Sunday, November 23, 2014

Chăm hoa hướng dương bán tết

Hoa hướng dương là loài hoa trang trí ấn tượng, đặc biệt vào dịp tết nên được trồng ở nhiều nơi.


Đây còn là cây cho hạt ăn được hoặc chế biến dầu, nhiên liệu sinh học. Các giống hoa hướng dương có thời gian sinh trưởng từ 90 – 110 ngày, có giống ngắn chỉ 70 ngày.

Huớng dương rất dễ trồng, có thể trồng trên nhiều loại đất, bao gồm cả đất kém dinh dưỡng, chỉ cần thoát nước tốt. Nhưng cây phát triển tốt trên đất giàu dinh dưỡng và có tầng canh tác dày. Cây mọc yếu trên đất axit nặng hoặc đất bị úng nước. Đặc biệt là khi trồng lấy hạt, cây cần nhiều ánh sáng nên chọn ruộng có vị trí thích hợp mặc dù hướng dương có thể chịu bóng nhẹ.

Cây hướng dương chịu được đất có độ pH rộng từ 4,5 – 8,7; yêu cầu pH trung tính hoặc hơi kiềm (5 – 7) và có thể trồng trên đất đá vôi. Do có hệ thống rễ mạnh, chúng có thể trồng trong đất khô, có khả năng kháng hạn, ngoại trừ lúc ra hoa. Cây có thể chịu được lượng mưa hàng năm từ 200 – 4000mm, nhiệt độ trung bình dao động từ 6 - 28°C.

Khi cây trồng trong vùng lạnh, hạt có tỷ lệ dầu thực vật cao hơn. Cây có khuynh hướng làm kiệt đất nếu trồng thường xuyên trong một vùng, nên trồng xen với các loại rau màu khác. Tuy nhiên hoa hướng dướng mọc kém khi trồng xen với khoai tây nhưng mọc tốt khi trồng xen với dưa leo, bắp. Đặc biệt lưu ý hoa hướng dương lúc còn nhỏ rất hấp dẫn với ốc sên, cây con có thể bị hủy diệt hoàn toàn bới ốc sên gây hại.

Phân bón cho vườn hoa hướng dương 1.000m2 gồm: 1–2 tấn phân chuồng hữu cơ hoai mục, 10–15kg urê, 20–30kg lân và 15–20kg kali. Bón lót toàn bộ phân chuồng + phân lân + 30% phân đạm urê + 30% kali. Bón thúc lần 1lúc cây đã mọc cao 15 - 20cm, gồm 50% đạm urê + 20% kali, kết hợp với làm cỏ và vun gốc, lấp phân, tưới nước. Bón thúc lần 2 khi cây bắt đầu ra nụ hoa nhỏ với toàn bộ lượng phân còn lại, kết hợp vun gốc lấp phân và tưới nước.

Chú ý cây có thân mềm và bông lá nặng nên rất dễ đổ ngã, cần chống cây đỡ và không bón quá nhiều phân đạm làm cho cây yếu. Trường hợp bón cho cây trồng trong chậu thì chia lượng phân thật nhỏ chừng 5 – 10 gram cho mỗi chậu/lần bón.

Để cho cây không ngừng ra hoa nên tăng cường tưới phân loãng, 10 ngày tưới 1 lần. Đến mùa hè nóng cây bước vào ngủ nghỉ, nên đưa cây vào nhà bệ cây. Mùa thu là mùa ra hoa cần kết hợp tưới nước bón ít phân loãng.

TS Nguyễn Công Thành/ Dân Việt

Wednesday, November 5, 2014

Nhận diện loài sâu đục thân hại mía mới

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết đã xác định được loài sâu đục thân hại mía mới xuất hiện tại Tây Ninh trong thời gian gần đây, đó là loài sâu đục thân có tên khoa học Chilo tumidicostalis Hampson, thuộc họ phụ Crambidae, bộ Lepidoptera. Tên Việt Nam là sâu đục thân 4 vạch đầu nâu.


Loài sâu này mới xuất hiện ở nước ta nhưng là loài đã gây hại khá phổ biến ở Thái Lan, Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ...

Bà con nông dân có thể nhận diện triệu chứng gây hại của loài sâu này khi phân sâu non hiện diện nhiều trên thân cây mía, giống như mạt cưa gần các lỗ đục, gặp ẩm độ cao sẽ đóng thành từng cục và hóa đen rất dễ quan sát.

Trong trường hợp gây hại nghiêm trọng, sâu non đục xuyên qua nhiều lóng, toàn bộ phần mô bên trong vỏ thân mía bị ăn ở dạng vòng nhẫn, do đó phần thân trên vòng đục dễ bị gãy gập khi gió tác động.

Do có nhiều cá thể sâu non gây hại trong một thân cây mía nên chúng thường đục từ 6 - 10 lỗ đục nhỏ (lỗ vũ hóa) trên 1 lóng cây mía, tạo điều kiện cho ngài thoát ra và bay đi phát tán. Sâu non có đầu màu nâu vàng đến sẫm, các chấm trên cơ thể to, màu xám mờ.

