Monday, December 19, 2011

Kỹ thuật trồng cải củ

Cải củ là loại rau thuộc họ thập tự, dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, có thể trồng nhiều vụ trong năm. Trồng cải củ nhanh cho thu hoạch, năng suất từ 17-30 tấn/ha (tuỳ giống, thời vụ gieo trồng và điều kiện chăm sóc), bán vào các thời điểm giáp vụ rau cho thu nhập cao.

                                                                      ảnh minh họa

1. Giống

Hiện nay, trên thị trường có các giống cải củ sau: giống cải củ Hà Nội BM, cải củ Thái Bình BM131, cải củ Lệ Chi, cải củ Trung Quốc, cải củ Thái Lan, cải củ 45 ngày… Bà con nông dân có thể chọn trồng một trong các giống trên, lượng hạt giống cần cho 1 ha từ 8 – 12 kg hạt giống


2. Thời vụ

Cải củ có thể trồng được nhiều vụ trong năm: vụ chính gieo hạt tháng 8-9; vụ muộn gieo hạt tháng 10-11; vụ xuân hè gieo hạt tháng 2-4. Cải củ trồng vụ xuân hè nhanh cho thu hoạch nhất (khoảng 25-35 ngày) nhưng cho năng suất thấp.

3. Chuẩn bị đất và gieo hạt

Cây cải củ cho phần thu hoạch là củ, nên để đạt được năng suất cao cần tạo điều kiện để củ sinh trưởng tốt nhất. Chọn đất thịt nhẹ hoặc cát pha, tơi xốp, nhiều mùn (cây cải củ trồng tốt nhất trên đất phù sa nhiều mùn), cách ly khu vực có chất thải, cách xa đường quốc lộ ít nhất 100 m, không tồn dư hóa chất độc hại và kim loại nặng. 

Đất cày cuốc sâu, để phơi ải ít nhất 1 tuần. Sau đó, làm tơi đất, nhặt sạch cỏ dại và các loại gạch vụn, sỏi, đá. Lên luống: mặt luống rộng 1,2-1,5 m; rãnh 30-40 cm; độ cao của luống 20-25 cm đối với vụ xuân hè hoặc 15-20 cm đối với vụ thu đông.

Gieo hạt: Nếu gieo theo luống thì rải phân bón lót trên mặt luống rồi trộn đều với đất, để 1-2 ngày mới gieo hạt. Nếu gieo hàng thì tiến hành rạch hàng cách nhau 25-30 cm, bỏ phân vào rạch, lấp đất vài hôm rồi gieo. Gieo hạt xong lấy đất tơi xốp phủ 1 lớp mỏng lên trên, phủ rơm rạ rồi tưới ẩm (đảm bảo độ ẩm đạt 75-80%) để hạt nảy mầm tốt.

4. Bón phân

Lượng phân bón cho 1 ha trồng cải củ như sau: 12-15 tấn phân chuồng hoai mục, 30-50 kg lân Lâm Thao, 65-100 kg đạm urê, 50-65 kg kali. Không dùng phân chuồng chưa ủ kỹ để bón cho cây cải củ vì phân chưa hoai sau này bám vào vỏ củ sẽ làm cho củ không được sáng mã.

Cách bón phân

- Bón lót: Trồng cải củ bón phân lót là chính. Bón lót 100% phân chuồng hoai mục, 100% phân lân, 20% phân đạm và 40% phân kali. Phân lót được trộn đều vào đất trước khi gieo hạt 1-2 ngày. Bà con cũng có thể sử dụng phân NPK tổng hợp (loại chứa nhiều P2O5) để bón lót thay cho phân đơn.

- Bón thúc lần 1: Khi cây có 2-3 lá thật, tiến hành tỉa thưa lần thứ nhất, rồi bón thúc. Lượng bón: 20% đạm + 20% kali. Cách bón: hoà tan phân với nước rồi tưới đều lên mặt luống. 

- Bón thúc lần 2: Sau lần 1 khoảng 5-7 ngày, tỉa cây để lại khoảng cách cây cách cây 15-20 cm, sau đó tiến hành bón phân thúc (30% đạm +20% kali). Rắc đều phân lên mặt luống rồi tưới nước rửa để không cho phân dính vào lá cây.

- Bón thúc lần 3: Khi củ đang sinh trưởng mạnh (củ to bằng ngón tay cái), bón hết lượng phân còn lại. Cách bón như lần 2.

Lưu ý: Ngừng bón phân đạm ít nhất 21 ngày trước khi thu hoạch. Bà con nông dân cũng có thể dùng các loại phân bón vi sinh, phân bón qua lá để bổ sung dinh dưỡng cho cây, tăng năng suất cây trồng.

5. Chăm sóc

- Tưới nước: Cây cải củ ưa ẩm, nhưng không chịu được ngập úng. Do vậy, cần cung cấp lượng nước vừa đủ, tránh ngập úng gốc sẽ làm ảnh hưởng đến rễ và củ. Cứ 2 ngày tưới 1 lần bằng nước sạch, chỉ tưới lướt chứ không cần tưới đẫm nước. 

- Vun xới: Cây cải củ có đặc điểm là khi hình thành củ, củ thường trồi lên mặt luống làm cho vỏ củ sần sùi, không sáng mã. Để cây cải củ có củ to, sáng mã cần phủ rơm rạ ngay từ sau khi gieo để giữ ẩm thường xuyên và tiến hành vun luống kết hợp cới cá lần bón thúc cho cây. Nếu đất bí dí, có thế xới phá váng rồi vun. Khi xới phải nhẹ, nông tay, không xới sát gốc cây làm đứt rễ, cây long gốc kém phát triển hoặc bị chết. 

6. Phòng trừ sâu bệnh

Cây cải củ rất dễ bị rệp và bọ nhảy phá hại, cần phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời để không làm ảnh hưởng đến năng suất. Có thể sử dụng các loại bẫy bả sinh học và thuốc trừ sâu sinh học để phòng trừ. 

Nếu ruộng trồng cải củ kém thoát nước, bón thúc quá nhiều phân đạm hoặc để cây quá dày, sẽ xuất hiện bệnh thối nhũn. Ngoài ra, cây cải củ thường bị các bệnh lở cổ rễ, phấn trắng và cháy lá gây hại.

Để hạn chế sâu bệnh hại trên cây cải củ, cần chú ý: Không nên gieo 2- 3 đợt cải củ và các cây họ cải khác liên tục trên cùng một diện tích; Ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học thế hệ mới để phòng trừ; Nồng độ, liều lượng, thời gian cách ly thuốc dùng đúng hướng dẫn trên bao bì gói thuốc. 

7. Thu hoạch

Vụ chính sau khi gieo 60 – 70 ngày cho thu hoạch, năng suất trung bình. 
Vụ muộn phải 80 – 100 ngày mới được thu hoạch, năng suất thân, lá, củ cao nhất. 
Vụ hè chỉ 25 – 35 ngày đã cho thu hoạch nhưng năng suất thấp, củ bé có vị hăng gắt. Cải củ vụ này thường ăn cả lá và củ.

