Thursday, June 25, 2015

Phòng và trị bệnh mềm vỏ trên tôm

Bệnh mềm vỏ thường xảy ra ở tôm nuôi. Tôm bị bệnh có các biểu hiện: vỏ mềm, mỏng; vỏ có màu sẫm, bị nhăn, gồ ghề...; tôm dễ bị cảm nhiễm với các bệnh nhiễm khuẩn, nấm, protozoa. Tôm bị mềm vỏ thường yếu ớt, phát triển chậm, có thể chết rải rác.

Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh:

Do dinh dưỡng: Tôm thiếu vitamin và khoáng chất, đặc biệt thiếu hàm lượng canxi và phosphor. Khi tôm lột xác để tạo lớp vỏ mới thông thường lớp vỏ mới sẽ cứng trở lại trong vòng 24 giờ, tuy nhiên nếu không cung cấp đủ các khoáng chất cần thiết để tôm tạo vỏ thì vỏ tôm sẽ bị mềm, mỏng...

Do môi trường:

- Nước ao nuôi nhiễm chất thải công nghiệp, nông nghiệp, hoặc dư lượng hóa chất, đặc biệt là thuốc trừ sâu.

- Nước có độ mặn thấp hoặc độ kiềm thấp. Ngoài ra, có thể còn do tôm nuôi quá dày, môi trường nuôi thường xuyên biến động.

Kiểm tra tôm thường xuyên để sớm phát hiện bệnh - Ảnh: Máy Cày 

Phòng bệnh

Trong công tác cải tạo ao, thực hiện đúng quy trình theo 3 bước: cải tạo bằng cơ học, hóa học và sinh học (lưu ý, không lạm dụng hóa chất hoặc dùng thuốc trừ sâu để cải tạo ao).

- Ngoài ao nuôi chính nên có ao lắng để chứa nước dự trữ, đảm bảo nước sạch khi cần cung cấp cho ao nuôi, tránh lấy nước trực tiếp ngoài sông rạch chưa qua xử lý.

- Chọn giống tốt, đã qua kiểm dịch đạt chuẩn.

- Thả giống với mật độ vừa phải.

- Trong quá trình nuôi hạn chế tôm bị shock, ao bị mất tảo....

- Ngoài việc định kỳ tạt khoáng cho tôm, trong khẩu phần ăn thường xuyên bổ sung thêm BIO SHRIMP PREMIX và BIO VITAMIN C 10% cho tôm ăn mỗi ngày, nhằm phòng tôm thiếu khoáng và vitamin.

- Các mô hình nuôi  tôm công nghiệp, siêu công nghiệp với mật độ dày, nuôi khép kín, ao có trải bạt: Bổ sung thường xuyên BIO CALPHOS for shrimp mỗi cữ ăn.

- Thường xuyên đo các thông số môi trường (2 lần/ngày) ở thời gian cố định (sáng, chiều), để có thể can thiệp kịp thời khi môi trường biến động. Phải đảm bảo độ kiềm 80 - 120 mg/lít (tôm sú) và 120 - 160 mg /lít (tôm thẻ); pH 7,5 - 8,5.

- Bờ ao có đập tràn: để thoát nước mưa (khi mưa lớn), chống ngọt hóa.

Trị bệnh

Trong quá trình nuôi tôm, thường xuyên theo dõi đàn tôm để sớm phát hiện dấu hiệu bất thường. Khi kiểm tra phát hiện tôm có dấu hiệu mềm vỏ: phải nhanh chóng can thiệp ngay bằng cách tăng cường cung cấp oxygen, đồng thời tạt vôi và Dolomite để tăng kiềm, đưa pH lên 8,3 - 8,5.


Tạt vi sinh BIO BACTER for shimp và BIO YUCCA for shimp để cải thiện chất lượng nước, giảm khí độc trong ao, tạo môi trường thông thoáng.

Cho tôm ăn BIO CALPHOS for shimp với liều gấp đôi so liều phòng. Ngoài ra, cần bổ sung thêm BIO HEPATIC for shimp nhằm tăng khả năng đào thải, thanh lọc độc tố, cân bằng quá trình trao đổi chất, giúp tôm cứng vỏ trở lại và tăng trưởng bình thường. 

