay để giết rệp hoặc dùng thuốc Supracid 40ND pha với nước, nồng độ 0,1-1,15% phun ướt đẫm khắp thân và lá mía bị bệnh.

Bệnh than

Cây mía mắc phải bệnh than năng suất sẽ giảm, bệnh này có ở hầu hết các vùng trồng mía. Khi cây mía bị bệnh thường còi cọc, biến dạng từ ngọn đâm roi dài tới hàng mét, uốn cong xuống được bọc bởi một màng mỏng trắng, trong chứa đầy bao tử nấm dần dần chuyển sang màu đen. Khi bào tử nấm chín dễ dàng bung ra và bay theo gió, nước mưa, lây lan qua các vùng mía khác. Bào tử nấm luôn tồn tại trong đất, khi gặp điều kiện thích hợp sẽ phát triển gây hại. Cây bị bệnh than thường đẻ rất nhiều nhánh.

Cách phòng trừ bệnh than hiệu quả là trồng giống kháng bệnh. Trước khi trồng, nông dân vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, làm kỹ đất. Với những ruộng mía để lưu gốc sang vụ sau nên vệ sinh, xử lý loại trừ mầm mống của bệnh. Trong quá trình chăm sóc thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu phát hiện cây bị bệnh phải chặt gom ra khỏi ruộng, đốt chôn vùi sâu không để lây lan.

Nguyệt Hạ/ Báo Đồng Nai

Wednesday, February 29, 2012

Một số kỹ thuật thú y ở dê

Mục đích của việc cắt, khử sừng dê là để tránh cho dê đánh húc nhau hoặc sừng quặp vào đầu, cổ gây tổn thương.

ảnh minh họa


1. Kỹ thuật khử, cắt sừng

Mục đích của việc cắt, khử sừng dê là để tránh cho dê đánh húc nhau hoặc sừng quặp vào đầu, cổ gây tổn thương.

Nên khử sừng dê con khi sừng mới nhú lên, lúc dê con còn đang theo mẹ (dưới 3 tháng tuổi). Bởi vì khử sừng lúc này sẽ ít tổn hại đến sức khỏe dê và ít gây viêm nhiễm hoặc biến chứng.

Cách tiến hành như sau: cắt lông, vệ sinh vùng sừng mọc; dùng ống sắt đặc, dài 5 – 7 cm, đường kính 3 – 4 cm, có cán gỗ; nung nóng trên bếp rồi áp nhanh vào gốc sừng.

Những dê có sừng quá dài hoặc có nguy cơ đâm vào đầu, cổ hay mắt thì nên cắt bỏ bớt sừng. 

Cách tiến hành như sau: vệ sinh sạch sẽ và sát trùng vùng cắt; phong bế gốc sừng bằng Novocain với liều 30 – 50 ml. Tiếp theo, dùng cưa sắc cắt nhanh quanh phần sừng quá dài. Áp nhanh dao nung đỏ vào vùng sừng vừa cắt. Cuối cùng, dùng bông, gạc buộc chặt vết cắt và tiến hành theo dõi cho đến khi khỏi hẳn.

2. Kỹ thuật thiến dê

Nên thiến những dê đực non không sử dụng làm giống lúc đạt 3 tuần tuổi. Những dê đực giống hết thời gian sử dụng, trước khi đưa vào nuôi vỗ béo cũng nên thiến để tăng hiệu quả chăn nuôi và chất lượng thịt.

Cách thiến như sau:

- Làm vệ sinh, sát trùng túi dịch hoàn; nắm và kéo hai dịch hoàn ra phía ngoài và dùng dây buộc lại để chúng không di chuyển trở lại vào trong.

- Dùng dao sắc cắt một đường dài khoảng 3 – 4 cm vào chính giữa túi, để lộ dịch hoàn và kéo dịch hoàn ra ngoài.

- Buộc thắt phần trên thừng dịch hoàn hai nút cách nhau 1,5 cm, sau đó dùng dao sắc cắt thừng dịch hoàn giữa hai nút buộc. Làm tương tự như vậy với dịch hoàn còn lại.

- Dùng bông lau sạch máu bên trong và bên ngoài bao dịch hoàn; rắc kháng sinh vào bên trong và khâu bao dịch hoàn lại (nếu môi trường không đảm bảo vệ sinh và nhiều ruồi nhặng thì nên bôi thêm Ichthyol).

- Kiểm tra, theo dõi vết thiến và bôi thuốc sát trùng hàng ngày cho đến khi khỏi hẳn.

3. Kỹ thuật cắt móng dê

Móng chân dê thường phát triển nhanh, nhất là trong điều kiện nuôi nhốt hoặc ít được chăn thả. Khi móng chân dê quá dài làm cho chúng đi lại khó khăn, dễ gãy, xước hoặc bị kẹt đá, sỏi, gây tổn thương, làm thối móng và có thể dẫn đến què. Do vậy, cần thường xuyên kiểm tra chân móng dê và tiến hành cắt gọt.

Cách tiến hành như sau: dùng dao hoặc kéo sắc cắt móng chân, chú ý cắt bỏ hết các phần móng thừa, bẩn và bị bệnh. Có thể cắt sâu khi tổ chức móng bị hỏng. Trường hợp chảy máu, dùng cồn iốt 5% sát trùng rồi băng bó vết thương.

BBT