Những người có nhiều kinh nghiệm trồng cải củ cho biết để có năng suất cao, vụ muộn nên trồng cải củ lai F1, giống này cho củ rất to, trọng lượng củ đạt 300 – 500 g, chịu thâm canh. Về sâu bệnh, kinh nghiệm phòng trừ bọ nhảy hại củ và lá củ cải là trước khi gieo hạt dùng 1 kg thuốc Basudin 10 H cho mỗi sào, rắc và trộn đều trên mặt luống. Nhờ đó mà ấu trùng bọ nhảy sọc cong, sâu xám, dế trũi, mối, kiến hại rễ và củ đều bị tiêu diệt, đảm bảo năng suất cao và chất lượng củ cải khi thu hoạch.

Theo Thông tin KNVN

Wednesday, November 16, 2011

Bệnh nứt thân chảy nhựa trên dưa, bí

Dưa hấu, bí xanh thu đông là cây chủ lực trong cơ cấu cây rau màu vụ đông của 2 xã Hợp Tiến và Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Khác hẳn với nhiều vụ ở các năm trước, vụ thu đông năm 2011, cây dưa, bí đã phát triển không thuận lợi ngay từ đầu vụ do thời tiết không thuận lợi, các loại nấm bệnh nhiều hơn.

Qua thực tế thăm đồng cùng nông dân ngày 02/11/2011, xem xét và đánh giá các triệu chứng trên cây, chúng tôi thấy: Bệnh trầm trọng nhất đang phát sinh và gây hại dưa, bí là nấm bệnh gây nứt thân chảy nhựa. Nông dân nơi đây đã sử dụng nhiều loại thuốc để phun trừ nhưng không hiệu quả vì chưa áp dụng đồng bộ các biện pháp cũng như chưa biết cách dùng thuốc đặc trị…

- Xin chia sẻ một số kinh nghiệm về cách phòng trừ bệnh này như sau:

Triệu chứng điển hình: Đầu tiên trên thân có đốm hình bầu dục, hơi lõm, màu vàng nhạt, có nhựa nâu đỏ ứa ra. Bệnh nặng, thân dây nứt nẻ thành vết dài màu nâu xám, ngọn chun, quả không phát triển, đôi khi làm chết cả dây dưa, bí.

Nguyên nhân: Bệnh do nấm Mycosphaerella melonis gây ra. Nấm phát sinh và gây hại nặng trong điều kiện ẩm độ và nhiệt độ cao, cây trồng được bón nhiều đạm.

Cách phòng trị

- Phòng bệnh: Nấm bệnh phát sinh và gây hại mạnh trong điều kiện luống dưa quá ẩm ướt, được bón nhiều đạm. Để hạn chế một cách tối đa sự phát sinh phát triển của bệnh, nông dân cần áp dụng đồng bộ một số biện pháp sau:

+ Xử lý đất trước khi trồng bằng vôi bột với lượng 25- 30kg/sào BB.

+ Đảm bảo mật độ vừa phải: cây cách cây 40- 45cm, hàng cách hàng 2,5m.

+ Cần thường xuyên thăm đồng, tỉa bỏ bớt các nhánh vô hiệu, lá già tạo độ thông thoáng cho luống dưa, bí.

+ Không tưới nước quá nhiều vào buổi chiều. Khi tưới nước cần chú ý không nên làm ướt lên thân, lá. Tốt nhất nên áp dụng biện pháp tưới rãnh, cho ngấm đủ độ ẩm (80-85%) rồi tháo kiệt nước đi. Nếu trồng dưa bí trên những chân ruộng trũng hoặc đất thoát nước kém thì nên đào một hố kích thước 1x1x1 m ở góc ruộng nhằm thoát nước tốt cho các luộng dưa, bí.

+ Hạn chế bón phân đạm khi thấy dưa, bí chớm bị bệnh. 

+ Nhổ bỏ và tiêu huỷ những cây bị bệnh nặng.

+ Phun thuốc phòng bệnh khi thời tiết có sương ban đêm hoặc khi thấy thân lá cây rậm rạp, xanh tốt. Thuốc dùng để phòng bệnh nên chọn các loại thuốc gốc đồng như: Bacba 86, Kocide, Boocdo

- Trị bệnh: Qua thực tế để trị bệnh nứt thân chảy nhựa trên cây dưa hấu ở 2 vụ xuân hè và hè thu trong mô hình trình diễn tại xã Minh Tân, Nam Sách, Hải Dương cho thấy: Một số loại thuốc trừ nấm đặc trị bệnh này có hiệu quả cao là: Revus opi 440SC (1lọ/2 bình 16l), Score 250EC (5cc/bình 12l), Aliette 80WP, Ridomil Gold 68WP.

* Chú ý: Để đạt hệu quả cao trong khi dùng thuốc trừ bệnh cần phun lặp lại lần 2 sau 4-5 ngày. Trong thời gian trị bệnh cho cây cần giảm lượng nước tưới, tuyệt đối không được làm ướt lên thân, lá khi tưới; hạn chế bón đạm, bổ sung canxi, kali cho cây để giúp cây phục hồi nhanh hơn.

Trần Thị Liên -Trạm khuyến nông Nam Sách, Hải Dương.

Tuesday, August 23, 2011

Kỹ thuật nuôi cua thương phẩm trong ao đất


Cua biển (Scylla paramamosain) là một trong những đối tượng có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao bởi hàm lượng mỡ thấp, protein cao, dồi dào về khoáng chất và vitamin. Con cua được xem là đối tượng nuôi xoá đói giảm nghèo của bà con ngư dân vùng biển. Những năm gần đây, nghề nuôi cua thương phẩm phát triển khá mạnh. 
- Quy trình nuôi cua thương phẩm trong ao đất như sau:


ảnh minh họa
- Chuẩn bị ao nuôi 
Ao nuôi cua thường rộng khoảng 5.000m2, có cống cấp và thoát nước riêng. Chọn ao ở vùng chất đất ít bị nhiễm phèn, chất đáy là bùn pha cát, thịt pha sét, không có qúa nhiều bùn nhão, lớp bùn <20cm, pH từ 7.5-8.2 và độ mặn từ 10-25%. Đào mương sâu 0,5-0,7m từ cống này đến cống bên kia. Mương có độ dốc xuôi từ cống cấp đến cống tiêu nước. Trong ao tạo nhiều gờ nổi diện tích mỗi gờ từ 10-100 m2 tuỳ diện tích ao. 

Tháo cạn nước và bón vôi với lượng bón khoảng 6kg/100m2. Phơi nắng 5-10 ngày cho đáy ao đến khi nứt nẻ. Tiến hành thả chà và lấy nước qua lưới lọc vào ao, mức nước là 0,6 - 0,8m. Chà được làm bằng các loại cành cây như: bần, đước... được phơi khô và bó lại thành bó. 

Gây màu nước bằng phân urê: 2kg/1000m2, NPK (20:20:0): 2kg/1000m2. Ngoài ra có thể dùng phân gà để bón cho ao. Phân được hòa tan với nước ngọt, tạt xuống ao vào lúc 9 -10h sáng. 

Làm đăng chắn quanh bờ không cho cua vượt bờ ra ngoài, có thể dùng lưới ruồi bao quanh, đăng tre, ….Đăng,lưới chắn phải nghiêng về phía trong ao một góc 45o, đăng phải cao từ 0.8-1m.