Đặng Hồng Đức (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Tuesday, June 23, 2015

Phòng bệnh loét trên cam sành mùa mưa

Tuy mới bắt đầu mùa mưa nhưng vườn cam hơn 4 công của tôi đã xuất hiện hiện tượng loét trái. Đây không phải lần đầu cam bệnh nhưng năm nay xuất hiện khá sớm nên tôi rất lo ngại. Nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn phòng trị. Lưu Thị Quyên (Tam Bình, Vĩnh Long)

Ảnh minh họa

- Chị Quyên mến, bệnh loét trên cam sành không chỉ xuất hiện trên trái mà còn trên lá và cây. Trái bệnh xù xì màu nâu, mép ngoài có gờ nổi, ở giữa vết bệnh mô chết rạn nứt. Toàn bộ chiều dày của vỏ quả có thể bị loét, nhưng vết loét không ăn sâu vào ruột quả. Bệnh nặng có thể làm cho quả biến dạng, ít nước, khô sớm, dễ rụng. 

Bệnh do vi khuẩn Xanthomomas campestris pv. citri (Hasse) Dye gây ra, lan truyền do nấm bệnh tồn tại trên tàn dư lá, quả, thân, cành cây đã bị bệnh. Bệnh loét phát sinh gây hại quanh năm, nhưng mùa mưa nặng hơn.

Để phòng trị, cần cắt và thu gom cành, lá, quả bị bệnh đem tiêu hủy, không tưới nước lên tán cây vào buổi chiều mát và không tưới thừa nước. Tăng cường bón thêm phân kali cho vườn cây đang bị bệnh, không bón đạm và phân bón lá khi bệnh đang phát triển gây hại. 

Khi bệnh nặng có thể phun các loại thuốc gốc đồng như Boocđô 1%, Kasuran 0,15%, champion 37,5FL, Boocđô + zineb, Copper oxychloride… Phun khi cây mới ra lộc, lượng nước phun là 600- 800 lít/ha.

Chúc chị phòng trị hiệu quả!

Theo Báo Vĩnh Long

Friday, June 19, 2015

Diệt trừ ruồi vàng hại khổ qua

Nhiều bà con trồng khổ qua ở ấp Phú Long (xã Tân Phú - Tam Bình - Vĩnh Long) cho biết, thời gian gần đây nhiều diện tích trồng khổ qua chịu thiệt hại do ruồi châm vào trái gây méo mó không lớn được, thậm chí thúi và rụng nhưng chưa có biện pháp phòng trị hiệu quả. Nhờ các bạn hướng dẫn phòng trị.

Ảnh minh họa

- Theo một số tài liệu, loài côn trùng gây hại cho khổ qua là một loài ruồi vàng đục quả có tên khoa học là Batrocera cucurbitae thuộc họ Tephriđiae, bộ Diptera. Ruồi dòi đục vào trong quả, chỗ vết đục bên ngoài lúc đầu là 1 chấm đen, sau lớn dần có màu vàng rồi chuyển qua nâu. Bên trong quả, dòi đục thành đường hầm vòng vèo làm trái bị thối mềm, dễ rụng.

Biện pháp phòng trừ

Thường xuyên thu gom tiêu hủy các quả bị rụng có dòi hại. Khi ruồi trưởng thành phát sinh nhiều dùng bẫy dẫn dụ Methyl Eugenol (Vidubon…) hoặc tự làm bằng giấm pha đường và ít thuốc trừ sâu, đặt rải rác cách 5-10m một bẫy. Nếu có điều kiện thì bao trái lại sau khi quả đậu 3- 4 ngày, không cần phun thuốc. Có thể dùng thuốc trừ sâu gốc cúc tổng hợp để phòng trừ. Chú ý thời gian cách ly khi thu hoạch.

Chúc bà con phòng trị hiệu quả.

Bạn nhà nông/ Báo Vĩnh Long

Chống bệnh xì mủ và sượng trái măng cụt

Theo các nhà khoa học, năm nay nhiều vườn măng cụt ở vùng ĐBSCL ra hoa và kết trái muộn nên bệnh xì mủ và sượng trái nhiều khả năng sẽ xảy ra trên một số cây.


