Tuesday, March 31, 2015

Sao chanh rụng trái?

Vườn chanh nhà tôi ra trái non vài ngày sau đó chuyển sang vàng rồi rụng, không biết là bệnh gì. Nhờ các bạn hướng dẫn phòng trị. Anh Tư Mung (Tam Bình, Vĩnh Long)

Ảnh minh họa

Anh Tư thân mến, chanh rụng trái thường do 3 nguyên nhân: thiếu dinh dưỡng, thời tiết không thích hợp và bị sâu bệnh hại.

Cụ thể, khi thiếu dinh dưỡng cây sẽ không đủ sức nuôi trái nên rụng bớt đi để dồn sức nuôi một số trái còn lại. Còn nguyên nhân do thời tiết là khi chanh bị khô hạn, giá lạnh hoặc mưa gió lớn. Sâu hại trên chanh có nhiều loại. Tuy vậy ở giai đoạn trái non đến thu hoạch cần chú ý bọ trĩ, nhện đỏ, bệnh thán thư, bệnh loét và bệnh xì mủ thân.

Phòng trị:

Khắc phục cây thiếu dinh dưỡng bằng cách bón phân ngay sau khi thu hoạch, đặc biệt phân hữu cơ, đạm và lân. Giai đoạn sau khi trái đã hình thành thì cần nhiều đạm và kali. Có thể bón hỗn hợp phân urê và KCl theo tỷ lệ 1:1 hoặc các phân NPK có hàm lượng đạm và kali cao.

Phòng trừ sâu bệnh trên cây chanh hay cây có múi nói chung cần áp dụng biện pháp tổng hợp IPM. Trong việc dùng thuốc cần sử dụng các thuốc trừ sâu sinh học với các chất Abamectin, Emamectin, Matrin như: Scropion 36EC, 18EC; Eagle 50WDG… trừ được cả sâu và nhện hại. Riêng khắc phục thời tiết thường áp dụng theo kinh nghiệm thực tế ở từng địa phương.

Chúc anh thành công!

Bạn nhà nông/ Báo Vĩnh Long

Xả nước nhử lúa cỏ - đúng hay sai?

Sau thu hoạch lúa Đông Xuân, cánh đồng ấp Ngã Ngay (xã Tân Long - Mang Thít - Vĩnh Long) không cày ải, mà xả nước tràn đồng với lý do để nhử lúa cỏ, lúa lai. Cách làm này nhận được sự đồng tình của nhiều nông dân, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng lợi bất cập hại.

Thả nước nhử lúa cỏ ở đồng Ngã Ngay. Ảnh chụp ngày 24/3/2015.

40% diện tích nhiễm lúa cỏ

Trong khi các cánh đồng lân cận đã cày ải sau vụ lúa Đông Xuân, thì tại cánh đồng ấp Ngã Ngay nước lại tràn đồng.

Nhiều nông dân tỏ ra bức xúc, vì “không cày ải, đất bị ẩm ướt suốt trong năm, đất không còn màu mỡ thì bà con phải tăng chi phí, giảm năng suất”. Và lo ngại: “tới khi thu hoạch lúa máy gặt đập liên hợp không hoạt động được vì bị lầy lún trong 2 vụ tới”- 13 hộ dân đã ký tên vào đơn kiến nghị gửi Báo Vĩnh Long trình bày như vậy.

Người đại diện đứng đơn kiến nghị, ông Bùi Văn Bình- nông dân ở ấp Ngã Ngay, cho rằng: “Theo tôi, cách quản lý lúa lai thật sự không có gì khó, vì lúa lai lúc nào cũng tiềm ẩn trong đất, khi gieo sạ lúa phát triển tốt thì ta phải chịu khó nhổ bỏ lúa lai, nếu còn thì lúc lúa lai trổ, chịu khó cắt bỏ chứ không có gì khó”.

Điều này, theo ông Bình cần phải có sự cần cù và gắn bó thửa ruộng của mình. Vì dù rất bận rộn với công việc gia đình, nhưng một mình ông Bình vẫn canh tác tốt 21.000m2, mà không phải thuê mướn.

Chính vì thế, ý kiến của ông Bình và một số nông dân không hài lòng với phương pháp thả nước, bởi theo họ, chỉ một số ít thửa ruộng thiếu công chăm sóc mới nhiễm lúa cỏ nặng.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đậm - Phó Trưởng ấp Ngã Ngay, cho biết: “Khi triển khai kế hoạch mùa khô, ấp đã thông báo thả nước nhử lúa lai vì lượng lúa nằm trong đất rất lớn. Toàn ấp hiện có 97,5ha sản xuất lúa, trong đó có đến 40% diện tích nhiễm lúa cỏ.

Theo kế hoạch, ngày 30 tháng Giêng sẽ mở nắp quạt cho nước vô đồng, sau 5 ngày (mùng 5/2) sẽ rút nước ra để bà con cày xới, vệ sinh đồng ruộng, tới rằm tháng 2 xả nước trở lại chuẩn bị xuống giống vụ Hè Thu. Kế hoạch này được người dân thống nhất cao”.

Sau đó, một số nông dân đã gửi kiến nghị không đồng ý, xã Tân Long và ấp Ngã Ngay tiếp tục tổ chức một cuộc họp để thảo luận.

Theo ông Đậm: “Cuộc họp có 35 nông dân tham dự thì có 28 người thống nhất cho nước vào để cho lúa lộn, lúa lai lên và 7 người không đồng ý. Theo ý kiến thống nhất của số đông, chúng tôi đã cho nước vào nhử lúa lai, từ bờ Ông Cả đến đập Tầm Vinh. Do vậy, vụ này hơn 80ha không cày ải, mà chỉ xới sau khi xả nước ra”- ông Đậm nói.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp: phương pháp đã được khuyến cáo

Khẳng định phương pháp nhử lúa lộn, lúa lai không phải là mới, ông Lê Thành Phương- Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho biết: “Ở ấp Tân Hòa (xã Tân Long) hay Cầu Ván (Tân Long Hội) mấy năm nay đã cho nước vào nhử lúa cỏ. Nhất là ở Tân Hòa, nông dân làm rất thành công.

Thu hoạch lúa xong, cày ải phơi đất trước sạ 7 ngày mới cho nước vào nhử lúa cỏ. Chúng tôi đã khuyến cáo Ngã Ngay đi học kinh nghiệm, nhưng họ làm sớm quá khi chưa kịp vệ sinh đồng ruộng”.

Ông Lê Thành Phương cũng cho rằng: “Về hướng chỉ đạo của UBND xã, toàn bộ diện tích trên địa bàn phải cày ải, phơi khô đất.

Nếu ấp nào có giải pháp xử lý lúa lộn, lúa lai phải tổ chức họp dân xin ý kiến thống nhất. Dù Ngã Ngay cho nước nhử lúa cỏ và không cày ải theo ý kiến tập thể, nhưng xã chỉ đạo bắt buộc phải tuân thủ lịch thời vụ gieo sạ vào con nước 25/2 âl”.