- Thả giống 

Nguồn giống là nguồn cua sản xuất nhân tạo, cua bột có kích thước 0.5-0.7cm được ương lên giống 2-5cm, chất lượng tốt, đủ các phần phụ và mạnh khỏe. giống khỏe mạnh, đồng cỡ, màu sắc tươi sáng, không bệnh 
Mật độ thả: cõ cua 1,5 - 2 cm thả 1con /m2

Nên thả cua vào buổi sáng, cua được thả đều khắp ao. Thả cua sát mép nước để cua tự bò xuống. Trước khi thả cần chú ý sự chênh lệch độ mặn, nếu độ mặn quá chênh lệch ta cần thuần hoá rồi mới thả. Nên thả vào lúc nhiệt độ còn thấp (7 – 9 giờ sáng).

- Cho ăn 

Trong nuôi quảng canh nguồn thức ăn chủ yếu là tự nhiên. Tuy nhiên khi thức ăn tự nhiên trong ao nuôi nghèo nàn ta nên cho cua ăn thêm thức ăn chế biến. 

Thức ăn chủ yếu là thức ăn tươi sống như cá tạp, …Những ngày không có thức ăn tươi sống thì cho cua ăn thức khô : cá vụn, tép, moi phơi khô,..., trước lúc rải xuống ao cho cua ăn nên ngâm cá khô vào nước cho cá mềm ra.

Lượng thức ăn hàng ngày khoảng 4–6% tổng khối lượng cua trong ao. 
Cách tính tổng khối lượng cua trong ao: Khoanh 5 điểm khác nhau ( 4 góc và 1 ở giữa ao) có diện tích khỏang 4-5m2 rồi bắt sạch cua ở mỗi điểm. 

Tổng số cua A (con) = [Tổng số cua bắt được B (con) x diện tích ao]/ (5 x diện tích 1 điểm bắt)

Khối lượng cua trong ao M (kg) = [(Tổng khối lượng cua bắt được x A (con)]/B (con) 

Cua thường hoạt động bắt mồi vào buổi tối. Vì vậy, mỗi ngày cho cua ăn một lần vào thời gian từ 17 – 19h. Thức ăn được rải đều quanh ao để cua khỏi tranh nhau. 

Dùng sàng ăn để kiểm tra sức ăn của cua. Sau 2-3 giờ cho ăn kiểm tra sàng ăn, nếu cua ăn hết thức ăn trong sàng thì có thể tăng lượng thức ăn, nếu thức ăn vẫn còn thì giảm lượng thức ăn.

- Chăm sóc, quản lý 

Mỗi ngày thay 20-30% lượng nước trong ao. Một tháng nên thay toàn bộ nước trong ao 2 lần
Nước trong sạch kích thích cua hoạt động, ăn nhiều, lột xác tốt. 

Định kỳ thu mẫu để tính sản lượng cua có trong ao mà điều chỉnh lượng thức ăn cho vừa đủ hoặc định kỳ 10 ngày bắt cua lên kiểm tra tốc độ sinh trưởng và tình trạng sức khoẻ của cua để có giải pháp xử lý kịp thời 
Thường xuyên kiểm tra tình trạng bờ, cống, rào chắn, tránh thất thoát cua.

- Thu hoạch 

Sau 04 tháng nuôi, cua đạt tỉ lệ sống trung bình trênn 50%, kích cỡ thương phẩm 0.25 – 0.3 kg/con, ta tiến hành thu cua. 
Thu toàn bộ: Khi cua giống đạt kích cỡ yều cầu, thu hết giá thể mà cua trú ẩn, rồi tiến hành xả cạn bắt cua. Có thể thu tỉa bằng thả rập.


Nguyễn Ngọc Tú - TT Khảo nghiệm & NCUD kỹ thuật TS Bình Định

Một số điểm cần lưu ý trong chăn nuôi thỏ

Chăn nuôi thỏ có nhiều lợi thế do chi phí đầu tư thấp, tận dụng được các phế phụ phẩm nông nghiệp, lao động nhàn rỗi, lao động phụ. Thỏ thuộc loại đẻ khỏe, phát triển nhanh. Một thỏ mẹ nặng 4 - 5kg trong một năm có thể sản xuất ra 90 - 140 kg thịt, hiệu suất cao hơn nhiều so với các loài gia súc khác.

Ảnh minh họa

Về cơ bản, thỏ thuộc loại dễ nuôi, tuy nhiên để nuôi thỏ đạt hiệu quả cao cần chú ý các vấn đề sau đây:

1. Vấn đề thức ăn và nước uống cho thỏ

Do đặc điểm của dạ dày thỏ là co giãn tốt nhưng co bóp yếu. Manh tràng có dung tích lớn và có khả năng tiêu hóa chất xơ nhờ hệ vi sinh vật. Vì vậy, cần cho thỏ ăn nhiều thức ăn thô xanh chất lượng tốt, để vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của thỏ, vừa có tác dụng chống đói và đảm bảo sinh lý tiêu hóa bình thường. Thức ăn thô xanh cho thỏ phải được rửa sạch bằng nước máy hoặc nước giếng. Những loại rau lá có hàm lượng nước lớn như bắp cải, khoai lang…, sau khi rửa cần phơi tái cho bớt nước trước khi cho thỏ ăn.

Cho thỏ ăn thức ăn nghèo chất xơ hoặc thức ăn chứa nhiều nước, thức ăn không tươi, bị dập nát dễ dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa như chướng bụng đầy hơi hoặc ỉa chảy và thỏ có thể bị chết.

Cũng cần lưu ý là thỏ thiếu nước còn nguy hiểm hơn thiếu thức ăn, đặc biệt là đối với thỏ đẻ và tiết sữa. Không cung cấp đầy đủ nước uống cho thỏ dẫn đến tình trạng thiếu sữa hoặc thậm chí thỏ mẹ ăn thịt thỏ con. Trong thời gian nuôi con nên cho thỏ mẹ uống thêm nước đường hoặc ăn mía để nhanh phục hồi cơ thể, tiết nhiều sữa và đàn con phát triển tốt.

2. Vấn đề sinh sản của thỏ

Tùy theo giống, thỏ có thể thành thục tính dục lúc 3 - 4 tháng tuổi. Để đề phòng hiện tượng cắn xé nhau và giao phối tự do, dẫn đến tình trạng giảm trọng hoặc rối loạn sinh sản, khi thỏ được 3 tháng tuổi nên nhốt riêng thỏ đực với thỏ cái.

Không nên cho thỏ phối giống ngay khi thỏ động dục lần đầu mà nên chờ đến 5 - 6 tháng tuổi, lúc thỏ đạt 75 - 80% khối lượng của thỏ trưởng thành. Cho phối giống trước 5 tháng tuổi thì đàn con đẻ ra sẽ yếu ớt, đồng thời ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của thỏ bố mẹ.

Do đặc điểm của thỏ là trứng chỉ rụng sau khi giao phối 9 - 10 giờ nên trong thực tế, để tăng số trứng được thụ tinh và tăng số con đẻ ra, nên áp dụng phương pháp phối giống bổ sung, tức là phối lại lần thứ hai sau lần thứ nhất từ 6 đến 9 giờ.

Khi cho thỏ phối giống cũng cần chú ý là bắt thỏ cái đến lồng thỏ đực mà không nên làm ngược lại, vì khi lạ chỗ thỏ đực khó làm quen với thỏ cái và thỏ cái thường kháng lại thỏ đực.

Để tránh đồng huyết, không để thỏ đực phối với thỏ cái cùng gia đình.

3. Vấn đề làm lồng và chuồng nuôi thỏ

Cần phải làm lồng nuôi thỏ. Lồng thỏ bảo đảm phải chắc chắn, thỏ không chui lẫn đàn, tránh được chuột tấn công và chăm sóc thuận tiện.

