Wednesday, August 20, 2014

Kỹ thuật nuôi chạch đồng

Ở Hà Nội, vài năm nay đã xuất hiện một số mô hình nuôi chạch trên vùng ruộng trũng hoặc ao tại những vùng chiêm trũng...

Do khai thác bừa bãi bằng các phương tiện hủy diệt, do môi trường thích hợp trong tự nhiên ngày càng thu hẹp lại nên chạch đồng trở nên khan hiếm, giá bán cao. Chính vì thế, ngành nuôi trồng thủy sản đã nghiên cứu việc sinh sản nhân tạo, nuôi chạch đồng.

Ở Hà Nội, vài năm nay đã xuất hiện một số mô hình nuôi chạch trên vùng ruộng trũng hoặc ao tại những vùng chiêm trũng các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức... Nông dân đắp bờ đất cao, có quây nylon xung quanh để tránh thất thoát chạch đồng khi trời mưa.


Trong ruộng nuôi nông dân không để trống mà tạo những bờ đất bằng cách đắp nổi, trên đó trồng dày đặc cây điền thanh lấy bóng mát. Ruộng nuôi chạch có thể nuôi xen ghép cua đồng.

Ban đầu con giống đều được thu gom từ trong tự nhiên nên tỷ lệ hao hụt cao, kích cỡ không được đồng đều. Giờ đây với việc chủ động SX giống, nuôi chạch đồng hứa hẹn sẽ là một nghề tốt bởi sản phẩm làm ra không có đủ để tiêu thụ. Hiện chạch thương phẩm đã được bán nhiều trên thị trường với giá khoảng 100.000 đồng/kg (cỡ khoảng 50 con/kg).

Để biết thêm về mô hình nuôi chạch đồng, chúng tôi xin hướng dẫn tóm tắt quy trình nuôi chạch thương phẩm để bà con nghiên cứu áp dụng.

1. Chuẩn bị ao, bể nuôi

Bà con có thể nuôi chạch ở ao đất, bể xi măng, bể lót bạt, tùy theo điều kiện đầu tư để quyết định diện tích nuôi.

Nên thiết kế ao, bể có diện tích vừa phải, từ 5 - 10m2 để thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý, thu hoạch. Ao, bể chủ động nước, cống lấy nước vào, tháo ra đối diện nhau là tốt nhất, đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông.

2. Chuẩn bị giống

Để tránh hao hụt nhiều, bà con nên mua giống cỡ lớn (khoảng 300 con/kg), chọn con giống đều cỡ, màu sắc tươi sáng, khỏe mạnh, không xây xát, không bệnh tật.

3. Quản lý và chăm sóc

Trước khi thả nuôi, phải tắm phòng bệnh cho chạch giống bằng nước muối 3% từ 10 - 15 phút, hoặc tắm bằng Povidine liều lượng 5 ml/m3 nước. Mật độ thả 50 - 100 con/m2, sau 3 tháng có thể bán chạch thương phẩm.

Chạch dễ nuôi hơn lươn, thức ăn của chạch đơn giản hơn (chạch ăn mùn bã hữu cơ), khi chạch còn nhỏ cho ăn thức ăn có độ đạm trên 30%, sau đó giảm dần, 30 ngày nuôi sau cho chạch ăn thức ăn có độ đạm 20 - 25%, cho ăn 2 lần/ngày (sáng, chiều tối). Tỷ lệ thức ăn trung bình 1,4.

4. Phòng bệnh và trị bệnh

- Phòng bệnh: Chạch ít bị bệnh hơn lươn, tuy nhiên nếu để nước ô nhiễm nhiều ngày thì chạch cũng dễ bị bệnh.

 Chạch có thể bị nấm, đốm đỏ lở loét, bệnh đường ruột... Để phòng bệnh nên trộn thêm vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn cho chạch, định kỳ cho ăn 2 lần/tháng, mỗi lần 3 - 5 ngày liên tục. Ngoài ra còn phải cho ăn 4 đúng (đúng chất lượng, đúng số lượng, đúng thời gian, đúng vị trí). Chú ý thay nước định kỳ không để nước ô nhiễm.

