Tuesday, October 28, 2014

Phòng trừ tuyến trùng hại cây trồng

Bộ phận tuyến trùng tấn công trực tiếp là rễ cây trồng. Chúng ký sinh trong các tế bào rễ (làm tổ trong rễ) nên làm cho các rễ bị biến dị

Rễ cây bị tuyến trùng gây hại

Hiện có rất nhiều diện tích cây hồ tiêu, ổi và cà rốt... bị tuyến trùng phát sinh và gây hại cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Mật độ tuyến trùng tại vùng ổi Thanh Hà (Hải Dương) có nơi lên đến tới 300 tuyến trùng hoặc bào tử nấm trong 100 gr đất trồng gây chết cây hàng loạt.

Song thực tế cho thấy, rất nhiều nông dân còn bỡ ngỡ và lúng túng với việc phòng trừ loài dịch hại này, bởi trước đây họ chưa hề để ý đến vì chúng không mấy khi gây hại cây trồng. Xin cung cấp một số thông tin tìm hiểu về tuyến trùng hại cây và cách phòng trừ hiệu quả.

+ Đặc điểm: Tuyến trùng gây bệnh hại cây là một loài dịch hại có phổ ký chủ rộng (cây công nghiệp, lương thực, rau, hoa...). Chúng là giun tròn, giun kim hay giun lươn sống trong đất, dưới đáy sông, hồ...

Tuyến trùng không thể nhìn thấy bằng mắt thường mà phải quan sát chúng được thông qua kính hiển vi (kích thước chỉ từ 0,5 - 2 mm).

Chúng sống và di chuyển qua mô tế bào cây trồng, chích hút, bơm các độc tố vào rễ cây làm rễ bị nghẽn mạch, phình to tạo nên các khối u sần hoặc bị hoại tử khiến cho khả năng hút nước và dinh dưỡng của cây bị giảm, cây sinh trưởng kém vàng lá và chết. Triệu chứng này nặng hơn khi kết hợp với nấm bệnh, vi khuẩn xâm nhập qua vết thương trên rễ do tuyến trùng gây ra.

Tuyến trùng tồn tại và sinh trưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Độ ẩm đất trồng, số lượng rễ cây, kết cấu đất, độ PH và oxy trong đất...

Tuyến trùng khó có thể tồn tại ở đất khô nhưng có thể sống được trong đất có độ ẩm 100% (loài Meloidogyne). Nếu rễ cây phát triển mạnh thì tuyến trùng có mật độ cao và ngược lại; đất có kết cấu sét nhiều thì tỷ lệ tuyến trùng ít hơn đất cát; đất có PH thấp (đất chua) mật độ tuyến trùng nhiều...

+ Triệu chứng: Bộ phận tuyến trùng tấn công trực tiếp là rễ cây trồng. Chúng ký sinh trong các tế bào rễ (làm tổ trong rễ) nên làm cho các rễ bị biến dị tạo các u bướu - nông dân thường hay gọi là “bệnh ung thư”. Rễ cây trồng bị tuyến trùng tấn công còn bị tổn thương tạo nhiều nhánh và đỉnh rễ hoại tử.

Do bộ rễ bị tốn thương như vậy nên trên thân lá sẽ xuất hiện những triệu chứng như lá biến vàng, sinh trưởng giảm và thiếu sức sống... Nếu kèm theo các loài nấm ký sinh gây hại rễ sẽ làm cây chết nhanh chóng.

Để có một kết quả chính xác nhất nông dân cần phải có sự giúp đỡ của cán bộ chuyên môn để biết chính xác và mật độ tuyến trùng trong đất.

+ Biện pháp phòng trừ: Cần áp dụng các biện pháp canh tác là chủ yếu như luân canh, xen canh cây trồng, dùng giống sạch bệnh, giá thể làm bầu cây cần xử lý đảm bảo không có mầm mống bệnh...

Không nên nhân cây bị bệnh do tuyến trùng gây hại như tách, chiết... để trồng ra diện rộng.

