Sunday, September 28, 2014

Kỹ thuật trồng thảo quả

Thảo quả (Amomum aromaticum Roxb), tên khác: Đò ho, Thảo đậu khấu, Mác hấu. Thuộc họ: Gừng - Zingiberaceae. Hạt thảo quả là thuốc chữa đau bụng, đầy chướng, nấc, nôn ọe, tiêu chảy, sốt rét, hôi miệng, sâu răng... Bên cạnh công dụng làm thuốc, thảo quả còn được dùng nhiều làm gia vị.

Cây thảo quả ra hoa.

Cây thảo quả sống lâu năm, cao 2 - 3 m, thân rễ to, phân cành, mọc thành cụm. Cụm hoa dạng bông, mọc từ gốc thân, dài 15 - 20 cm. Đài dạng ống, tràng hoa màu vàng. Quả mọc thành chùm, hình trứng, màu đỏ tía. Hạt màu vàng nâu, có áo hạt, vị ngọt, mùi thơm hơi cay.

Thảo quả là cây đặc biệt ưa bóng, ưa ẩm nên chỉ có thể trồng được dưới tán rừng, ở độ cao 1.300 - 2.200 m, có khí hậu ẩm mát quanh năm, nhiệt độ trung bình năm 13 - 15,3oC, thường xuyên có sương mù, lượng mưa 3.500 - 3.800 mm/năm, độ ẩm không khí trung bình từ 90% đến bão hòa.

1. Nhân giống

- Nhân giống bằng hạt: Vào tháng 9, tháng 10 khi thu hoạch, chọn những chùm quả già, nhiều quả to, ở cây 5 tuổi trở lên. Bóc vỏ, đãi bỏ phần áo hạt và chỉ lấy hạt chìm. Vườn ươm được chọn kề bên nơi trồng thảo quả, dưới tán rừng, độ che phủ 60%, mặt đất bằng phẳng, đất được làm nhỏ, đánh luống cao.

Hạt giống thu được cần gieo ngay. Gieo hạt xong phải phủ cỏ khô. Hạt sẽ nảy mầm sau khi gieo 40 - 45 ngày. Chú ý, tỉa thưa để có cự ly 20 x 20cm/cây. Cây con thừa dặm sang luống khác. Cây thảo quả con ở vườn ươm sau 1 - 2 năm mới nhổ đi trồng.

- Nhân giống bằng nhánh con: Tách một số nhánh non từ các khóm thảo quả trồng, cao khoảng 1m, ở gốc còn một đoạn thân rễ, cắt bỏ lá. Loại cây giống này không tốt bằng cây con gieo từ hạt.

- Thời vụ trồng: Từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau.

2. Kỹ thuật trồng

- Làm đất: Đất dưới tán rừng kín thường ẩm, độ cao 1.500 - 2.200 m, bề mặt tương đối bằng phẳng, hoặc có độ dốc dưới 15oC . Chặt phá bỏ tất cả các loại cây ở tầng dưới tán. Ở tầng tán chỉ để lại một số cây gỗ, đủ tạo nên tàn che 0,4 - 0,6%. Bổ hố trồng cự ly 3 x 4m/cây. Thảo quả không cần trồng sâu nhưng cần giẫm chặt gốc. Đất rừng mới khai phá còn màu mỡ không cần bón phân.

- Chăm sóc: Thảo quả là cây trồng bán tự nhiên nên chăm sóc đơn giản, ngoại trừ việc chặt phá, làm vệ sinh rừng 2 lần/năm.

+ Lần thứ nhất trước mùa hoa (tháng 2 - 3);

+ Lần thứ hai sau khi thu hoạch quả, lần này cần chặt bỏ những cây thảo quả già.

Chú ý: khi vệ sinh rừng phải nhổ bỏ tất cả những cây xâm lấn xung quanh gốc thảo quả. Cây trồng sau 3 năm bắt đầu có hoa quả, càng về sau càng nhiều hơn. Năng suất cao nhất từ năm thứ 6 - 15, trung bình 0,2 - 0,3 tấn quả khô/ha/năm và cây trồng có thể thu hoạch trong vòng hơn 20 năm.