- Trị bệnh: Khi phát hiện chạch bị nấm có thể tắm cho chạch bằng các loại hóa chất sau: Nước muối3% hoặc KMnO4 liều lượng 20 gr/1m3 nước, thời gian 10 - 15 phút.

Trộn kháng sinh vào thức ăn cho chạch ăn: Doxycyline 0,2 - 0,3 gr/1kg thức ăn; Oxytetracyline 2 - 4 gr/kg thức ăn, cho ăn 5 - 7 ngày liên tục.

5. Thu hoạch

Sau thời gian nuôi 9 - 12 tháng, chạch có thể đạt kích cỡ 100 - 150 con/kg, và có thể thu tỉa dần.

Do tập tính sống chui rúc sâu dưới bùn nên việc thu hoạch sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn các đối tượng nuôi khác.

Đối với chạch đồng: Trước khi thu hoạch cần tháo cạn ruộng nuôi cũng như mương và để từ 3 - 4ngày cho mặt ruộng và mương cứng lại. Sau đó xẻ một rãnh dọc ruộng hoặc xẻ theo hình xương cá.

Tiếp theo là thêm nước mới vào để cho chạch vào rạch theo nước mới từ đó ta chỉ việc tiến hành thu. Trong quá trình thu có thể dùng lưới có mắt lưới tùy theo cỡ chạch cần thu để lọc bỏ những con bé hoặc những con đang mang trứng để dùng làm chạch bố mẹ hoặc chạch giống cho vụ sau.

Ngoài cách này, cũng có thể thu chạch bằng phương pháp đặt bẫy mà không cần tháo cạn hết nước… Trước khi xuất bán 1 ngày không cho chạch ăn, không dùng kháng sinh trước khi xuất bán15 ngày.

Đánh bắt cẩn thận không để chạnh xây xát, cho chạch vào thùng xốp, không cho nước hoặc cho ít nước để chạnh không bị khô da.

TH/ nongnghiep.vn

Trồng bắp lai

Ngành nông nghiệp khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, tôi tính trồng thử cây bắp lai nhưng không nắm rõ kỹ thuật. Xin hãy hướng dẫn kỹ thuật cũng như thông tin nơi tiêu thụ dùm tôi. Bảy Triệu (Bình Tân, Vĩnh Long)

Ảnh minh họa


Anh Bảy Triệu thân mến, bắp lai thích hợp trồng cả 3 vụ trong năm, nhưng trồng vụ Xuân Hè hoặc Hè Thu hiệu quả hơn. Có thể trồng mật độ 60.000 - 70.000 cây/ha với khoảng cách trồng có thể từ60 - 75cm x 25cm.

Trước khi gieo cần ngâm hạt 12 - 18 giờ, ủ 10- 12 giờ nữa cho nảy mầm. Gieo xong cần phủ một lớp tro trấu trộn ít phân và phủ rơm rạ lên trên. Gieo 1 hạt/ hốc nếu giống nảy mầm tốt. Chú ý tưới giữ ẩm liên tục cho đến khi mọc thành cây.

Cần bón lót phân lân ngay sau khi gieo hạt. Bón thúc lần 1 với 25% lượng đạm + 50% kali vào lúc12- 15 ngày sau gieo. Thúc lần 2 với 50% đạm + 50% kali còn lại vào giai đoạn 30- 35 ngày sau gieo. Thúc lần 3 với 25% đạm vào giai đoạn 50 ngày sau gieo.

Được biết, hiện Công ty CP Nông trại sinh thái Ecofarm, Công ty Tài Lộc CNB ở Cần Thơ đang liên kết với nông dân ở Đồng Tháp, Long An thu mua loại bắp này, giá khoảng 3.500 đồng/kg. Để hiểu rõ hơn, anh có thể liên hệ trực tiếp với các công ty.

Chúc anh thành công!

Bạn nhà nông/ Báo Vĩnh Long

Monday, August 18, 2014

Kiến thức cơ bản về trồng rau VietGAP

Để có được thực phẩm sạch trên mỗi bàn ăn gia đình cũng như đạt hiệu quả kinh tế trong tiêu thụ..., cần phải thực hiện được vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) ngay từ các khâu sản xuất, sơ chế, đóng gói, bảo quản...

Một hộ nông dân sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại Nam Sách (Hải Dương).


