Tên “Điêu hồng” được dịch từ tiếng Trung Quốc để chỉ một loài cá thuộc họ cá tráp ở biển (Plectorynchus). Người ta gọi cá rô phi đỏ là “điêu hồng” vì chúng có hình dạng và màu sắc giống nhau.
Ảnh minh họa
I. Xuất xứ cá điêu hồng:
Tên “Điêu hồng” được dịch từ tiếng Trung Quốc để chỉ một loài cá thuộc họ cá tráp ở biển (Plectorynchus). Người ta gọi cá rô phi đỏ là “điêu hồng” vì chúng có hình dạng và màu sắc giống nhau.
Xuất sứ cá rô phi đỏ từ Đài Loan. Năm 1968, người ta phát hiện một số cá bột rô phi cỏ (Oreochromis mosambicus) có màu đỏ, do bị đột biến “bạch tạng” không hoàn toàn. Người ta tiếp tục cho lai O. mosambicus đột biến bạch tạng với loài O. niloticus (rô phi vằn) được thế hệ F1 có 30% là rô phi màu đỏ, những cá thể này có những chấm đen ở hai bên cơ thể gần như đối xứng nhau. Những cá thể F1 đỏ này tiếp tục được sinh sản và đã nâng được tỷ lệ đỏ lên 80%. Dòng cá này có thể đạt 500 – 600 gam hoặc hơn sau 5 tháng nuôi, đạt 1.200 gam trong 18 tháng.
Năm 1975, xuất hiện một cá cái rô phi đỏ có màu sáng và nặng 1.200 gam trong vòng 18 tháng. Cho lai con này với con rô phi đỏ khác thì được 4 nhóm: đỏ, nâu, đen, trắng nhạt. Dòng đỏ và trắng nhạt hoàn toàn không còn chấm đen. Cho dòng đỏ này sinh sản thì có tỷ lệ màu đỏ của F1 cao và màu đỏ rất ổn định. Vì dòng cá này có hình dạng và màu đỏ rất giống cá tráp đỏ ở biển nên mới có tên “Điêu hồng” (tráp đỏ- chính xác phải gọi là 'hồng điêu”)
Người ta còn lai rô phi màu đỏ với dòng O.aureus cho ra được F1 có 65% màu đỏ toàn là đực, 35% màu đen thì có 7 - 8% là cá cái. Cá F1 lớn nhanh nhất là con đực, có thể đạt cở 2 – 3 kg.
Khi lai cá rô phi đỏ với dòng O. urolesis hornorum thì cho ra F1 có 65% đỏ, 35% đen và 100% là cá đực.
Ở Việt Nam, trường Đại học Cần Thơ đã nhập 1 đàn cá rô phi đỏ từ AIT (năm 1990) và thử nghiệm nuôi, nghiên cứu về sinh học, khả năng chịu đựng của rô phi đỏ với độ mặn, pH, nhiệt độ,...
Từ năm 1997, rô phi đỏ được nhập về để nuôi thương phẩm. Hiện nay chúng đã phát triển tốt trong điều kiện khí hậu của ta và là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế.
II. Nuôi cá điêu hồng (Rô phi đỏ – Red Tilapia ) ở một số nước Đông Nam Á:
Như vậy, cá điêu hồng cũng chỉ là cá rô phi có màu đỏ. Sau khi đã có dòng cá rô phi đỏ, người Đài Loan phát triễn mạnh nuôi dòng cá này với cá được sử lý hoặc lai cho cá toàn là đực. Nuôi rô phi đỏ đơn tính đực đã xuất phát từ Đài Loan và đã nuôi ổn định từ những thập niên 80 của thế kỷ trước.
Rô phi đỏ từ Đài Loan đã được du nhập sang nhiều nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á và cũng được phát triển với các hình thức nuôi thâm canh hoặc quảng canh (bảng 1).
Bảng 1: Các nước Đông Nam Á đang nuôi rô phi đỏ.