Tiêu hủy các cây bị bệnh nhất là bộ rễ cần phải được dọn sạch.

Bón phân cân đối cho cây trồng: Cần ưu tiên nguồn phân chuồng để bón cho cây nhằm duy trì hệ vi sinh vật có ích và làm kết cấu đất được tốt hạn chế tuyến trùng tồn tại, gây hại. Không lạm dụng phân hóa học đa lượng (đạm, lân, kali) để thúc cây lớn nhanh, bón bổ sung các dinh dưỡng trung, vi lượng cần thiết cho cây trồng....

Cần kiểm tra PH đất định kỳ bằng giấy quỳ tím, nhất là với cây ăn quả để có cách xử lý kịp thời sao cho đất trồng không bị chua.

Nếu đã xác định có mặt tuyến trùng trong đất và gây hại cây trồng cần khẩn trương tiêu hủy cây bị bệnh và xử lý đất trồng bằng một trong các loại thuốc hóa học sau: Diazinol, Ethoprophos, Vifu- Super, Octiva, Travigo, Etocap, Cabofulran... (liều lượng và nồng độ theo khuyến cáo của từng hãng SX).

Chú ý:

- Với các vùng đất trồng cây ăn quả nếu các yếu tố trong đất có lợi cho sự tồn tại và gây hại của tuyến trùng, tốt nhất nhà vườn nên xử lý đất bằng thuốc hóa học 2 lần/năm vào đầu và giữa mùa mưa hàng năm để giảm tổn thất cho cây trồng.

- Để thâm canh cây trồng nhất là cây ăn quả được bền vững, nông dân cần áp dụng theo quy trình VietGAP mới mang lại kết quả như mong muốn.

Trần Thị Liên/ nongnghiep.vn

Monday, October 27, 2014

Bọ nhảy, 'kẻ thù' rau họ thập tự

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, bọ nhảy phá hoại các cây họ thập tự (rau cải, su hào, súp lơ…)  thường là loài bọ nhảy sọc cong. 

Rau cải bị xấu mã, giảm chất lượng khi bị bọ nhảy cắn

Các loại rau họ thập tự (rau cải, su hào, súp lơ…) hiện được trồng phổ biến với số lượng lớn tại Hà Nội mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt trồng trái vụ. Tuy nhiên, các loại rau này có điểm yếu lớn là bị bọ nhảy thường xuyên gây hại.


Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, bọ nhảy phá hoại các cây họ thập tự thường là loài bọ nhảy sọc cong. Chúng có tên khoa học là Phyllotetra striolata (có nơi gọi rầy đen), thuộc bộ Cánh cứng phân bố ở nhiều nước trên thế giới và phá hoại chủ yếu ở các cây họ thập tự.

Con trưởng thành là hình bầu dục, cơ thể dài khoảng 2 - 2,5 mm, cánh cứng, màu đen bóng, giữa mỗi cánh có một vạch màu vàng nhạc, cong hình củ lạc, chân sau to khỏe, có sức nhảy dài nên gọi là bọ nhảy sọc cong. Chúng có khả năng nhảy xa và bay rất khỏe. Một con trưởng thành cái có thể đẻ đến 200 trứng, ở dưới đất xung quanh vùng rễ chính của cây.

Trứng của bọ nhảy rất nhỏ, màu vàng nhạt đẻ trên mặt đất gần gốc cây. Sâu non màu trắng ngà hoặc màu vàng tươi, dài khoảng 5 - 6 mm, sống và làm nhộng dưới đất.

Ấu trùng nằm trong đất, có hình ống, màu vàng nhạt, đẫy sức dài khoảng 4 mm, chúng cắn phá rễ và củ (cải củ), tạo ra những đường lõm ngoằn ngoèo hoặc thành lỗ ăn sâu vào trong củ, trong rễ, làm cho cây cải bị còi cọc, chậm lớn, củ và rễ dễ bị thối.