Chúng thường theo nhau bò xuống bẹ lá và tập trung đục vào trong lóng mía của chính lá đó để gây hại (khác với loài 4 vạch cũ thường đục ăn nhu mô lá non, để lại triệu chứng lá lốm đốm trắng rất điển hình).

Sâu non có tính gây hại tập thể, nhiều con cùng gây hại trên 1 cây, chúng ăn hết phần thịt lóng, chỉ chừa lại phần vỏ thân và trong vòng 2 – 3 tuần, sâu làm cho cây bị chết khô rất nhanh, sau đó bị gãy, đổ và chết rụi. Theo báo cáo của Sở NNPTNT Tây Ninh, hiện đã có gần 1.700/20.984ha mía nguyên liệu vụ 2014 - 2015 của tỉnh bị nhiễm sâu đục thân (chủ yếu là loài sâu đục thân mía 4 vạch mới).

Đối với các lô ruộng bị hại nặng với tỷ lệ lóng bị hại trên 10% và sâu đã phát tán đều trên khắp lô ruộng, bà con cần sử dụng các loại thuốc trừ sâu có chứa hoạt chất Deltamethrin, Cypermethrin hoặc Chlorantraniliprole để phun vào sáng sớm hoặc chiều mát, phun tập trung vào từng ổ dịch sâu (cây mía bị chết khô ngọn, cây có nhiều lỗ sâu đục).

Minh Huệ (Dân Việt)

Tuesday, November 4, 2014

Tưới nước, bón phân đúng cách

Không nên hòa lân supe với một lượng lớn để tưới thúc vào gốc cho rau màu sẽ làm bó chặt bộ rễ cây, oxy không lưu thông được, cây sẽ nhanh bị thối hỏng rễ và chết. 

Nông dân Hải Dương tưới thúc phân bón cho hành vụ đông

Hiện là thời điểm chăm sóc rau màu vụ đông. Thực tế vẫn còn nhiều nông dân chưa biết cách chăm bón nên rau màu bị thối lá, rễ... dẫn đến chết cây. Xin lưu ý một số biện pháp tưới nước, bón phân đúng kỹ thuật.


- Tưới nước dưỡng ẩm cho cây: Nước là một yếu tố không thể thiếu trong đời sống của mỗi cây trồng. Tùy từng giai đoạn phát triển khác nhau mà nhu cầu cây trồng cần nhiều hay ít nước. Tuy nhiên, độ ẩm đồng ruộng mà cây rau màu luôn cần ở mức từ 75 - 80%.

Do đó để rau màu phát triển được thuận lợi nông dân cần chú ý dưỡng ẩm cho cây liên tục nhất là thời kỳ phát triển thân lá, ra hoa đậu quả và nuôi quả. Đất luống rau cần ẩm nhưng không ướt (đất nắm trong tay vẫn còn nguyên hình dạng nhưng không có nước rỉ ra kẽ tay).

Mặt khác, việc cung cấp nước cho cây trồng qua phương pháp tưới ngấm là tốt nhất trong SX đại trà: Nước được dẫn vào các dõng luống sao cho mức nước dõng bằng 1/3 hoặc 1/2 chiều cao luống tùy từng giai đoạn phát triển của cây sao cho thích hợp.

Để nước ngấm dần vào luống rau trong vòng từ 2 - 3 giờ sau đó tháo kiệt nước trong ruộng.

Chú ý:

+ Để giảm thiểu lượng cây chết do ngập úng khi gặp mưa lớn người trồng rau màu lúc làm đất lên luống cần chú ý san phẳng bề mặt ruộng cũng như lên luống cao đều nhau và mặt luống bằng phẳng. Dõng luống luôn phải được nạo vét khơi thông để tránh nước đọng. Đầu dõng luống cần được nạo vét thấp hơn dõng trong ruộng.

+ Trong trường hợp nước không đủ để tưới ngấm, có thể dùng bát, gáo té hoặc múc nước tưới cây.

Không nên hòa lân supe với một lượng lớn để tưới thúc vào gốc cho rau màu sẽ làm bó chặt bộ rễ cây, oxy không lưu thông được, cây sẽ nhanh bị thối hỏng rễ và chết. Nếu thấy hiện tượng cây bị vàng lá, nghẹt rễ tốt nhất nên xới xáo nhẹ mặt luống lúc khô ráo nếu có thể và sử dụng các loại phân bón lá tổng hợp hoặc phân siêu ra rễ để thúc cho rau theo nồng độ và liều lượng khuyến cáo trên bao bì.

Việc làm này dẫn đến thân lá cây trồng bị dính, đọng nước nên cần tưới vào chiều sớm để cây về đêm được khô nước trên thân lá sẽ giảm thiểu tỷ lệ cây bị bệnh. Mặt khác, khi tưới cần khéo léo đổ hoặc té nước vào giữa hai hàng cây, hạn chế tối đa thân lá cây trồng dính nước.

- Tưới thúc phân bón cho cây: Một số cây trồng có mật độ dày không thể bón thúc bằng biện pháp vùi thì việc hòa phân bón với nước thành dung dịch để tưới cho rau là cần thiết. Song, nếu làm không đúng kỹ thuật có thể vô tình làm cây bị bệnh và chết.