3. Thu hoạch, chế biến

Vào khoảng tháng 10 đến hết tháng 11, khi thảo quả già thì tiến hành thu hoạch. Dùng dao cắt cả chùm quả đem về phơi hoặc sấy. Hiện nay, hầu hết những rừng trồng thảo quả thường xa nơi ở của các đồng bào, đi lại khó khăn. Để giảm công chuyên chở, vào mùa thu hoạch đồng bào thường làm lều ở tạm và sấy thảo quả luôn trong rừng. Khi sấy nên để cả chùm nhằm tạo độ thông thoáng cho nhanh khô, dễ đảo khi sấy. Khi quả đã khô tách lấy từng quả (bỏ cuống chung), đóng bao vận chuyển về nhà.

Thảo quả khô cần để nơi khô ráo, tránh ẩm vì dễ mốc.

TTKNQG

Cách ngâm ủ để 'thóc thịt' có tỷ lệ nảy mầm cao

Trước hết khuyến cáo bà con, không nên dùng "thóc thịt" làm giống cho vụ sau. Vì như thế năng suất lúa sẽ thấp. Nên mua giống tại các Cty hoặc đại lý bán giống lúa có uy tín cho mỗi vụ gieo cấy.

Còn nếu buộc phải dùng "thóc thịt" làm giống thì nên chọn những ruộng lúa gieo cấy vụ trước bằng giống nguyên chủng, giống xác nhận hoặc giống tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng tốt để làm giống cho vụ sau. Gặt bỏ những cây lúa lẫn, lúa cỏ trước khi thu hoạch ít nhất 2 lần, lúc đòng to và lúa đỏ đuôi. Vệ sinh sạch sẽ sân phơi, dụng cụ tuốt, đập, bảo quản tránh lẫn tạp cơ giới khi thu hoạch.

Chọn những ngày nắng ráo để thu hoạch lúa giống. Khi lúa gặt về cần tuốt ngay, sàng sẩy, loại bỏ rơm, rạ và hạt lửng lép. Nếu trời nắng phải phơi ngay, nếu trời mưa bất ngờ rải thóc thành lớp mỏng, tránh dồn thóc thành đống cao dễ làm hạt giảm sức nảy mầm.

Với các giống lúa ngắn ngày, thời gian sinh trưởng trong vụ mùa ở các tỉnh phía Bắc khoảng 90-120 ngày như: CN 2, KD 18; RVT; AIT 77… Khi thời vụ đã đến, đòi hỏi cần giống ngay, bà con có thể gặt lúa chín đỏ đuôi tuốt lúa xong không cần phơi, đem ngâm ngay dưới ao, hồ trong thời gian 72 giờ (3 ngày 3 đêm).

Nên mua giống tại các Cty giống lúa có uy tín sẽ cho thu hoạch tốt (ảnh minh họa)

Nếu không ngâm hạt giống dưới ao, sông, hồ mà phải ngâm dưới chậu, thùng, chum, vại thì cần thay nước thường xuyên 4 - 6 giờ/lần, cho lượng nước ngập trên thóc ít nhất 20cm, để nơi râm mát, sau đãi sạch nước chua đem ủ bình thường, tỷ lệ nảy mầm đạt trên 70%.

Khi thời vụ cho phép, bạn cần phơi thật giòn 3-4 nắng to, sau rải thóc qua đêm trên nền nhà, đem ngâm 72 giờ bằng nước sạch cũng cho tỷ lệ nảy mầm cao trên 75%.

Bạn cũng có thể dùng supe lân Lâm Thao hoà nước với nồng độ 5-10% hoặc chế phẩm Lupain, ngâm thóc giống trong 12-24 giờ, sau đó tiếp tục ngâm 36-48 giờ bằng nước sạch cũng nâng cao thêm tỷ lệ nảy mầm của hạt giống liền vụ, đạt trên 80%.