Bệnh xì mủ và sượng trái có nguyên nhân từ các loại côn trùng chích hút lên trái và các nguyên nhân sinh lý khác như gió mạnh làm cho cây, trái, bộ rễ bị tổn thương; sự va đập mạnh khi thu hoạch trái… 

Đặc biệt, trước khi trái chín 1- 2 tuần gặp trời mưa liên tục cây hút nhiều nước đột ngột làm mạch nhựa vỡ, nhựa rỉ ra nếu vào cơm của trái sẽ làm cho sượng và hư hại. Một số trường hợp nhựa chảy vào cuống trái làm nó bị thâm và một loại nấm có tên Phitophthora spp bám vào phát triển gây hư trái.

Theo các tài liệu của Trường Đại học Cần Thơ và Viện Cây ăn quả Miền Nam, biện pháp hiệu quả nhất trong phòng chống bệnh xì mủ và sượng trái trên cây măng cụt là làm cho cây ra hoa và kết trái vào tháng 11 dương lịch và thu hoạch trái vào tháng 4, tức là trong mùa nắng. 

Tuy nhiên, cách này khó thực hiện bởi hiện nay chưa có quy trình giúp cây măng cụt ra hoa và kết trái hoàn hảo ở thời gian trên, nhưng các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng bệnh xì mủ và sượng trái rất hạn chế ở các vườn măng cụt có tập quán bón vôi hàng năm (có mối liên quan giữa lượng can-xi (vôi) trong vỏ trái với hiện tượng xì mủ, sượng trái), nên đề xuất một số biện pháp phòng trị bệnh này:

- Giữ độ ẩm ổn định dưới 50% trong giai đoạn trước khi thu hoạch trái 1 tháng bằng cách phủ bạt cho liếp và giữ mực nước dưới mương vườn cách mặt liếp ít nhất 60cm.

- Phun trực tiếp lên trái dung dịch CaCl2 (Calcium Chlorid) nồng độ 2% với liều lượng 6 lít/cây (cây 18 - 20 năm tuổi). Phun làm 4 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày bắt đầu từ tháng thứ 3 sau khi cây đậu trái. Hàng năm bón vôi cho cây với mức 50 kg/công.

- Phun ngừa bệnh cho trái bằng các thuốc có gốc đồng.

- Tránh va chạm mạnh khi thu hoạch và vận chuyển trái.

Trung Tín/ Báo Vĩnh Long

Friday, June 12, 2015

Sâu đục thân mình trắng hại cà phê

Sâu đục thân mình trắng hay borer (Xylotrechus quadripes) thuộc họ xén tóc (Cerambycidae) thuộc bộ cánh cứng (Coleoptera).


Trưởng thành đẻ trứng vào vết nứt của vỏ thân rải rác hoặc thành từng cụm. Sau khi nở, sâu non đục vào gỗ, rồi đục ngoằn nghèo quanh vòng cây, tiện ngang các mạch gỗ. Sâu đục tới đâu, đùn phân và mạt cưa bịt kín đến đó. Khi sắp chuyển thành nhộng, sâu đục ra phía gần vỏ, cho tới khi vỏ sắp thủng thì dừng lại. Sâu lột nhộng ở gần vỏ.

Cây bị hại hại có triệu chứng như sau:

- Cây có toàn bộ lá phía trên ngọn bị vàng héo, các lá phía dưới còn xanh tốt, cây mọc thêm nhiều chồi thân.

- Trên thân có những đường lằn nổi lên theo vòng, vỏ bị nứt nẻ, có những lỗ đục đường kính 2-3 mm.

- Cây dễ bị gãy gục tại chỗ bị sâu đục.

- Chẻ dọc thân cây thấy có đường rãnh sâu đục, phát hiện có sâu non màu trắng ngà, không có chân, toàn thân gồm nhiều đốt.

Sâu đục thân phát triển quanh năm nhưng có 2 đợt chính vào tháng 4, 510, 11. Trưởng thành ưa đẻ trứng vào những cây ít cành, thưa lá. Chúng hoạt động mạnh khi nhiệt độ cao, ánh sáng nhiều.

- Vòng đời của sâu đục thân: 

+ Trứng 15-32 ngày

+ Sâu non 60-120 ngày

+ Nhộng 30-35 ngày

+ Trưởng thành 25-30 ngày

Để phòng trừ tốt đối tượng này, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng khuyến cáo bà con nông dân nên áp dụng một số biện pháp như:

- Trồng cây che bóng làm giảm cường độ ánh sáng. Tạo hình sửa cành, tạo cho cây có một hình thù cân đối, thân cây được che phủ từ trên xuống dưới.