Anh Nguyễn Hữu Đạo, Giám đốc Công ty CP Nông phẩm công nghệ cao An Việt (Phúc Thọ, Hà Nội) chia sẻ: "DN có 3 ha chuyên trồng rau cải ăn lá quanh năm để cung cấp cho hệ thống siêu thị, cửa hàng và bếp ăn tập thể Hà Nội. Mặc dù đầu tư hệ thống nhà lưới quây kín khu vực trồng rau, hạn chế được rất nhiều loại sâu bướm, song riêng bọ nhảy phải bó tay vì chúng quá nhỏ và sống trong đất nên rất khó tiêu diệt.Trong khi đó công ty SX rau an toàn theo hướng không sử dụng thuốc BVTV hóa học nên có rất nhiều vụ phải chấp nhận phá bỏ những lứa rau cải để trồng lại vì bị bọ nhảy cắn phá tan hoang. Công ty đang tiến hành sử dụng bẫy bọ nhảy, song kết quả đạt được bước đầu chưa như mong đợi".

Còn theo chia sẻ của ông Chu Văn Hồi, Tổng GĐ Công ty CP XNK Nông lâm thủy sản Đông Nam Á (Q. Hoàng Mai, Hà Nội), trong các loại sâu bệnh thì bọ nhảy là loài khó bị tiêu diệt nhất vì đúng như tên gọi, chúng nhảy lung tung, số lượng rất lớn và khỏe nên tốc độ phá hoại rất nhanh.

Điều khó chịu nhất với rau họ thập tự khi bị bọ nhảy cắn là chất lượng giảm, mẫu mã rất xấu, lỗ chỗ nên bán mất giá. Bản thân Công ty Đông Nam Á hiện nay chỉ sử dám sử dụng thuốc BVTV trong công đoạn làm đất trồng rau để tiêu diệt ấu trùng và sâu non, còn khi bọ nhảy trưởng thành thì cũng đành bó tay.

Ngay sau khi thu hoạch cần phơi ruộng, thu dọn các tàn dư đem về ủ phân hoặc chôn để diệt sâu non và nhộng còn tồn tại. Cần kiểm tra ruộng cải thường xuyên (nhất là khi cây cải còn non) hoặc vào những lúc các ruộng xung quanh đang thu hoạch để phát hiện và phun xịt thuốc diệt trừ bọ kịp thời. Kinh nghiệm cho thấy, độ ẩm thấp cũng hạn chế sự phát triển của bọ nhảy.

Theo Chi cục BVTV Hà Nội, bọ nhảy thường gây hại nhiều trong các tháng mùa khô làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, phẩm chất rau, thậm chí có thể gây mất trắng nếu không phòng trừ kịp thời. Chúng thường gây hại nhiều vào lúc sáng sớm và chiều mát. Trưa nắng thường lẩn trốn ở dưới gốc hoặc mặt dưới lá.

Bọ có thể gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây cải, nhưng mạnh nhất là khi cải còn nhỏ (sau gieo khoảng 7 - 10 ngày). Những ruộng cải non nằm xen kẽ với những ruộng sắp thu hoạch hoặc vừa thu hoạch thường bị bọ gây hại nhiều, do bọ nhảy di chuyển từ các ruộng này sang các ruộng cải còn non.

Theo khuyến cáo của Chi cục BVTV Hà Nội, hiện có một số biện pháp phòng, trừ, hạn chế bọ nhảy như sau:

+ Làm đất: Trước khi trồng cải, đất cần được chuẩn bị kỹ, dọn sạch tàn dư vụ trước, phơi thật khô đất tối thiểu từ10 - 15 ngày để diệt sâu non và nhộng còn trong đất (kinh nghiệm nếu độ ẩm tương đối của đất thấp, bọ nhảy sẽ không trưởng thành được). Nếu có điều kiện nên bón vôi để tạo môi trường bất lợi cho bọ nhảy.