Nếu có điều kiện, tốt nhất bà con dùng dung dịch axít nitơric HNO3 với nồng độ 0,2-0,3% ngâm trong 24 giờ, sau đó ngâm tiếp 36-48 giờ bằng nước sạch, đều cho kết quả cao đối với loại thóc mới gặt chưa phơi hoặc đã phơi giòn, tỷ lệ nảy mầm đạt > 85%. Khi ngâm thóc bằng axít, sử dụng đồ chứa bằng sành, sứ hoặc đồ nhựa, không dùng bằng kim loại vì HNO3 là loại axits mạnh dễ làm thủng đồ chứa.

Cách làm là pha loãng axit HNO3, đổ từ từ lượng axít HNO3 vào nước lượng nước cần pha, nếu đổ ngược lại axits sẽ có phản ứng tỏa nhiệt và bắn tung tóe làm bỏng người xử lý.

Chú ý: Với loại thóc phơi chưa khô kỹ thì tỷ lệ nảy mầm đều rất thấp cho dù có áp dụng các biện pháp trên.

Nguyên Nhi/ nongnghiep.vn

Friday, September 26, 2014

Măng tây dễ trồng, thu nhập cao

Măng tây là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, đem lại thu nhập cao cho người nông dân (thu nhập khoảng 60 triệu đồng/ha/tháng) nên đang được nhiều nơi đẩy mạnh trồng.

Nước là yếu tố quan trọng quyết định năng suất và chất lượng măng tây.


Là cây ưa sáng, măng tây rất mẫn cảm với đất trồng. Đất trồng phải có độ phì cao, tơi xốp, giàu mùn và độ pH từ6 - 7 là tốt nhất. Sau 2 - 3 tháng ươm giống và 4 - 6 tháng trồng thì cây bắt đầu cho thu hoạch, năng suất trung bình 8 -10kg/1.000 m2/ngày (năng suất sẽ tăng dần theo thời gian).

Măng tây phù hợp các loại đất đỏ bazan, đất phù sa, đất xám, đất pha cát nhẹ, không bị phèn, thoát nước tốt, tầng canh tác dày 40 - 50cm. Đất cần cày bừa kỹ, phun thuốc diệt mầm bệnh, san phẳng, lên liếp rộng 100cm, cao 30cm, phơi nắng 25 - 30 ngày trước khi trồng.

Nhiệt độ thích hợp cho cây măng tây phát triển tốt từ 15 - 30 độ C, do đó có thể trồng vào 2 vụ trong năm là: Gieo cuối tháng 8 - 9 để trồng tháng 2 - 3 và gieo cuối tháng 2 - 4 để trồng từ tháng 4 - 6.

Bón lót: Trên mặt liếp dùng cuốc đào một rãnh dọc theo chiều dài mảnh đất trồng, rộng 50cm, sâu 25cm. Hoặc đào hố kích thước 40 - 40cm, cách nhau 45 - 50cm, đảo đều phân với đất với lượng 12 - 15 tấn phân hữu cơ hoai mục kết hợp Trichoderma, 150kg NPK, 1.200 – 1.500kg vôi cho 1ha đất trồng, sau đó rạch bịch nylon để trồng cây con vào.

Bón thúc: Thời gian chăm sóc chưa thu hoạch được chia làm 4 - 6 lần bón thúc. Lần đầu sau trồng 15 - 20 ngày, sau đó cứ cách mỗi tháng bón 1 lần với lượng phân cho 1ha là 150kg NPK 16-16-8, kết hợp vun gốc sau mỗi lần bón để bảo vệ cổ rễ. Trước khi vào thời kỳ thu hoạch măng (khoảng 120 ngày sau trồng) bón thêm 15 - 20 tấnphân chuồng + 200kg NPK 15-15-15/ha nhằm cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây mẹ đẻ nhiều măng.

Sau khi thu hoạch khoảng 3,5 tháng, cắt tỉa bớt cây mẹ già, chỉ giữ lại những cây khỏe và tiếp tục bón thúc bổ sung thêm phân chuồng, phân NPK, WEHG, Nitrophotka để kích thích cây tiếp tục sinh trưởng và cho nhiều chồi măng năng suất chất lượng hơn.

