Monday, June 30, 2014

Bẫy Pheromone phòng trừ sâu hại rau

Pheromone là chất dẫn dụ giới tính có tác dụng thu hút trưởng thành của sâu hại được sử dụng trong dự báo tình hình và phòng trừ một số đối tượng sâu hại.

Lợi ích lớn nhất của bẫy Pheromone là bảo vệ các loài thiên địch, môi trường và an toàn

Sử dụng bẫy Pheromone phòng trừ một số đối tượng sâu hại rau bước đầu có hiệu quả tốt và an toàn, thân thiện với môi trường.

Lợi ích lớn

Theo Chi cục BVTV Hà Nội, đơn vị đầu mối được Sở NN-PTNT giao quản lý, giám sát, phát triển lĩnh vực RAT của thành phố, việc sử dụng bẫy Pheromone ưu điểm lớn nhất là không gây độc hại đối với con người, bảo vệ thiên địch có ích và môi trường sinh thái, song vẫn khống chế tốt quần thể sâu phát sinh, phát triển trên đồng ruộng, giúp giảm số lần sử dụng thuốc BVTV trong vụ mà vẫn đảm bảo hiệu quả phòng trừ.

Có rất nhiều loại cây trồng có thể áp dụng bẫy Pheromone để phòng trừ sâu hại như su hào, cải bắp, lơ xanh, cải xanh, cải ngọt, đậu cove, đậu trạch, hành hoa, cà chua... trên các đối tượng sâu hại là sâu khoang, sâu tơ, sâu xanh da láng hại hành, sâu đục quả cà chua.

Hiện nay trên thị trường, vật liệu làm bẫy Pheromone đều có sẵn, bao gồm: Mồi pheromone (được cung cấp bởi Viện BVTV), bát nhựa, hộp nhựa, giá treo bẫy, dây thép, xà phòng. Cách làm bẫy Pheromone cụ thể như sau:

+ Bẫy sâu tơ: Làm bằng bát nhựa có đường kính 18 - 22 cm, dùng dây thép tạo thành quang treo bẫy. Mồi Pheromone có hình quả chuông được treo phía trên miệng bát nhựa, theo chiều úp xuống dưới, vị trí mồi cách mặt nước xà phòng từ 3 - 4 cm.

+ Bẫy sâu khoang, sâu xanh đục quả cà chua và sâu xanh da láng: Làm bằng hộp nhựa tròn có thể tích 2 lít, đường kính 10 - 12 cm, cao 18 - 20 cm, trên thành hộp đục 4 - 5 lỗ tròn có đường kính2,5 - 3 cm (ở vị trí cách nắp hộp 1/3 và cách đáy hộp 2/3 chiều cao của hộp).

Mồi Pheromone có hình quả chuông được treo vào trong bẫy theo chiều úp miệng xuống dưới bằng dây thép nhỏ (chú ý vị trí mồi phải ngang bằng với các lỗ tròn trên hộp bẫy để mồi pheromone lan toả được ra ngoài).

Lưu ý, giá treo bẫy có thể làm bằng gỗ hoặc tre, đóng hình chữ L, chiều cao 100 cm, chiều dài thanh ngang từ 25 - 30 cm để buộc bẫy. Một số loại rau leo giàn (đậu leo, cà chua) có thể treo bẫy ngay trên dèo cắm có sẵn.

Qua kết quả thử nghiệm, Chi cục BVTV Hà Nội đánh giá, việc sử dụng bẫy Pheromone giúp giảm số lần phun thuốc BVTV từ 2 - 3 lần so với ruộng nông dân không sử dụng mà vẫn đảm bảo việc phòng trừ các đối tượng sâu hại (sâu tơ, sâu khoang, sâu đục quả cà chua, sâu xanh da láng hại hành).

Đặc biệt, lợi ích lớn nhất của bẫy Pheromone là bảo vệ các loài thiên địch, bảo vệ môi trường và quan trọng là sản phẩm SX ra đảm bảo an toàn, được nông dân đánh giá cao.

Sử dụng xà phòng bột hoà vào nước với nồng độ 0,1% sau đó đổ vào bát nhựa, hộp nhựa, mục đích để trưởng thành sâu rơi xuống dính nước xà phòng và chết (chú ý giữ mực nước xà phòng 1/3 chiều sâu của bát nhựa và 1/4 hộp nhựa).

