Sunday, May 24, 2015

Phòng bệnh vi bào tử trùng trên tôm

Từ giữa năm 2014, tình trạng tôm nuôi bị chậm lớn diễn ra tại nhiều vùng nuôi tôm Việt Nam, gây thiệt hại đáng kể. Tôm chậm lớn do nhiều nguyên nhân, trong đó cần kể nhiễm vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP).

Đặc điểm bệnh EHP

Triệu chứng của bệnh EHP trên tôm thẻ chân trắng không rõ ràng. Khi tôm giống bị nhiễm EHP, thả nuôi trong tháng đầu tiên thường vẫn phát triển bình thường; nhưng sau khi tôm đạt trọng lượng 3 - 4 gram/con, lượng sinh khối tôm trong ao tăng dần thì tôm cũng chậm lớn dần rồi có thể dừng lớn hẳn. Tôm nuôi 90 - 100 ngày tuổi vẫn có thể chỉ đạt cỡ 4 - 5 gram/con.

Tôm chậm lớn ở đây do vi khuẩn EHP ký sinh trong tế bào gan tuỵ tôm. Vi bào tử trùng này ký sinh nội bào và sử dụng dinh dưỡng, năng lượng dự trữ trong gan tụy, khiến tôm nuôi không đủ dinh dưỡng cho tăng trưởng và lột xác. Tôm càng ăn nhiều thức ăn thì phân thải ra càng nhiều, trong khi bệnh EHP lây qua đường phân - miệng, không cần ký chủ trung gian.

Có nhiều loại vi bào tử trùng gây bệnh cho tôm, đòi hỏi phải có ký chủ trung gian, như Agmasoma đòi hỏi có ký chủ trung gian trong vòng đời. Tuy nhiên, EHP có thể lây trực tiếp từ con này sang con khác. Do đó, có quan ngại rằng cá rô phi trong hệ thống nuôi kết hợp là nguồn gây bệnh EHP theo tôi là chưa đủ cơ sở vững chắc. Chúng tôi có làm nghiên cứu kiểm tra mẫu cá rô phi của nhiều ao nuôi trong hệ thống kết hợp cũng như cá rô phi giống nhưng vẫn chưa thấy trường hợp nào cá rô phi có nhiễm EHP. Ngoài ra, nếu ta đưa cá giống rô phi từ các trại giống từ vùng nước ngọt về nuôi trong hệ thống nước lợ thì nguy cơ gây bệnh cho tôm từ mầm bệnh có trên cá rô phi là rất thấp.

Tôm bị bệnh EHP 

Chẩn đoán

Phương pháp mô học

Đối với bệnh EHP thì việc chẩn đoán bệnh sử dụng phương pháp mô học rất khó khăn, do biến đổi mô học trên gan tụy không rõ ràng.

Phương pháp sinh học phân tử

Đây là phương pháp có thể phát hiện ra mầm bệnh vi bào tử trùng. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi cùng Gs. Lightner đã có phương pháp phát hiện mầm bệnh EHP với kỹ thuật PCR và real-time PCR. Nhóm nghiên cứu của Gs. Flegel cũng phát triển được kỹ thuật PCR, LAMP, và nested PCR. Bằng  kỹ thuật PCR, có thể phát hiện ra mầm bệnh EHP trên ao nuôi thương phẩm. Đối với trại giống, mầm bệnh có thể được phát hiện từ phân tôm bố mẹ,  thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ (hàu, mực), từ ấu trùng tôm và tôm post. Một tỷ lệ cao các thức ăn tươi (hàu, dời, mực…) được khai thác ở khu vực Ninh Thuận, Khánh Hòa dương tính với vi bào tử trùng EHP. Việc sử dụng thức ăn tươi sống đánh bắt tại khu vực lân cận trại giống hay vùng nuôi tôm là nguy cơ rất lớn về an toàn sinh học và dịch bệnh.

Khống chế bệnh

Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Do đó, việc kiểm tra, kiểm soát mầm bệnh từ tôm giống hết sức quan trọng. Tôm giống có thể được kiểm soát xem có nhiễm EHP bằng phương pháp PCR.

Ở trại nuôi, công tác chuẩn bị ao có vai trò rất quan trọng. Do EHP có sức chống chịu tốt đối với các phương pháp khử trùng thông thường nên khó loại mầm bệnh ra khỏi hệ thống. Có nghiên cứu cho rằng EHP có thể tồn tại sau khi đã xử lý Chlorine ở 100 ppm. Có khuyến cáo nên sử dụng vôi nóng (CaO) để xử lý ao để có thể đạt độ pH đáy ao trong quá trình cải tạo cao hơn 11 - 12 để làm chết mầm bệnh EHP.

Thay đổi thực hành sản xuất giống

Việc chúng ta hiện tại chỉ kiểm soát các mầm bệnh đã được OIE đề nghị đối với tôm biển đã tạo kẽ hở lớn cho việc kiểm soát mầm bệnh mới xuất hiện, trên cả thế giới.

Ở góc độ trại tôm giống, sự kiểm soát thông thường với mầm bệnh virus, phải tập trung hơn nữa công tác an toàn sinh học theo hướng tích cực phòng bệnh do vi khuẩn và ký sinh trùng. Trại giống nên lưu ý khi nhập tôm bố mẹ nhập khẩu các nước đang có mầm bệnh EMS/AHPND và EHP. Ngoài ra, nên có khu cách ly và có sự kiểm soát chặt mầm bệnh do virus, EMS/AHPND và EHP trước khi đưa vào sản xuất. Với thức ăn tươi, nên kiểm soát kỹ mầm bệnh, không nên sử dụng thức ăn tươi đánh bắt từ khu vực gần trại giống, vùng nuôi, cho ăn trực tiếp. Việc sử dụng thức ăn tươi nhập từ các nước không có mầm bệnh và không có nghề nuôi tôm cũng là lựa chọn tốt. Trong hoàn cảnh hiện tại, các trại giống nên cân nhắc việc thanh trùng thức ăn tươi bằng phương pháp Pasteur hay chiếu xạ Gamma, có thể làm cho tôm bố mẹ giảm khả năng sinh nhiều trứng và ấu trùng nhưng giúp tăng độ an toàn đối với trại giống cũng như trại nuôi sử dụng nguồn tôm giống này.