Phải làm ổ đẻ có nắp đậy cho thỏ. Sau khi thỏ đẻ, mỗi ngày chỉ nên đưa ổ đẻ vào lồng thỏ mẹ một lần để cho con bú, tránh hiện tượng thỏ mẹ chui vào ổ ỉa đái, bới ổ và dẫm đạp lên đàn con.

Thỏ là loài gia súc nhạy cảm với các tác nhân ngoại cảnh. Thỏ có ít tuyến mồ hôi dưới da, cơ thể thải nhiệt chủ yếu qua đường hô hấp. Khi nhiệt độ không khí tăng trên 35 độ C và kéo dài, thỏ rất dễ bị cảm nóng. Do các đặc điểm này lồng nuôi thỏ cần đặt tại những vị trí thoáng, mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông.

Trong trường hợp chăn nuôi thỏ quy mô lớn cần xây dựng chuồng trại cẩn thận. Chuồng trại phải đảm bảo thông thoáng và dễ làm vệ sinh. Trong trường hợp nuôi thỏ quy mô gia đình, có thể đặt lồng dưới gốc cây có bóng mát ngoài vườn, đầu nhà, có mái che chống được mưa, nắng, gió lùa. Không nên đặt lồng thỏ trong chuồng lợn hoặc chuồng gà, vừa ngột ngạt, hôi thối, vừa dễ lây lan dịch bệnh

4. Vấn đề vệ sinh phòng trị bệnh

Thỏ là loài gia súc yếu, sức đề kháng cơ thể kém, dễ cảm nhiễm các mầm bệnh và phát triển thành dịch. Để hạn chế tối đa tổn thất kinh tế do dịch bệnh, điều rất quan trọng trong chăn nuôi thỏ là tạo ra môi trường tiểu khí hậu chuồng nuôi hợp vệ sinh và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Cụ thể, hàng ngày cần làm vệ sinh lồng nuôi, chuồng nuôi; định kỳ sát trùng lồng, chuồng, máng ăn, máng uống, ổ đẻ; cần cung cấp cho thỏ đầy đủ thức ăn và nuớc uống sạch sẽ, chất lượng tốt.

Các bệnh thỏ thường mắc là bệnh bại huyết, bệnh ghẻ, bệnh cầu trùng ..v..v. Cách sử dụng các loại thuốc để phòng trị các bệnh này như sau:

- Đối với bệnh bại huyết:

Tiêm vắc xin để phòng bệnh bại huyết cho thỏ con lúc 2 tháng tuổi. Đối với thỏ sinh sản, tiêm định kỳ 6 tháng 1 lần.

- Đối với bệnh ghẻ:

Điều trị: dùng Ivermectin 0,7 ml/3kg thể trọng hoặc dùng Dextomax 0,1 ml/3kg thể trọng.

- Đối với bệnh cầu trùng:

Phòng bệnh: vệ sinh, sát trùng chuồng trại. Sử dụng thuốc Anticoc, HanE3 bằng 1/2liều điều trị.

Điều trị bệnh: thuốc Anticoc, HanE3: 0,1-0,2g/kg thể trọng.

PQQ - TTKNQG

Kỹ thuật nuôi dế

Mỗi ngày lấy khay đẻ trứng ra 1 lần và đưa khay mới vào để nhân trứng cho hôm sau. Khi đưa khay trứng vào hộp ấp (hộp nhỏ như hộp đựng mì tôm), cần chuẩn bị khăn bông thấm nước (loại khăn rửa mặt trẻ em, cỡ 10 x 10 cm), 1 cái đặt dưới đáy hộp ấp để khay trứng đè lên và 1 cái phủ trên mặt khay. Sau đó đậy nắp hộp lại, để trong thùng nuôi có che xung quanh.

Ảnh minh họa

1. Dụng cụ nuôi

Có thể tận dụng các thùng nhựa, chum, vại có đường kính từ 20 - 50 cm để nuôi dế. Sử dụng bìa cứng, phên tre hoặc tấm ván mỏng… khoét một lỗ ở giữa với đường kính 3 - 4 cm làm nắp đậy thùng nuôi.

Dụng cụ nuôi dế cần được vệ sinh sạch sẽ và xông hơi fóc-môn khử trùng trước khi nuôi.

Khay cho dế đẻ có thể làm khay chuyên dùng bằng gỗ như khuôn gói bánh chưng hình vuông cỡ 5 cm, cao 2 cm. Trong khay đẻ để một ít đất ẩm tơi, lượng đất ẩm trong khay dày khoảng 1,5 cm.

2. Kỹ thuật ấp trứng

Mỗi ngày lấy khay đẻ trứng ra 1 lần và đưa khay mới vào để nhân trứng cho hôm sau. Khi đưa khay trứng vào hộp ấp (hộp nhỏ như hộp đựng mì tôm), cần chuẩn bị khăn bông thấm nước (loại khăn rửa mặt trẻ em, cỡ 10 x 10 cm), 1 cái đặt dưới đáy hộp ấp để khay trứng đè lên và 1 cái phủ trên mặt khay. Sau đó đậy nắp hộp lại, để trong thùng nuôi có che xung quanh.

Nhiệt độ thích hợp cho ấp trứng dế từ 22 - 26oC. Cứ 3 - 4 ngày thay khăn ướt 1 lần. Sau 9 - 10 ngày, trứng bắt đầu nở. Khi trứng đã nở hết (vào ngày thứ 11) thì lấy khay ra, đưa dế con vào thùng nuôi.

3. Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng

Thức ăn cho dế là các loại cỏ hoà thảo tự nhiên và cám hỗn hợp.

Ban đầu dế con ăn ít, cần cho ăn cỏ non và bột cám tổng hợp có 17 - 21% chất đạm (tương đương cám úm gia cầm). Bột cám tổng hợp được để vào đĩa nhỏ với số lượng bằng 3% trọng lượng dế.

Cỏ cho dế ăn cần được rửa sạch. Nếu cỏ được chuẩn bị từ trước đã ráo nước thì cần phun nước cho cỏ hơi ướt rồi bó thành từng bó nhỏ cỡ bằng nắm tay (0,1 - 0,2 kg/bó) để trong thùng nuôi cho dế ăn và leo trèo. 
Cho dế ăn theo bữa, mỗi bữa cách nhau khoảng 4 - 6 giờ, chú ý vệ sinh thùng nuôi, bỏ cỏ cũ ra, đưa cỏ mới vào.

Cho dế uống nước bằng cách phun ướt cỏ non rồi đưa vào thùng nuôi, khi dế lớn có thể phun nước vào thành dụng cụ nuôi để cho uống.

Khi dế lớn cần san bớt đàn sang thùng mới, tránh mật độ nuôi quá dày.

Tỷ lệ ghép đôi giao phối là 1 đực : 1,5 - 2 cái. Mật độ nuôi là 30 – 40 con/m2

4. Địch hại

Địch hại của dế là chuột và kiến. Đề phòng kiến bằng cách tạo các rãnh nước xung quanh khu vực nuôi (đối với quy mô chăn nuôi lớn). Nếu nuôi ít có thể đặt các thùng nuôi trên giá đỡ có chân ngâm trong bát nước.