Ở Đài Loan:
Được coi là đi đầu về nuôi cá rô phi ở khu vực (từ 1946) và đạt sản lượng cao nhất thế giới 80.000 tấn năm 1982. Năm 1999 chỉ còn 57.269 tấn (54 triệu USD), năm 2000 khoảng 50.000 tấn (60 triệu USD) và chiếm 24% sản lượng cá nuôi ở Đài Loan. Diện tích nuôi trên 8.300 ha (2000), có 1921 ha nuôi đơn trong ao, 5830 ha nuôi ghép trong ao.
Về xuất khẩu: 1996 là 15.328 tấn, năm 1999 đạt 36.597 tấn và có 71% xuất sang Mỹ.
Phương thức nuôi cá rô phi đỏ ở Đài Loan: nuôi đơn rô phi đỏ trong bể ximent hình bát giác (tám cạnh) 100 m2, với nước tuần hoàn và sục khí. Cỡ cá thả 100 - 200 gam, mật độ 50 - 100 con/ m2. Dùng thức ăn công nghiệp 3 - 4 lần/ ngày. Sau 3 - 4 tháng nuôi thu hoạch được 3 - 4 tấn/ bể, cỡ cá trung bình 600 gam, tỉ lệ sống 90% và hệ số thức ăn 1,2 - 1,4.
Ngoài ra còn nuôi trong bè 7 x 7 x 2,5 m, cỡ mắt lưới bao quanh bè 1 cm. Cá thả 20 – 30 gam/ con, mật độ 4.000 - 5.000 con/ bè. Dùng thức ăn viên cho ăn 3 lần một ngày. Cá đạt cỡ thương phẩm 600 gam sau 4 - 5 tháng nuôi. Sản lượng 1 bè 4,3 – 5,4 tấn/ 2 vòng nuôi một năm.
Tuy sản lượng giảm nhưng sản phẩm rô phi Đài Loan có chất lượng rất cao.
· Nuôi rô phi đỏ ở Indonesia:
Cá rô phi đỏ nuôi ghép với các loài như cá chép, cá mè vinh, tai tượng trong mô hình nuôi kết hợp, cho cá ăn thức ăn hoặc dùng phân bón.
Nuôi cá bè phát triển trên sông, kênh thủy lợi, hồ chứa. Bè có kích thước 7 x 7 x 2 m, thả 100 – 150 kg cá giống, cho cá ăn thức ăn công nghiệp, sau 60 – 120 ngày thu được 626 – 1.200 kg cá cỡ 250 – 300 gam cho một bè nuôi. Với cá đơn tính đực thả 2.500 con/ bè (cỡ cá 50gam, cho ăn thức ăn công nghiệp). Sau 120 ngày thu được 1.000 kg cá/ bè với hệ số thức ăn 1,2.
Nuôi trong ao nước lợ (15%o) điện tích 4.000m2 cỡ cá 3 – 5 cm thả 10.000 con/ ao, cho cá ăn thức ăn công nghiệp. Thu hoạch cá sau 110 ngày đạt cỡ 200 gam năng suất 1,7 – 2 tấn/ ao, tỉ lệ sống 80 – 85%.
· Nuôi cá rô phi đỏ ở Thái Lan:
Thái Lan đã hoàn thiện công nghiệp tạo cá rô phi đơn tính đực và ứng dụng phổ biến trong thập niên 90 thế kỷ trước, từ kỹ thuật của AIT. Có trại sản xuất giống được xây dựng năm 1994, đến nay mỗi năm sản xuất 10 – 20 triệu cá giống đơn tính (99% đực).
Về nuôi: ước tính 80% nuôi trong ao nước ngọt và 20% trong ruộng lúa (cả rô phi đỏ và rô phi vằn). Nuôi ghép với cá khác như chép, mè vinh, mè trắng, mè hoa và một số loài cá bản địa khác.
Nuôi kết hợp trên là chuồng nuôi gà, dưới là ao cá (nuôi thâm canh) khá phát triển và năng xuất tương đối cao (20-30 tấn/ha). Hiện nay tổng sản lượng cá rô phi của thái Lan khoảng 150 ngàn tấn/ năm (1998: 147.522 tấn).
· Nuôi cá rô phi đỏ ở Malaysia:
Được nhập công nghệ nuôi thâm canh cá rô phi đỏ trong bè từ Singapore trong thập niên 1980.