Ngoài ra, việc kiểm soát mầm bệnh bằng phương pháp PCR nên được xuyên suốt quá trình sản xuất giống. Ngoài ra, các phương pháp ương nuôi ấu trùng theo sinh học, vi sinh nên được ứng dụng để khống chế các bệnh do vi khuẩn như EMS/AHPND.

Khi chủ động, tích cực kiểm soát dịch bệnh thì có thể kiểm soát được mầm bệnh trong trại giống, nhưng sẽ tăng, có thể đến 25%, trại sản xuất giống khó chấp nhận. Do đó, phải coi sản xuất giống sạch bệnh là đầu tư cho người nuôi tôm, tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến thủy sản. Cần có vai trò nhà nước trong điều phối hợp tác, chia sẻ rủi ro giữa các bên: nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học. 

Bệnh EHP được phát hiện ở Thái Lan năm 2006 nhưng chưa được chú ý nhiều. Đến khi xuất hiện dịch bệnh EMS/AHPND diện rộng ở châu Á thì bệnh do EHP gần như không còn được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, bệnh EHP vẫn âm thầm dịch chuyển và xâm nhập nhiều nước khác.

TS Trần Hữu Lộc (ĐH Nông Lâm TP. HCM)/ Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Tuesday, May 19, 2015

Quản lý Bọ vòi voi gây hại trên dừa

Hiện nay một số tỉnh Vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện loài côn trùng thuộc họ vòi voi gây hại và tấn công trên những diện tích trồng dừa. Thành phố Cần Thơ có diện tích trồng dừa là 2.636 ha, do vậy các địa phương cần tăng cường điều tra, phát hiện sớm để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hạn chế khả năng phát tán Bọ vòi voi gây hại Dừa trên diện rộng.


1. Nhận diện Bọ vòi voi:

Theo GS. TS. Nguyễn Thị Thu Cúc-Trường Đại Học Cần Thơ xác định Bọ vòi voi có tên khoa học là Diocalandra frumenti thuộc bộ Coleoptera, họ Curculionidae. Bọ vòi voi phân bố ở khu vực Châu á gồm các quốc gia Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Đài Loan, Thái Lan.

Thành trùng vòi voi là côn trùng bộ cánh cứng màu nâu đen. Cánh trước có 2 đốm vàng ở đầu cánh và cuối cánh. Trưởng thành sợ ánh sáng, hoạt động mạnh lúc chiều tối, chúng sống ở nơi tiếp xúc giữa hai trái hoặc gần cuống trái. Chiều dài con trưởng thành khoảng 7-8 mm, chiều ngang khoảng 1,5 mm. Ấu trùng màu vàng lợt (chưa xác định được tuổi), sống bằng cách đục thành đường hầm trong vỏ trái. Trứng được đẻ trên vỏ trái gần cuống trái hoặc bên trong vỏ trái (nơi có sẵn đường hầm do ấu trùng phá hại trước đó).

Tại Việt Nam, bọ vòi voi Diocalandra frumenti hầu như chưa có tài liệu nghiên cứu về chúng. Theo một số tài liệu nước ngoài cho biết: Vòng đời của bọ vòi voi Diocalandra frumenti từ 2-3 tháng, trãi qua 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, nhộng và trưởng thành. Ký chủ: cây dừa, dừa nước và cây cọ dầu.

2. Triệu chứng và gây hại:

Ấu trùng rất ít. Trái bị hại có nhiều vết nhựa chảy ra từ vết đục, tập trung quanh cuống trái. Nhựa màu trong suốt sau đó chuyển sang màu vàng, vàng nâu và khô cứng. Tại nơi vết nhựa chảy ra thường có phân đi kèm (có thể do phân ấu trùng thải ra). Ấu trùng gây hại bằng cách đục vào vỏ trái, chúng có thể đục vào tới gáo dừa (giai đoạn trái non). Chúng tấn công khi trái dừa còn non (khoảng 3 tháng sau khi đậu trái, đường kính trái 0,7-10 cm). Nếu tấn công trái dừa non sẽ làm trái bị rụng sớm. Nếu tấn công khi trái lớn (trên 3 tháng tuổi) sẽ làm trái méo mó, kích thước nhỏ.    

3. Biện pháp quản lý: 

- Cần hướng dẫn nông dân thương xuyên điều tra phát hiện và phòng trị kịp thời đối tượng Bọ vòi voi hại dừa, ngăn chặn sự lây lan, bảo vệ năng suất, thu nhập và đời sống của người nông dân trồng dừa. 

- Thường xuyên vệ sinh vườn dừa tạo sự thông thoáng cho vườn nhằm hạn chế sự phát triển của Bọ vòi voi

- Chăm sóc vườn dừa, cắt bỏ những tàu lá bên dưới, tiêu hủy những trái bị nhiễm để hạn chế phát tán lây lan. 

- Xông hơi khử trùng dừa giống trước mang khỏi vườn, hạn chế lây lan vì những trái dừa để giống đôi khi vẫn còn sự hiện diện của ấu trùng vòi voi trên những kẻ nứt của trái.

- Có thể sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học Abamectin và phun nấm đối kháng Ma (Metarhizium anisopliae). ./.

Chi cục BVTV Cần Thơ

Sunday, May 17, 2015

Quy trình ghép cải tạo vườn điều (quy trình tạm thời)

Quy trình ghép cải tại vườn điều được áp dụng đối với các vườn điều trồng giống thực sinh, lẫn tạp cho năng suất dưới 01 tấn hạt/ha/năm, chất lượng hạt và hiệu quả kinh tế thấp.

Ảnh minh họa

1. Tạo chồi gốc ghép

- Trường hợp 1: Cắt bỏ ngọn của thân/cành chính để tạo chồi gốc ghép, sau khi các chồi mọc, giữ lại khoảng 10 - 15 chồi, phân bố đều theo các hướng của cây trên thân/cành chính.

- Trường hợp 2: Chọn chồi vượt ở vị trí thích hợp trên thân/cành chính hoặc tạo vết thương cơ giới kích thích mọc chồi ở vị trí thích hợp làm chồi gốc ghép.

2. Tiêu chuẩn chồi gốc ghép

Chọn chồi gốc ghép có 5 - 7 cặp lá, đường kính từ 1,0 - 1,5 cm, chiều cao từ 40 - 50 cm, tại thời điểm chuẩn bị ghép, màu vỏ chồi gốc ghép hóa nâu và không bị sâu bệnh hại.

3. Tiêu chuẩn chồi ghép

- Chồi ghép được lấy từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng/vườn nhân chồi ghép được bình tuyển theo quy định.