Cày ải và phơi đất là một giải pháp kỹ thuật ưu việt đem lại nhiều lợi ích, ngoài việc cải tạo hệ vi sinh vật trong đất, tăng cường lượng ôxy trong đất còn có tác dụng giải phóng chất khí độc có hại cho cây trồng như H2S, CH4 cải tạo chua phèn, đồng thời tạo điều kiện cho hệ vi sinh vật hảo khí hoạt động, làm cho đất tơi xốp. Mặt khác, có tác dụng diệt được cỏ dại và mầm mống sâu bệnh tồn dư từ vụ mùa chuyển sang, cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh là tiền đề cho năng suất cao...

Và việc không cày ải mà cho nước vào ruộng nhử lúa cỏ là giải pháp kỹ thuật, đúng hay sai?

ThS. Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho rằng nguyên tắc chung sau thu hoạch lúa Đông Xuân phải cày ải phơi đất tối thiểu 3 tuần, tạo điều kiện gieo sạ vụ mùa sau tốt hơn.

Tuy nhiên, theo ThS. Nguyễn Văn Liêm trong một số trường hợp, phương pháp cho nước vào đồng nhử lúa cỏ cũng đã được khuyến cáo áp dụng. Lúa cỏ nằm trong đất 2 năm vẫn lên được. Trong một số trường hợp như lúa nền, lúa cỏ rơi rụng quá nhiều do máy gặt đập liên hợp sẽ ảnh hưởng đến các vụ sau.

Vì thế, có 2 cách xử lý là: cày úp đất cho hạt lúa bị chôn vùi nhằm hạn chế nảy mầm; nếu lúa cỏ quá nhiều sử dụng cách cho nước vào nhử cho lúa cỏ, lúa nền lên rồi cày xới, vệ sinh đồng ruộng tiêu diệt.

Cũng theo ThS.Nguyễn Văn Liêm, phương pháp cho nước vào nhử lúa cỏ làm đất không khô, hạn chế cày ải nhưng giải quyết được lúa nền, lúa cỏ toàn diện hơn cách cày úp đất xuống.

“Đây là phương pháp được sử dụng nhiều và đã đưa vào khuyến cáo nông dân áp dụng. Xuất phát từ kinh nghiệm sản xuất của nông dân và nhà khoa học, thì diệt lúa cỏ có giải pháp nhử mọc lên để tiêu diệt”- ThS. Nguyễn Văn Liêm nói.

ThS. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT:

Ông bà ta quan niệm “một cục đất nỏ bằng một giỏ phân”, vì thế nguyên tắc chung thu hoạch lúa Đông Xuân xong phải cày ải phơi đất 3- 4 tuần. Trong tình huống nếu địa phương đưa nước vào đồng mà không phải diệt lúa cỏ là sai.

Còn để nhử lúa cỏ, ThS. Nguyễn Văn Liêm khuyến cáo bà con nông dân phải đảm bảo quy trình: làm đất kỹ lưỡng, vệ sinh đồng ruộng tốt, chọn giống chất lượng, sạ đúng lịch thời vụ, bón phân đầy đủ…

Bài, ảnh: Trần Phước/ Báo Vĩnh Long

Công nghệ cao trừ bệnh nấm thanh long

Thí nghiệm trong nhà lưới với phương pháp phun mù bằng anolit (nước muối điện phân) và nano bạc, tỷ lệ nấm bệnh thanh long giảm tới 75 - 96%, chi phí rẻ bằng 1/10 so với dùng chất hóa học. 

Nông dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chăm sóc vườn thanh long

TS Ngô Quang Vinh, nguyên Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, cho hay. 

Đây là nghiên cứu được tiến hành trong 6 tháng qua, do Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam phối hợp với Viện Công nghệ - Môi trường (thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) thực hiện. 

2 thí nghiệm gồm: Đánh giá hiệu lực ức chế nấm Neoscytalidium dimidiatum gây bệnh đốm nâu thanh long của nano bạc trong điều kiện phòng thí nghiệm và đánh giá hiệu lực phòng trừ bệnh này của nano bạc, nano đồng, albit và anolit trong điều kiện nhà lưới. 

Các nhà khoa học đã phun nano, albit và anolit, mỗi loại 3 lần, các lần phun cách nhau 10 ngày trên cây khỏe để đánh giá khả năng phòng ngừa và cây đã nhiễm nấm để đánh giá khả năng diệt trừ bệnh. 

Kết quả thu được vô cùng khả quan. Trong phòng thí nghiệm, nano bạc ức chế hoàn toàn sự phát triển của nấm bệnh, tương đương với các loại thuốc hoạt chất Mancozeb hiện được các nhà vườn sử dụng rất phổ biến để phòng trừ bệnh này và cao hơn các loại thuốc gốc đồng, hoạt chất Difenoconazole và Hexaconazole ở nồng độ khuyến cáo của nhà SX. Còn trong nhà lưới, phun nano bạc để phòng ngừa có thể giảm thiểu trên 96% bệnh đốm nâu thanh long, phun anolit giảm trên 75%

TS Ngô Quang Vinh đánh giá đây sẽ là phương pháp rất triển vọng để phòng bệnh đốm nâu vì không chỉ rẻ tiền, dễ thực hiện mà còn rất hiệu quả và an toàn môi trường cho các vùng thanh long của nước ta. 

Thực chất, anolit là dung dịch điện phân từ muối ăn, nhờ máy điện phân có cấu tạo đặc biệt nên dung dịch này có hoạt lực cao gấp nhiều lần so với dung dịch điện phân bình thường (là nước gia-ven, thường dùng sát khuẩn). Anolit hoàn toàn không gây độc hại cho môi trường và nông sản, lượng phun mỗi lần 100 lít/ha, chi phí khoảng 50.000 - 60.000 đồng

Máy do Viện Công nghệ - Môi trường chế tạo, phù hợp cho quy mô trang trại hoặc cụm gia đình có tổng diện tích khoảng 50 - 70 ha, giá khoảng 60 triệu đồng/máy, sử dụng trong nhiều năm. 

Trong trường hợp vườn thanh long đã nhiễm bệnh nặng, có thể sử dụng kết hợp nano, anolit với các loại hóa chất trừ nấm sẽ giảm được lượng hóa chất sử dụng, góp phần phát triển sản xuất thanh long an toàn, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. 

Đây là biện pháp có triển vọng tốt, rất cần được tiếp tục thử nghiệm trên đồng ruộng để sớm có đủ cơ sở khoa học và thực tế ứng dụng rộng rãi cho các vùng thanh long trên cả nước.

Đồng Thưởng - Bạch Liễu/ nongnghiep.vn

Cảnh báo dịch bệnh hồ tiêu

Theo Cục BVTV, dịch bệnh trên hồ tiêu đang có dấu hiệu phức tạp. Trong khi đó, việc sử dụng thuốc BVTV trên hồ tiêu diễn ra bừa bãi đang gây nhiều nguy cơ tồn dư trên sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu. 

Bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu đang có dấu hiệu gia tăng

Thống kê của Cục BVTV cho thấy, tính tới cuối năm 2014, tổng diện tích hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh đã lên tới trên 2.000 ha, chiếm 2,5% tổng diện tích gieo trồng; diện tích nhiễm bệnh chết chậm gần 3.300 ha, chiếm 4% tổng diện tích gieo trồng. Bệnh chết nhanh đã xảy ra ở hầu hết các tỉnh trồng hồ tiêu, trong khi bệnh chết chậm chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Bên cạnh đó, nhiều loại bệnh khác trên hồ tiêu như tuyến trùng rễ, bệnh thán thư, bệnh đốm đen lá, rệp sáp… cũng đang có chiều hướng gia tăng. Cụ thể đến đầu năm 2015, đã có khoảng trên 5.200 ha, chiếm 6,5% tổng diện tích gieo trồng nhiễm bệnh tuyến trùng rễ; bệnh thán thư, đốm đen lá gây hại nặng cục bộ với tổng diện tích gần 1.500 ha; bệnh rệp sáp gây hại khoảng trên 1.700 ha trên toàn quốc. Đáng lo ngại là tỉ lệ nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm trên hồ tiêu được phòng trừ còn chiếm tỉ lệ khá nhỏ. Cụ thể, tỉ lệ phòng trừ bệnh chết nhanh đạt trên 23%; bệnh chết chậm chỉ đạt hơn 6%; bệnh tuyến trùng rễ chỉ đạt 6,2%... 

Ông Ngô Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, qua kiểm tra, mặc dù các loại dịch bệnh chỉ xảy ra cục bộ, rải rác, tuy nhiên mức độ thiệt hại lại rất nặng, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm có nơi diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh và thiệt hại tới trên 70%

Trước tình hình đó, nhiều nơi nông dân đã mua thuốc BVTV về sử dụng bừa bãi, không theo quy trình, thậm chí có tình trạng DN kinh doanh phân bón và thuốc BVTV quảng cáo quá mức, thiếu trung thực khiến nông dân sử dụng phân bón như là thuốc BVTV gây thiệt hại kinh tế, làm bệnh có chiều hướng nặng thêm. 

Năm 2014, Cục BVTV đã chỉ đạo các đơn vị tại các vùng trồng hồ tiêu tổ chức khảo sát tình hình sử dụng thuốc BVTV, kết quả cho thấy nông dân trồng hồ tiêu đã sử dụng thường xuyên tới 25 hoạt chất thuốc trừ sâu với 30 tên thương phẩm; 29 hoạt chất với 20 tên thương phẩm thuộc nhóm thuốc trừ bệnh… 

Nhiều nơi, đã có tình trạng nông dân sử dụng cả thuốc trừ nấm phổ rộng (Carbendazim) để xử lí, bảo quản hạt tiêu với mục đích chống mốc; sử dụng các loại thuốc trừ rệp, bọ xít lưới… chưa có đăng ký sử dụng trên cây hồ tiêu. Tình trạng này không chỉ vi phạm quy định về quản lí, sử dụng thuốc BVTV tại Việt Nam mà còn làm gia tăng nguy cơ tồn dư thuốc BVTV, ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình xuất khẩu. 

Cụ thể cuối năm 2014, Cục BVTV đã lấy 30 mẫu hạt tiêu gồm 23 mẫu tiêu đen và 7 mẫu tiêu trắng trên thị trường hoặc tại các kho trữ hạt tiêu chuẩn bị xuất khẩu để phân tích dư lượng thuốc BVTV. Chỉ tiêu kiểm tra chính là 12 hoạt chất có nguy cơ tồn dư cao trên hồ tiêu, trong đó có 5 hoạt chất thuốc BVTV đã bị phía Đức phát hiện trước đó (gồm: Cypermethrin; Metalaxyl; Carbendazim; Permethrin và Propamocarb), ngoài ra Cục còn kiểm tra thêm 7 hoạt chất khác. 

Kết quả, đã phát hiện 12/30 mẫu có tồn dư thuốc BVTV (chiếm 40%), bao gồm 5 hoạt chất thuốc BVTV đã được phát hiện là Chlorpyrifos ethyl, Cypermethrin, Metalaxyl, Carbendazim và Permethrin. Trong đó, có một mẫu tiêu đen có dư lượng Cypermethrin vượt mức tối đa cho phép. Riêng hai hoạt chất Chlorpyrifos ethyl và Cypermethrin đều là những thuốc trừ sâu và có tần số phát hiện cao hơn hẳn các hoạt chất khác. 

Trước đây, năm 2013, EU đã từng cảnh báo 2 trường hợp hồ tiêu của Việt Nam bị nhiễm vi sinh vật. Các phòng thí nghiệm của Đức cũng đã phát hiện dư lượng của 5 hoạt chất thuốc BVTV trong hồ tiêu Việt Nam, bao gồm 2 hoạt chất thuốc trừ sâu và 3 hoạt chất thuốc trừ bệnh. 

Ban hành quy trình phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm 

Trước tình hình nhiều loại dịch bệnh trên hồ tiêu diễn biến phức tạp, Cục BVTV vừa ban hành quy trình tạm thời về kỹ thuật phòng chống bệnh chết nhanh và bệnh chết chậm, hai loại bệnh nguy hiểm nhất trên hồ tiêu hiện nay. 

Đối với biện pháp về giống, Cục BVTV khuyến cáo nông dân trồng các giống tiêu ít nhiễm bệnh như giống tiêu trâu làm gốc ghép, tiêu trung lá lớn, tiêu trung lá vừa, tiêu sẻ lá lớn. 

Chỉ sử dụng hom giống khỏe từ cây không bị bệnh; lựa chọn đất làm bầu ở vườn không bị bệnh phơi nỏ hoặc sấy khô, trộn với phân chuồng hoai mục làm bầu giống theo tỉ lệ 4 đất : 1 phân chuồng. Bổ sung chế phẩm sinh học có chứa các hỗn hợp của nấm đối kháng như Trichoderma + xạ khuẩn Steptomices + vi khuẩn Bacililus, các vi sinh vật có ích khác và thảo mộc trừ tuyến trùng chứa các hoạt chất Saponin, Ankanoid để xử lí đất làm bầu. Xử lí hom trước khi đưa vào bầu bằng các thuốc trừ nấm có hoạt chất Fosetyl-aliminium 95%... 