- Bón phân cân đối, đầy đủ để cây phát triển tốt, tăng sức đề kháng cho cây.

- Thường xuyên thăm vườn, vệ sinh vườn sạch sẽ; phát hiện sớm các cây bị gây hại, cưa bỏ kịp thời và đem tiêu hủy để diệt nguồn bệnh.

- Bảo vệ thiên địch, loài ong Apenesia sahyadrica Azevedo & Waichert ký sinh trên giai đoạn sâu non của sâu đục thân mình trắng.

- Dùng bẫy đèn thu hút trưởng thành và tiêu diệt.

Thường xuyên theo dõi vườn cà phê để phát hiện sự xuất hiện của trưởng thành. Thông thường trưởng thành vũ hóa vào tháng 3 - 4 và tháng 8-9 hàng năm. Khi trưởng thành xuất hiện rộ, sử dụng luân phiên một trong các loại thuốc có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin (Tungcydan 55EC, liều lượng 1,0 lít/ha), Diazinon (Diazol 10G, liều lượng 15g/gốc; Diazan 50EC, liều lượng 2,5 lít/ha), lượng nước phun 800 lít/ha, phun lên thân cây 2-3 lần để diệt sâu non ngay từ khi mới nở.

Theo Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng

Monday, June 8, 2015

Lưu ý độ trong, độ đục ao nuôi thủy sản

So với các chỉ tiêu môi trường khác, độ trong, độ đục không ảnh hưởng một cách trực tiếp và tức thì đến sự sinh trưởng của các loài thủy sản nuôi mà tác động một cách âm thầm...

Màu nước đặc trưng của tảo lục thích hợp sự phát triển của thủy sản

Đa phần người nuôi thủy sản thường quan tâm nhiều đến các yếu tố môi trường ao nuôi như pH, nhiệt độ, NH3… bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thủy sản và dễ dàng kiểm tra bằng các bộ test chuyên dụng. 

Tuy nhiên, một trong những yếu tố không kém quan trọng cần được kiểm soát đó là độ trong và độ đục của ao nuôi. 

So với các chỉ tiêu môi trường khác, độ trong, độ đục không ảnh hưởng một cách trực tiếp và tức thì đến sự sinh trưởng của các loài thủy sản nuôi mà tác động một cách âm thầm, diễn biến chậm, người nuôi khó nhận biết được. 

+ Về tính chất, nguồn gốc: Độ đục là khả năng cản những tia nắng mặt trời và độ trong của nước là khả năng cho ánh sáng xuyên qua nước. Hai tính chất này của nước tỷ lệ nghịch với nhau và phụ thuộc vào lượng keo khoáng, vật chất hữu cơ lơ lửng, sự phát triển của các vi tảo và lượng nước mưa đổ vào trong ao. 

Ở những ao nuôi khác nhau có vị trí, nguồn nước cấp, đối tượng nuôi khác nhau thì độ đục sẽ khác nhau. 

Trong ao nuôi, độ đục của nước là do sự có mặt của các chất không hòa tan như phù sa (từ nguồn cấp nước), các chất keo có nguồn gốc vô cơ (do nước mưa rửa trôi từ bờ ao) và một số chất lơ lửng nền đáy được tạo ra do sự chuyển động của dòng nước và cá, tôm. 

Ngoài ra, độ đục còn do vật chất hữu cơ từ phân bón, thức ăn dư thừa và sự phát triển của tảo. 

+ Về ảnh hưởng: Khi độ trong thấp (độ đục cao), lượng ánh sáng thâm nhập vào thủy vực ít, cường độ quang hợp của thực vật phù du giảm. 

Đối với cá, khi độ đục quá cao, cá khó hô hấp do lượng phù sa lắng tụ trên nền đáy, bao phủ trên mang cá gây cản trở hô hấp, cường độ bắt mồi giảm. Cá sẽ bị thiếu oxy và nổi đầu vào lúc sáng sớm. 