- Tiêu chí cây đầu dòng: tuổi cây từ 8 năm trở lên, năng suất ít nhất 3 năm liên tục đạt trên 3 tấn/ha, ổn định qua nhiều năm thu hoạch; chất lượng cao có tỷ lệ nhân trên 28%, ít hơn 170 hạt/kg.

- Đối với nông hộ tự ghép cải tạo vườn điều của mình, có thể tuyển chọn cây ưu tú nhất tại vườn để lấy chồi ghép. Tiêu chí cây điều ưu tú tương tự như tiêu chí cây đầu dòng nêu trên.

- Thời điểm lấy chồi ghép tốt nhất là ngay khi cây chuẩn bị ra đợt lá mới.

- Tiêu chuẩn chồi ghép:

+ Chồi chuẩn bị ra đọt có màu xanh, nhưng không quá già;

+ Chồi nằm ở phía ngoài tán cây;

+ Đường kính chồi lớn hơn 0,6 cm;

+ Chiều dài chồi từ 7 - 10 cm;

+ Không có vết sâu bệnh.

- Sau khi cắt chồi, tỉa bỏ lá già, giữ chồi tươi bằng cách bọc trong vải ẩm đặt vào thùng xốp (sử dụng nước đá ở đáy thùng, có lớp ngăn cách với chồi ghép đảm bảo đủ mát), đậy kín thùng xốp và bảo quản nơi thoáng mát, sử dụng chồi không quá 4 ngày.

4. Thời vụ ghép

- Có thể ghép quanh năm khi cây điều cần cải tạo có chồi ghép đủ tiêu chuẩn. Khi ghép chồi vào giai đoạn mùa khô phải chủ động nước tưới.

- Thời gian tiến hành ghép tốt nhất vào sáng sớm, trời mát, tốt nhất từ 6 giờ sáng đến 10 giờ sáng, chú ý chuẩn bị chồi ghép từ chiều hôm trước.

5. Kỹ thuật ghép

- Kỹ thuật ghép áp: Dùng dao ghép cắt vát chồi gốc ghép tạo bề mặt phẳng dài 3 - 4 cm, chồi ghép được cắt vát tương tự để khít lên nhau. Dùng dây ni lông mỏng, dẻo, dài buộc vết ghép, quấn từ dưới lên trên đỉnh cành ghép.

- Kỹ thuật ghép nêm: Tiến hành cắt và chẻ đôi chồi gốc ghép, sâu khoảng 3 - 4 cm, chồi ghép được cắt vát về 2 phía đối diện tạo hình nêm dài khoảng 3 - 4 cm; đặt khít vào vết chẻ của gốc ghép. Dùng dây ni lông: rộng 2 - 3 cm, dài 40 - 50 cm, quấn 4 - 6 vòng vừa chặt tay quanh điểm tiếp ghép và quấn 01 lớp bao kín toàn bộ chồi ghép và buộc chặt.

Chú ý: Đối với cây điều cần ghép cải tạo, năm đầu tiên có thể chỉ ghép 1 phía của cây, khi cành ghép phát triển cho quả ổn định mới cắt ngọn của cành gốc ghép đó. Những năm tiếp theo (năm thứ 2 - 3) ghép cuốn chiếu cành còn lại, khi cành ghép phát triển ổn định cho năng suất khá, tiến hành cắt hết thân, cành cũ.

Khi cắt bỏ thân cành cũ của cây, mặt cắt phải nghiêng về phía mặt đất, sau đó sử dụng hóa chất diệt sâu, bệnh bôi đều trên mặt cắt.

6. Chăm sóc vườn điều sau ghép cải tạo

a) Chăm sóc

- Sau ghép cần tưới đủ nước, tỉa các chồi nách (chồi dại) của cây gốc ghép, làm sạch cỏ và phòng trừ sâu, bệnh hại.

- Cành ghép cần được tháo dây (nếu dùng dây ghép không tự hoại) ghép sau 6 - 8 tuần, khi chồi có 3 tầng lá trở lên.

b) Tỉa cành, tạo tán

- Tạo tán: Khi cành ghép bắt đầu phân cành, cần tạo tán để cây điều cân đối, nếu khuyết cành cần phải ghép bổ sung.

- Tỉa cành: Tiến hành tỉa cành không phải là cành ghép, cành vượt, cành bị sâu bệnh hại, cành vô hiệu: 2 lần/năm, lần 1 sau khi kết thúc vụ thu hoạch, lần 2 khi vườn điều chuẩn bị ra lộc non vào tháng 10 - 11 hàng năm.

7. Phân bón

a) Phân vô cơ

Thời kỳ khai thác của vườn điều ghép được tính từ năm thứ 2 sau khi ghép cải tạo.

- Lượng phân vô cơ cho cây điều sau ghép được trình bày ở Bảng 1.

Bảng 1: Lượng phân vô cơ cho cây điều ghép ở thời kỳ khai thác


- Thời gian bón: Đông Nam bộ và Tây Nguyên: bón lần 1 vào tháng 5 - 6; lần 2 vào tháng 8 - 9. Duyên hải Nam Trung bộ: bón lần 1 vào tháng 8 - 9; lần 2 vào tháng 11 - 12.

- Cách bón:

+ Khi vườn điều chưa khép tán nên bón phân theo hình vành khăn, đào rãnh sâu 15 - 20 cm quanh mép tán lá sau đó rải đều phân và lấp đất.

+ Vườn điều trên vùng đất dốc, vào đầu mùa mưa nên bón phân ở phần đất cao và cuối mùa mưa bón phân ở phần đất thấp của tán.

+ Khi vườn cây đã khép tán đào rãnh giữa 2 hàng cây theo ô bàn cờ để bón phân.

+ Phân đạm và kali bón 2 lần, ở những vùng đất có thành phần cơ giới nhẹ nên bón 3 - 4 lần/năm.

+ Khuyến khích bón bổ sung thêm phân hữu cơ cho cây điều.

+ Lượng phân bón cần sử dụng linh hoạt với từng loại đất, điều kiện canh tác chuyên canh hay trồng xen của từng địa phương.

b) Chất điều hòa sinh trưởng và phân bón lá

Bảng 2. Sử dụng phân bón lá, chất điều hòa sinh trưởng cho vườn điều sau ghép cải tạo


8. Phòng trừ sâu bệnh

Sau ghép cải tạo, tiến hành phòng trừ sâu bệnh hại theo quy trình trồng thay thế và thâm canh điều.