Về biện pháp canh tác: Cần đào hệ thống thoát nước theo ô bàn cờ, sâu 40-50cm, khoảng cách 3 hàng ngang/rãnh; phơi ải đất trước khi trồng. Các vườn tiêu trồng lại trên đất đã xảy ra bệnh cần xử lí bằng vôi bột hoặc phân gà tươi từ 7-10 kg/hố, ủ tại hố trước khi trồng ít nhất 6-8 ngày và lấp đất dày trước khi trồng. Hằng năm, cần khử trùng bề mặt đất bằng vôi bột (không rắc trực tiếp vào rễ và cây) với lượng 1 tấn/ha chia đều làm 2 đợt, hoặc rắc vào rãnh thoát nước để khử trùng nguồn bệnh, nâng cao độ pH với lượng 5-7 tạ/ha… 

Về biện pháp sinh học: Sử dụng chế phẩm sinh học có chứa hỗn hợp của nấm đối kháng như Trichoderma, xạ khuẩn Steptomices, vi khuẩn Bacillus, các vi sinh vật có ích khác và các thảo mộc trừ tuyến trùng chứa các hoạt chất Saponin, akanoid, nấm ký sinh côn trùng Metarhizium kết hợp với phân vi sinh, phân hữu cơ hoai mục để trừ nấm và tuyến trùng gây bệnh trong đất… 

Về biện pháp hóa học, chỉ sử dụng các loại thuốc đã đăng ký sử dụng trên cây hồ tiêu. Những vườn đã có ổ bệnh chết nhanh từ vụ trước cần xử lí thuốc 2 lần cách nhau 7-10 ngày. Xử lí tiêu mới chớm bệnh và vùng xung quanh bằng các loại thuốc có chứa hoạt chất axit Phosphoric, Fosetyl-aluminium (95%), Metalaxyl, bổ sung các chế phẩm có chứa hoạt chất Chitosan sau những lần dùng thuốc. 

Đối với bệnh chết chậm, sử dụng các loại thuốc trừ tuyến trùng, trừ nấm bệnh, trừ rệp sáp để phòng trừ, xử lí thuốc 1-2 lần cách nhau 10-15 ngày, xử lí cả cây bệnh và vùng xung quanh cây bệnh. 

Dùng các thuốc trừ tuyến trùng vào đầu và cuối mùa mưa, nếu đã dùng chế phẩm sinh học thì chỉ sử dụng thuốc hóa học 1 lần vào tháng 4 hoặc tháng 10 hằng năm. Sử dụng thuốc có hoạt chất Carbendazim, Metalaxyl, Mancozeb… xử lí trừ nấm đất 1 - 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa bằng cách tưới hoặc sục gốc. Lưu ý không được xử lí thuốc hóa học vào vị trí đã bón chế phẩm sinh học, nếu diện tích đã nhiệm bệnh cần xử lí thuốc hóa học thì phải xử lí trước khi bón chế phẩm 15-20 ngày.

Lê Bền/ nongnghiep.vn

Phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ

Có ba loài sâu cuốn lá nhỏ hại lúa ở Việt Nam: Cnaphalocrocis medinalis, Marasmia exigua và M.patnalis.  

Sâu gây hại trên lúa (chụp tại Nghệ An vụ HT 2014)

Phân bố rộng trên thế giới, tại Việt Nam chỉ có loài Cnaphalocrocis medinalis là phổ biến. 

Tác hại của sâu cuốn lá nhỏ ngày càng có chiều hướng gia tăng. Riêng đồng bằng sông Hồng năm 1998 có 260.000 ha, năm 1999398.000 ha, 1999477.000 ha lúa bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại. Chỉ tính riêng Nghệ An năm 2014 đã có tới 50.000 ha trong tổng số 82.000 ha gieo cấy vụ hè thu bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại. 

Quy luật gây hại của sâu cuốn lá nhỏ như sau: Trứng được đẻ rải rác trên lá, thường là mặt dưới và cạnh gân chính giữa của lá. Sâu non nhả tơ cuốn dọc lá lúa thành một bao thẳng đứng hoặc bao tròn gập lại. 

Sâu nằm trong bao tổ ăn phần biểu bì mặt trên và diệp lục và không ăn biểu bì mặt dưới lá, dọc theo gân lá tạo thành những vệt trắng dài, các vệt này có thể nối liền nhau thành từng mảng. 

Sau khi qua giai đoạn sâu non, sâu hóa nhộng kéo dài 5 - 7 ngày rồi vũ hóa trưởng thành (còn gọi là ngài). Đặc điểm của ngài sâu cuốn lá nhỏ là có tính hướng sáng mạnh, thường bay vào đèn. Ngoài ra, ngài thường bay đến các ruộng gần bờ mương, đường đi, vườn, nhà ở, vì thế việc phát hiện sâu cuốn lá nhỏ không khó. 

Sâu cuốn lá nhỏ thường xuất hiện trong điều kiện thời tiết có nắng mưa xen kẽ, nhiệt độ từ 24 - 290C, ẩm độ trên 80%. Mỗi con sâu non có thể gây hại từ 5 - 9 lá, chúng có thể di chuyển từ lá này sang lá khác, thời gian di chuyển thường diễn ra từ 17 - 21 giờ

Sâu có thể phá hại suốt ngày đêm, nên tốc độ gây hại rất nhanh, nếu chủ quan sẽ không kịp cứu vãn. 

Thường thì việc phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ của nông dân hiệu quả không cao. Ngoài thói quen phòng trừ muộn, đến khi đã thấy trắng lá mới phun (tuổi 3 - 5) thì một quan điểm sai lầm mà người nông dân thường mắc phải là xử lí các nhóm thuốc không chọn lọc ở giai đoạn lúa đẻ nhánh đã làm giảm mật độ thiên địch và sử dụng các thuốc dòng tiếp xúc khi sâu đã chui vào tổ hoặc đã tự cuốn tổ (tuổi 2 -3). 

Vì vậy để xác định chính xác thời điểm xử lý cần biết vòng đời sâu cuốn lá nhỏ kéo dài trong khoảng từ 25 - 30 ngày. Sau khi thấy trưởng thành ra rộ trên đồng ruộng thì sau từ 4 - 5 ngày sẽ có sâu tuổi 1

Mỗi tuổi kéo dài khoảng 3 ngày, nghĩa là sau khi thấy trưởng thành ra rộ thì sau 4 - 7 ngày là thời điểm phòng trừ thích hợp nhất. Nếu xác định được ngày xuất hiện lứa trước, thì lứa sau sẽ xuất hiện sau 25 - 30 ngày sau đó. 

Ở giai đoạn đẻ nhánh nếu đã bị hại trắng lá (sâu đã tuổi 4 - 5) thì không nên phòng trừ nữa mà sau đó 2 tuần phòng trừ là thích hợp nhất. Xử lý khi sâu tuổi 1 - 2, vì tuổi lớn hơn phòng trừ sẽ không hiệu quả do lúc đó sâu đã vào tổ thuốc sẽ không tiếp xúc được với sâu. 