Lưu ý, nước là yếu tố quan trọng quyết định năng suất và chất lượng măng. Bởi thế thường xuyên cung cấp đủ nước sạch để đảm bảo duy trì độ ẩm ở mức 60 - 70%. Có thể tưới phun, tưới nhỏ giọt hoặc tưới rãnh ngày 2 lần vào mùa nắng, 1 - 2 ngày/lần vào mùa mưa. Nên tưới vào buổi sáng sau khi thu măng xong và buổi chiều trước17 giờ để khỏi làm ảnh hưởng đến những mầm măng mới nhú. Vào mùa nắng cần giữ ẩm bằng cách phủ rơm rạ hoặc sơ dừa, tro trấu. lục bình… mùa mưa cần làm rãnh thoát nước tốt, tuyệt đối không để măng bị ngập úng.

Ths Nguyễn Văn Thọ (Dân Việt)

Thursday, September 25, 2014

Cách bón phân để ớt sai quả, chín đều

Để ớt sai quả, chín đều, bà con nông dân cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc như sau:


Bón nhiều phân gia cầm hoai mục cho ớt: Phân gia cầm hoai mục rất thích hợp cho ớt sinh trưởng, phát triển, năng suất cao, chất lượng tốt. Phân gia cầm nên bón lót 50% lúc trồng khoảng 3-5 tạ/sào và bón thúc cho ớt sau trồng 3-4 tháng làm tăng tuổi thọ của cây ớt.


Bón vôi bột cho ớt: Độ pH thích hợp cho cây ớt sinh trưởng, phát triển thuận lợi khoảng 6-7, với những chân đất chua, độ pH<5,5 cần bón thêm vôi bột. Lượng bón 18-25kg/sào. Vôi được rải đều trên mặt ruộng trước khi làm đất, cày bừa trộn đều vôi với đất để hả vôi trong 7-10 ngày mới tiến hành trồng ớt.

Bón cân đối đạm và ka li cho ớt theo tỷ lệ 1N: 1 K2O với mỗi lần bón thúc để tăng khả năng chống bệnh hại cho cây và tăng chất lượng quả ớt chín. Tùy vào màu sắc tán lá xanh hay vàng, năng suất quả sau mỗi lần thu hái, bón thúc 10-15 ngày/lần, mỗi lần 2-4 kg đạm ure + 2-4 kg kali clorua/sào....

Phun phân bón lá chất lượng cao, nhờ có các Auxin kích thích sinh trưởng điều tíết cho các quả/chùm giúp cho quả ớt lớn nhanh, độ đồng đều cao, chín sớm.

KS Nguyễn/ nongnghiep.vn

Friday, September 19, 2014

Bí quyết tăng dinh dưỡng để ớt thêm cay nồng

Ớt là cây gia vị quan trọng trong đời sống và có giá trị kinh tế cao. Ớt có thể trồng quanh năm nhưng tập trung vào các thời vụ chính như vụ đông xuân gieo hạt tháng 10 - 12, vụ hè thu gieo hạt từ tháng 6 – 7.

Để ớt có vị cay nồng, có thể tăng cường bón thêm phân kali và phân có chứa lưu huỳnh.

Từ Nam Trung Bộ trở vào ĐBSCL có thể trồng ớt quanh năm nhưng năng suất cao nhất trong mùa nắng.

Đất trồng ớt có nhiều loại, nhưng tốt nhất trên đất phù sa, đất có hàm lượng hữu cơ cao, độ pH thích hợp từ 5,5 – 7. Chọn khu đất tưới tiêu chủ động, không có nước thải và các kim loại nặng. Ớt có thể trồng bằng hạt gieo thẳng nhưng tốt nhất gieo trong vườn ươm để dễ chăm sóc. Cây con có thể trồng nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng đừng để quá lớn. Hạt để gieo nên ngâm trong nước ấm 54 độ C trong 5 phút, sau đó vớt ra ngâm tiếp vào nước sạch 8 - 10 giờ cho hạt hút no nước nẩy mầm tỷ lệ cao.