Cục Trồng trọt

Thursday, May 14, 2015

Nguyên nhân tôm nuôi chậm lớn...

Tại Việt Nam, những năm gần đây, hiện tượng tôm chậm lớn được ghi nhận ở nhiều ao nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, kể cả quảng canh cải tiến.

Thiệt hại lớn

Từ năm 2001 - 2002, tại Thái Lan đã thường xuyên xảy ra hiện tượng tôm chậm lớn mà các nhà khoa học sau này gọi là triệu chứng tôm chậm lớn. Kết quả phân tích từ 32 ao nuôi tôm có hiện tượng chậm lớn cho thấy, trong cùng thời gian, cùng quy trình nuôi, tôm bình thường trọng lượng khoảng 24 gram/con nhưng tôm chậm lớn chỉ tối đa 16,8 gram/con; theo đó ngành tôm Thái Lan tổn thất khoảng 13.000 tỷ bath (gần 300 tỷ USD). Triệu chứng này đồng thời được ghi nhận tại Trung Quốc, Ấn Độ...

Ông Nguyễn Tiến Dũng, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, năm 2014, gia đình có 2 ao nuôi tôm thẻ chân trắng thả giống mật độ 100 con/m2. 30 ngày đầu, tôm vẫn ăn và phát triển bình thường nhưng sau đó ăn giảm, tôm bị ốp thân nên đến 70 ngày tuổi mà chỉ đạt trọng lượng 200 con/kg. Sau 4 tháng nuôi, năng suất tôm chỉ đạt gần 5 tấn/ha, cỡ tôm 110 con/kg, trong khi các ao tôm phát triển bình thường chỉ cần 90 ngày đã đạt cỡ 40 - 60 con/kg, sản lượng hơn 10 tấn/ha.

Tôm chậm lớn gây thiệt hại cho người nuôi - Ảnh: Máy Cày

Đâu là nguyên nhân?

Trong những tác nhân gây hiện tượng tôm chậm lớn, yếu tố được nhận định cần phải chú trọng kiểm soát đầu tiên là chất lượng tôm giống. Để tránh hiện tượng tôm chậm lớn, cần phải kiểm dịch con giống trước khi mua về thả nuôi, nhằm tránh tình trạng con giống bị nhiễm bệnh còi do MBV (Monodon Baculovirus), HPV (Hepatopancreatic parvovirus), bệnh vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) hoặc Hội chứng chậm lớn trên tôm sú LSNV (Laem singh virus). 

Bệnh vi bào tử trùng EHP được phát hiện ở Thái Lan từ năm 2006 nhưng chưa được quan tâm nhiều. Tại nhiều nước nuôi tôm lớn đang có mầm bệnh EHP. Triệu chứng EHP trên tôm thẻ chân trắng không rõ ràng. Khi tôm giống bị nhiễm EHP thả nuôi trong tháng đầu tiên vẫn phát triển bình thường, nhưng sau khi đạt trọng lượng 3 - 4 gram/con, lượng sinh khối tôm trong ao tăng dần thì tôm cũng chậm lớn dần rồi có thể dừng lớn hẳn. Tôm nuôi 90 - 100 ngày có thể chỉ đạt 4 - 5 gram/con (200 - 250 con/kg). Bệnh LSNV xuất hiện tại Ấn Độ, Thái Lan từ năm 2001 - 2002, có khả năng lây lan nhanh, rộng và gây hiện tượng tôm chậm lớn. Tôm sú bị chậm lớn do LSNV, nếu không phân biệt kỹ, có thể nhầm với tôm bị nhiễm còi do nhiễm HPV và MBV. Nhưng tôm nhiễm LSNV có màu sậm bất thường, tăng trưởng bình quân chỉ dưới 0,1 g/ngày, khớp bụng có dạng đốt tre, râu dễ gãy. Điều này có thể giải thích cho những trường hợp tôm nuôi có hiện tượng chậm lớn nhưng khi xét nghiệm tôm bệnh lại dương tính với MBV.

Sức đề kháng của tôm giảm là nguyên nhân tiếp theo làm cho tôm nuôi chậm lớn, dù ao tôm được quản lý đúng kỹ thuật. Nguyên nhân có thể do cơ sở sản xuất sử dụng tôm giống bố mẹ không đạt chất lượng, lạm dụng quá mức sức sinh sản tôm mẹ. Bên cạnh đó, việc lạm dụng chất kháng sinh liên tục ở liều cao trong sản xuất, ương gièo để điều trị bệnh nhiễm khuẩn của tôm giống đã làm giảm sức kháng bệnh của tôm khi đưa vào nuôi, giảm khả năng chuyển hóa thức ăn, dẫn tới tình trạng tôm chậm lớn, còi cọc, làm tăng hệ số sử dụng thức ăn, tăng chi phí. Do đó, việc chọn giống tại nơi sản xuất có uy tín, kiểm soát chất lượng giống trước khi nuôi là quan trọng.

Trong quá trình nuôi, tôm bị các bệnh do vi khuẩn Vibrio, vi khuẩn dạng sợi, bệnh đóng rong, bệnh phân trắng... cũng làm tôm nuôi bị chết rải rác hay chậm lớn. Mầm bệnh từ nguồn nước, tôm giống, thức ăn, từ đáy ao, nếu tẩy dọn chưa tốt. Bệnh thường gặp ở ao thả nuôi mật độ dày, hàm lượng chất hữu cơ cao, việc kiểm soát các yếu tố thủy lý hóa môi trường ao nuôi không tốt, khí độc nhiều. Để phòng ngừa, cần chuẩn bị ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật ngay từ đầu, không thả nuôi mật độ quá cao, không dùng thức ăn bị mốc. Trong quá trình nuôi cần quản lý chặt các yếu tố môi trường, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch môi trường. Thay nước định kỳ và dùng hóa chất diệt khuẩn, nhất là thời điểm nắng nóng hay mưa kéo dài. Tăng sức đề kháng cho tôm bằng quản lý môi trường tốt và bổ sung vitamin C, A, E, Beta-Glucan.