Vòng đời sâu cuốn lá nhỏ hại lúa 

Mặt khác sâu ở tuổi 3 - 4 thì cơ bản lá lúa đã bị trắng, mất hết phần biểu bì chỉ còn lại gân lá thì kể cả các thuốc nội hấp lưu dẫn cũng không thể hấp thụ và lưu dẫn được. 

Trong một vụ lúa, sâu cuốn lá nhỏ thường xuất hiện ở 3 thời điểm: giai đoạn đẻ nhánh, giai đoạn bắt đầu làm đòng và giai đoạn lúa trỗ. Giai đoạn cây lúa làm đòng là thời điểm quan trọng nhất, lúc này cây lúa sẽ không mọc thêm lá, nên nếu mất đi lá nào nghĩa là mất đi lá đó, có thể mất trắng mùa vụ. 

Một đặc tính quan trọng của sâu cuốn lá nhỏ là gối lứa, khi mật độ cao trong một thời điểm có thể có nhiều pha phát dục khác nhau. 

Vì vậy chỉ nên sử dụng các loại thuốc có tính nội hấp, lưu dẫn và hiệu lực kéo dài để giảm số lần phun, tăng hiệu quả. Nếu mật độ chỉ mới đến ngưỡng phải xử lý (50 con/m2) có thể sử dụng các dòng thuốc tiếp xúc, nên phun sau trưởng thành ra rộ 4 - 7 ngày

Các thuốc có tính nội hấp lưu dẫn hiệu quả cao hiện nay như Chloratraniliprole, Flubendiamide, Fipronil… Trong đó Chloratraniliprole (các thuốc như Voliam Targo 063SC, Virtako 40WG) hiệu quả cao cả sâu cuốn lá và sâu đục thân, thời gian xử lý có thể kéo dài từ sau khi trưởng thành ra rộ, hoặc từ sau khi trưởng thành ra rộ đến khi sâu non tuổi 3

Đối với các vùng có áp lực rầy nên sử dụng Virtako 40WG, các vùng có áp lực nhện gié nên sử dụng Voliam Targo 063SC để tiết kiệm chi phí phòng trừ rầy và nhện gié. 

Liều lượng khuyến cáo: Virtako 40WG từ 60 - 75 gram/ha, Voliam Targo 063SC từ 0,4 - 0,6 lít/ha. Lượng nước phun phải đảm bảo 400 - 500 lít/ha.

ThS Phan Anh Thế/ nongnghiep.vn

Monday, March 30, 2015

Lưu ý đầu vụ nuôi tôm

Thời điểm này đang vào vụ nuôi tôm mới, TSVN giới thiệu một số lưu ý, giúp tăng cường hiệu quả cho người nuôi.

Lập kế hoạch nuôi: Dựa vào khả năng tài chính, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi của mình mà hộ nuôi có thể đưa ra được quy mô diện tích nuôi, hình thức nuôi và đối tượng nuôi cho phù hợp.

Chọn ao, đầm nuôi: Nuôi tôm cần có ao lắng chiếm diện tích khoảng 20 - 30% và ao xử lý nước thải chiếm diện tích khoảng 10% diện tích của ao nuôi. Ao nuôi nên có vị trí thuận lợi cho việc cấp và thoát nước, vị trí ao nuôi phải có điện và gần đường giao thông để thuận tiện cho việc vận chuyển con giống, thức ăn và sản phẩm tôm. Ao nuôi nên có diện tích 2.000 - 4.000 m², hình chữ nhật, chiều dài gấp 1,5 - 2 lần chiều rộng để thuận tiện cho việc chăm sóc.

Chọn tôm giống: Đây là khâu quan trọng quyết định lớn đến sự thành công của vụ nuôi, tôm giống phải khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, không phân đàn, được mua từ những  trại, công ty có uy tín. Trước khi mua tôm phải chắc chắn rằng lô tôm giống đó đã được kiểm dịch, không ủ bệnh, có thể kiểm tra sức khỏe của tôm bằng phương pháp sốc formol. Cần kiểm tra độ mặn và pH nước của nơi sản xuất giống và đầm nuôi của mình để có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Hộ nuôi cần lựa chọn hình thức và đối tượng nuôi phù hợp - Ảnh: Trần Út 

Thức ăn: Thức ăn chiếm trên 50% tổng chi phí vụ nuôi vì vậy thức ăn cần lựa chọn những đại lý thức ăn đại diện của các hãng sản xuất lớn, uy tín. Người nuôi cần căn cứ vào từng giai đoạn phát triển của tôm mà chọn loại thức ăn đảm bảo hai tiêu chí là cung cấp đủ hàm lượng dinh dưỡng và viên thức ăn vừa cỡ miệng của tôm. Nên có kho để chứa thức ăn, khi lấy thức ăn không nên lấy nhiều, tránh tình trạng để lâu bị ẩm mốc, ôi thiu gây bệnh cho tôm nuôi.

Chọn thuốc và hóa chất: Dựa vào quy trình kỹ thuật nuôi tôm để chủ động đưa ra danh mục mua các loại thuốc và hóa chất xử lý môi trường khi cải tạo ao và quá trình nuôi. Người nuôi có thể liên hệ với các đại lý cung cấp có uy tín để có được loại thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học có chất lượng. Trong quá trình sử dụng thuốc, hóa chất và các chế phẩm sinh học cần xem xét kỹ các tính năng, tác dụng của các sản phẩm để có phương pháp sử dụng hợp lý, ngoài ra nên tham khảo và trao đổi thông tin với các hộ nuôi có kinh nghiệm trong vùng hoặc các chuyên gia kỹ thuật để có sự chọn lựa và phương pháp sử dụng hiệu quả nhất.

Để biết chất lượng nước đầm nuôi đang ở mức độ nào, có ô nhiễm hay không, các hộ nuôi nên mua một số dụng cụ kiểm tra yếu tố môi trường nước như máy đo hoặc test đo: ôxy; NH3, NO2, H2S, pH và độ kiềm, độ mặn cần thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng ghi trên sách bao bì.

Quạt khí: Quạt khí có tác dụng cung cấp ôxy hòa tan cho tôm nuôi, tạo dòng chảy gom chất thải vào giữa ao nuôi, ngoài ra quạt khí còn cung cấp ôxy hòa tan cho các vi khuẩn có lợi dưới đáy ao phân hủy chất hữu cơ. Hiện nay có hai loại là dàn quạt cánh nhựa và dàn quạt lông nhím. Người nuôi cần dự đoán sản lượng tôm nuôi để tính toán bố trí quạt hợp lý. Các hộ nuôi nên có máy phát điện dự phòng trường hợp mất điện.

Cải tạo ao: Trước khi cải tạo ao nuôi 20 ngày nên cải tạo ao lắng và xử lý nước trong ao lắng trước. Ao nuôi phải được nạo vét bùn đáy và trải bạt (nếu có khả năng tài chính). Bờ ao phải được đầm nén kỹ tránh rò rỉ nước, độ sâu ao (tính cả bờ) phải trên 1,5 m. Đối với ao đất cần bón vôi để ổn định môi trường nền đáy ao, tùy theo chỉ số pH của nền đáy mà tăng giảm lượng vôi bón cho phù hợp.