Muốn sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, người trồng rau cần thực hiện và đảm bảo được đầy đủ các yêu cầu sau đây:

+ Chọn đất trồng rau VietGAP: Vùng đất chọn trồng rau VietGAP cần phải được cơ quan có thẩm quyền phân tích các nguy cơ ô nhiễm sinh học, hóa học. Nếu đủ điều kiện theo TCVN hoặc đã được khắc phục ô nhiễm thì cơ sở sẽ được cấp giấy chứng nhận để sản xuất rau an toàn.

* Chú ý: Để vùng trồng rau VietGAP được duy trì bền vững khi chọn cần cách xa các khu vực: Khu công nghiệp, bệnh viện, nghĩa trang, khu chăn nuôi tập trung và đường quốc lộ. Tiến hành đánh giá lại mức an toàn của vùng sản xuất theo định kỳ 3 năm 1 lần.

+ Sử dụng giống và gốc ghép: Hạt hoặc cây giống bị ô nhiễm hóa học (thuốc bảo quản...), có thể tồn dư lâu dài và gây ô nhiễm cho sản phẩm rau. Do đó, để giảm thiểu mối nguy này, người trồng cần phải sử dụng giống rau có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

+ Quản lý đất và giá thể: Hàng năm phải tiến hành phân tích, đánh giá các mối nguy tiềm ẩn trong đất và giá thể bao gồm các mối nguy sinh học và hóa học. Nếu vượt ngưỡng cho phép thì phải xử lý mối nguy bằng ôxy hóa hoặc khử trùng.

+ Sử dụng phân bón và chất bổ sung: (Chất bổ sung là các chất kích thích sinh trưởng, kích thích ra hoa đậu quả ví dụ như GA3, Ethylen...). Phân bón và chất bổ sung tiềm ẩn mối nguy hóa học (phân bón vô cơ) và mối nguy sinh học (phân bón hữu cơ) cho rau quả.

Trong đó phân bón vô cơ nhất là phân đạm urê sẽ gây ô nhiễm về dư lượng nitơrat (NO3) cho người sử dụng nếu không được cách ly đúng.

Người trồng rau muốn hạn chế tối đa các mối nguy trên cần phải bón phân đúng kỹ thuật (bón vùi phân hữu cơ, cách ly urê sau khi bón tối thiểu 10 ngày, bón đủ liều lượng và không lạm dụng urê; dùng phân lân có hàm lượng kim loại nặng thấp nhất; phân chuồng cần phải ủ mục trước khi bón...

+ Nước tưới và nước rửa sản phẩm: Khác với sản xuất rau thông thường, sản xuất rau VietGAP đòi hỏi nước tưới và nước rửa phải riêng biệt (nước tưới rau yêu cầu là nước an toàn nhưng nước rửa rau phải là nước sạch- nước máy).

Tuyệt đối không dùng nước giếng khoan chứa kim loại nặng hoặc nước bị ô nhiễm như nước thải từ khu dân cư, bệnh viện, nước phân tươi... để tưới rau.

+ Dùng thuốc BVTV và các hóa chất khác: Để giảm thiểu mối nguy hóa học cho rau quả người trồng cần phải tuân thủ các quy định trong khi sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng).

+ Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch: Trong quá trình thu hoạch và sơ chế, đóng gói sản phẩm người trồng cần chú ý vệ sinh thường xuyên nhà xưởng, trang thiết bị, không sử dụng nước tưới để rửa rau, không để sản phẩm rau quả trực tiếp xuống đất, không đeo trang sức, phòng chống an toàn dịch hại khu nhà xưởng và kho bảo quản rau, bóng đèn trong nhà xưởng phải có mạng bảo vệ, vệ sinh cá nhân sao cho tốt...

* Chú ý: Khác với sản xuất rau thông thường, sản xuất rau VietGAP người trồng cần phải ghi chép và lưu trữ hồ sơ ở mỗi khâu trong quá trình sản xuất (nhật ký sản xuất) mới đảm bảo được ATTP.

KS Trần Thị Liên Trạm khuyến nông Nam Sách (Hải Dương)/ Dân Việt

Friday, August 15, 2014

Kỹ thuật sản xuất và ương giống cá tai tượng

Cá tai tượng (Osphronemus Gouramy Lacepede) là một trong những đối tượng nuôi triển vọng hiện nay tại nhiều địa phương, mở ra hướng sản xuất mới, hiệu quả cao. Đây cũng là loài có đặc điểm sinh sản khá đặc biệt.