Ngoài ra, việc sử dụng thức ăn kém chất lượng, bảo quản không tốt hay tôm thiếu thức ăn làm cho tôm không hấp thu đủ chất dinh dưỡng để tạo cơ thịt lắp đầy vỏ, hay môi trường nước ao xấu làm phát sinh các khí độc..., cũng khiến tôm giảm ăn, bỏ ăn hoặc làm cho tôm nuôi bị ốp, chậm lớn. Để hạn chế tình trạng này, cần chọn loại thức ăn tốt, bảo quản đúng kỹ thuật, tính toán lại lượng thức ăn cho phù hợp và bổ sung premix vào thức ăn. Đồng thời cần kiểm tra lại các yếu tố thủy lý hóa môi trường ao nuôi và có biện pháp điều chỉnh các thông số môi trường về mức phù hợp. 

Thành Công/ Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Tuesday, May 12, 2015

Bọ phấn hại dưa

Hiện đang là thời điểm nắng nóng khô hanh vùng đồng bằng Bắc Bộ, ngưỡng nhiệt độ từ 27 - 340C là điều kiện ngoại cảnh thích hợp nhất cho bọ phấn phát sinh phát triển. 

Cán bộ cùng nông dân điều tra bọ trĩ trên dưa

Đây chính là lý do khiến nhiều vùng dưa chuyên canh đang bị bọ phấn gây hại mạnh. Song, hạn chế lớn nhất hiện nay là rất nhiều nông dân trồng dưa khi nhìn thấy lá bị vàng lại cho rằng dưa bị bệnh vàng lá. Do đó họ dùng rất nhiều loại thuốc trừ bệnh phun trừ nhưng không hiệu quả. 

Tại vùng chuyên canh dưa các loại tại xã Gia Lương, huyện Gia Lộc hay vùng dưa Linh Xá, huyện Nam Sách (Hải Dương), qua điều tra cho thấy tỷ lệ lá dưa bị vàng lên tới 20 - 30%

Để nông dân không nhầm tưởng dưa vàng lá là do nấm bệnh gây hại, xin lưu ý một số vấn đề sau: 

+ Cách nhận diện, phát hiện bọ phấn: Kiểm tra kĩ những lá non, lá bánh tẻ và ngọn dưa (nhìn ở phần mặt dưới của lá, phía trong kẽ lá non) vào lúc chiều mát sẽ thấy sự có mặt của bọ phấn: Có thể là con trưởng thành màu trắng bay nhanh hay bọ phấn non sống thành ổ, màu vàng di chuyển chậm. 

+ Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Bọ phấn là loài côn trùng chích hút đa thực gây hại nhiều cây như cà chua, đậu đỗ, dưa các loại, khoai tây, lạc… 

Trưởng thành ban ngày ở dưới mặt lá, hoạt động rất linh hoạt, toàn thân và cánh phủ một lớp phấn màu trắng nên được gọi là bọ phấn. Trưởng thành thích đẻ trứng trên các lá bánh tẻ, mỗi con cái đẻ trung bình khoảng 70 quả. 

Sâu non nở ra bò chậm chạp trên lá và sống cố định một chỗ. Bọ phấn là loài sâu phát triển quanh năm trên đồng ruộng, cao điểm từ tháng 3 đến tháng 5 dương lịch. 

Thời tiết nóng và khô khiến bọ phấn phát dục càng nhanh, vòng đời càng ngắn (22 - 23 ngày). Chúng rất nhanh quen thuốc khi phun ở nồng độ cao hoặc phun thường xuyên định kì. 

Bọ phấn có kích thước rất nhỏ (chỉ trên 1 mm) cả trưởng thành và sâu non đều chích hút dịch ở lá, ngọn và phần thân non. Cây thiếu đạm hay bị ngập úng thì bọ phấn tấn công nhiều hơn. 

Mật độ bọ phấn nhiều trên lá sẽ làm cho lá, ngọn mất diệp lục và biến vàng nhưng không khô rạc. Những chỗ có bọ phấn gây hại thường phủ một lớp bụi màu trắng. Quan trọng hơn bọ phấn còn là môi giới truyền bệnh khảm dưa (bệnh virus) hiện không có thuốc chữa. 

Cách phòng trừ: 

- Không nên trồng dưa tập trung và liên tục nhiều vụ. 

- Bón phân cân đối đầy đủ cho dưa (đa, trung, vi lượng) và bổ sung phân canxi để thân lá dưa được cứng chắc. Không để dưa đói đạm. 

- Sử dụng chế phẩm vi sinh như nấm bột trắng Beauveria bassiana hoặc nấm Paecilomyces fumosoroseus tấn công trên ấu trùng và trưởng thành.  

- Trồng những cây có hoa ở bờ ruộng hoặc gần cây trồng. 

- Sử dụng tấm bẫy dính màu vàng cắm trên ruộng dưa để thu bắt trưởng thành (bọ phấn rất thích màu vàng). 

- Phun tỏi hay ớt cũng sẽ xua đuổi được bọ phấn. 

- Khi cần thiết có thể sử dụng một trong những thuốc trừ sâu hóa học có tính nội hấp và lưu dẫn mạnh như Confidor 100SL, Actara 25WG, Sherzol, Oshin 20WP, Mospilan 3EC hoặc 20SP, Amira 25WG, Gepa 50WG

Hồng Phong/ nongnghiep.vn

Quản lý sâu đục thân trên vườn cây ăn trái (Video)

Sầu riêng, xoài là những loại trái cây có giá trị kinh tế cao, được trồng chuyên canh với diện tích lớn ở các tỉnh phía Nam. Vài năm trở lại đây, diễn biến của tình hình dịch hại trên các loại cây trồng này ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng đến năng suất cũng như tuổi thọ của vườn cây. Một trong số đó là loài sâu đục thân thuộc họ xén tóc...


Xem video chương trình "Khoa học nông nghiệp: Quản lý sâu đục thân trên vườn cây ăn trái" được thực hiện bởi THVL:


Friday, May 8, 2015

Copefloc - nuôi tôm bằng thức ăn tự nhiên

Đây là mô hình nuôi tôm mới tại Thái Lan, được phát triển trên cơ sở công nghệ Biofloc; ưu điểm nhất là dùng hạt floc và thức ăn tự nhiên làm thức ăn chính cho tôm nuôi, không dùng thức ăn công nghiệp.

Ưu điểm vượt trội

Công nghệ Copefloc, cũng như Biofloc, có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, Ammonia tự do trong nước được chuyển hóa thành protein trong sinh khối vi sinh vật dị dưỡng, tập hợp thành các hạt Biofloc lơ lửng trong nước. Thứ hai, nâng cao mức độ an toàn sinh học, giảm rủi ro lây nhiễm bệnh do không phải thay nước. Thứ ba, không gây ô nhiễm môi trường; giảm chi phí thức ăn, thuốc, hóa chất. Tôm tăng trưởng nhanh.