Cá giống 25 – 125 gam/ con được thả nuôi trong bể ximent tam giác (33 x 14 x 15 m) với 250 – 1.000 kg cá giống / bể. Cho ăn thức ăn công nghiệp và thay nước. Sau 4 tháng nuôi thu hoạch 4 – 6 tấn/ bể, cỡ cá 550 – 750 gam, hệ số thức ăn 1,9 và tỷ lệ sống 84%.
Nuôi thâm canh trong bè đặt trong sông, hồ chứa. Bè kích thước 4 x 3 x 2 m thả 2.000 cá (cỡ 0,7 kg), nuôi sau 2 tháng thì giảm số lượng cá trong bè còn 600 con/ bè, nuôi tiếp 2 tháng để đạt cỡ 1 kg/ con và đưa xuất khẩu. Tỷ lệ sống thường đạt 90%, hệ số thức ăn 1,7.
Ngoài các nước trên, nuôi rô phi đỏ còn phát triển ở các nước như Singapore (trong bè ngoài biển), Myanmar (ao nước ngọt).
III. Sản xuất cá rô phi đỏ:
1. Đặc diểm sinh sản :
Nuôi trong ao, cá thành thục lần đầu ở 4-5 tháng tuổi, khi cá đạt cỡ 300 - 400 gam. Các loài cá rô phi hiện nay đang nuôi phổ biến ở nước ta có cỡ thành thục nhỏ hơn (150 - 200 gam ở cá O.nilotica và 50 - 70 gam ở cá O.mosambicus)
Cá rô phi đỏ có thể đẻ nhiều lần trong năm, từ 10-12 lần và hầu như đẻ quanh năm. Ở Đài loan nuôi trong điều kiện chăm sóc tốt, cá có thể đẻ trên 20 lần trong một năm. Cá trên hoặc dưới một năm tuổi thì đẻ nhiều lứa hơn, dày hơn cá trên 2 năm tuổi trở lên.
Khi sinh sản, cá rô phi đực làm tổ bằng cách dùng đuôi quậy bùn và đào hố dưới đáy ao, đường kính tổ từ 20-30 cm, độ sâu thích hợp 0,3-0,5 m. Sau khi đẻ, cá cái ấp trứng và ngậm con mới nở trong miệng. Ở nhiệt độ 300C, thời gian ấp trứng từ 4-6 ngày và khi cá nở ra vẫn được cá mẹ ngậm trong miệng thêm 3-4 ngày nữa. Khi cá bột đã hết noãn hoàng thì cá con rời khỏi miệng mẹ và bắt đầu tự kiếm ăn. Cá mẹ lại tiếp tục bắt mồi và chuẩn bị cho chu kỳ sinh sản mới. Thời gian giữa 2 lứa đẻ tùy thuộc vào thức ăn, tuổi cá, nhiệt độ…
Trung bình mỗi lần cá đẻ từ 1.000 - 2.000 trứng, cá cỡ lớn có thể đẻ số lượng trứng nhiều hơn. Vì vậy chúng ta nên chọn cá bố mẹ có thể trọng lớn để nâng cao năng suất sinh sản, cho số lượng cá con nhiều và khoẻ mạnh
2. Sản xuất giống cá rô phi đỏ:
Cá rô phi đỏ có thể tự đẻ trong ao. Ta có thể áp dụng các phương pháp cho cá đẻ và thu cá bột như sau :
- Phương pháp nuôi cá bố mẹ trong ao và cho đẻ tự nhiên: Cá bố mẹ được nuôi trong ao và cho ăn thức ăn đầy đủ, với thức ăn hỗn hợp chế biến hoặc thức ăn viên công nghiệp có hàm lượng đạm từ 25-28%, khẩu phần ăn 1-1,5%/ngày. Sau khi cá đẻ thì chuyển cá bố mẹ sang ao nuôi vỗ khác để cho đẻ lứa tiếp theo và dùng ao cá đã đẻ làm ao ương cá bột thành cá giống. Cách này dễ áp dụng cho các gia đình để tạo nguồn cá giống thả bù cho các lần đánh tỉa cá thịt. Với cách này thì khó có thể sản xuất được số lượng lớn cá giống để bán.