Cách thức đặt bẫy

Về cách thức đặt bẫy, với bẫy sâu tơ, sâu khoang, sâu xanh da láng: Treo bẫy vào thanh ngang, sao cho bẫy cao hơn bề mặt cây rau từ 5 - 10 cm (chú ý không để bát, hộp bẫy bị nghiêng). Tiến hành đặt bẫy từ đầu vụ (sau khi trồng cây con từ 5 - 7 ngày) để thu hút trưởng thành vào bẫy sau khi vũ hóa.

Đối với bẫy sâu xanh đục quả cà chua, sâu khoang trên đậu leo treo bẫy lên giàn, sao cho bẫy nằm ở vị trí 2/3 phía trên tán cây cà chua, cây đậu (chú ý bẫy nên nhô ra mép luống để thoáng gió, giúp mồi Pheromone có thể lan toả tốt trên ruộng). Thời điểm đặt bẫy thực hiện từ khi cây cà chua bắt đầu ra hoa và duy trì trong cả vụ để phòng trừ sâu xanh đục quả cà chua.

Nên thường xuyên kiểm tra kết hợp vớt bỏ trưởng thành vào bẫy 2 ngày/lần. Bổ sung nước xà phòng vào bẫy khi kiểm tra thấy trong bát, hộp bẫy cạn nước xà phòng. Tuyệt đối không được để bát và hộp bẫy bị khô nước. Khi bổ sung nước kết hợp vệ sinh làm sạch bát, hộp bẫy khi bị bẩn do đất hay do trưởng thành phân hủy.

Tiến hành thay mồi định kỳ 15 - 20 ngày/lần và mồi Pheromone phải được bảo quản lạnh trước khi mang ra sử dụng để đảm bảo hiệu lực của mồi không bị giảm. Khi đặt bẫy Pheromone nên triển khai đồng loạt trên khu đồng, đặt đúng thời điểm, liên tục và đảm bảo số lượng bẫy mới cho hiệu quả cao.

Lưu ý, cơ chế tác dụng của pheromone là phát tán theo không khí, vì vậy để đặt bẫy pheromone có hiệu quả thì phải đặt đồng loạt trên cả khu đồng rau và có sự tham gia của cộng đồng, không đặt đơn lẻ ở từng ruộng.

Hoàng Oanh/ nongnghiep.vn

Friday, June 27, 2014

Những lưu ý khi trồng dưa leo trên đất ruộng

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều nông dân ở ĐBSCL và Đông Nam Bộ đã chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, trong đó có dưa leo.

Dưa leo sẽ bị đắng nếu bón quá nhiều phân đạm.


Dưa leo trồng được nhiều vụ trong năm nhưng thường tập trung vào 3 vụ chính là hè thu (gieo tháng 5 - 6, thu hoạch tháng 7 – 8), vụ đông xuân (gieo trồng tháng 10 -11, thu hoạch tháng 12 -1) và vụ xuân hè (gieo trồng tháng 1 - 2, thu hoạch tháng 3 – 4).

Đất trồng dưa leo phải cao ráo, gần nguồn nước tưới tiêu, ít nhiễm phèn, mặn, độ pH = 5 - 7, độ mặn dưới 2 phần nghìn, thoát nước tốt trong mùa mưa. Đất được cày/cuốc phơi ải 7 - 10 ngày kết hợp rải vôi 30 - 50kg/1.000m2 và dọn sạch cỏ dại. Đất được lên liếp tùy theo mùa vụ, địa hình, cao20 - 40cm, rộng 0,8 - 1,2m, giữa hai liếp có rãnh rộng 30 - 40cm.

Gieo hạt vào các hốc đã làm sẵn, mỗi hốc cách nhau 30 - 40cm, gieo 2 - 3 hạt/hốc, độ sâu gieo hạt3 - 5cm, tưới nước và tủ rơm. Cần gieo 5% bầu để giặm các lỗ bị chết. Hoặc có thể gieo 100% cây bầu đủ cho trồng hết diện tích thì ít giặm.