Nguyễn Quốc Tuấn (theo tờ tin KNVN 27/2010)

Friday, April 22, 2011

Kỹ thuật nuôi baba giống

Từng gia đình có thể tự sản xuất ba ba giống để nuôi hoặc để kinh doanh. Những năm vừa qua đã có khoảng 10-15% số hộ gia đình nuôi ba ba chuyên sản xuất ba ba giống để bán, có người bán loại từ mới nở đến 1 tháng tuổi là chính, có người mua loại mới nở về ương thành con giống cỡ 15-20g hoặc từ 50-150g để bán kiếm lời, có người mua giống nhỏ về ương thành giống lớn hoặc mua giống về nuôi thành ba ba thịt.

Ảnh minh họa

Từ năm 1996 trở về trước, giống ba ba khá đắt nhưng vẫn không đủ cung cấp cho người nuôi. Sang năm 1997, giá ba ba giống giảm hơn các năm trước, một phần do ảnh hưởng của giá ba ba thịt giảm, một phần do nhiều người sản xuất, lượng ba ba giống trên thị trường nhiều hơn các năm trước, đồng thời cũng bị ảnh hưởng ít nhiều của ba ba giống nhập nội thấp.

Những năm tới muốn phát triển sản xuất ba ba giống có lãi nhiều cần đặc biệt lưu ý áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, hạ giá thành sản xuất ba ba giống.

Sản xuất ba ba giống gồm 3 khâu kỹ thuật chủ yếu: nuôi vỗ ba ba bố mẹ sinh sản, thu trứng, ấp trứng, và ương nuôi ba ba giống.

Dưới đây chúng tôi xin lần lượt giới thiệu những tiến bộ kỹ thuật đã được tổng kết, nên mở rộng việc áp dụng.

1. Nuôi vỗ ba ba bố mẹ (nuôi ba ba sinh sản, nuôi ba ba đẻ trứng)

Chỉ tiêu chính đánh giá trình độ kỹ thuật của khâu này là năng  suất đẻ trứng và tỷ lệ trứng thụ tinh cao. Năng suất đẻ trứng còn nhiều người mới đạt mức trên dưới 20 trứng trên 1kg ba ba cái trong 1 năm, trong lúc những người nuôi có kỹ thuật tốt đã đạt 45-50 trứng. Tỷ lệ trứng thụ tinh, nhiều người mới đạt mức trên dưới 50% số trứng ba ba đẻ ra và thu được, trong lúc người có kỹ thuật tốt đạt trên dưới 80% vào đầu vụ và trên 90% vào chính vụ, có những người nuôi ít, đạt 95-100%. Số người chưa đạt các mức trung bình trên cũng còn khá nhiều.

Muốn đạt các chỉ tiêu cao cần thực hiện tốt các vấn đề kỹ thuật sau:  

a. Xây dựng ao nuôi: phù hợp với các yêu cầu sinh sản của ba ba.

b.Làm tốt công tác chuẩn bị ao nuôi: Ao, bể mới xây cần ngâm rửa nhiều lần, thử nước đảm bảo độ pH thích hợp (từ 7-8) mới thả ba ba vào. Ao nuôi sau một vụ, trước khi nuôi vụ mới cần tẩy dọn sạch để diệt mầm bệnh. Khi thấy cần thiết, phải thay lớp bùn cát đã bị thối bẩn nặng.

c) Nuôi đúng thời vụ:

Các tỉnh phía Bắc phải bắt đầu nuôi vỗ từ tháng 8, tháng 9 để đến khi bắt đầu rét, ba ba bố mẹ đã béo khỏe, sang Xuân chuyển hóa tuyến sinh dục nhanh, đẻ sớm. Sau khi đẻ xong lứa thứ nhất, tiếp tục nuôi vỗ để ba ba đẻ các lứa thứ 2, 3, 4,...

Các tỉnh phía Nam có thể nuôi vỗ cho đẻ quanh năm, nhưng nên nuôi vỗ sớm để ba ba đẻ tập trung các tháng từ tháng 1 đến tháng 2, tránh cho ba ba đẻ vào các tháng có nhiệt độ cao.

d) Chọn ba ba bố mẹ: có các tiêu chuẩn tốt về hình dạng, sức khỏe và quy cỡ. Không sử dụng ba ba đã có bệnh. Cỡ chọn nuôi nên từ 1kg trở lên với ba ba hoa, 2kg trở lên với ba ba gai. Trong phạm vi 4kg trở lại, cỡ nuôi càng lớn chất lượng trứng càng tốt, ba ba con nở ra càng khỏe và mau lớn. Ba ba đực cái thả chung một ao, nhưng phải đồng cỡ, tránh thả lẫn một số con lớn gây uy hiếp đối với những con nhỏ. Số lượng nuôi 1 ao cần thả đủ 1 lần, không thả rải rác.

e) Phối ghép tỷ lệ đực/cái thích hợp: Hiện nay nhiều người cho rằng tỷ lệ thích hợp nhất là 1/2,5-3 (một con đực ghép với 2,5 đến 3 con cái). Tuy nhiên, có một số người nuôi ghép tỷ lệ 1/4 đến 1/5 vẫn đạt kết quả tỷ lệ trứng thụ tinh cao. Thả nhiều ba ba đực có hại vì chúng hay cắn nhau sinh bệnh, hay quấy nhiễu ba ba cái làm ba ba cái sinh sản không bình  thường, lại vừa tốn thức ăn.

f) Lựa chọn mật độ nuôi thích hợp: Những năm qua đã có người nuôi mật độ cao tới 2-3kg/m2, nhưng trong điều kiện nuôi bình thường, mật độ nuôi phổ biến và thích hợp chỉ nên từ 0,5-1kg/m2 hoặc 0,5-1 con/m2. Nuôi mật độ dày hơn, điều kiện cho ăn và thay nước không đầy đủ, ba ba đẻ kém, dễ sinh bệnh.

g) Chăm sóc và quản lý tốt.

2. Thu trứng và ấp trứng ba ba:

Trứng ba ba ấp nở tự nhiên tỷ lệ nở rất thấp, thời gian ấp nở lâu.

Muốn ấp nở nhanh, tỷ lệ nở cao cần phải có kỹ thuật.

Hiện nay, những người sản xuất giỏi có thể đạt tỷ lệ nở trên dưới 90%, có người đạt 100% so với số trứng thụ tinh đem ấp và rút ngắn được thời gian ấp nở từ 5-10 ngày so với bình thường.

Muốn ấp nở tốt, trước hết phải biết kỹ thuật thu trứng. Nên theo dõi ba ba đẻ, thu trứng vào các buổi sáng, lúc ba ba đẻ rộ thu hàng ngày, lúc ba ba đẻ thưa 3-5 ngày thu 1 lần, không nên để ba ba đẻ sau 15-20 ngày mới thu trứng đem ấp. Các quả trứng nhỏ, hình dạng không bình thường và trứng không thụ tinh cần loại ngay, chỉ giữ trứng thụ tinh để ấp. Trứng thụ tinh phần lớn tròn, vỏ trứng có màu sắc bình thường, phần trên màu trắng là túi chứa hơi để phôi thở, phần dưới màu phớt hồng là phần phôi và noãn hoàn (lòng đỏ trứng). Trứng hỏng (không thụ tinh) màu sắc không bình thường, hay có vết đốm loang lỗ, không phân biệt rõ 2 phần như trứng thụ tinh. Cần ghi chép các số liệu từng ao nuôi về ngày đẻ, ngày thu trứng ấp, số lượng trứng thu được, số lượng trứng thụ tinh,... để giúp cho việc xử lý kỹ thuật ấp và dự đoán kết quả nuôi vỗ, tỷ lệ nở,...

