Thursday, September 3, 2009

Bệnh thối đỏ hại mía

Đây là một trong vài loại bệnh hại nguy hiểm trên cây mía, đặc biệt là ở những chân ruộng đất trũng, ẩm thấp, khó thoát nước... 


Hỏi: Thời gian gần đây ruộng mía ở vùng chúng tôi thường mắc một chứng bệnh như sau: lá ngọn tự nhiên bị vàng héo, nếu nặng có thể làm cho bộ lá và cả cây bị chết khô. Chẻ thân cây mía ra thấy bên trong ruột có chỗ hơi rỗng, thối, mầu đỏ nâu, mùi chua rượu và vị lạt. Xin cho biết đó là chứng bệnh gì? Liệu có biện pháp nào tiêu diệt triệt để được căn bệnh này? Võ Như Thành và một số bà con ở Châu Thành (Tây Ninh) 

Trả lời: Qua mô tả của các bạn, chúng tôi cho rằng có lẽ ruộng mía ở chỗ các bạn đã bị bệnh thối đỏ ruột (Colletotrichum falcatum). Đây là một trong vài loại bệnh hại nguy hiểm trên cây mía, đặc biệt là ở những chân ruộng đất trũng, ẩm thấp, khó thoát nước, lại gặp trời nóng ẩm, mưa nhiều tạo ẩm độ không khí cao… Có lẽ do các bạn chưa quan sát kỹ, chứ thực ra bệnh này có thể gây hại ở nhiều bộ phận của cây, từ thân lóng, phiến lá, bẹ lá cho đến mầm non và cả rễ của cây. Tuy nhiên, bệnh thường gây hại nhiều nhất là trong thân cây, phiến lá và bẹ lá của cây mía vào giai đoạn cây mía đã vươn lóng cao. 

- Trong thân cây: Nấm bệnh xâm nhập vào bên trong thân cây mía thông qua những lỗ đục của các loài sâu đục vào thân cây mía. Bên trong thân, ban đầu vết bệnh chỉ là một điểm nhỏ mầu nhạt, sau đó lan rộng, kéo dài trong lóng mía thành những mảng mầu đỏ huyết. Giữa các đốm đỏ có những vệt ngang mầu trắng. Do triệu chứng bệnh nằm phía bên trong ruột cây một thời gian dài không lộ ra bên ngoài vỏ, nên lúc đầu rất khó phát hiện cây bị bệnh. 


Chỗ bị bệnh về sau lên men, thối rữa ra, ruột mía có chỗ hơi rỗng và có mùi rượu, vị chua lạt. Vỏ thân bên ngoài không còn bóng, chuyển sang mầu vàng đỏ, hơi lõm xuống và tóp nhỏ lại, tạo những vết hằn xuống lóng mía mầu đỏ tía, trên đó có những hạt nhỏ li ti mầu đen đó là ổ bào tử của nấm. Nếu bị hại nặng phần bị bệnh có thể phát triển hết cả lóng mía hoặc kéo dài sang những lóng khác. 

- Trên phiến lá: Bệnh thường xuất hiện ở gân chính trong lòng máng sống lá. Lúc đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ mầu hồng. Sau đó phát triển dần lên phía trên và xuống phía dưới của sống lá thành những vệt dài hình bầu dục (đôi khi chỉ là những vệt dài khoảng 5-7cm), mầu đỏ huyết, giữa vết bệnh có mầu lạt hơn, quanh rìa có mầu đỏ nâu. Trên vết bệnh cũng có những hạt đen nhỏ, đó là các ổ bào tử của nấm, mô bị bệnh dễ bị nứt vỡ, nát ra, làm cho lá dễ bị gẫy gập xuống tại vị trí bị nứt vỡ này. 

- Trên bẹ lá: Vết bệnh có mầu nâu sẫm, bao quanh vết bệnh là đường viền có mầu đỏ. Nếu nặng, nhiều vết hòa lẫn vào nhau thành một mảng lớn. Trên vết bệnh về sau cũng xuất hiện những ổ bào tử nhỏ mầu đen. 