Áp dụng phân bón hỗn hợp NPK 1:1:2. Ngoài lượng phân chuồng khoảng 2 - 3 tấn/công (1.000m2) thì số phân khoáng tính theo công thức nguyên chất cần bón khoảng 100kg N + 100kg P2O5 + 200kg K2O/ha. Có thể chọn loại phân NPK 6-6-123-5-7, hoặc dùng những loại phân có hàm lượng kali cao để bón như 11-7-1411-11-2215-15-2020-7-25... Chú ý tính lượng phân bón thương phẩm sao cho tương đương công thức nguyên chất trên để đảm bảo cân đối phân bón.

Trường hợp sử dụng phân đơn và DAP: Thời kỳ bón và lượng phân cho 1.000m2 như sau: Bón lót trước khi trồng khoảng 5 ngày gồm tro trấu 5 bao (loại bao đựng lúa) + phân hữu cơ 15 bao + 5kgurê + 10kg lân + 5kg kali + 3kg DAP. Bón thúc lần 1 sau trồng khoảng 10 ngày gồm: Urê 5kg +3kg kali + 3kg DAP. Bón thúc lần 2 sau trồng khoảng 20 ngày, bón: 6 – 7kg urê + 10kg lân + 4kgkali + 3kg DAP. Thúc lần 3 sau trồng khoảng 30 ngày gồm: 6kg urê + 4kg kali + 3kg DAP. Thúc lần4 sau trồng khoảng 40 ngày gồm: 5kg urê + 4kg kali.

Chú ý bón lót toàn bộ phân hữu cơ trộn phân vô cơ (nêu trên) + 1kg Borat trộn xong bón từng hốc, khi gieo hạt xong lấp tro trấu. Phân DAP + phân vi lượng (nếu có) tưới xen kẽ các lần bón phân trên do dưa leo rất mẫn cảm với phân, nên bón bằng cách hòa nước tưới nhiều lần mỗi lần một ít, tưới phân vào gốc và tưới nước xả.

TS Nguyễn Công Thành/ Dân Việt

Saturday, June 21, 2014

Bí quyết để táo sai quả, ngọt trái

Ở nước ta, cây táo trồng ở phía Bắc lẫn phía Nam với nhiệt độ thích hợp từ 25 - 32 độ C và cần nhiều ánh sáng. Táo thích hợp nhất với đất thịt pha cát, phù sa ven sông, đủ ẩm, pH từ 5 - 7. Bộ rễ phát triển mạnh, ăn sâu nên chống gió bão tốt.

Có thể phun bổ sung thêm một số phân bón lá để giúp táo tăng khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng trái.

Táo có thể nhân giống bằng hạt, cắm hom, chồi rễ, chiết và ghép. Nhân giống bằng hạt biến dị nhiều nên hiện chỉ dùng làm gốc ghép. Phổ biến hiện nay là phương pháp ghép mắt và ghép áp. Nên dùng táo chua làm gốc ghép. Hạt trước khi gieo nên đập loại bỏ vỏ rắn ở ngoài để mau nẩy mầm.

Thời vụ trồng: Các tỉnh phía Bắc trồng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Các tỉnh phía Nam trồng vào mùa mưa (tháng 5 - 8). Mật độ trồng 400 - 600 cây/ha với khoảng cách 5 x (4 - 5)m. Trồng táo theo hốc, hố với kích thước rộng 60 - 70cm, sâu 60 - 70cm. Bón lót cho mỗi hố 20 - 30kg phân hữu cơ hoai, có thể trộn thêm 1kg vôi bột và 0,5kg super lân. Đào hố và bón phân lót trước khi trồng 20 - 30 ngày, trồng cây trong bầu để có tỷ lệ sống cao.

Sau khi trồng tủ gốc bằng rơm rạ, cỏ rác để giữ ẩm. Hàng tuần theo dõi ngắt bỏ các mầm mọc từ gốc ghép. Trồng được 20 - 30 ngày có thể tưới nước phân pha loãng, mỗi tuần tưới 1 lần, trong 1 - 2 tháng đầu. Sau đó định kỳ bón thúc 1 lần bằng phân hỗn hợp NPK và DAP. Lượng phân NPK 16-16-8 bón mỗi lần từ 0,2 - 1kg tùy cây nhỏ hoặc lớn. Dùng cuốc xới đất xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây sâu 5 - 10cm, rải phân, lấp đất rồi tưới nước.