Cách ấp trứng: Nên ấp trong nhà hoặc có phòng ấp riêng để tránh nhiệt độ thay đổi bất thường và bảo vệ được trứng. Dụng cụ ấp trứng thường dùng khay, chậu bằng nhôm, sắt tráng men hoặc bằng nhựa. Diện tích khay, chậu to nhỏ tùy theo số lượng trứng cần ấp. Một chậu rửa mặt thông thường có thể ấp trên dưới 100 trứng, một chậu nhôm to có thể ấp trên dưới 300 trứng.

Khay chậu ấp có chiều cao trên 10cm, trong đổ cát sạch mịn, ẩm và tơi xốp, lớp cát dày 7-8cm (cách miệng khay, chậu 3-4cm), đáy khay chậu có lỗ thoát nước để tránh cát ấp bị đọng nước làm hỏng trứng ấp. Nhặt trứng thụ tinh rải đều trên mặt cát, quả cách quả 2cm, đầu có túi hơi để phía trên (chú ý không đặt ngược, không đặt nghiêng), khi đủ 1 lớp trứng thì lấy cát bột rải lên trên cho kín, lớp cát cao hơn trứng 2-3cm. Để khay trứng vào nơi yên tĩnh để ấp. Nếu có điều kiện xác định, nên khống chế hàm lượng nước trong cát ẩm từ 7-10% (cát ẩm cho lên tay bóp vẫn rời không vón cục) và độ ẩm không khí trong phòng ấp khoảng 85%. Ngoài ấp phổ biến bằng khay, chậu, các cơ sở sản xuất lớn hàng ngàn, hàng chục ngàn trứng có thể xây phòng ấp, bể ấp chuyên hoặc dùng máy ấp trứng nhập từ nước ngoài.

Quản lý việc ấp trứng là nhiệm vụ rất quan trọng trong thời kỳ ấp từ 50-55 ngày. Cần nhất là giữ cho nhiệt độ và độ ẩm cát ấp được ổn định. Cách 1-2 ngày lớp cát trên mặt bốc hơi bị khô, cần phun nước cho ẩm trở lại bình thường, nước phun cần từ từ, đặc biệt tránh dội nước làm cho nhiệt độ cát ấp bị thay đổi đột ngột, phôi trứng sẽ chết. Trong những ngày mưa lớn hoặc ban đêm nhiệt độ không khí xuống thấp dưới 250C, cần có biện pháp tăng nhiệt độ phòng ấp (nơi có điện có thể thắp bóng điện 100-200W để tỏa nhiệt, cần che đèn cho nhiệt độ tỏa đều, nếu không che có chỗ sẽ bị quá nóng, trứng sẽ bị chết). Những ngày quá nóng, phòng ấp nên để thoáng gió hoặc làm mát bằng quạt,... Nhiệt độ ấp thích hợp nhất là ổn định từ 30-320C, ở nhiệt độ này thời gian ấp chỉ 45-50 ngày; nhiệt độ ấp cao hơn 1-2 độ thời gian ấp có thể rút ngắn 4-5 ngày nhưng để không an toàn. Dưới 200C và trên 350C phôi trứng bị chết, ấp không nở được. Khi thấy trứng sắp nở (mổ mỏ, có chỗ nứt vỏ) cần đặt khay nước sạch hoặc bát nước vào giữa khay, chậu ấp trứng, ba ba con nở ra biết tự bò vào nước; cũng có thể kê khay chậu ấp trứng trên 1 chậu to hoặc bể con, trong chậu hoặc bể chứa nước, ba ba con nở ra tự nhảy vào nước. Nếu không để sẵn nước, ban đêm chậm biết, ba ba con bị khô da sẽ chết.

Quá trình quản lý ấp trứng, có thể bới cát kiểm tra trứng, nhưng không được đảo trứng, đồng thời cần có các biện pháp bảo vệ không cho kiến, chuột, rắn, mèo, gà lọt vào ăn hại trứng và ba ba con.

Nhặt ba ba mới nở vào chậu nước sạch, chọn những con khỏe mạnh, đã “rụng rốn” để đưa vào bể ương.

3. Ương nuôi ba ba giống:

Để đảm bảo ương từ ba ba mới nở thành ba ba giống có tỷ lệ sống cao, nên chia thành 3 giai đoạn ương. Dưới đây chủ yếu giới thiệu kỹ thuật ương ba ba hoa.

Giai đoạn 1: Ương từ lúc mới nở cỡ 4-6g thành cỡ 15-25g. Thời gian ương nhanh từ 25-30 ngày. Chăm sóc kém thời gian có thể kéo dài gấp đôi. Ba ba nở đầu vụ và giữa vụ, đúng mùa sinh trưởng ương lớn nhanh hơn ba ba nở cuối vụ. Ba ba mới nở do quy cỡ còn nhỏ, sức yếu, cơ quan tiêu hóa chưa hoàn chỉnh nên cần được chăm sóc tỉ mỉ trong các bể nhỏ có diện tích từ 1m2 đến 10m2. Mức nước trong bể ương từ 10-15cm mấy ngày đầu tăng dần đến 40cm vào cuối tháng. Không nên để nước quá sâu vì ba ba con luôn phải ngoi lên mặt nước thở, tốn năng lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Mặt bể có thể thả bèo tây non, sạch cho ba ba con nằm thở giáp mặt nước. Mật độ ương trung bình 50 con/m2, có thể ương dày 100 - 150 con/m2 nhưng sau 10-15 ngày phải san thưa, cho ăn đầy đủ và thay nước luôn. Cho ăn trùng chỉ (giun đỏ), giun đất, thả vào khay đưa xuống bể cho ba ba ăn vào sáng sớm hoặc chiều tối. Quản lý chăm sóc tốt, tỷ lệ sống đạt 90-100%.

Giai đoạn 2: Ương từ cỡ giống 15-25g thành cỡ giống 50-80g, thời gian ương nuôi cần 2-3 tháng với ba ba nở đầu vụ. Giai đoạn này tốt nhất vẫn nên ương trong bể xây cỡ 20 - 30m2 hoặc trong ao nhỏ cỡ 50 - 100m2. Mật độ ương trung bình 25 - 30 con/m2. Cho ăn no đủ bằng giun đất, cá mè luộc chín, gỡ ra thả xuống bể cho ba ba vào sáng, chiều. Quản lý chăm sóc tốt có thể đạt tỷ lệ sống 90-100%. Ương nuôi kém, sau 3 tháng chưa đạt quy cỡ nêu trên.

Giai đoạn 3: Ương cỡ giống nhỏ 50-80g thành cỡ giống lớn 100-150g, con to trên 200g. Thời gian ương cần 2-3 tháng, nếu thả qua mùa đông thì mất 5-6 tháng. Giai đoạn này nuôi trong ao đất lớn nhanh hơn trong bể xây. Diện tích bể ương trên dưới 50m2, diện tích ao ương 100 - 150m2. Mật độ ương trung bình 7-10 con/m2, cao nhất 15 con /m2. Cho ăn no đủ bằng cá mè luộc, gỡ cho ăn, cũng có thể cá băm nhỏ cho ăn vào sáng, chiều. Quản lý chăm sóc tốt, tỷ lệ sống có thể đạt 90-100%.