1. Phân biệt cá đực - cái, tỷ lệ và mật độ nuôi vỗ

Cá đưa vào nuôi vỗ phải đều nhau về kích thước và lứa tuổi, cá khỏe mạnh, không bị xây xát, không bị dị hình dị tật.

Cách phân biệt:

Cá tai tượng thành thục sau hai năm tuổi (1 - 1,5 kg/con), tuy nhiên, để cá sinh sản tốt nên sử dụng cá 3 - 7 năm tuổi, trọng lượng trên 1,5 kg/con.

Tỷ lệ nuôi vỗ đực:cái = 1:2 hoặc 2:3, mật độ 0,3 - 0,5 kg/m2 (có thể ghép thêm cá sặc hay cá chép để tận dụng thức ăn trong ao). Trước khi thả cá nên tắm cá trong nước muối 3% từ 10 - 15 phút.

Hình thức nuôi vỗ: Đối với cá tai tượng thường nuôi vỗ chung cá đực và cái trong một ao.

Cá tai tượng thành thục sau hai năm tuổi đạt trọng lượng 1 - 1,5 kg/con - Ảnh: Ngọc Trinh

2. Phương pháp cho cá đẻ tự nhiên trong ao

Hiện nay, thường cho cá tai tượng đẻ tự nhiên trong ao cá nuôi vỗ. Cá bố mẹ thành thục tự bắt cặp với nhau, chỉ cần cung cấp vật liệu làm tổ và theo dõi, rồi thu trứng đã được thụ tinh rồi đem ấp.

Đến mùa sinh sản của cá tai tượng (tập trung từ tháng 2 đến tháng 5), chọn nơi trong ao có nước trong mát, yên tĩnh, để đặt những khung tổ, cách mặt nước 10 - 20 cm. Số khung tổ bằng 2/3 số cá nuôi vỗ trong ao, tổ được đặt cách nhau ít nhất 2 m để tránh cá tranh giành tổ đẻ.

Khung tổ là giỏ tre hình nón có cán giống tổ chim lật ngược, đường kính tổ 20 - 30 cm, sâu 20 - 40 cm, tổ đặt nghiêng một góc 30o so với mặt nước, miệng tổ thấp hơn chóp và phải có sẵn một ít xơ thực vật.

Xơ thực vật thường là xơ mo cau hoặc xơ dừa khô, xơ bao cọng lá dừa, được xé tơi, làm sạch, cắt thành đoạn dài 20 cm để cá dễ sử dụng. Xơ thực vật được rải đều trên thanh tre hoặc dây vắt ngang mặt nước gần khung tổ. 

Chú ý: Phải cung cấp đủ xơ cá mới đẻ được.

Vào thời gian cá đẻ và kéo xơ làm tổ, người ta dễ dàng quan sát để nhận biết và có thể bổ sung xơ làm tổ cho cá. Ngoài ra, có thể cho cá đẻ riêng từng cặp trong bể xi măng, đạt năng suất cao hơn nhưng chi phí đầu tư cao.

Cá thường đẻ tập trung vào buổi chiều, sau khi lót lớp xơ đầu tiên, cặp cá bố mẹ bắt đầu đẻ và phóng tinh, trứng nổi lên và mắc kẹt phía dưới lớp xơ, lớp trứng đầu tiên được đẻ xong thì cá lại kéo lớp xơ khác phủ lên lớp trứng rồi đẻ tiếp, cứ 1 lớp xơ 1 lớp trứng đến khi cá phủ lớp xơ cuối cùng là 1 - 3 giờ, mỗi tổ thường có 4 - 6 lớp trứng và xơ nhưng có khi đến 19 lớp. Số lớp trứng và xơ tùy vào kích cỡ cá và lượng trứng cá cái.

Sau 17 giờ chiều có thể kiểm tra tổ và thu tổ trứng. Vì cá tai tượng có tập tính bảo vệ tổ nên rất hiếu chiến, vậy trước khi kiểm tra tổ cần dùng gậy đuổi cá để tránh bị cá cắn.