- Phương pháp thứ hai: Thả cá bố mẹ vào ao để cá đẻ tự nhiên, nuôi vỗ và chăm sóc cá như ở phương pháp trên. Sau khi cá đẻ thì ương nuôi cá bột và thu hoạch cá hương, cá giống đã được ương lớn trong ao. Biện pháp này cũng cho năng suất thấp vì khi ương nhiều thế hệ trong ao, cá bột sẽ hao hụt nhiều do bị cạnh tranh thức ăn và có tình trạng cá ăn thịt lẫn nhau ở các cỡ cá
- Phương pháp thứ ba: Thả cá bố mẹ vào ao đẻ, nuôi vỗ sau khoảng 2 tuần ( ở nhiệt độ trung bình 300C và phương pháp chăm sóc như trên), thì cá bố mẹ sẽ bắt đầu đẻ trứng. Khi cá đẻ xong, dùng vợt vớt hết cá bột chuyển sang ương ở một ao riêng biệt. Lúc này cá bột thường có tập tính bơi quanh bờ ao nên dễ dàng dùng vợt để vớt chúng. Cách thứ ba này tuy năng suất có thể cao hơn nhưng vẫn không thu được hết cá bột trong lứa đẻ
- Phương pháp thứ tư thì chủ động thu trứng hoặc cá bột rô phi để ương ấp nhân tạo. Ta chọn cá bố mẹ có trọng lượng từ 400-500 gam, với tỷ lệ cá đực/ cá cái là 1/1. Cá bố mẹ có thể nuôi vỗ trong ao đất hoặc bể xi măng hay trong giai với mật độ thả từ 4-5 con/m2. Cho ăn đầy đủ chất lượng và khẩu phần để cá thành thục và đẻ tốt. Khi cá bố mẹ đã thành thục và sẵn sàng đẻ trứng thì ta chuyển cá vào giai cho đẻ. Khi cá bố mẹ đã đưa vào giai cho đẻ thì cứ 3-5 ngày thu trứng một lần, tùy theo nhiệt độ nước. Trứng sau khi thu thì được phân chia theo giai đoạn phát triển, làm sạch và ấp riêng từng lứa. Sau khi nở, các lứa tuổi cá bột khác nhau cũng được ương riêng.
3. Kỹ thuật ương nuôi cá giống rô phi đỏ:
3.1. Ương trong ao đất:
Ao được tát cạn, sên vét bớt bùn đáy ao, rải vôi bột 5 - 7 kg/100 m2, bón lót thêm phân hữu cơ ủ hoai (15 - 20kg/100 m2), hoặc phân urê+lân (0,5 kg urê+ 0,3 kg lân/100 m2 ), hoặc bón bằng bột cá (3 - 4 kg/100 m2 ). Sau đó lọc nước vào ao từ từ, từ 3-4 ngày thì đủ mức nước quy định (0,8 - 1,2m), đồng thời các loại thức ăn tự nhiên cho cá sẽ có điều kiện phát triển để cung cấp cho cá bột trong những ngày đầu mới đưa xuống ao ương. Cá bột vớt từ ao cá đẻ và thả vào ao ương, mật độ thả 400 - 500 con/ m2, nên thả vào lúc trời mát, cỡ cá thả nên lựa cùng giai đoạn để cá phát triển đồng đều
Thức ăn cho cá giai đoạn đầu, ngoài thức ăn tự nhiên do gây màu nước bằng phân hữu cơ, vô cơ và bột cá, chúng ta cung cấp thêm cho cá bột như sau :
Tuần lễ đầu: 0,3 kg cám mịn + 0,3 kg bột cá lạt, xay nhuyễn cho 10.000 cá bột
Tuần thứ hai: Thức ăn tăng lên 1,5- 2 lần tùy theo sự tăng trưởng của cá và màu nước của ao. Nếu màu nước xanh lá chuối là màu nước tốt và có nhiều thức ăn tự nhiên cho cá. Nếu màu nước xanh quá đậm hoặc có mùi hôi là quá dư thức ăn, phải điều chỉnh lại cho vừa mức ăn của cá
Từ tuần thứ ba trở đi, phải ước tính số cá giống có trong ao và sức ăn của cá để điều chỉnh thức ăn hàng ngày cho phù hợp, tránh tình trạng thiếu hoặc dư thức ăn gây lãng phí và không hiệu qủa kinh tế. Khẩu phần ăn lúc này từ 2-3% tổng trọng lượng cá có trong ao, với thành phần thức ăn là cám mịn ( hoặc bột mì, bột bắp) và bột cá nhuyễn, tỷ lệ 40% bột cá, 60% cám hoặc bột mì, bột bắp.