Sau khi cây con mọc chừng 5 ngày, dùng phân urê pha loãng 10g/10 lít nước tưới 2-3 lần/ngày. Khi cây có 5 lá, cao khoảng 25cm là thời kỳ có thể chọn cây giống đem trồng sang vườn sản xuất. Chọn cây khỏe mạnh, không sâu bệnh, thân cứng và to, các đốt lá gần nhau.

Làm đất và bón phân thời kỳ sản xuất kinh doanh: Đất phơi ải càng lâu càng tốt, làm đất kỹ, sạch cỏ dại. Trong điều kiện trồng trên ruộng luân canh lúa nên đào rãnh thoát nước. Luống cao 30 - 40cm, rãnh thoát nước rộng 20 - 25cm, luống có bề mặt rộng 1m. Trồng trên luống thành 2 hàng, khoảng cách hàng 60 x 40cm. Mực nước trong các rãnh luống phải thấp.

Lượng phân bón cho 1.000m2: Phân chuồng hoặc hữu cơ 1 - 1,5 tấn + 25 - 30kg urê + 45 - 50kg lân + 25kg KCl. Nếu đất chua cần bón lót thêm vôi 100kg. Cách bón: Bón lót toàn bộ phân hữu cơ + phân lân + 20% urê + 30%kali, bón lót vào rãnh hoặc hố trồng đảo đều với đất. Bón thúc làm 4 lần. Lần 1 vào lúc 2 tuần sau khi trồng với10% urê. Lần 2 khi bắt đầu ra hoa với 20% urê + 20% kali. Lần 3 khi cây băt đầu có quả với 30% urê + 30% kali. Lần 4 khi bắt đầu thu trái với hết số phân còn lại.

Một số chú ý để sản xuất ớt trái có vị cay nhiều, ngoài bản chất của giống có thể tăng cường phân chuồng, nhất là phân gà và kali. Các yếu tố về khí hậu cũng ảnh hưởng như ớt cay cần nhiệt độ nóng nhưng điều khiển không dễ dàng. Có thể điều khiển bằng nước tưới, chỉ tưới nước khi cây cần; không bón thừa phân đạm; bón bổ sung phân có chứa lưu huỳnh (S) và không trồng giống ớt cay gần nơi với giống ớt không cay.

TS Nguyễn Công Thành (Dân Việt)

Thursday, September 18, 2014

Sử dụng bột bã mía trong nuôi tôm

Bã mía, sản phẩm thải của nhà máy đường, là một sản phẩm hữu dụng giúp “Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn (Bạc Liêu) thắng liên tiếp 3 vụ tôm. Dưới đây là những kinh nghiệm của ông Ngoãn về sử dụng bột bã mía trong quá trình nuôi.

Sử dụng bột bã mía

Bột bã mía được dùng làm chất đốt, làm thức ăn cho trâu bò và làm phân bón, giúp bổ sung chất sắt, kẽm, phốtpho, các bon, can xi... cho cây. Trong nuôi tôm, bột bã mía được dùng để bổ sung chất khoáng cho tảo, giúp phát triển hệ vi sinh vật có lợi trong nước, ổn định môi trường nước và cung cấp một số chất (sắt, kẽm...) cho tôm nuôi, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng (TTCT); đồng thời, khi ứng dụng phương pháp này, chỉ số pH, độ kiềm trong nước ổn định ở mức phù hợp cho tôm phát triển. Hiện nay nhà máy mía đường Sóc Trăng đã dùng bã mía nghiền thành bột mịn, trộn vi sinh ủ lên men đóng bao bán trên thị trường với giá 2.400 đồng/kg.

Chuẩn bị ao nuôi

Diện tích ao 2.000 - 5.000 m2, ao nên có hình chữ nhật. Quy trình cải tạo ao, người nuôi thực hiện đúng như quy trình cải tạo ao nuôi tôm bình thường (tát cạn sên vét đáy, rải vôi, gia cố bờ cống, quây lưới...)

Nước cấp cho ao cũng được lấy từ ao lắng, khử trùng và diệt giáp xác, duy trì mực nước ao 1,2 - 1,4 m.