+ Luân canh: Thời vụ gieo trồng và thu hoạch cải trong từng khu vực không nên kéo dài, vì sẽ tạo điều kiện cho bọ nhảy chu chuyển gây hại liên tục. Tốt nhất từng cánh đồng nên luân canh cải với các cây khác họ.

Không trồng các loại rau thuộc họ thập tự liên tục trong nhiều năm trên một khu đồng, khu ruộng, thỉnh thoảng nên luân canh với những cây khác như ngò, hành, dưa leo, bầu, bí mướp...

Biện pháp này phải được nhiều chủ ruộng cùng thực hiện trên diện rộng thì mới mang lại kết quả cao. Khi thu hoạch nên chừa lại một diện tích nhỏ ở giữa ruộng, thu hút bọ tập trung vào đó rồi phun xịt thuốc hủy diệt (bỏ cả rau), hạn chế mật độ bọ cho các vụ sau.

+ Phun thuốc: Biện pháp cuối cùng khi bọ nhảy phá hoại nhiều là phun thuốc hoá học, song phải tuyệt đối bảo đảm thời gian cách ly, tốt nhất nên dùng các sản phẩm thuốc BVTV sinh học theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Bọ nhảy trưởng thành ban ngày hoạt động mạnh, rất khó trừ nhưng đêm ít hoạt động và thường tập trung giữa nõn cải nên tiến hành phun thuốc lúc chập tối sẽ cho hiệu quả phòng trừ cao nhất.

Nguyên Huân/ nongnghiep.vn

Thursday, October 23, 2014

Giữ cá rô phi qua đông

Cá rô phi thường chịu lạnh rất kém, khi nhiệt độ nước thấp hơn 12 độ C kéo dài vài ngày thì cá sẽ bị chết rét. 

Ảnh minh họa

Miền Bắc có mùa đông giá lạnh nên mùa vụ sinh sản của cá rô phi chỉ bắt đầu khi thời tiết ấm áp vào cuối tháng 3.

Do đó, người nuôi muốn chủ động cho mình được nguồn giống thả vào tháng 3 và 4 thì cần phải có những biện pháp lưu giữ giống cá rô phi qua đông thật tốt.

Chọn ao: Địa điểm xây dựng ao khuất gió mùa Đông Bắc là tốt nhất. Bờ ao chắc chắn, giữ được mức nước trong ao luôn ổn định. Ao phải có cống cấp và thoát nước riêng biệt. Diện tích ao 200 - 1.000 m2. Nguồn nước trong ao 1,8 - 2,5 m. Nguồn nước cấp cho ao phải sạch và chủ động.

Tháo cạn nước, vét bùn và vệ sinh ao. Dùng vôi bột bón với lượng 8 - 10 kg/100 m2 để bón cho ao. Nước cấp vào ao thì phải có lưới lọc. Có thể thả thêm bèo Tây khoảng 20 - 30% mặt thoáng của ao hoặc làm mái che cho ao (khung được làm bằng các vật liệu cứng như tre, nứa… mái che được làm bằng bạt ni lông màu trắng).

Thời gian đưa cá vào ao trú đông từ 15/11 - 15/12 hằng năm. Nên chọn thời điểm nắng ấm để đưa cá vào ao trú đông. Lưu ý không đánh bắt, vận chuyển và thả cá khi nhiệt độ xuống dưới 20 độ C.

Chọn giống và thả: Chọn cá giống kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, không bị dị hình, dị tật, không có dấu hiệu bệnh lý. Cá bơi thăng bằng, hoạt động nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước theo đàn. Nên tắm cho cá bằng dung dịch nước muối 2 - 3% trong vòng 5 - 10 phút. Ngâm túi vận chuyển cá xuống ao trong vòng 10 - 15 phút sau đó mới thả cá từ từ ra ao.

Mật độ thả: Cỡ cá giống 3 - 5 gr/con có thể thả với mật độ 10 - 30 con/m2. Nếu ao có máy sục khí có thể thả 40 - 50 con/m2.