Nhân lực: Tùy vào diện tích nuôi, loại hình nuôi để chuẩn bị nhân lực cho phù hợp, nhân lực nên có hiểu biết cơ bản về nuôi tôm, bố trí nhân lực hợp lý, đảm bảo tôm nuôi luôn được chăm sóc và quản lý tốt.

Sổ ghi chép: Cần chuẩn bị sổ ghi chép mua, bán và sổ nhật ký nuôi tôm. Sổ ghi chép mua, bán có ích lợi giúp các hộ nuôi có thể hạch toán được chi tiết số tiền đầu tư, tổng doanh thu của vụ nuôi từ đó tính ra hiệu quả kinh tế sau một vụ nuôi tôm. Sổ nhật ký nuôi tôm sẽ ghi lại toàn bộ quá trình quản lý và chăm sóc tôm, đây là những dữ liệu quan trọng giúp cho các hộ nuôi rút ra những kinh nghiệm quý để áp dụng cho vụ nuôi kế tiếp, đồng thời là cơ sở để truy xuất nguồn gốc sản phẩm sau này nhất là sản phẩm xuất khẩu. 

Phương Dung/ Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bệnh viêm xoang mũi truyền nhiễm trên vịt

1. Đặc điểm bệnh:

- Bệnh thường xảy ra ở vịt con từ 4 - 20 ngày tuổi.

- Do Mycoplasma gây bệnh và Staphylococcus, Streptococcus kế phát.

- Bệnh gây tổn thương chủ yếu ở đường hô hấp làm cho vịt con ăn, uống khó khăn, còi cọc dần và kế phát một số bệnh khác như dịch tả, tụ huyết trùng…

- Chuồng trại ẩm ướt, thời tiết lạnh và nuôi dưỡng kém là điều kiện dễ dàng cho vịt bị bệnh viêm xoang.

2. Triệu chứng cơ bản:

- Đầu tiên phát hiện trong đàn vịt vài con kêu khẹt khẹt, tăng dần lên theo thời gian bệnh sau đó hai bên mũi chảy dịch nhờn trước trong, sau trắng đục và hai bên mũi nổi hai cục mềm tròn.

- Có nhiều con mắt bị viêm đỏ, nhem mắt, mù mắt. 


3. Bệnh tích:

- Niêm mạc mũi, hốc mũi xung huyết đỏ, chứa dịch viêm.

- Phổi bị viêm, thủy thủng (tích nước).

4. Phòng bệnh:

- Chuồng trại sạch, khô, thoáng, chăm sóc nuôi dưỡng tốt.

- Sử dụng một số loại kháng sinh như TYLOSINE ; TERRAMYCINE; SPIRAMYCIN… Trộn cho ăn hoặc uống liên tục 3 - 5 ngày từ khi mua vịt con. 

5. Trị bệnh: 

Sử dụng một số loại kháng sinh như phòng bệnh ở trên nhưng với liều điều trị gấp đôi liều phòng.Tham khảo phương pháp điều trị pha nước cho vịt uống hoặc nhỏ mũi ngày 2 lần x 3 ngày: MD BETA 1ml + MD SPIRACOLI 2g + BROMHEXINE TD 1ml / 20 vịt con hoặc 5 kg vịt 

Nguồn: Dự án phát triển chăn nuôi Thủy cầm an toàn sinh học

Sunday, March 29, 2015

Hướng dẫn cách điều trị bệnh phó thương hàn trên vịt

1. Đặc điểm bệnh:

- Bệnh thường xảy ra ở vịt con giai đọan 3 đến 15 ngày tuổi cả vịt lớn và vịt đẻ.

- Vịt đẻ nhiễm bệnh, vi khuẩn nhiễm vào trong trứng, khi vịt nở đã bị nhiễm trùng.

- Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua thức ăn, nước uống và khi điều kiện ngoại cảnh bất lợi làm cho vịt yếu và bệnh phát ra.

2. Triệu chứng cơ bản:

- Vịt ủ rũ, mắt bị nhem, xệ cánh, ít vận động.

- Tiêu chảy phân loãng xanh lá cây, lẫn bọt khí.

- Một số con bị bại chân, viêm phổi thở khò khè.

3. Bệnh tích:

- Gan sưng, lấm tấm những nốt vàng trắng.

- Túi mật sưng, niêm mạc dạ dày tuyến (cuống mề) sưng, phủ lớp chất nhầy.

- Ruột sưng, xuất huyết, đôi khi bị loét.

- Vịt đẻ thường ở thể mãn tính, xác gầy ốm, buồng trứng xuất huyết đỏ, trứng non biến dạng. 


4. Phòng và trị bệnh:

- Chuồng trại khô, sạch, ấm, thoáng.

- Vịt con trên 7 ngày mới tập cho ăn mồi.

- Điều trị:

+ Trộn một số loại kháng sinh cho vịt ăn hoặc uống từ 3 - 5 ngày liên tục sau khi mua về và lập lại sau 7 ngày. Các thuốc kháng sinh dùng phòng và trị bệnh có chứa NEOMYCIN, COLISTIN; FLUMEQUINE ;…và kèm theo thuốc bồi dưỡng VITAMINE, ELECTROLYTE, men tiêu hóa.

+ Sử dụng thuốc cần tuân thủ theo thời gian và khối lượng vịt qui định. Thí dụ khi điều trị chích đối với vịt lớn hoặc cho uống đối với vịt con bị bệnh phó thương hàn tham khảo thực hiện phương pháp sử dụng: MD ANTIBIOTIC 1ml + MD BETA 1ml + MD DOC SONE MOST 1ml / 10kg vịt hoặc 20-30 vịt con.. Đồng thời pha nước cho uống, ngày 2 lần x 3-5 ngày: MD BIOVET 1ml + MD ELECTROLYTES 3g + MD FLUM 20 % 1 ml / 5 – 10 kg vịt. 

Nguồn: Dự án phát triển chăn nuôi Thủy cầm an toàn sinh học 

Hướng dẫn cách phòng trị bệnh E.Coli trên vịt

1. Đặc điểm bệnh:

- Bệnh thường xảy ra ở vịt con từ 3 đến 15 ngày tuổi, nhất là ở những đàn vịt tập cho ăn mồi sớm.

- Vi khuẩn E .coli xâm nhập vào cơ thể vịt qua thức ăn, nước uống, ngay trong đường ruột vịt đã có sẳn vi khuẩn khi điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng kém, chuồng trại kém vệ sinh, thời tiết thay đổi làm cho vịt suy yếu, vi khuẩn E .coli sẽ phát triển nhanh và gây bệnh. 

Ảnh minh họa

2. Triệu chứng cơ bản:

- Vịt rút cổ, xù lông, lim dim mắt.