Sau khi lấy nước vào ao, thay vì bón bột đậu nành, bột cá gây màu nước thì người nuôi sử dụng bột bã mía hòa loãng té đều xuống ao, liều lượng 1 kg/100 m3 nước. Những đáy ao thuần thì sau 2 đợt bón bột bã mía (5 ngày/lần) thì màu nước lên đẹp. Đối với những ao nuôi có nền đáy bị chai, khó gây màu nước thì có thể tăng tần suất sử dụng bột bã mía lên 2 ngày/lần cho đến khi màu nước đạt yêu cầu (màu vỏ đậu hoặc bã trà nhạt), kiểm tra các yếu tố môi trường như pH 7,5 - 8,  kiềm 120 - 130 mg/l, NH3 < 0,1 ; H2S = 0,  hàm lượng ôxy hòa tan > 5 mg/l thì có thể thả giống.

“Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn kiểm tra tôm nuôi - Ảnh: Trần Út 
Giống và mật độ thả

Tiêu chuẩn chọn con giống cũng như quy trình nuôi bình thường, giống nên được kiểm dịch và có chất lượng tốt.

Để đạt hiệu quả trong mô hình này người nuôi nên thả tôm với mật độ thưa, TTCT thả mật độ 30 - 35 con/m2, tôm sú 8 - 12 con/m2. Cần lắp đặt quạt khí và vận hành quạt đảm bảo cung cấp đủ ôxy cho ao nuôi. Nên thả giống lúc thời tiết mát mẻ (sáng sớm hoặc chiều tối), và thả ở đầu gió để tôm phát tán được ra khắp ao. 

Quản lý và chăm sóc

Thức ăn và chế độ cho ăn, người nuôi nên áp dụng đúng theo quy trình nuôi tôm bình thường.

Về quản lý môi trường, trong 2 tháng đầu người nuôi không phải bón bất cứ chế phẩm vi sinh hoặc chất khoáng bổ sung nào vào nước ao nuôi mà chỉ bón bột bã mía định kỳ xuống ao với liều lượng 10 kg/1.000 m3 nước ao. 

Lưu ý: trước khi bón 1 ngày và sau khi bón 2 ngày người nuôi cần lấy mẫu nước để kiểm tra các yếu tố môi trường (mật độ vi khuẩn trong nước, pH, kiềm…) để đánh giá tác dụng của bột bã mía và có thể tăng giảm cho hợp lý.

Trong quá trình nuôi, nên chú ý chất lượng màu nước và các yếu tố cơ bản (pH, kiềm…) để điều chỉnh bằng cách bón thêm bột bã mía cho hợp lý. Thường xuyên kiểm tra sức ăn của tôm trong nhá vó để điều chỉnh đủ lượng thức ăn, tránh dư thừa. Trong thời gian nuôi cần duy trì mực nước 1 m trở lên và không nên lội xuống ao mò bắt kiểm tra tôm khi trời nắng nóng. Cần trộn vào thức ăn Vitamin C, thuốc bổ gan để tăng sức đề kháng cho tôm.

Sau 2 tháng nuôi, lúc này tôm đã lớn, sức đề kháng tốt hơn, nhưng lượng chất thải cũng nhiều. Do vậy, ngoài việc bón bột bã mía định kỳ, người nuôi có thể sử dụng thêm chế phẩm vi sinh để xử lý nền đáy ao, tăng cường duy trì quạt khí giúp tôm hô hấp được tốt.  

Thu hoạch

Sau 3 - 4 tháng nuôi đối với TTCT và 5 - 6 tháng nuôi đối với tôm sú thì có thể thu hoạch; tuy năng suất không cao như ao nuôi mật độ cao nhưng bù lại tôm luôn khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng và kích cỡ lớn, tôm TTCT 40 - 50 con/kg, tôm sú 25 - 35 con/kg, năng suất 3,5 - 4 tấn TTCT/ha và 1,5 - 2 tấn tôm sú/ha; giá bán cao và đặc biệt ở quy trình này là chất lượng môi trường nước luôn được quản lý tốt, ít dịch bệnh và có thể nuôi bền vững.