Quản lý: Thường xuyên theo dõi mức nước ở trong ao, nếu thấy hao hụt nước phải bổ sung nước sạch vào ao ngay. Theo dõi hoạt động của cá và bệnh cá để có biện pháp xử lý kịp thời. Vệ sinh ao thường xuyên. Nếu cho cá ăn thức ăn xanh cần vớt hết thức ăn cũ trước khi cho ăn thức ăn mới. Định kỳ 15 ngày/lần bón vôi với lượng 1 kg/100 m3 nước (hòa vôi vào nước và té đều khắp ao).

Trong suốt thời gian cá trú đông không dùng lưới đánh bắt để tránh xây xát, dẫn tới cá bị nhiễm bệnh và chết.

Chăm sóc: Cho cá ăn 1 - 1,5 % trọng lượng cá trong ao/ngày. Ngày cho cá ăn 1 - 2 lần vào lúc thời tiết ấm áp từ 10 - 14 giờ. Thức ăn cho cá là loại thức ăn công nghiệp (độ đạm 22 - 26%), hoặc thức ăn tự chế (10% bột cá nhạt, 30% khô đỗ, 60% cám gạo).

Những ngày nhiệt độ nước ao thấp hơn 17 độ C không cho cá ăn mà tranh thủ những ngày nắng ấm sau mỗi đợt gió mùa thì cho ăn nhiều hơn. Tuyệt đối không dùng phân hữu cơ bón cho ao để đảm bảo môi trường ao sạch.

Sau khi cá trú đông xong cần cho ăn tích cực trong 10 - 15 ngày để thu hoạch. Lượng cho ăn 3 - 5% trọng lượng cá ở trong ao.

Bệnh nấm thủy mi: Cá bơi lờ đờ xung quanh ao, bằng mắt thường có thể nhìn thấy nấm thủy mi bám trên cơ thể cá như những búi bông màu trắng, nhìn rõ nhất khi cá ở trong nước.

Luôn giữ môi trường trong sạch, giữ cho cá không bị xây xát, không kéo lưới hoặc vận chuyển khi nhiệt độ xuống dưới 20 độ C. Khi cá bị bệnh có thể dùng dung dịch muối 3% hoặc dung dịch thuốc tím 20 mg/lít tắm cho cá trong thời gian 15 phút.

Bệnh trùng bánh xe: Khi cá bị mắc bệnh trên thân, vây cá có nhiều nhớt, màu hơi trắng đục, ở dưới nước thấy rõ hơn so với khi bắt cá lên cạn. Da cá chuyển màu xám, thường xuyên nổi từng đàn lên mặt nước, một số con tách đàn bơi quanh bờ ao. Nếu cá bị bệnh nặng trùng bám dày ở vây, mang, phá hủy các tơ mang, khiến cá bị ngạt thở, ở mang đầy nhớt và có màu bạc trắng. Cá bơi lội không định hướng và chết.

Dùng nước muối 2 - 3 % tắm cho cá trong vòng 5 - 10 phút hoặc dùng sunphat đồng nồng độ 3 - 5 gr/m3 nước tắm cho cá trong vòng 5 - 15 phút. Dùng sunphat đồng phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,5 - 0,7 gr/m3 nước. Sau khi phun thuốc 2 - 3 ngày thì tiến hành thay nước mới để cải thiện môi trường trong ao nuôi.

Trước khi thu hoạch phải chuẩn bị dụng cụ đánh bắt và phương tiện vận chuyển. Nên thu toàn bộ.

Hồ Hữu Sơn/ nongnghiep.vn

Wednesday, October 15, 2014

Cách phòng trừ sâu hại cây chanh

Nhiều bạn đọc lo lắng, cây chanh sai quả trong 2- 3 năm đầu sau đó bị chết nhiều do sâu đục xuyên từ cành qua thân đến rễ, có cây chết do lá bị vàng và rễ bị thâm đen. Mặc dù đã mua nhiều loại thuốc trừ sâu về phun nhưng không hiệu quả.