- Tiêu chảy phân trắng loãng, hậu môn dính phân; trước khi chết nhiều con có triệu chứng co giật, ngoẹo cổ.

3. Bệnh tích:

- Gan sưng xuất huyết.

- Túi khí có những ổ viêm nhỏ màu vàng đục nằm rãi rác.

- Niêm mạc ruột sưng đỏ, chứa phân trắng lợn cợn. 

4. Phòng bệnh:

- Chuồng trại khô, sạch, ấm, thoáng.

- Vịt con trên 7 ngày mới tập cho ăn mồi.

- Trộn một số loại kháng sinh cho vịt ăn hoặc uống từ 3 đến 5 ngày liên tục sau khi mua về và lập lại sau 7 ngày. Sử dụng một số thuốc chứa AMPI - COLI; FLUMEQUINE; men vi sinh… bồi dưỡng VITAMINE, ELECTROLYTES. Đồng thời có thể sử dụng phương pháp pha nước MD BETA 1ml + MD ELECTROLYTES 2g + MD REDNALGIN 1 ml / 1 lít nước cho vịt uống 3 ngày liên tục .

5. Trị bệnh: 

Sử dụng thuốc có thành phần AMPI – COLI; FLUCOMUTIN;… và kèm theo thuốc bồi dưỡng VITAMINE, điều trị theo hướng dẫn trên nhãn thuốc của nhà sản xuất. Hoặc thực hiện phương pháp pha nước cho uống, ngày 2-3 lần x 3-5 ngày liên tục MD COLISTIN 2ml + MD BETA 2ml + MD NAPOLI 1ml + MD ELECTROLYTES 2g /1 lít nước . Sau khi đàn vịt khỏe nên pha nước cho uống, ngày 1 lần ( trong 2h ) x 5 ngày cho 50 vịt con : MD HEMATOMIN 2ml + MD CALCIMILK 2ml + MD REDMIN 1ml + MD TOCSEL 1ml/ 1 lít nước.

Nguồn: Dự án phát triển chăn nuôi Thủy cầm an toàn sinh học 

Kỹ thuật nuôi cá sấu ở hộ gia đình

Xây dựng chuồng nuôi

Chuồng nuôi cá sấu thương phẩm thường là một khu vực ngoài trời được quây lại (còn gọi là chuồng quây) có hệ thống rào chắc chắn, có bể chứa nước (bể đất hoặc bể xi măng) có khu vực cho cá sấu ăn và nhiều cây bóng mát.


Địa điểm làm chuồng quây cần chọn nơi có nhiều ánh sáng mặt trời, kín gió (có thể trồng cây để chắn gió), chú ý là cây không được che khuất ánh sáng mặt trời buổi sáng và buổi chiều chiếu vào chuồng quây.

Có thể dùng gỗ, lưới kim loại, các tấm tôn để rào quây chuồng hoặc xây tường bao bằng gạch pa panh. Rào sâu ngập trong đất ít nhất 50cm để tránh cá dũi đất tẩu thoát. Tường rào xây cao khoảng 1,4m có thể nuôi cá sấu cỡ dài 2m an toàn.

Trong chuồng nuôi nhất thiết phải có nước cho cá sấu đầm mình vì vậy phải có ao hoặc bể xây.

Ao đất (hoặc bể đất) nếu đào nông khó giữ nước, đào sâu cá sấu đã xuống nước sẽ khó lên bờ nên cần dùng các khúc gỗ, tảng đá hoặc tấm xi măng nhẵn xếp vào bờ hoặc kè ao giúp cho cá lên bờ dễ dàng. Ao có dòng nước chảy vào-ra nhưng vẫn giữ được mức nước ổn định là tốt nhất.

Bể xi măng chìm không sâu quá 75cm. Nếu cùng một chuồng các bể xây có độ cao thấp khác nhau, thì cá sấu có xu hướng tụ tập ở phía dưới.

Chuồng nuôi cá sấu kích thước 30x30m có hệ thống hai bể song song, thành bể có bờ thoải dốc, độ sâu trung bình ở giữa bể là 60cm. Khi cần cọ rửa vệ sinh cần tháo cạn nước ở một bể, tất cả cá sấu sẽ sang bể bên cạnh. Nhờ thế công việc dọn dẹp nước sẽ không làm ảnh hưởng gì đến cá sấu đang nuôi.

Các chuồng nuôi cần có khu vực rộng láng xi măng để cá sấu nằm phơi nắng. Nên trồng các loại cây có lá xanh quanh năm, cây thân gỗ có tán thấp và rộng để tạo được nhiều bóng râm. Trung tâm nghiên cứu gia cầm ở Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) còn nuôi cá sấu trong nhà kết hợp với sàn phơi nắng, bể chứa nước và cây bóng mát ở ngoài trời, nhờ vậy cá sấu được bảo vệ tốt hơn và khỏi bị rắn độc cắn.

Mật độ nuôi

Cỡ cá sấu từ 1 đến 3 tuổi, mật độ thưa 0,6-1 con/m2 ở điều kiện bình thường. Mật độ 3 con/m2 với điều kiện cho ăn tốt, giữ được vệ sinh chuồng trại.

Cho ăn và chăm sóc

Cần cho cá sấu ăn đủ và thức ăn phù hợp. Cá sấu hầu như không có khả năng đồng hóa đạm có nguồn gốc thực vật.

Thường cho cá ăn những loại thức ăn như lòng lợn, lòng bò, lòng gà vịt, cá đồng, cá biển, chuột.

Cần dựa vào thức ăn còn lại của chiều ngày hôm trước để điều chỉnh thức ăn cho vừa đủ. Theo dõi nhiều lần cho cá sấu ăn sẽ đoán được nguyên nhân cá không ăn hết thức ăn, do thức ăn không phù hợp, do thời tiết hay do chuồng trại bị xáo trộn làm cho cá sấu hoảng sợ.

Nuôi sau 19 tháng ở vùng nhiệt đới cá sấu nước lợ nuôi bằng cá (cá được cắt thành miếng nhỏ) dài trung bình 1,06m, nặng 4kg; sau 4 năm dài 2m, nặng 37kg. Nếu cho cá ăn bằng thịt bò xô cá sẽ lớn nhanh hơn. Cá sấu đực thường lớn nhanh hơn con cái. Nuôi cá sấu Cuba ở Viện Chăn nuôi cho ăn bằng cá mè, cá rô phi, cứ 4,5kg cá nước ngọt được 1kg cá sấu tăng trọng.

Cách cho ăn

Phải cho cá sấu ăn thức ăn tươi, cắt thành các mảnh nhỏ để cá sấu dễ nuốt và không để ruồi nhặng bâu. Hai ngày cho cá ăn một lần.