  “Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn, điện thoại 0913.848.327: Hiện nay, tôi đã nuôi thành công ba vụ tôm từ bột bã mía ở 2 ha hồ nuôi; ai cần giúp đỡ thì tôi sẽ tư vấn chứ không giấu nghề.

Dương Tử 

Wednesday, September 17, 2014

Nuôi kiến đen để phòng trừ bọ xít muỗi trên cây điều

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ đầu tháng 9/2014 đến nay, trên 642,6ha diện tích cây điềutrong toàn tỉnh đã bị bọ xít muỗi gây hại, tăng 390ha so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa

Cứ vào sáng sớm, chiều mát hoặc những ngày thời tiết âm u, bọ xít muỗi thường tập trung chích hút nhựa trên các cành, lá, chồi khi còn non làm biến dạng và rụng trái điều non. Dự báo, bọ xít muỗi sẽ còn tiếp tục sinh sản, phát triển trên cây điều ở diện rộng đến tháng năm 2015

Để phòng trừ hiệu quả loài côn trùng này, chi cục khuyến cáo người trồng điều cần tích cực tỉa cành, tạo tán trên từng cây, nhất là những cành cây nhỏ bị che bóng, cành bị sâu bệnh, cành vượt. Dọn sạch cỏ dại và nuôi kiến đen trong vườn điều để làm thiên địch, đồng thời, sử dụng các loại thuốc phòng trừ hiệu quả bọ xít muỗi như: Oxymatrine (Vimatrine 0.6SL), Emamectin benzoate (Tasieu 1.0EC, 1.9EC, 2WG, 5WG), Abamectin (Nouvo 3.6EC, Plutel 1.8 EC, 3.6EC)…

Văn Việt/ Báo Lâm Đồng

Monday, September 15, 2014

Kinh nghiệm thâm canh tỏi tây

Trồng cây vào buổi chiều mát và trồng theo khoảng cách (8-10 cm x 8-10 cm/cây). Sau khi trồng cần phủ trấu hoặc rơm chặt ngắn để hạn chế cỏ dại và chống nóng...

Chăm sóc tỏi tây ở Hải Dương

Năm nay nhuận 2 tháng 9 âm lịch nên thời tiết đầu vụ trồng tỏi tây sẽ có nhiều đợt nắng mưa xen kẽ kéo dài và nền nhiệt độ thường cao nên không thuận lợi cho cây sinh trưởng, phát triển (tỏi tây phát triển thích hợp ở ngưỡng nhiệt 20 - 25 độ C).


Vì vậy, nông dân khi thâm canh cây trồng này có thể lùi thời vụ hoặc sử dụng các phương pháp chống nóng cho tỏi như trồng tỏi tây trong nhà lưới, nhà màn hoặc che lưới đen để giảm nắng. Nếu xây dựng nhà lưới thì nên có khung chắc chắn, chiều cao 3,8 - 4,2 m, kích thước mắt lưới (1-1,5 mm x 1-1,5 mm) để đảm bảo thông thoáng.

Chuẩn bị giống, làm đất, gieo hạt, trồng cây: Tỏi tây được gieo trồng bằng hạt, lượng giống cho 1 sào Bắc bộ (360 m2) cần 100 - 120 gr. Trong trường hợp thiếu giống, các nhánh mọc từ gốc cũng có thể sử dụng để trồng.

Giai đoạn hạt nảy mầm, tỏi tây cần nhiệt độ thấp (15 - 17 độ C). Vì vậy, nếu gặp nhiệt độ cao khi ngâm ủ giống thì cần xử lý hạt giống trước khi gieo bằng cách: Hạt giống ngâm trong nước 3 - 4 h sau đó vớt ra để ráo, bọc vào miếng vải ẩm để trong tủ lạnh. Hàng ngày đưa hạt ra nhúng lại nước sau đó tiếp tục đưa vào xử lý. Thời gian này thường kéo dài 4 - 5 ngày. Khi hạt nứt nanh thì đem gieo.