Sâu đục vỏ trái gây hại vườn chanh

Theo mô tả triệu chứng cây chanh bị chết, chúng tôi chẩn đoán cây chanh nhà bạn đã bị hai loài sâu, bệnh gây hại, đó là xén tóc đục thân cành và nấm Fusarium solani hại rễ.

Kỹ thuật trừ xén tóc đục thân cành như sau: Vào tháng 5 đến tháng 10, sâu non của xén tóc đục thân cành thường hại những cành tăm hương (cành nhỏ ngoài tán, đường kính <1cm), làm cành bị khô héo.

Định kỳ 15 ngày/lần vào khoảng 10 đến 16 giờ trong ngày bạn quan sát tán cây, thu gom những cành bị sâu hại đem đi đốt trước khi chúng đục chui vào cành to, thân chính.

Khi sâu non đã đục vào cành to, thân chính nhả phân (hạt phân như mùn cưa) qua lỗ thông hơi ra ngoài, bạn cần dùng dây phanh lụa xe đạp (loại mềm dẻo dễ uốn cong theo đường sâu đục) hoặc gai mây luồn theo lỗ sâu đục chọc chết sâu hoặc dùng xilanh nhựa bơm một trong các loại thuốc sâu sau (bơm vào đầu phía ngọn thân, cành) Dipterex 1%, Sokupi 1%, Bemab 1%…

Khi sâu non của xén tóc đã đục vào thân cành thì phun các loại thuốc trừ sâu lên tán cây đều không hiệu quả.

Bệnh thối rễ: Những cây bị nặng (khi nắng to lá héo xanh, héo vàng) thường không chữa được. Cây chớm bị bệnh hoặc phòng bệnh cho những cây chưa nhiễm bệnh, bạn có thể chọn một trong các loại thuốc sau: Ridomin Gold 68WG; Aliette 80WG; Nativo 75WG…. Phun định kỳ 10-15 ngày/lần, khoảng 2- 4 lần/năm trong mùa mưa.

Cần làm hệ thống thoát nước tốt trong mùa mưa, trồng dầy vừa phải, cắt tỉa tán đúng kỹ thuật cho vườn cây được thông thoáng, bón vôi bột cho vườn cây hàng năm nếu đất chua (độ pH <5,5) cũng hạn chế đáng kể được bệnh thối rễ.

KS Nguyễn/ nongnghiep.vn

Phòng trị bệnh viêm đường hô hấp mãn tính ở gà

Bệnh viêm đường hô hấp mãn tính ở gà do vi khuẩn gây nên, có thể điều trị bằng kháng sinh. Gà các giống, các lứa tuổi đều bị mắc bệnh. Bệnh xảy ra quanh năm, đặc biệt nặng vào mùa mưa rét hoặc nóng ẩm đầu năm và thường xuyên tái phát khi sức khỏe gà giảm sút do thay đổi thời tiết hoặc chăm sóc, nuôi dưỡng kém.

Triệu chứng gà bị sưng phù đầu, mặt, khó thở.


1. Đường lây lan của bệnh

- Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp từ gà bệnh sang gà khỏe.

- Bệnh có thể truyền từ mẹ sang con qua trứng.

2. Triệu chứng

- Gà con ủ rũ, xù lông, kém ăn, gầy.

- Chảy nước mũi, hay vẩy mỏ, gà ho, hen nhiều về ban đêm.

- Mặt sưng do viêm xoang.

- Gà lớn giảm đẻ, gầy.

3. Bệnh tích

- Xoang mũi, thanh khí quản xuất huyết lấm tấm, đầy dịch nhầy.

- Túi khía (vùng ngực, bụng) viêm, dày hơn và đục, có thể gặp viêm dính bã đậu.

4. Biện pháp phòng trị

- Phòng bệnh:

+ Đảm bảo các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.

+ Chỉ mua gà từ các cơ sở giống tốt.

+ Đảm bảo chuồng nuôi thông thoáng, sạch sẽ, khô ráo, ấm về mùa đông, mát về mùa hè.