Sau 1 tháng, cá có thể đạt cỡ 0,5 - 0,7 gam/con. Ta có thể thu hoạch cá hương và tiếp tục ương thành giống lớn. Khẩu phần ăn từ 2-3% thể trọng cá trong ao, với thành phần thức ăn vẫn là cám và bột cá, tỷ lệ cám 70% và bột cá 30%. Sau 15 - 20 ngày, đạt cỡ cá giống 1,2 - 1,5 gam/con và có thể thả nuôi cá thịt
3.2. Ương trong giai:
Biện pháp này áp dụng cho ương cá có cùng giai đoạn phát triển thì mang lại hiệu quả cao, nhất là ương cá rô phi đơn tính đực. Giai ương cá có kích thước 2x4m, cao 1m, hoặc 3x5m, cao 1m. Giai được đặt trong ao, trong bể xi măng. Mật độ ương từ 1500 - 2500 cá bột/m2 giai . Thức ăn cho cá là bột cá và cám mịn, lượng cho ăn 0,6 kg/10.000 cá bột, tỷ lệ cám và bột cá 4/6. Lượng thức ăn tăng dần hàng tuần theo sự phát triển của cá. Sau 45-50 ngày, cá đạt cỡ giống và đưa nuôi cá thịt
4. Sản xuất giống rô phi đỏ đơn tính đực:
Việc nuôi cá rô phi đơn tính đực sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với nuôi rô phi bình thường, vì:
- Cá cái có một thời gian dài ấp trứng và nuôi con trong miệng nên phải nhịn ăn. Vì vậy khi nuôi chung cá đực cái thì cá đực thường có trọng lượng lớn hơn do ít tốn năng lượng cho quá trình sinh đẻ
- Khi chúng ta nuôi toàn cá đực thì không có sự sinh sản, chúng ta kiểm soát được mật độ cá thả. Người nuôi có thể chủ động quy cỡ thương phẩm tùy theo giá cả thị trường. Nhờ vậy giá trị và hiệu quả kinh tế sẽ được nâng cao
Hiện nay chúng ta đang có 3 phương pháp chính để có cá rô phi đơn tính đực :
- Phương pháp thủ công: dùng mắt thường phân biệt và tách riêng cá đực và cá cái lúc cá đã phân rõ đực cái bằng phần phụ sinh dục: cá đực có 2 lỗ huyệt, cá cái có 3 lỗ. Cách này dùng cho những ao nuôi nhỏ, có nhiều người cùng làm một lúc. Nhưng hạn chế khi cần có số lượng giống lớn
- Phương pháp di truyền: Bằng phương pháp lai khác loài ( khi nuôi chung cá cái loài này với cá đực loài khác hoặc ngược lại) sẽ tạo được cá lai đơn tính hoặc bất thụ, chẳng hạn:
Người ta còn tạo ra rô phi siêu đực (có nhiễm sắc thể YY), khi thả ghép cá siêu đực với cá cái bình thường sẽ cho ra đàn cá có tỷ lệ đực rất cao ( lý thuyết là 100%)
- Phương pháp hóa sinh : cho cá bột ăn thức ăn có trộn hormone 17a methyltestosterone ( viết tắt là MT) hoặc 17a ethynyltestosterone (ET) trong 21 ngày tuổi đầu tiên. Rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng công nghệ này. Ở Thái Lan đã phát triển công nghệ từ những thập niên 90, ở Đài Loan từ những năm 80 của thế kỷ 20. Ở nước ta, từ 1993 cũng đã áp dụng chuyển đổi giới tính cá rô phi bằng MT ở nhiều cơ sở sản xuất cá giống
Tóm tắt công nghệ chuyển giới tính cá rô phi toàn đực bằng hormone như sau:
IV. Kỹ thuật nuôi cá rô phi đỏ:
1. Nuôi đơn bán thâm canh trong ao:
- Chuẩn bị ao:
· Diện tích ao: từ 500 m2 trở lên, sâu 1,5 – 2 m. có cống bộng cấp thoát và chắn lưới, gần nguồn nước, chất lượng nước sạch và không ô nhiễm.