Đất làm vườn ươm cần được bổ sung thêm trấu mục, phân chuồng hoai để tăng độ tơi xốp, cây con phát triển thuận lợi. Lượng hạt giống gieo là 2 gr/m2. Gieo xong cần phủ một lớp rơm chặt nhỏ 4 - 5 cm để che phủ hạt. Khi cây mọc, cần có mái che, bảo vệ cho cây con khi gặp thời tiết bất lợi và bổ sung các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng cần thiết cho cây. Cây giống trong vườn ươm từ 25 - 30 ngày, cây có 2 - 3 lá là đưa ra trồng được.

Trong thời gian cây tỏi ở vườn ươm nên nhổ cỏ dại bằng tay, không dùng thuốc trừ cỏ phun lên luống tỏi giống sẽ làm cây con bị ảnh hưởng.

Trước khi nhổ cây từ vườn ươm ra trồng khoảng 1 tuần cần có biện pháp huấn luyện cho cây con như hạn chế tưới nước, phun phân kali trắng + vi lượng giúp cây được cứng cáp và ít bị thất thoát sau trồng. Trước khi trồng cần cắt 1 phần lá và rễ cây con, nhúng rễ cây con vào dung dịch nấm đối kháng Trichodecma đã pha để hạn chế bệnh hại và kích thích bộ rễ phát triển.

Tỏi tây ưa đất giàu mùn. Đất trồng được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại xử lý nấm bệnh bằng nấm đối kháng Trichodecma hoặc thuốc gốc đồng, vôi tả. Lên luống rộng khoảng 1 - 1,2 m, cao 25 - 30 cm, rãnh rộng 30 cm.

Lượng phân bón cho 1 sào Bắc bộ từ 4 - 5 tạ phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh thay thế + 7,5 - 8 kg urê +18 - 20 kg supe lân + 7,5 - 8 kg kaliclorua hoặc phân NPK tương đương thay thế.

Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân 1/4 urê, 1/4 kali. Đảo đều phân vào đất để rễ cây tránh tiếp xúc vào phân khi mới trồng.

Trồng cây vào buổi chiều mát và trồng theo khoảng cách (8-10 cm x 8-10 cm/cây). Sau khi trồng cần phủ trấu hoặc rơm chặt ngắn để hạn chế cỏ dại và chống nóng, duy trì tưới dưỡng ẩm cho cây nhanh hồi phục.

Lượng phân còn lại chia làm 3 lần bón vào các thời kì 15, 30, 45 ngày sau trồng kết hợp với bón hoặc phun phân bón trung vi lượng để cung cấp dinh dưỡng cho cây.

Tưới nước và chăm sóc: Đất trồng tỏi tây cần đủ ẩm thường xuyên (75 - 80%). Giai đoạn mới trồng dùng bình ô doa tưới đều cả luống. Khi cây phát triển tốt nên áp dụng biện pháp tưới tràn hoặc tưới theo rãnh luống. Tháo hết nước đọng rãnh sau khi tưới hoặc sau mưa.

Trong giai đoạn cây còn nhỏ, độ che phủ đất thấp, cỏ dại phát triển mạnh nên cần chú ý làm cỏ, xới phá váng kết hợp với bón thúc cho tỏi phát triển thuận lợi.

Phòng trừ sâu bệnh: Cần thực hiện nghiêm ngặt phòng trừ tổng hợp IPM. Tỏi tây thường ít bị sâu hại. Tỏi chính vụ hay bị bệnh sương mai, cháy đầu lá vì vậy, cần sử dụng thuốc phun phòng như Zineb 80WP, Boocdo 1% và thuốc trị như Rovral 50WP, Aliette 80WP, Nativo 750WG...

Trong những ngày có sương muối, nông dân cần bảo vệ tỏi bằng cách tưới nước rửa sương kết hợp rắc tro bếp hay phun thuốc phòng bệnh để giảm thiểu lượng cây bị bệnh trong ruộng.

Tỏi sau trồng 70 - 80 ngày là có thể thu hoạch. Cây thu về loại bỏ lá già, lá bệnh, rửa sạch, đóng gói rồi đem tiêu thụ hoặc bảo quản trong kho lạnh.

Trần Thị Liên/ nongnghiep.vn