Bởi người trồng rau có thói quen cứ nhằm gốc cây mà tưới. Việc làm này không những gây chết sót cây con mà còn gây thối hỏng bộ rễ cây trưởng thành do thu hút, tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh (nấm và vi khuẩn) phát sinh phát triển nhiều vì giàu đạm.

Tình trạng cây trồng bị chết rũ sau khi bón phân thúc đã xảy ra khi nông dân không biết lại cứ tiếp tục tưới đạm xuống gốc lần nữa.

Hơn nữa, việc cung cấp dinh dưỡng cho cây theo cách trên sẽ làm cây trồng khó có thể hấp thu dinh dưỡng sau khi bón. Lý do, vì bộ phận hút nước và dinh dưỡng của cây là đầu chót rễ chứ không phải trong gốc cây trồng. Cho nên cần phải tưới phân vào vị trí giữa các hàng cây hoặc cách gốc cây theo mức chiều dài của rễ.

Chú ý: Cây rau màu có thể bị chết do sót đạm nhất là thời kỳ cây con. Khi tưới thúc urê và kali cho cây trồng ngoài cách như trên, không nên lạm dụng đạm mà hòa với nồng độ quá cao.

Lượng urê thích hợp nhất cho rau màu thông thường từ 0,5 - 1 kg/sào/lần tưới. Đây cũng là lượng đạm khuyến cáo để cây rau được an toàn sau khi bón urê trong quy trình VietGAP.

Trần Thị Liên/ nongnghiep.vn

Sunday, November 2, 2014

Trồng hoa thược dược đón Tết

Đã có thời, hoa thược dược coi như một trong những loại hoa đẹp nhất để bày trong dịp tết.

Có lẽ, nhất là lay-ơn thì nhì là thược dược! Nhưng khi hoa lily xuất hiện, nó chiếm dần vị trí của hoa thược dược. Vào tết, nhà nào cũng đi mua hoa lily. Vì vậy, dân ta đổ xô đi trồng hoa lily. Nhiều nhà thu được bạc tỷ nhờ loại hoa này.

Trồng hoa thược dược dễ, lại cho hiệu quả kinh tế cao. I.T

Thế nhưng, nếu để ý bà con sẽ thấy, năm vừa qua, những người sành chơi hoa ở thành phố lại đi tìm hoa thược dược. Họ thích màu sắc tươi tắn và phong phú ở loại hoa này. 

Tết năm trước, thược dược bán rất chạy. Chỉ tiếc rằng, quá ít người có hoa để bán. Tôi đi vòng khắp chợ hoa ở Nhật Tân nên thấy rõ điều đó. Vì vậy, muốn bà con mình quan tâm thêm tới việc trồng thược dược. 

Viện Nghiên cứu Rau quả mới đưa ra loại hoa thược dược lùn. Đây lại là một tin mừng. Loại hoa này chỉ cao độ30-40cm là đã cho hoa. Hoa của nó cũng to và cho ta đủ loại màu sắc. 

Ta biết rằng, các cành hoa thược dược cắt ra chỉ tươi được 5-7 ngày là tàn. Có khi chỉ 4 ngày là hoa đã héo. Nhưng nếu ta trồng giống thược dược lùn, ta có thể để nó nguyên trong chậu. 

Ta bày chậu trong nhà hoặc đặt ngay lên bàn. Cây trong chậu có thể đeo hoa tới cả tháng. Như vậy, dùng hoa thược dược lùn ta sẽ có hoa trong suốt dịp tết. Đây là điểm ưu việt của giống hoa này. Nếu ai muốn có hoa thược dược lùn bán trong dịp tết thì ngay bây giờ đã phải liên hệ với Viện Nghiên cứu để mua giống (TS Đặng Văn Đông - ĐT: 0913.562.265). 

Cây đưa vào chậu thì ta có thể xếp quanh sân, dọc các lối đi, ven bờ ao và có thể để cả ở trên sân thượng. Ta chăm sóc cho chúng như ta chăm sóc ngoài đồng ruộng.

Thược dược cần khí hậu mát mẻ, nhiệt độ ưa thích từ 15-30 độ C. Nó rất cần độ ẩm cao nhưng lại không chịu được ngập úng. Nó cần được chiếu sáng đầy đủ nhưng tới khi sắp ra hoa thì cần điều kiện bớt sáng và có lạnh để phân hóa chồi hoa. 

Thược dược ra hoa sớm. Cây chỉ độ 50-60 ngày là cho hoa. Do đó, ai định trồng thược dược thì phải tính toán để có thể thu hoa đúng dịp tết. Thược dược có thể nhân giống bằng hạt, bằng củ hoặc bằng giâm cành. Cành thược dược đem giâm, nếu có hóa chất kích thích thì chỉ 5-7 ngày là đã bật rễ.

Trồng thược dược rất dễ. Tết này nên có nhiều hoa thược dược.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng phụ trách Email: 1001cachlaman@gmail.com (Dân Việt)