Khác công nghệ Biofloc, công nghệ Copefloc thiết kế vận hành đơn giản và hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp, có thể đưa tôm cỡ PL10 - 12 trực tiếp vào ao nuôi mà không cần giai đoạn ương 30 ngày.

Hệ thống nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ Copefloc có nhiều ưu điểm hơn so với những hệ thống ứng dụng công nghệ đang phổ biến hiện nay, như: kỹ thuật thay nước định kỳ, tuần hoàn nước sử dụng hệ thống lọc sinh học hay lọc cơ học. Giải pháp thay nước thường kéo theo việc thải chất ô nhiễm ra môi trường, tốn nước sạch, tăng chi phí năng lượng, như việc chạy máy bơm và tăng nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ nguồn nước cấp. Vận hành hệ thống lọc sinh học và lọc cơ học đòi hỏi hệ thống thiết bị phức tạp, chi phí vận hành và năng lực kỹ thuật cao. Tiến bộ hơn hai phương pháp trên hệ thống Copefloc vừa có khả năng cải thiện môi trường vừa tạo nên sinh khối thức ăn tự nhiên, góp phần tái sử dụng dinh dưỡng từ chất thải của động vật thủy sản; vận hành cũng khá đơn giản. Nuôi theo công nghệ Copefloc hoàn toàn không sử dụng hóa chất hay kháng sinh, vì vậy nâng cao được chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Nguồn thức ăn cho tôm nuôi

Thức ăn được sử dụng trong hệ thống này chủ yếu là các hạt biofloc và thức ăn tự nhiên (copepod, động vật thân mềm, giun nhiều tơ, giáp xác nhỏ…). Các loại thức ăn này đều giàu dinh dưỡng, rất tốt cho sự sinh trưởng của tôm. Copepod, động vật nguyên sinh, một số loài giáp xác nhỏ, là những thức ăn rất quan trọng cho tôm cá, đặc biệt trong giai đoạn còn nhỏ. Còn các hạt biofloc bản chất là sự kết dính tảo, nguyên sinh động vật, phân tôm, chất thải hữu cơ được chuyển hóa và có hàm lượng protein cao hơn hàm lượng protein trong thức ăn công nghiệp.

Sơ đồ chuỗi thức ăn trong quy trình nuôi tôm theo copefloc

1: Phân thải của tôm, cá nuôi cung cấp nguồn dinh dưỡng cho vi khuẩn và thực vật phù du

2: Vi khuẩn, thực vật phù du trở thành thức ăn cho động vật phù du hoặc động vật đáy

3: Động vật phù du làm thức ăn cho giáp xác nhỏ, động vật phù du khác

4: Động vật phù du, giáp xác nhỏ, động vật đáy làm thức ăn cho tôm, cá nuôi   

Nguồn thức ăn tự nhiên được gây nuôi sau khi nước được lắng lọc trong ao lắng một thời gian, cấp vào bể nuôi với độ sâu 1,2 - 1,5 m; làm giàu ôxy bằng cách sục khí mạnh, trong 24 - 48 giờ. Dùng cám gạo lên men với probiotic cho vào túi vải thưa, hình ống, cho xuống ao nuôi, với lượng 300 kg/ha. Tiếp tục quạt nước, sục khí trong 7 - 10 ngày. Gặp môi trường thuận lợi, thức ăn tự nhiên trong ao nuôi sẽ phát triển.

Dung dịch biofloc mồi được chuẩn bị bằng cách lên men hỗn hợp được pha theo tỷ lệ: 1 lít nước sạch, 10 g bột ngũ cốc (bột cá, bột đậu nành…), 10 ml dịch nuôi cấy chủng vi khuẩn thuần chủng Baccilus subtilis mật độ 106 vi khuẩn/ml. Quá trình lên men được thực hiện trong điều kiện sục khí mạnh trong 48 giờ, pH duy trì 6,0 - 7,2 bằng cách bổ sung dịch đệm pH, ở điều kiện nhiệt độ 25 - 280C. Đến khi vi sinh vật phát triển mạnh sẽ hình thành các bóng khí lớn nổi trên các bề mặt biofloc mồi là có thể bổ sung vào ao nuôi.

Vận hành

Hệ thống nuôi theo công nghệ Copefloc không tạo chất thải, vì vậy không cần hệ thống máy bơm gom tụ chất thải; thay vào đó cần bố trí hệ thống sục khí cung cấp nhiều ôxy cho tôm nuôi, vi sinh vật, thức ăn tự nhiên trong ao nuôi. Nuôi theo công nghệ Copefloc sử dụng hệ thống sục khí đáy được thiết kế bằng cánh khoan các lỗ nhỏ trên ống nhựa PVC, khoảng cách giữa các lỗ 25 - 30 cm, tạo thành mạng lưới với diện tích bao phủ khoảng 40% tổng diện tích ao nuôi, thay vì không dùng hoặc dùng rất ít hệ thống quạt nước.

Mật độ nuôi ít hơn 50 con/m2. Ở mật độ nuôi này tôm phát triển tốt, hoàn toàn sử dụng thức ăn tự nhiên.

Trong quá trình nuôi không cần cho ăn; thay vào đó người nuôi phải quản lý, duy trì quần thể và mật độ thức ăn tự nhiên, lượng biofloc trong ao nuôi.

Thu mẫu và tính toán mật độ copepod hằng ngày bằng cách dùng xô, chậu lấy 50 - 100 lít nước ở các vị trí khác nhau trong ao nuôi. Sau đó lọc qua lưới phiêu sinh, kích thước mắt lưới 50 - 70 µm, cho vào lọ 60 ml, cố định bằng formol 2 - 4%. Dùng pipet lấy 1 ml và đếm dưới kính hiển vi ở độ phóng đại 10X, 40X, bằng phương pháp di chuyển buồng đếm theo tọa độ. Từ đó tính toán được mật độ của copepod và điều chỉnh lượng chế phẩm sinh học bón xuống ao làm thức ăn cho copepod và sinh vật trong ao nuôi.

Để kích thích sự hình thành và duy trì tính ổn định của biofloc, cần bổ sung biofloc mồi và bổ sung nguồn cacbon vào hệ thống nuôi. Có rất nhiều nguồn cung cấp cacbon: bột ngũ cốc, mật rỉ đường, bột bã mía, rơm, cỏ. Duy trì hàm lượng biofloc < 1 ml/l trong suốt chu kỳ nuôi. 