Hàng năm nên bón thêm phân hữu cơ và bồi đất vào gốc. Lượng phân khuyến cáo cho táo tuổi 1-2là 200 - 300kg urea + 100 - 200kg kali + 300kg super lân/năm/ha. Từ tuổi 3 trở đi mỗi ha cần bón400 - 500kg urea + 200 - 300kg kali + 400 – 500kg super lân. Lượng phân trên được chia làm 3đợt bón. Đợt 1 sau trồng (sau đốn) từ 30 - 35 ngày, với 30 - 50kg phân chuồng hoai mục + 1/3lượng phân hóa học/cây. Đợt 2 bón trước khi ra hoa rộ với 1/3 lượng phân khoáng trên. Đợt 3 bón khi cây vừa đẫy quả, bón toàn bộ số phân còn lại.

Cây táo rất cần nước, nếu không đủ nước quả sẽ nhỏ và chát. Trồng táo phải đốn để cho cây trẻ lại mới có năng suất và chất lượng tốt.

ThS Phạm Dũng/ Dân Việt

Friday, June 20, 2014

Ngâm ủ thóc giống vụ mùa

Đặc điểm nổi bật của vụ mùa là nhiệt độ cao nên, việc ngâm ủ thóc giống của nông dân cần bảo đảm đúng kỹ thuật.

Ảnh minh họa


Đó là, bảo đảm tỷ lệ nước cần thiết khi ngâm để tránh gây chua, làm mất tỷ lệ nảy mầm, hỏng hạt giống. Đồng thời, duy trì được nhiệt độ, độ ẩm và ô-xy thích hợp khi ủ để mầm, rễ phát triển cân đối đạt tiêu chuẩn đem gieo. Kỹ thuật cụ thể như sau:

Kích thích hạt nảy mầm: Hong thóc giống trong nắng nhẹ khoảng 1-2 giờ trước khi ngâm ủ để giúp thóc hút nước nhanh, nước ngấm đồng đều vào tất cả các hạt, hạt giống mọc đều.

Với nhóm giống lúa thuần:

- Xử lý hạt giống: Dùng nước ấm 54 độ C (3 sôi: 2 lạnh) hoặc dung dịch nước muối 10% (1kg muối/10 lít nước) để diệt nấm bệnh trên vỏ trấu.

- Ngâm thóc: Thời gian ngâm ủ tùy thuộc vào nhiệt độ thời tiết và đặc điểm vỏ trấu dày hay mỏng mà thời gian ngâm bảo đảm từ 18-24 giờ với giống lúa cách vụ và 30- 36 giờ với giống lúa liền vụ. 

Trong thời gian ngâm, ngày đầu tiên thay nước 1 lần, ngày tiếp theo thay nước 2 lần/ngày để hạn chế a-xít chua gây hỏng giống. 

Chú ý: Cần kiểm tra thóc trước khi đem ủ bằng cách bốc một nắm thóc trên tay bóp mạnh, nước chảy ra kẽ tay không còn nhờn, không còn mùi chua nữa, có mùi thơm hăng đặc thù của thóc ngâm là đạt yêu cầu.

Với nhóm giống lúa lai:

- Xử lý hạt giống: Hạt giống lúa lai có vỏ trấu không khép kín nên rất dễ hút nước lại nảy mầm nhanh hơn lúa thuần. Vì vậy, không nên xử lý hạt giống bằng nước muối. Tốt nhất nên xử lý thóc bằng nước ấm 54 độ C với lượng nước gấp 4- 5 lần thóc. Ngâm khoảng 12 giờ rồi đãi sạch thóc ngâm tiếp trong nước sạch 12 giờ nữa là hạt thóc no nước (tổng thời gian ngâm là 24 giờ). Thóc giống ngâm xong cần đãi thật sạch trước khi đem ủ. 

Vật dụng dùng để ủ hạt giống lúa lai cần chú ý chọn rá có đậy chăn vải ẩm hoặc dùng bao dứa để tránh bốc hơi nước từ lô giống. Để rá hoặc bao thóc vào nơi thoáng mát. Sau khoảng 12 giờ đem thóc ra xóc đều, ủ thêm 10-12 giờ nữa là hạt giống nảy mầm đạt yêu cầu. 

Chú ý: Với đặc điểm như trên của hạt giống lúa lai nên lượng thóc giống đem ủ không nên quá nhiều sẽ dễ gây thối hỏng giống vì a-xít chua hoặc nhiệt độ cao nơi trung tâm lô giống. Lượng hạt đem ngâm ủ tốt nhất nên chia nhỏ không quá 5 kg.