· Khâu chuẩn bị ao để thả cá giống: tát cạn, bắt cá tạp cá dữ, lấp hang hốc cua, rắn, chuột, sên vét bớt bùn đáy, kiểm tra độ cao bờ chắc chắn không bị ngập do lũ hay thủy triều.
Rãi vôi bột 7 – 10 kg/ 100 m2, phơi nắng 1 – 2 ngày. Sau đó lọc nước vào ao đạt mức 1,2 – 1,5 m trở lên.
- Thả cá giống :
· Cỡ cá: 5 – 7 cm (5 – 6 gam/ con), cỡ đồng đều, có thể là cá đơn tính đực.
· Mật độ thả: 30 – 40 con/ m2.
· Thả cá vào lúc sáng sớm, trời mát hoặc chiều tối.
- Thức ăn:
+ Thức ăn chế biến:
Nơi không có điều kiện sử dụng thức ăn viên hoặc có sẵn nguyên liệu chế biến, gồm các nguyên liệu:
+ Cám: 20 – 30%
+ Tấm: 20 – 30%
+ Rau xanh (nghiền nhỏ): 10 – 20%
+ Bột cá (bột ruốc): 30 – 35%
+ Bột đậu nành: 10 – 20%
+ Premix khoáng/ vitamin: 1 – 2%
Phối chế các nguyên liệu để đạt hàm lượng Prôtêin 20 – 25%, trộn đều các nguyên liệu đã nghiền nhỏ, nấu chín rồi ép viên (nếu có điều kiện) hoặc rãi mỏng và phơi se mặt, sau đó cho cá ăn (rải một chổ hoặc để vào sàn ăn), cho ăn 3 – 4 lần/ ngày, khẩu phần 7 – 8%. Hệ số thức ăn từ 3,2 – 3,5 là đạt yêu cầu và có hiệu qủa kinh tế.
+ Thức ăn viên:
Thức ăn viên của các nhà máy chế biến, chọn loại thức ăn có mùi thơm hấp dẫn với cá, hàm lượng đạm 20 – 28%. Cho ăn khẩu phần 3 – 4% trọng lượng thân/ ngày. Hệ số thức ăn của Cargill hay Con Cò từ 1,4 – 1,6.
- Quản lý chăm sóc:
· Thay nước cho ao thường xuyên. Nếu lợi dụng được thủy triều thì rất kinh tế .
· Lọc cá cho đều cỡ ở tháng thứ 2 –3, loại bỏ những cá còi ốm, nhỏ quá cỡ. Loại bớt cá không đạt cỡ đồng đều.
· Điều chỉnh thức ăn hằng ngày cho hợp lý theo sức ăn và tăng trưởng của cá. Hằng tháng đánh bắt ngẫu nhiên một số cá để kiểm tra tăng trọng (chài, lưới).
· Phòng bệnh: Không cho ăn thức ăn thừa, ôi thiu. Nguồn nước thay phải sạch, không ô nhiễm.
- Thu hoạch:
· Nên thu đồng loạt một lần.
· Thu khi đạt cỡ cá thương phẩm do thị trường yêu cầu.
· Thu khi bán có giá cao nhất.
· Cỡ cá đạt 500 – 600 gam sau 6 tháng nuôi. Nếu lọc lựa cỡ trong tháng trước thì tỉ lệ đồng đều tới 90%.
2. Nuôi đơn trong lồng bè:
- Có hai cách nuôi rô phi đỏ trong lồng bè:
· Thả nuôi từ cỡ cá giống 5 – 7 cm, liên tục từ 5 – 6 tháng đến khi thu hoạch.