Xét theo nguyên lý hoạt động thì Copefloc là công nghệ nuôi được vận hành khá đơn giản, hoàn toàn khép kín, không tạo ra chất thải; đây được đánh giá là mô hình nuôi an toàn, ít rủi ro. Điểm quan trọng của quy trình này là kỹ thuật tạo và duy trì nguồn thức ăn cho tôm trong suốt vụ nuôi.

Nguyễn Nhung/ Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Xử lý cá rô phi đơn tính bằng 17 Alpha Methyltestosterone

Xử lý cá rô phi đơn tính đực bằng 17 alpha Methyltestosterone hiện nay là phương pháp phổ biến, cho tỷ lệ đực cao và ổn định, chi phí đầu tư thấp và thời gian thực hiện ngắn so với các phương pháp còn lại.

1. Phối trộn thức ăn

Thức ăn nuôi cá đơn tính đực trong thời gian 21 ngày là thức ăn trộn hoóc môn có khả năng hoạt hoá giới tính đực.

Công thức phối trộn 1 kg thức ăn trộn hoóc môn có khả năng hoạt hóa như sau:

+ Vitamin C: 10g

+ Bột cá nhạt mịn: 1000 g

+ 60 mg 17 alpha Methyltestosterone

+ Cồn Etanol 0,3 - 0,5 lít 960

Cách trộn thức ăn hoạt hoá

10 gram Vitamin C được trộn đều với 1.000 g bột cá nhạt mịn sau đó làm ướt đều bằng 0,3 - 0,5 lít Etanol 960 đã hòa tan 60 mg 17alpha-Methyltestosterone. Sấy ở nhiệt độ 45 - 500C hoặc phơi khô và bảo quản ở nơi khô ráo nhưng không quá hai tuần.

Ảnh: Vũ Mưa 

2. Xử lý cá bột

2.1. Chuẩn bị ao giai

Ao cắm giai để xử lý cá bột được chuẩn bị cũng như ao nuôi vỗ cá bố mẹ, nhưng không gây màu nước ao, không bón phân vô cơ hoặc hữu cơ.

Độ sâu của ao từ 1,2 - 1,5 m.

2.2. Giai xử lý

Giai dùng để xử lý cá bột là giai mau có cỡ mắt lưới 1 mm.

Diện tích của giai tối thiểu là 0,81 m2 và tối đa là 5,4 m2.

Kích cỡ của giai có thể là: 0,9 x 0,9 x 0,9 (m) hoặc: 1,8 x 3,0 x 0,9 (m).

Độ sâu ngập nước của giai là 0,6 m.

2.3. Mật độ cá bột khi xử lý

Mật độ tối thiểu của cá bột xử lý là 10 con/lít và tối đa là 15 con/lít. Thời gian xử lý là 21 ngày. Với giai có diện tích 0,81 m2 ta có thể thả được 5.000 - 7.500 cá bột/giai. Giai có diện tích 5,4 m2 ta có thể thả được 30.000 - 45.000 cá bột/giai.

2.4. Thời gian xử lý

Thời gian xỷ lý cá bột là 21 ngày

2.5. Chăm sóc cá và quản lý

Cá bột được cho ăn bằng thức ăn có khả năng đực hóa giới tính đực. Lượng thức ăn hàng ngày được tính như Bảng:



Để xác định được lượng thức ăn cần thiết cho cá bột đang được xử lý cân mẫu vào ngày thứ 5 của mỗi chu kỳ cho ăn, phải cân mẫu tối thiểu khối lượng của 200 cá thể, mẫu phải được cân bằng cân điện tử để đảm bảo độ chính xác. Ta có thể tính được lượng thức ăn theo công thức sau:

A= (p x k ) x q / 200

Trong đó: A: là khối lượng thức ăn của lần sau.

P: khối lượng của mẫu.

K: số lượng cá thả ban đầu.

Q: tỷ lệ % thức ăn theo quy trình.

Trong thời gian xử lý đơn tính, 10 ngày thay giai một lần để đoản bảo độ thông thoáng, tránh trường hợp tảo bám vào giai làm hạn chế lưu thông nước trong và ngoài giai. Khi cá thiếu ôxy sẽ kém ăn và hao hụt lớn, tỷ lệ chuyển giới tính sẽ không cao.

Thường xuyên theo dõi bệnh cá vì nuôi cá ở mật độ cao thường hay mắc bệnh ký sinh trùng (như trùng bánh xe, sán lá đơn chủ) để có biện pháp xử lý kịp thời.

Sau khi cá bột được nuôi đủ 21 ngày (gọi tắt là 21 ngày tuổi) đưa cá ra ương nuôi tiếp trong ao đất hoặc trong giai bằng thức ăn tổng hợp bình thường (không có hoóc môn 17 alpha Methyl Testosterone ).

3. Kết quả

Áp dụng quy trình công nghệ này tỷ lệ sống cá 21 ngày tuổi 70 - 75%. Kích cỡ đạt 15.000 - 10.000 cá thể/kg. Tỷ lệ đực trong quần đàn đạt trên 95%.

ThS Xuân Kỳ/ Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Biện pháp nâng tỷ lệ sống trong ương cá tra từ bột lên hương

Hiện nay, tỷ lệ sống khi ương cá tra từ bột lên hương thường chỉ đạt trung bình từ 10 - 15%. Tìm ra nguyên nhân và có biện pháp để nâng cao tỷ lệ sống khi ương cá tra sẽ giúp giải quyết vấn đề này.

Nguyên nhân

1. Cải tạo ao

Khi cải tạo ao, người nuôi không thực hiện quy trình gây màu nước tạo thức ăn tự nhiên là luân trùng hoặc trứng nước - là khâu đầu tiên trong chuỗi thức ăn của cá tra. Do cá bột khi hết noãn hoàn thì tìm thức ăn tự nhiên để ăn, do môi trường mới cải tạo không có thức ăn hoặc người dân sử dụng thức ăn tự chế, thức ăn công nghiệp không phù hợp nên cá bị suy dinh dưỡng, cá ăn thịt lẫn nhau, dịch bệnh xảy ra và làm giảm tỷ lệ sống.

2. Quản lý môi trường

Khi thả cá bột để ương, người nuôi sử dụng thức ăn tự chế hoặc thức ăn công nghiệp quá nhiều trứng nước trong ao phát triển vượt mức cho phép, không quản lý kịp. Khi trứng nước nhiều sẽ cạnh tranh ôxy với cá tra bột làm cá thiếu ôxy ngộp và chết không rỏ nguyên nhân, nhất là giai đọan cá chưa phát triển hoàn chỉnh cơ quan thở khí trời.