Dấu hiệu nhận biết cá đã đẻ xong: tổ gần như bịt kín bằng xơ, trên mặt nước gần tổ có những giọt dầu hoặc những hạt trứng màu vàng cam rơi khỏi tổ nổi trên mặt nước, nếu váng dầu quá nhiều là dấu hiệu của trứng hư.

3. Kỹ thuật thu và ấp trứng

Vớt tổ trứng lên đặt tổ ngập trong thau nước, nhẹ nhàng lấy từng lớp xơ ra, trứng thoát khỏi tổ nổi trên mặt nước, vớt trứng chuyển sang thau nước sạch khác, mật độ ấp 1.000 - 2.000 trứng/thau nhựa có đường kính 50 - 60 cm, nhiệt độ thích hợp 28 - 30oC, một tổ chứa 3.000 - 5.000 trứng.

Để các thau trứng nơi mát, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào thau, trong quá trình ấp vớt bỏ những trứng hư có màu trắng đục, thay 80 - 100% nước mỗi ngày/lần, sau 30 - 36 giờ trứng nở.

Sau khi nở, cá bột dinh dưỡng bằng noãn hoàng 7 - 10 ngày. Cần thay nước mỗi ngày, cho 4 - 5 tai bèo hoặc rong vào thau để làm giá thể cho cá bột bám. Sau khi nở 7 - 10 ngày, cá bột được chuyển sang bể hoặc ao ương.

4. Kỹ thuật ương cá giống

* Ương trong bể xi măng hoặc lót bạt

Bể ương cá bột hình chữ nhật, diện tích 4 - 10 m2, mực nước 0,5 - 0,6 m, có mái che. Mật độ ương: 1.000 - 1.500 con/m2.

Thức ăn cho cá là lòng đỏ trứng luộc chín, bóp nhuyễn hòa với nước, rải đều khắp bể, cho cá ăn, số lượng 10 trứng/10.000 cá bột/ngày.

Sau đó cho ăn các loại phiêu sinh động vật như: Moina (trứng nước) 1 lon sữa bò/10.000 cá bột/ ngày. Sau một tháng cho ăn trùn chỉ, cung quăng, bột cá xay nhuyễn vừa miệng cá, thức ăn mảnh; tấm cám, ruốc nấu chín; bèo tấm, bèo cám... Ương trong bể có tỷ lệ sống cao nhưng phải thay nước và xiphông đáy, thường xuyên vớt thức ăn dư thừa và những con cá bị chết, loại bỏ cá yếu, ương 2 tháng thì chuyển sang nuôi thịt.

Định kỳ nên bổ sung Vitamin C vào thức ăn cho cá để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho cá.

* Ương trong ao đất

Ao có diện tích 100 - 500 m2, gần nguồn nước sạch để dễ dàng cho cấp thoát nước, mực nước 0,8 - 1,2 m. Chuẩn bị ao thực hiện giống các bước chuẩn bị ao đã được trình bày trong phần kỹ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ.

Ương cá trong ao đất có diện tích 100 - 150 m2 - Ảnh: Phương Dung

Thả cá bột: cá bột cần thả vào ao ương trong vòng 24 giờ sau khi lấy nước vào, để cho những địch hại của cá bột (giáp xác chân chèo, nòng nọc, bọ gạo, bắp cày…) chưa kịp phát triển hại cá. Sau đó thức ăn dư thừa của cá bột (bột đậu, cám…) sẽ cung cấp thêm dinh dưỡng giúp tảo phát triển gây màu cho ao. Trường hợp sau khi lấy nước vào ao ương hơn 2 ngày vẫn chưa thả cá bột thì nên tháo cạn nước, cải tạo lại. Mật độ thả: 100 - 150 con/m2, cá thả một ao phải cùng ngày tuổi để tránh cá lớn không đều, ăn thịt lẫn nhau.

Thành phần thức ăn giống như ương cá trong bể. Ương cá trong ao đất, tỷ lệ sống thấp hơn ương trong bể nhưng giảm được chi phí. Sau hai tháng ương cá đạt cỡ 1,5 - 2 cm có thể xuất bán để nuôi cá thương phẩm.