+ Mật độ gà nuôi trong chuồng phù hợp, tránh nuôi quá dày.

- Điều trị bệnh:

+ Khi gà bị mắc bệnh có thể dùng một số chế phẩm như Tylosin, Tiamualin, Suanovin,... để điều trị; liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

+ Bổ sung cho gà thuốc bổ như B-complex, vitamin C, điện giải, đường gluco.

+ Khắc phục nguyên nhân làm bệnh tái phát (nhiệt độ thấp, độ ẩm quá cao, độ thông thoáng kém...).

TTKNQG

Tuesday, October 14, 2014

Kỹ thuật trồng, bón phân để ngô đạt năng suất cao

Khác với lúa, thời gian phân hóa trục bắp ngô diễn ra từ rất sớm. Sau trồng 15-20 ngày, lúc ngô có 5-7 lá thật tùy thời gian sinh trưởng từng giống dài hay ngắn, cây đã phân hóa trục bắp ngô.

Trục bắp ngô được phân hóa thuận lợi phụ thuộc vào tình hình sinh trưởng của cây ngô lúc này tốt hay xấu. Chiều dài của trục bắp ngô quyết định số hàng/bắp, số hạt/hàng và ảnh hưởng lớn tới năng suất ngô cuối vụ.

Mật độ nên trồng dày. Những giống ngô có bộ lá đứng, gọn hoặc xoay được lá ra rãnh có thể trồng với mật độ2.200 - 2.500 cây/sào Bắc bộ 360m2. Khoảng cách 17-20 x70cm x 1 cây.

Những giống ngô bộ lá có góc lá lớn, không xoay được lá ra rãnh, trồng với mật độ 1.800 - 2.000 cây/sào. Khoảng cách 25-27cm x 70cm x 1 cây.




Để ngô đạt năng suất cao, cần bón phân như sau:

Bón phân sớm, đảm bảo đủ dinh dưỡng giai đoạn ngô có 5-7 lá thật để cây phân hóa trục bắp ngô được thuận lợi. Lượng phân bón lót cho ngô lúc trồng 3-4 tạ phân chuồng hoai mục + 20-25 kg supe lân + 3-4 kg đạm ure + 1-2 kg kali clorua. Bón cách hạt 10-15cm.

Bón thúc lần 1 ngay lúc ngô có 5-6 lá thật, lượng phân bón 5-6kg đạm + 2-3kg kali clorua. Bón cách gốc 30cm, xới nông nhặt cỏ trên mặt luống, xới cách gốc 10-15cm, vun nhẹ vào gốc để ngô khỏi đổ ngã.

Bón thúc lần 2 giai đoạn ngô đạt 11-12 lá thật, đang xoáy nõn chuẩn bị trổ cờ. Lượng bón 3-4kg đạm ure + 4-5kgkali clorua, bón cách gốc 30cm, kết hợp vét đất ở rãnh vun cao vào gốc giúp ngô ra rễ bất định (rễ chân kiềng) thuận lợi.

Phun một trong các loại phân bón lá chất lượng cao cho ngô 1-2 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày giai đoạn ngô có3-5 lá thật để ngô có đủ dinh dưỡng vi lượng phân hóa trục bắp ngô được hoàn chỉnh.

Tưới đủ ẩm cho ngô từ khi trồng đến lúc khô bẹ bắp.

Chú ý phòng trừ sâu xám, rệp cờ hại ngô. Không được vặt các lá từ lá dưới ngay lá mang bắp trở lên và 2 lá dưới lá mang bắp để đảm bảo dinh dưỡng được vận chuyển tối đa từ các lá về hạt. Không được xới sâu, xới nhiều lần làm đứt bộ rễ vì rễ ngô rất kém tái sinh khi bị đứt.

Thu hoạch bắp ngô khi bắp đã khô >50% lá bẹ để hạt được chín đẫy, nhiều bột, đảm bảo thành phần dinh dưỡng trong hạt đạt cao.

KS Nguyễn/ nongnghiep.vn