Nguồn: Hội nông dân TP. Cần Thơ

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn đạt hiệu quả cao

1. Lươn giống và mật độ thả: 

- Lươn có 3 loại : Loại màu vàng sẫm, phát triển tốt nhất, Loại màu vàng xanh, phát triển bình thường, Loại màu xám tro, chậm lớn. 

- Bắt từ các nguồn sau: 

+ Bắt trực tiếp lươn sẵn có trong tự nhiên (từ tháng 6 - 10 hằng năm).

+ Thu gom mua ở chợ.

- Chọn lươn nuôi cho đẻ:

+  Kích thước lươn giống thả nuôi tốt nhất: 40 - 60 con/kg.

+  Lươn giống thả nuôi phải đồng cỡ, không bị xây xát, khỏe mạnh.

+  Mật độ thả: 40 - 50 con/m2.

- Phương pháp thuần dưỡng lươn

Do không rõ nguồn gốc, phương pháp đánh bắt lươn giống nên việc thuần dưỡng lươn sẽ quyết định sự thành công hay thất bại trong nuôi thương phẩm.

Ảnh minh họa

Quá trình thuần dưỡng được tiến hành theo các bước sau:

- Nên có nhiều bể để thuần dưỡng có thể chứa nhiều cỡ lươn khác nhau.

- Bể thuần dưỡng để nơi thoáng mát và yên tỉnh, tránh ánh nắng trực tiếp (đặt ở chổ có bóng râm hoặc có mái che).

- Tránh gây chấn động trong thời gian thuần dưỡng và nuôi thương phẩm.

- Lươn thu gom về phải đi đưa qua nước muối 4 - 5 để xử lý. Sau đó vớt ra và phân loại lần hai trước khi đưa vào nuôi thương phẩm.

- Trong 2 - 3 ngày không cho lươn ăn tạo điều kiện thích nghi với môi trường nuôi nhốt. Mật độ thuần dưỡng 2 - 4 kg/m2.

- Ngâm tắm cho lươn bằng một số hóa chất, thuốc kháng sinh được Bộ Thủy sản cho phép sử dụng .

- Mực nước trong bể không quá 20 - 30 cm.

- Nguồn nước đất sét không nhiễm thuốc Bảo vệ thực vật, hóa chất công nghiệp và nước thải sinh hoạt.

- Điều kiện môi trường thích hợp: Nhiệt độ từ 230C - 280C;  pH từ 6,5 - 8,0. Độ mặn không quá 6

- Tùy thuộc vào quá trình thuần dưỡng mà có biện pháp xử lý cụ thể, thay nước 1 - 2 lần/ngày (nước bị nhiễm bẩn nhiều hay ít do chất thải của lươn tiết ra). Ngoài bể nuôi nên có một bể chứa nước để thay lúc cần thiết.

- Sau 1 tuần, cho ăn một ít trùn hoặc một số loại thức ăn mà lươn ưa thích.

- Theo dõi hoạt động và mức ăn mồi của lươn để phòng trị bệnh kịp thời.

- Sau 10 - 15 ngày, cho lươn vào bể nuôi thương phẩm.

2. Xây dựng ao nuôi

Nên chọn nơi có địa thế hơi cao, hướng về phía mặt trời, tránh gió bão, nguồn nước phong phú, chất lựong nước tốt, có độ chênh nhất định để tháo nước. Hình dáng kích thước bể tùy theo quy mô nuôi mà quyết định, bể nhỏ có thể vài m2, nhìn chung từ 10 - 30m2 là thích hợp, bể nổi hoặc bể xi măng đều được, chỉ cần nắm vững nguyên tắc để đề phòng không cho lươn bò đi, cấp thoát nước thuận tiện. Có thể thiết kế theo 2 kiểu bể nuôi lươn như sau:

a/ Nuôi lươn trong bể lót bạt

Chọn nơi đất cứng, đào sâu xuống 20 - 40cm, lấy đất đào ao đắp bờ cao 40 - 60 cm, rộng 1m. Bể nuôi có chiều cao khoảng 1m; bờ phải nện chặt từng tầng lớp một, đáy ao sau khi đào xong cũng phải nện và lót chặt. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, các bể nuôi lươn có diện tích từ 10 - 50 m2. Xung quanh bờ và đáy ao có thể dùng ni-lon để lót hoặc bờ ao có thể xây cao có gờ hoặc lưới giăng để tránh lươn vượt bò đi mất khi có điều kiện thuận lợi. Nơi nuôi lươn phải có điều kiện thay nước thuận lợi và cũng cần tạo nơi cho lươn trú ẩn gần giống như quang cảnh tự nhiên.

Đáy bể có thể phủ  một lớp đất thịt pha sét (đất ruộng đang canh tác). Lớp đất này chiếm từ 1/3 -  1/2 diện tích bể, bề cao lớp đất từ 0,5 - 0,8m. Mực nước trong bể nuôi  từ 20 – 30cm. Mức nước sâu quá ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của lươn.

Trong ao có thể thả một ít lục bình, rau mác, rau dừa hoặc cỏ tạo điều kiện sinh thái giống như tự nhiên làm nơi trú ẩn cho lươn; xung quanh ao có bóng râm, hoặc có giàn lưới để che mát giảm bớt nhiệt độ nước ao và hạn chế lá cây rụng vào bể nuôi.

b. Nuôi lươn trong bể xi măng

Có thể tận dụng bể chứa nước, chuồng heo sau khi đã sửa chữa lại để nuôi lươn.

Nếu xây bể nuôi mới thì nên xây nửa nổi, nửa chìm với chiều cao khoảng 1m với diện tích từ 6 - 20 m2. Bể có dạng hình chữ nhật chiều rộng 2 - 4m để dễ dàng chăm sóc. Tốt nhất nên chia bể thành 3 ngăn: Ngăn cho lươn sinh sống (A) lớn nhất, ngăn thứ hai (B) nhỏ hơn cho lươn đẻ và cho ăn và ngăn thứ ba (C) dùng để thu hoạch.

Hình nuôi lươn trong bể xi măng


Ngăn A có phủ một lớp bùn non và thân chuối như đối với ao nuôi và cách đáy bể 30 cm có lổ thoát nước. Xếp gạch ở đáy trong ngăn này thành nhiều ngách. Ngăn B xây vách bằng gạch hình mắt cáo cho lươn chui ra vào và quanh bên có đắp đất sét và đất thịt thành bờ rộng 0,5 m để lươn làm tổ đẻ. Ngăn C kín và thông với ngăn B bằng một ống có đường kính 20 cm và có lổ thoát nước ra ngoài có lưới chắn dạng chảy tràn phòng khi mưa to nước đầy, lươn sẽ thoát ra ngoài

3. Bố trí bể nuôi

- Bố trí 1 cù lao bằng đất sét pha thịt (đất ruộng đang canh tác) cao khoảng 0,6 - 0,8m tạo môi trường cho lươn đào hang trú ẩn; diện tích cù lao đất chiếm từ 1/2 - 2/3 diện tích đáy bể. Trên mặt cù lao trông cây cỏ thủy sinh như cỏ, rau mác, lục bình, khoai môn nước,…tạo cảnh  quang thiên nhiên thích hợp cho lươn.

- Đổ 1 lớp bùn đáy cao khoảng 0,3 - 0,4 m, nên độn thêm rơm, cây chuối mục để tạo môi trường trú ẩn cho lươn. Có thể dùng dây nilon bó thành chùm, vùi vào lớp bùn tạo điều kiện thích hợp cho lươn trú ẩn.  Lớp bùn đất này không chứa các mảnh vụn bén nhọn.