Cây bị bệnh lá ngọn thường chuyển mầu vàng héo, nếu bị hại nặng, toàn cây có thể bị khô chết. Những ruộng bị bệnh gây hại nặng, mía gốc sẽ tái sinh kém. 

Bệnh không những làm giảm năng suất mía cây mà con làm giảm hàm lượng đường của cây mía nguyên liệu rất nhiều, do đường đã chuyển hóa thành rượu. Ngoài ra, mía nguyên liệu bị bệnh làm cho nước ép dơ, gây khó khăn cho quá trình lắng lọc, chế biến. 

Nguồn bệnh tồn tại trong thân, lá, hom giống… của cây mía bị bệnh, trong đất ruộng… Vì thế những ruộng trồng chuyên canh cây mía trong nhiều năm thường bị bệnh gây hại nhiều hơn những chân ruộng mới được trồng. 

Để hạn chế tác hại của bệnh, việc phòng ngừa có thể được coi là biện pháp quan trọng số một đối với chứng bệnh này. Sau đây là một số biện pháp chính: 

- Tùy theo địa thế của vùng đất trồng mía trũng hay cao… mà tuyển chọn, sản xuất những giống mía kháng bệnh cho phù hợp với những địa thế này. 

- Tuyệt đối không lấy hom ở những ruộng đã bị bệnh gây hại để làm giống cho vụ sau. 

- Chọn hom giống khỏe, loại bỏ những hom giống có triệu chứng nhiễm bệnh. Trước khi trồng nên xử lý hom giống bằng cách nhúng hom giống trong nước nóng 54 độ C trong 20 phút, hoặc nhúng hai đầu hom vào dung dịch thuốc Mexyl MZ 72WP hay Vinomyl 72BTN pha nồng độ 0,5%, hoặc Boocđô 1%. 

- Không nên trồng quá dầy, để ruộng mía có độ thông thoáng cao. 

- Chăm sóc chu đáo, đặc biệt là phải bón phân đầy đủ và cân đối giữa đạm, lân và kali, những ruộng thường bị bệnh hàng năm cần tăng cường thêm phân kali để cây có sức chống chịu với bệnh. Những vùng đất bị chua nên bón bổ sung thêm vôi bột để tăng độ pH cho đất. 

- Những vùng đã bị bệnh gây hại nặng, cần khoanh vùng dập tắt ổ bệnh, không được đưa hom giống sang những vùng khác để hạn chế lây lan. 

- Ở những vùng đấp thấp, nên có bờ bao chắc chắn và hệ thống mương trữ nước xung quanh ruộng, để có thể bơm nước ra khỏi ruộng khi cần thiết, hạ thấp mực thủy cấp trong ruộng mía. 

- Phòng trừ triệt để các loài sâu đục thân, để giảm bớt lỗ đục vào thân cây. Từ đó hạn chế cửa ngõ xâm nhập của nấm bệnh vào bên trong thân cây mía. 

- Thu gom cây và những lá bị bệnh nặng đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy, để giảm bớt nguồn bệnh trên ruộng. 

- Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, thu gom toàn bộ tàn dư của cây mía bị bệnh từ vụ trước đem tiêu hủy, trước khi gốc mía ra mầm mới (mía tái sinh) hoặc trước khi trồng mới mía vụ sau. 

- Sau khi thu hoạch, không nên chất đống để lâu trên ruộng (đặc biệt là những ruộng có ngập nước), cần tranh thủ vận chuyển sớm về nhà máy chế biến. Những ruộng đã bị bệnh gây hại, nên thu hoạch sớm hơn so với những ruộng khác. 

- Kiểm tra ruộng mía thường xuyên, nhất là từ khi cây vươn lóng cao để phát hiện sớm và phun xịt thuốc kịp thời. Về thuốc có thể sử dụng một trong những loại thuốc như: Mexyl MZ 72WP; Vinomyl 72BTN; Dipomate 80WP; Vimancoz 80BTN; Ridozeb 72WP; Mancozeb 80WP… 

Trước khi phun xịt các bạn cần đọc kỹ hướng dẫn về liều lượng và cách sử dụng có in trên nhãn thuốc.

Nguyễn Danh Vân/ Báo Nông nghiệp Việt Nam