Ngược lại, nếu độ trong quá cao, nước nghèo dinh dưỡng, sinh vật phù du phát triển kém, hạn chế thành phần thức ăn tự nhiên của cá, năng suất cá nuôi giảm. Đối với các ao nuôi có nước quá trong sẽ làm cá nuôi trở nên nhạy cảm, sợ và bỏ ăn. 

Nếu ao nuôi được quản lý tốt sẽ ít biến động các chỉ tiêu môi trường, các loài tôm, cá không bị stress, ít dịch bệnh, góp phần tăng năng suất và hạ giá thành sản xuất, bà con sẽ đỡ tốn kém chi phí, thời gian mà vẫn thu được lợi nhuận. 

Đặc biệt, đối với các ao ương giống nếu có độ trong cao sẽ làm giảm tỷ lệ sống khi ương một cách đáng kể do thiếu hụt lượng thức ăn tự nhiên. Độ trong thích hợp cho các ao nuôi cá là từ 20 - 30 cm, đối với các ao nuôi tôm là 30 - 45 cm

Có thể kiểm tra độ trong của ao nuôi bằng cách đơn giản là cho cánh tay xuống ao, sao cho nước ngập đến khuỷu tay và quan sát, nếu chúng ta không nhìn thấy bàn tay là được. 

Nếu độ đục nước ao cao, phương pháp đơn giản nhất là thay nước. Tuy nhiên cần lực chọn thời điểm cấp nước vào lúc nước sông đang lớn (nước rong) và tránh thời điểm trước khi lũ về, vì giai đoạn này lượng phù sa ở sông rất cao. 

Ngoài ra, người nuôi còn có thể là giảm độ đục trong ao bằng cách sử dụng các loại muối vô cơ Al2(SO4)3 tạo kết tủa và lắng tụ các chất lơ lửng trong nước ao. 

Ngược lại, nếu độ trong của nước quá cao, người nuôi cần kết hợp kiểm tra pH. Nếu pH thấp thì phải bón thêm vôi, kết hợp bón phân và sử dụng các loại hóa chất gây màu nước nhằm cung cấp chất dinh dưỡng, kích thích tảo phát triển làm giảm độ trong của nước ao. 

Tuy là một yếu tố có ảnh hưởng gián tiếp, nhưng nếu người nuôi không quan tâm đúng mức, nước ao nuôi dù trong quá hay đục quá cũng sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của các loài thủy sản nuôi. 

Tốt nhất là nên giữ nước ao nuôi có màu xanh đọt chuối non, đây là màu đặc trưng của tảo lục, rất thích hợp cho sự phát triển của tôm, cá.

Lâm Trọng Nghĩa/ nongnghiep.vn

Tuesday, June 2, 2015

Chôm chôm 'kỵ' mưa khi xử lý hoa

Tôi mới vừa xử lý ra hoa cho 2 công chôm chôm nhưng gặp ngay mưa đầu mùa, sợ “đi lá” nên khá lo lắng. Nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn giải pháp. Trương Công Thành (Trà Ôn - Vĩnh Long)

Ảnh minh họa

Anh Thành mến, theo các nhà chuyên môn, chôm chôm trước khi trổ bông cần một khoảng thời gian khô hạn (khoảng 1 tháng) để phân hóa mầm hoa. Bông trổ nhiều hay ít thường liên quan chặt chẽ đến thời kỳ này. 

Nếu trời mưa nhiều trong giai đoạn này, chôm chôm thường ra lá nhiều hơn bông. Nếu xảy ra trường hợp như vậy, anh nên bón phân, tưới nước luôn cho lá phát triển, sau đó lá già sẽ cho bông. Để kích thích lá mau già có thể dùng MKP (0-52- 34) để xịt lên lá với nồng độ 40- 50g/10 lít

Sau một tháng, ngưng tưới để kích thích mầm hoa phát triển, bắt đầu bón phân và tưới nước trở lại để chôm chôm ra bông. 

Thời kỳ này, nên tưới nước vừa phải để giúp gia tăng tỷ lệ đậu trái. Thời kỳ trái non, nếu thiếu nước trái sẽ lớn chậm, nhỏ trái và rụng nhiều. Ở thời kỳ cuối của trái phát triển, khi tưới nước nhiều hay gặp mưa lớn thì tỷ lệ trái nứt sẽ rất cao.

Theo Báo Vĩnh Long