Vừa qua, tại Tiền Giang đã thực hiện thành công mô hình nuôi các tai tượng an toàn sinh học, qua 18 tháng nuôi cá đạt cỡ trung bình 600 - 750 g/con, cá biệt có 1 hộ đạt 860 g/con; tỷ lệ sống trung bình 80%. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận 20 - 40 triệu đồng/công (1.000 m2), tùy theo giá cá tại mỗi thời điểm.

Phương Dung/ Tạp chí Thủy sản Việt Nam 

Tuesday, August 12, 2014

Bí quyết chăm cam sành ra hoa trái vụ, thu nhập cao gấp 3 - 5 lần

Cam sành là loài cây ăn trái có giá trị kinh tế cao (vụ nghịch hơn 30.000 đồng/kg) nên đang được nhiều bà con ở ĐBSCL tăng cường trồng rải vụ suốt năm.

Cam sành sau giai đoạn cắt nước nên bón thật nhiều phân hữu cơ để bồi bổ cho cây phục hồi lại.

Khi trồng, cần chọn cây giống có bộ rễ nông tốt, nên che bớt ánh nắng và tưới ẩm đất rồi đào một hố đủ rộng, không quá sâu vì rễ chỉ ăn nông dưới lớp đất mặt. Đặt cây giống xuống hố rồi lấp đất lại, ấn nhẹ đất xung quanh gốc cây, không nén đất quá nhiều hoặc chất đống đất hay phủ bồi đất cao lên gốc để tránh bệnh lở cổ rễ, một bệnh khá phổ biến ở cây có múi.

Sử dụng phân bón hữu cơ để nuôi dưỡng cây. Nên sử dụng phân đã nghiền thành bột (nếu dùng phân bột viên như phân gà, phân bò… cũng nên nghiền nát ra) và trộn nấm Trichoderma rắc trên đất cách xa gốc để kích thích rễ lan ra. Luôn tưới ẩm đất trước và sau khi bón phân.

Khi cây lớn chú ý chăm sóc tỉa cành, nhánh mọc lẻ tẻ, rời rạc. Cắt các cành nhánh ngay bên dưới nơi chúng mang trái hoặc hoa. Điều này sẽ kích thích cây tập trung năng lượng cho tăng trưởng thực vật. Nó cũng làm cho cây trở nên mạnh mẽ và không phát triển tán rườm rà.

Việc bón phân và điều khiển ra hoa, trái vụ là một kỹ thuật quan trọng giúp nhà vườn có thu nhập cao. Cam sành nghịch vụ có giá cao gấp 3 - 5 lần vụ thuận. Nhằm kích thích ra hoa sớm, biện pháp được dùng phổ biến là cắt nước trong mùa khô nhằm tạo sự căng thẳng sinh lý trong cây để kích thích ra chồi non và hoa khi tưới nước trở lại. Ngừng tưới nước từ 12 – 15 ngày đến khi cây có biểu hiện héo thì tưới nước trở lại. Khi thực hiện chú ý thời gian từ khi cây ra hoa đến thu hoạch mất khoảng 9 tháng.

Sau khi cắt nước 12 - 15 ngày thấy cây có biểu hiện héo thì tiến hành bón phân hữu cơ hoai mục, bón càng nhiều càng tốt kết hợp với 150 - 250g urea + 300 - 500g lân + 100 - 150g kali (KCl) cho một gốc. Bón quanh tán cây theo vành mép tán bằng cách đào rãnh sâu 20cm, rộng 30cm. Trộn đều các loại phân xong cho vào rãnh lấp kín đất, ủ rơm giữ ẩm.

Hoặc có thể bón rải trên liếp. Sau khi bón phân, tưới nước khoảng 7 ngày thì cây phát triển chồi non và ra hoa. Từ khi cây có hoa, cứ khoảng 2 tháng 1 lần bón bổ sung phân cho cây, mỗi lần tương đương số lượng trên hoặc dùng phân hỗn hợp có tỷ lệ N-P-K tương ứng bón kết hợp tưới nước giữ ẩm thường xuyên.

Dùng các loại thuốc chống rụng trái được khuyến cáo (như VITĐQ 40...). Ngoài ra, để cho trái sáng đẹp và không bị da lu, da cám nên phòng tránh nhện đỏ, nhện vàng bằng các loại thuốc an toàn được khuyến cáo.