· Thả nuôi cá giống trong ao khi đạt cỡ 20 con/ kg (50 gam/ con) thì thả nuôi trong bè, giai đoạn 1 khoảng 1 tháng, giai đoạn sau khoảng 4 - 5 tháng. Mật độ 200 - 250 con/ m3 bè.
- Thức ăn có thể dùng:
· Thức ăn tự chế biến: phối chế hàm lượng đạm từ 20 – 25%.
· Thức ăn viên: có hàm lượng đạm 20 – 25%.
Thức ăn được trực tiếp rải cho cá ăn 3 – 4 lần/ ngày. Khẩu phần cho ăn 3 – 4% (thức ăn viên), 7 – 8% (thức ăn tự chế biến).
Trong quá trình nuôi nên lọc tách đàn, loại bỏ cá nhỏ, còi cọc, cần có mái che bớt nắng với những bè nhỏ không có nhà và mái che.
3. Nuôi mô hình kết hợp (gà – cá, cút – cá ,...):
Có thể áp dụng mô hình nuôi này ở những gia đình có chăm nuôi gia cầm. Thái Lan là nước rất phát triển loại hình nuôi kết hợp này với quy mô khá lớn và nuôi thâm canh.
· Ao nuôi có diện tích càng lớn càng tốt. Trên ao có nhà sàn nuôi gà, cút, vịt, . . . và phân gia cầm trực tiếp đưa xuống ao cho cá ăn.
· Cá giống: Có thể thả từ cỡ 5 – 7 cm, cá đơn tính đực thì tốt, có thể ghép với một số cá khác như cá hường, mè trắng (10 – 15%).
· Thức ăn: Chủ yếu tận dụng phân gia cầm và thức ăn dư thừa của gia cầm.
Cung cấp thức ăn liên quan đến mật độ nuôi và số lượng gia cầm nuôi. Có thể thả ở mật độ 50 – 60 con/ m2 và phải cho ăn bổ sung thêm thức ăn khi cá lớn và không đủ thức ăn cho chúng.
· Quản lý chăm sóc: Định kỳ thay nước để giữ không bị ô nhiễm.
· Thu hoạch: Có thể thu hoạch đồng loạt và thả tiếp vụ mới, đánh tỉa thả bù chỉ nên áp dụng ở những ao nhỏ, nuôi tận dụng.
V- Phòng và trị bệnh cá rô phi đỏ:
Các loài rô phi nói chung và cá rô phi đỏ được coi là những loài cá có khả năng chịu đựng giỏi với môi trường xấu và ít bị bệnh, nhất là khi nuôi thưa và quảng canh. Nhưng nkhi nuôi thâm canh với mật độ cao, cho ăn thức ăn đầy đủ thì thấy ác có nhiễm một số bệnh.:
- Bệnh do virus gây ra: do virus Linfoxistis
- Bệnh do vi khuẩn: Fleixibacterioz, Microbacterioz, Edwardlsielloz, Aeromonoz, Streptocorcoz, Pseudomonoz
- Bệnh do nấm : như nấm thủy mi Achylia, Saprolegnia
- Bệnh do ký sinh trùng : Trùng bánh xe Trichodina, trùng quả dưa Ichthyophthirius, sán lá đơn chủ 16 móc Dactylogyrus, sán lá 18 móc Gyrodactylogylus
Ngoài ra còn gặp các thể bệnh không lây như bệnh viêm bong bóng, hiện tượng cá chết ngạt hàng loạt do ao quá dư thức ăn, quá nhiều phân hữu cơ, thực vật phù du phát triển mạnh, nước có màu xanh lục xẫm và có mùi hôi, các bệnh do thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin ( thiếu kẽm gây bệnh đục nhân mắt, thiếu canxi làm cho xương yếu, gây liệt…)
Để phòng trị các bệnh trên, cần chú ý cho cá ăn đầy đủ, làm cá khỏe mạnh, đủ sức chống lại các nguồn bệnh xâm nhập vào cơ thể. Phải giữ cho môi trường ao nuôi sạch, không có các nguồn bệnh xâm nhập vào ao bằng cách thay nước mới thường xuyên hoặc định kỳ.
Theo Sở NN&PTNT TP.HCM