- Lươn không ưa ánh sáng, nên khi bố trí bể nuôi phải có mái che hoặc làm giàn trồng cây leo tránh được sự thay đổi môi trường một cách đột ngột.

- Giữ mức nước cao khoảng 0,2- 0,3m, phía trên có ống thoát nước có bịt lưới để nước có thể thoát ra ngoài và tránh lươn bò đi khi nước dâng lên tràn bể. Khi mức nước sâu quá, lươn vận động nhiều, tiêu tốn nhiều năng lượng của cơ thể làm lươn chậm lớn.

- Bố trí vài bóng đèn nhỏ cách mặt nước 30 - 40 cm thu hút côn trùng rớt trên mặt nước làm thức ăn bổ dưỡng cho lươn và còn bảo vệ bể nuôi

- Vào những lúc trời mưa, lươn thường tìm đường thoát đi, vì vậy nên bao lưới quanh bể nuôi hạn chế lươn bò trốn. Ngoài ra còn phải phòng địch hại như mèo, chuột, chim.

4. Thức ăn :

Sau khi trải qua thời gian thuần dưỡng, lươn đã quen với điều kiện nuôi nhốt, việc bố trí thức ăn được tiến hành từng bước như sau:

Nên cho lươn ăn vào buổi tối và chọn loại thức ăn lươn ưa thích như giun đất (1-2% trọng lượng lươn). Sau 10 - 15 ngày có thể cho ăn theo khẩu phần 5 -  8% trọng lượng lươn nuôi. 

Thời điểm cho ăn thích hợp nhất: từ 15- 17 giờ.

Theo dõi mức ăn của lươn để hạn chế thức ăn thừa, 1 - 2 giờ sau khi cho lươn ăn nên kiểm tra và vớt bỏ phần thức ăn thừa.

Thức ăn cho lươn bao gồm nhiều loại: xác động vật chết, giun, ốc, cá, tép vụn, phế phẩm lò mỗ,…nên cho lươn ăn thức ăn còn tươi hạn chế thức ăn bị hôi thối. Hiện nay người dân ĐBSCL tận dụng ốc bươu vàng vào mùa nước nổi để làm thức ăn cho lươn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Khẩu phần ăn 5 - 8% trọng lượng lươn thả.

5. Chăm sóc và quản lý:

a/ Cách cho ăn

Thời gian nuôi thích hợp nhất từ tháng 6 – 12, lươn ăn mạnh và phát triển tốt nhất vào tháng 6 - 10. Trong quá trình chăm sóc, khi cho lươn ăn phải nắm vững nguyên tắc “4 định” (định chất, định lượng, định thời gian, định vị trí) để điều chỉnh lượng thức ăn một cách hợp lý.

Ðịnh chất là thức ăn phải luôn tươi sống, tuyệt đối không cho ăn thức ăn cũ ôi thiêu .

Ðịnh lượng là vừa đủ no, không để thức ăn thừa (lươn rất tham ăn dễ bị bội thực). Trong phạm vi nhiệt độ thích hợp, nhiệt độ cao cho ăn số lượng nhiều hơn, lúc đầu cho ăn khoảng 1 - 2% và khẩu phần tăng dần lên 5 - 8% trọng lượng lươn.

Ðịnh thời gian tức là từ 15 - 17h chiều, sau khi lươn đã quen có thể cho ăn sớm dần và tập thành cho ăn ban ngày.

Ðịnh vị là chỗ cho ăn phải cố định, sàn cho ăn bằng gỗ hoặc tre, sàn làm bằng lưới rây hoặc rổ thưa

b/ Quản lý  nước nuôi

Giữ nguồn nước sạch, không  bị ô nhiễm: Ao nuôi lươn yêu cầu nước sạch, hàm lượng Otrên 2mg/l. Do bể nuôi lươn rất cạn chỉ có 20 - 30 cm mà thức ăn lại giàu đạm nên nước rất dễ bị nhiễm bẩn ảnh hưởng đến tính bắt mồi và sinh trưởng của lươn. Khi nước quá bẩn thì nửa thân trước của lươn thẳng đứng trong nước, đầu nhô lên mặt nước để thở. Khi gặp hiện tượng đó phải nhanh chóng thay nước mới vào. Ðể phòng tránh  nước nhiễm bẩn thì từ 2 - 3 ngày thay nước 1 lần. Lượng nước thay tối đa 70% lượng nước nuôi. Mùa hè nhiệt độ cao nên thay nước hằng ngày và thường xuyên vớt bỏ thức ăn thừa, rác bẩn trong bể nuôi,...

Giữ nhiệt độ ổn định: Do mức nước sử dụng để nuôi lươn chỉ có 20- 30 cm, nên bể nuôi phải che bằng giàn lưới hoặc thả một ít rong bèo hoặc trồng cây cỏ thủy sinh. 

Giữ lươn không bò trốn: Vào những lúc trời mưa lươn rất hay bò trốn đi nơi khác; nhất là lúc trời mưa liên tục, nước dâng lên, lươn theo đáy, hoặc chỗ cống bị thủng lươn cũng theo đấy bò đi ngoài,... Vì vậy, bể nuôi phải được thiết kế đúng theo yêu cầu kỹ thuật, phải thường xuyên kiểm tra phát hiện có những khe hở phải kịp thời sửa chữa.

6. Thu hoạch

Tùy theo kích thước thả mà quyết định thời gian thu hoạch hợp lý. Thông thường, cỡ lươn giống thả thích hợp từ 50 - 60 con/kg; thời gian nuôi từ 5 - 6 tháng lươn có thể đạt được 150 - 220g/con.  Nếu  quy cách thả 15- 20 con/ kg, thời gian nuôi chỉ có 2,5 - 3 tháng. Công việc thu hoạch cần tiến hành  theo các bước như sau:

- Chuẩn bị đầy đủ nhân lực và dụng cụ bắt lươn: vợt, thùng chứa, sọt,…

- Phương tiện vận chuyển lươn: thùng tôn hoặc bạt lót có nước sạch đặt trên ô tô hoặc ghe,...

- Rút cạn nước, dọn sạch cỏ,  lục bình  trong bể nuôi;  cần có đội ngũ lao động khỏe chuyển bớt đất trong bể ra ngoài, sau đó tiếp tục chuyển đất sang một góc bể; do bị động nên lươn gom về góc bể trống và lươn có thể được thu  gom, chuyển đi.

Cách tiến hành thu hoạch và vận chuyển:

- Chọn thời điểm thu lươn vào lúc sáng sớm hay chiều mát.

- Nên bắt từng mẽ và thu gọn, vận chuyển nhanh.

- Rửa sạch bùn đất bám trên da và mang lươn trong bể chứa tạm trước khi vận chuyển đến nơi  tiêu thụ.

- Không chuyển lươn với mật độ quá cao làm lớp lươn bên dưới bị đè dẹp dễ bị ngộp và chết.

- Tốt nhất sau khi thu hoạch ta nên vận chuyển ngay.

- Năng suất: Lươn nuôi trong bể năng suất đạt từ 6 - 10kg/m2/vụ. Trong năm có thể tiến hành thả 2- 3 vụ nuôi trong năm.

Nguồn: Hội nông dân TP. Cần Thơ