TS Nguyễn Công Thành/ Dân Việt

Trồng hoa thiên lý - làm chơi ăn thật

Thiên lý là loại cây rau đặc sản, lại dễ trồng nên những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở Nam Sách (Hải Dương) đã quan tâm đầu tư thâm canh, chuyên cung cấp hoa cho thương lái đưa đi các thành phố lớn tiêu thụ và thu được lợi nhuận cao.

Trồng hoa thiên lý đã mang lại lợi nhuận lớn cho nhiều hộ ở Nam Sách, Hải Dương.

Hoa thiên lý là loại rau chứa nhiều dinh dưỡng, thơm ngon nên được nhiều nhà hàng, khách sạn coi là loại rau cao cấp, giá thu mua lên tới 15.000 – 45.000 đồng/kg tùy thời điểm rộ hay khan hiếm. Với mức giá này, người trồng thiên lý có thu nhập bình quân từ 25 - 30 triệu đồng/sào/năm.

Bà Trần Thị Vạn - nông dân có nhiều năm trồng thiên lý ở xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, cho biết: Cây thiên lý rất dễ tính và không cần nhiều thời gian chăm sóc, cũng không cần kỹ thuật cầu kỳ như các cây trồng khác, chỉ cần đầu tư 1 lần là khai thác được liên tục trong nhiều năm tiếp theo.

Nông dân hiện nay rất “khoái” trồng thiên lý, vì thiên lý được cho leo lên giàn, cây hiếm khi bị sâu bệnh hại nên không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ cần một góc vườn có sân hoặc ao, làm giàn để cây leo là thiên lý sẽ tươi tốt quanh năm.

Cũng theo bà Vạn, sau khi thu hoạch xong, vào mùa đông cây thiên lý trút lá thì chỉ cần đốn tỉa cành, sửa sang lại giàn, bố trí các cành sao cho phát triển đều khắp giàn. Bà Vạn cho biết thêm, mỗi năm bà cấy 5 sào lúa, nuôi 2-3 lứa lợn thịt, 2 lợn nái, ngoài ra còn chăm sóc hai cháu nhỏ nhưng bà vẫn thoải mái thời gian trồng 1,5 sào thiên lý, chỉ cần bán hoa cho thương lái cũng đã thu về vài chục triệu đồng/năm.

Để có nhiều bông thiên lý to, chất lượng tốt, theo kinh nghiệm của bà Vạn thì khi trồng, bà con nên bón từ 5-7kg phân chuồng + 0,2 – 0,3kg phân NPK/hốc, kết hợp với các chất tạo xốp như mùn mục, trấu, rơm phủ quanh gốc.

Đến khi cây bò kín giàn và đâm nụ thì bón bổ sung định kỳ cho cây 1 tháng/lần bằng nước giải gia súc và NPK 16-16-8, liều lượng khoảng 0,5 - 1kg/hốc. Nếu có phân chuồng ủ hoai để bón thay NPK thì càng tốt, lượng bón từ 5 - 6kg/hốc, kết hợp với tỉa bớt cành rậm rạp để hạn chế rệp hại. Ngoài ra, bà con nên lên luống cao khoảng 0,5 - 0,6m để cây dễ thoát nước khi gặp mưa to.

Nếu gặp thời tiết bất lợi, cây ra hoa kém thì nên phun thêm phân bón để kích thích cây ra hoa nhiều hơn, hoặc thắp đèn chiếu sáng vào những tháng ít nắng. Thời kỳ thu hoạch hoa, có thể định kỳ bổ sung cho cây phân bón lá vi lượng (1 tuần/lần) để giúp cây bền lâu, hoa to...

Ông Nguyễn Văn Trường ở xã Phú Điền cho biết thêm: Vì cây thiên lý có nhiều lá, hoa nên rất cần nước, nhất là thời kỳ cho thu hoạch hoa, trung bình tưới 1-2 lần/tuần. Thiên lý thường cho thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 10 dương lịch hàng năm, nếu chăm sóc tốt sẽ hái được 2-3 lần hoa/tuần, mỗi lần 10 - 13kg hoa/sào.

Kỹ sư Trần Thị Liên (Trạm khuyến nông Nam Sách, Hải Dương)/ Dân Việt