Đặt thức ăn lên các tấm ván hoặc các miếng tôn để dễ dàng quét dọn, di chuyển. Máng cho ăn nên dài và không quá 10cm láng xi măng nhẵn và dốc thoai thoải thông với mương tiêu. Khi quét dọn máng ăn có thể dùng vôi nước để xối rửa và dùng chổi cán dài, để quét dọn. Phía trên các máng ăn chừng 80cm nên căng lưới và để không cho chim chóc sà xuống ăn và tranh thức ăn của cá sấu.

Chú ý: Nên có chuồng cách ly để nuôi riêng những con cá sấu yếu, ở chuồng cách ly nên dùng nguồn nước riêng, máng ăn luôn sạch và có chế độ chăm sóc đặc biệt.

Ngoài ra còn lập ra khu riêng có nhiều ngăn chuồng nhỏ để nhốt cá sấu trước khi giết, mổ. 

Hiện nay, thị trường thế giới cần 2 triệu tấn da cá sấu là 600-700USD. Thịt cá sấu có lượng đạm 21-22%, mỡ 1-1,5%, tro 1,3% là món ăn đặc sản trong nước. Đó là chưa kể nhiều nước nuôi cá sấu như ở Thái Lan, Cuba để kinh doanh du lịch đã thu nguồn ngoại tệ đáng kể. Trại nuôi cá sấu lớn nhất của Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông là 57400 con (2001). ở nước ta đang nuôi cá sấu nước ngọt (sấu xiêm Crodylus siamensis) cá sấu nước lợ (cá sấu hoa, sấu lửa C. prosus) và cá sấu Cuba (C. thombifer), nhiều hộ nuôi cá sấu có hiệu quả như ông Nam Trường Sơn ở Buôn Ma Thuật, ông Phạm Văn Mười ở Quận Gò Vấp, TPHCM nuôi 300 con trên diện tích 700m2; ông Nguyễn Hữu Thọ ở Long Xuyên, An Giang là một doanh nghiệp tư nhân, trang trại nuôi một vạn con cá sấu nhỏ, 4000 con cá sấu thịt, giá trị chung khoảng 15-20 tỷ đồng.

Nguồn: Thư viện khoa học

Kỹ thuật nuôi dưỡng lợn nái chờ phối và lợn nái chửa

Nuôi dưỡng chăm sóc lợn nái chờ phối và lợn nái chửa là một trong những bước rất quan trọng của quá trình chăn nuôi heo nhằm đảm bảo cho bào thai heo con phát triển bình thường, heo nái đẻ được nhiều con, heo con khỏe mạnh, có trọng lượng sơ sinh cao.

Sau cai sữa cho lợn con, phần lớn lợn nái thường giảm khối lượng cơ thể so với sau đẻ xong. Sự giảm khối lượng này cho đến thời gian động dục trở lại sau cai sữa và số trứng rụng trong thời kỳ động dục đó. Vì vậy người chăn nuôi cần áp dụng kỹ thuật tăng mức ăn/ngày cho lợn nái chờ phối.

Theo dõi và chăm sóc cẩn thận cả lợn con và lợn nái sau khi sinh. Ảnh minh họa

Vào ngày cai sữa lợn con, nên để lợn mẹ nhịn đói và hạn chế cho lợn nái uống nước, mục đích là phòng ngừa lợn nái sốt sữa sau tách con. Thời gian cho lợn nái ăn tăng tùy thuộc vào thời gian động dục và phối giống  lại sau cai sữa. Lượng thức ăn tăng cho lợn nái tùy thuộc vào giống lợn nái sau khi tách con.

Theo dõi phát hiện lợn động dục trở lại sau cai sữa:

Kể từ ngày lợn mẹ cai sữa lợn con, thường xuyên ngày 2 lần (vào buổi sáng sớm và buổi chiều muộn) kiểm tra phát hiện lợn động dục để có kế hoạch phối giống. Sau khi phối giống xong, chuyển chế độ ăn của lợn nái sang chế độ ăn của lợn nái chửa kỳ I.

Chăm sóc lợn nái chửa

Mục tiêu cần phải đạt được trong nuôi dưỡng lợn nái chửa là: Lợn nái đẻ sai con, lợn con sinh ra đồng đều và đạt khối lượng sơ sinh theo tiêu chuẩn của giống, lợn nái phải tích lũy đủ dinh dưỡng để tiết sữa tốt và ít hao mòn trong thời kỳ nuôi con. Để đạt được mục tiêu trên, trong quá trình nuôi dưỡng lợn nái chửa cần chú trọng tới các vấn đề sau:

-  Thức ăn và cách cho ăn:

Lợn nái chửa rất nhạy cảm, đặc biệt với các yếu tố lượng thức ăn. Thức ăn cho lợn nái chửa cần bảo đảm đầy đủ các chất dinh dưỡng (đạm, chất béo, vitamin, khoáng), không bị ôi mốc, không bị nhiễm độc tố. Thiếu khoáng trong khẩu phần ăn của lợn chửa làm xương lợn con kém phát triển, lợn mẹ nguy cơ bại liệt chân. Thiếu vitamin ảnh hưởng đến sức sống của bào thai, thai chết yếu, lợn sơ sinh sức sống kém, dễ nhiễm bệnh. Thức ăn bị ôi mốc dễ có độc tố, nếu hàm lượng độc tố cao sẽ gây chết thai, đẻ non hoặc thai chết lưu.


Ngoài phụ thuộc vào giai đoạn chửa, mức ăn cho một ngày của lợn nái còn phụ thuộc vào thể trạng của lợn nái (gầy, béo hay bình thường). Nái gầy phải cho tăng ăn, lợn nái quá béo giảm thức ăn tinh, nhưng lại tăng thức ăn xanh. 

Mùa đông khi nhiệt độ trong chuồng nuôi dưới 15̊C lợn nái cần được ăn tăng (0,2-0,3 kg/nái/ngày) để bù vào phần năng lượng mất đi do phải chống lạnh. Cần cung cấp nước sạch cho lượn uống. Tắm chải cho lượn khi cần thiết. Thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống và vệ sinh chuồng trại thường xuyên.

- Một số loại thức ăn không nên dùng cho lợn nái chửa:

+ Bống bã rượu là tốt cho lợn thịt nhưng không tốt cho lợn nái chửa vì chứa kích thích dễ gây sẩy thai, nếu có nhiều, chỉ nên cho ăn dưới 15% trong khẩu phần (tính theo vật chất khô).
+ Lá đu đủ tốt với lợn nái nuôi con nhưng không tốt cho lợn nái chửa vì có chứa chất kích thích làm giảm nhịp đập của tim, làm giảm khả năng nuôi dưỡng thai.

- Chăm sóc vú:

Trước khi dự kiến đẻ 10-15 ngày cần xoa bóp đầu vú cho lợn nái 1-2 lần/ngày với mục đích kích thích thông tia sữa.Nếu vú bị xây xước nứt nẻ cần bôi vadơlin và kháng sinh để phòng chống nhiễm trùng.

Nguyễn Lân Hùng (Theo cuốn "100 nghề cho nông dân")/ Dân Việt