Ao được thiết kế hệ thống sụt khí đáy ao 

Biện pháp

1. Chuẩn bị ao:

Ao có điện tích 1.000 m2 trở lên, độ sâu 1,2 - 1,5 m.

Tát cạn, diệt cá tạp.

Sên vét bùn đáy ao.

Bón vôi: 7 - 10 kg/100 m2

Bố trí hệ thống sụt khí đáy ao.

Lấy nước vào ao từ từ qua lưới lọc từ 0,7 - 0,8 m.

Thả giống trứng nước gây thức ăn tự nhiên (Moina).

Tiến hành kiểm tra môi trường và thả cá bột, nên thả vào buổi sáng.

2. Mật độ:

Mật độ thả trung bình: 400 - 500 con/m2.

Sau 3 - 4 ngày thả cá bột, lấy nước vào ao tới mức phù hợp 1 - 1,2 m.

3. Thức ăn:


Cho cá ăn trứng nước sống và sạch trong 12 ngày đầu.

Trứng nước được rửa sạch bằng nước muối 5.

Lượng thức ăn cần cung cho cá bột theo thời gian.

4. Quản lý môi trường

Các chỉ tiêu môi trường cần kiểm soát:

O2, pH: ngày 2 lần

NH3H2S: tuần/lần

Trong đó, hệ thống sụt khí đáy ao rất quan trọng, nó giúp giải phóng đi một phần lượng khí độc có từ đáy ao ra ngoài, giúp cho môi trường ao tương đối ổn định. 

Phạm Hoàng Dũng (TT Khuyến nông - Khuyến ngư Đồng Tháp)

Thursday, May 7, 2015

Khuyến cáo 3 biện pháp phòng trừ siêu nhân gây hại rau, hoa

Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng vừa hoàn thành khảo nghiệm 3 biện pháp khuyến cáo cho nông dân phòng trừ loài côn trùng chân đốt (siêu nhân) gây hại bộ rễ cây rau, hoa các loại ở vùng nông nghiệp Đà Lạt.

Ảnh chụp “siêu nhân” qua kính hiển vi do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cung cấp

Theo đó, với biện pháp canh tác cần phải cày sâu đất thật kỹ, xử lý vôi bột với liều lượng 200- 300kg/sào, chọn giống cây trồng có bộ rễ sinh trưởng khỏe mạnh, bón phân cân đối, luân canh với những cây trồng họ đậu, cà rốt, hành tây, hành lá… 

Tiếp theo với biện pháp sinh học gồm sử dụng thuốc Biosun 123 (Paecilomyces + Metarhizium + Biauverie Bassiana + Bacillus  thuringiensis) rải đều vào đất (5kg/sào) trước khi xuống giống cây trồng hoặc sử dụng chế phẩm nấm xanh (2kg/sào) phun vào gốc cây ngay sau khi trồng. 

Cuối cùng là áp dụng các biện pháp hóa học như: sử dụng thuốc Basamid Granular 97MG (Dazomet) với 50kg/sào để xông hơi, khử trùng đất; luân phiên sử dụng các loại thuốc phòng trừ siêu nhân vào buổi chiều gồm: Oshin 20WP (Dinotefuran), Actara 25WG (Thiamethoxam), Prevathion35WG (Chlorantraniliprole)…

Vũ Văn/ Báo Lâm Đồng

Tuesday, May 5, 2015

Diệt hến, vẹm trong ao tôm

Phòng ngừa các loài hai mảnh vỏ gây hại trong ao tôm bằng cách: Cải tạo ao nuôi hút bùn, rải vôi và phơi ao, lấy nước qua túi lọc, diệt tạp, diệt khuẩn đúng kỹ thuật.  

Vẹm thường xuất hiện nhiều trong ao tôm

Các loài hai mảnh vỏ (hến, vẹm, trai, hàu…) thường được tìm thấy trong ao nuôi tôm và các kênh dẫn nước ở giai đoạn ấu trùng có tiêm mao sống phù du (veliger). 

Chúng ăn tảo bằng cách lọc cơ thể thông qua các tiêm mao. Khi quần thể các loài này phát triển quá mức trong ao tôm sẽ làm giảm mật độ tảo, làm tăng độ trong của nước ao. Cạnh tranh thức ăn, oxy hòa tan với tôm. 

Hấp thụ nhiều vi khoáng, đặc biệt là canxi carbonate (CaCO3) để duy trì và phát triển vỏ, làm lượng khoáng chất trong ao, nhất là canxi bị mất đi. Độ kiềm của nước giảm mạnh làm tôm bị mềm vỏ và có thể gây chết, đồng thời còn làm tôm chậm tăng trưởng, tăng tỷ lệ phân đàn. Là nguồn mang nhiều mầm bệnh có thể lây truyền sang tôm. 

Phòng ngừa các loài hai mảnh vỏ gây hại trong ao tôm bằng cách: Cải tạo ao nuôi hút bùn, rải vôi và phơi ao, lấy nước qua túi lọc, diệt tạp, diệt khuẩn đúng kỹ thuật. Cần có ao lắng xử lý nước kỹ trước khi lấy nước vô ao nuôi. Theo các nhà khoa học, việc phòng ngừa hến vẹm, trai… xâm nhập vào ao nuôi sẽ hiệu quả và ít tốn kém hơn là xử lý. 

Biện pháp diệt hến, chem chép, vẹm trong ao nuôi tôm bằng sản phẩm TRIHO 05 hay OSCIL ALGA 08. 

Cải tạo: 2 lít/1.000 m3 nước. 

Đối với tôm nuôi trong ao: Tôm trên 10 ngày tuổi sử dụng 0,8 lít/1.000 m3 nước. Còn tôm trên 1 tháng tuổi sử dụng 1,5 lít/1.000 m3 nước. Dùng từ 18 - 21h. Nếu thấy tôm bị yếu nên dùng trước Yucado 100% Natural/ VS Yuca trước 1 - 2 giờ hay San Anti Shock trước 6 giờ, kèm theo chạy quạt lấy oxy cho tôm nuôi trong ao. Nếu dùng liều cao, sau 36 giờ đồng hồ nên dùng TOXINPOND+ để tôm khỏe.

LHV/ nongnghiep.vn