- Không nên ủ thóc giống lúa lai lâu quá sẽ khiến lô giống bị nóng gây hư hỏng mầm, rễ và hạt.  

KS. Trần Thị Liên (Trạm Khuyến nông Nam Sách - Báo Hải Dương)

Phòng tránh bệnh hoại tử gan tụy trên tôm

Bệnh hoại tử gan tụy thường gây chết tôm hàng loạt trong giai đoạn từ khi thả giống đến 45 ngày tuổi. Để hạn chế bệnh này, người nuôi cần đặc biệt lưu ý các biện pháp phòng tránh.

Thả ghép với loài khác

Đối với những nơi đất rộng nên nuôi tôm sú, theo hình thức quảng canh cải tiến, mật độ 7 - 10 con/m2. Khi nuôi cần thả ghép thêm cá rô phi, đối mục, cua (1 con/2 - 3 m2), Theo giáo sư Donald Lightner - Đại học Arizona (Mỹ), nuôi ghép tôm với các loài khác có mức độ an toàn dịch bệnh cao hơn hẳn so với nuôi tôm độc canh. Những loài này sẽ tiêu diệt các loài địch hại để bảo vệ sự cân bằng tự nhiên, đồng nghĩa các loại vi khuẩn gây bệnh sẽ bị tiêu diệt và tôm không ăn phải những loài vi khuẩn này nên ít nhiễm bệnh.

Chuẩn bị ao và xử lý nước

Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus là tác nhân chính gây bệnh hoại tử gan tụy trên tôm và sẽ phát triển rất nhanh khi gặp điều kiện thuận lợi. Vậy, sau mỗi vụ nuôi, đối với ao đất phải được vét hết bùn đáy, bón vôi khử trùng. Nếu đáy ao sau khi vét vẫn còn nhiều bùn đen thì có thể bơm cát sạch vào ao (dày 15 cm trở lên), mục đích nhằm ngăn lớp bùn tạo ra khí độc (H2S) và ổn định nhiệt độ nước. Đối với ao trải bạt, sau mỗi vụ nuôi, cần dùng máy bơm xịt rửa sạch, sử dụng Chlorine (40 - 50 ppm) phun lên mặt bạt, phơi 2 - 3 ngày rồi mới cấp nước. Bờ ao nên quây lưới ngăn còng, cáy xâm nhập. Mương cấp, thoát nước cho ao cần nạo vét và khử trùng sau mỗi vụ nuôi.

Sau mỗi vụ nuôi, ao đất được vét hết bùn đáy, bón vôi khử trùng - Ảnh: Trần Út 


Nhằm diệt hết các mầm bệnh và kí chủ mang bệnh, nước được cấp vào ao lắng, xử lý Chlorine (10 - 15 ppm), quạt khí 3 ngày liên tục để Chlorine bay hơi hết rồi mới cấp vào ao qua túi lọc dày. Mặt khác, có thể sử dụng hệ thống diệt khuẩn bằng tia cực tím đế cung cấp nước sạch cho ao và hạn chế dư lượng Chlorine. Sau khi lấy nước vào ao, cần kiểm tra các yếu tố môi trường như độ mặn, pH, độ kiềm, khí độc…; Sau đó, mới thả tôm giống (cỡ từ P12 trở lên) và phải được kiểm dịch, đảm bảo sạch bệnh.

Các biện pháp khác

Kết quả nghiên cứu cho thấy, bệnh hoại tử gan tụy ít khi xảy ra ở độ mặn thấp (dưới 10‰ ), vậy nước khi thả cần duy trì độ mặn 15 - 20‰; sau đó, cấp thêm nước ngọt hạ độ mặn dần xuống dưới 10‰. Do vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy ưa phát triển ở môi trường đáy ao nên khi chuẩn bị ao cần thiết kế một khu vực trũng gom chất thải giữa ao (1 - 2% diện tích) và định kỳ xi phông (5 - 7 ngày/lần) giúp đáy ao luôn sạch.

Theo giáo sư Donald Lightner, nước ao sau khi được xử lý thì vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus sẽ phục hồi nhanh hơn nhiều so với các vi khuẩn có lợi. Do vậy, sau 10 ngày thả giống cần sử dụng chế phẩm sinh học bổ sung kịp thời vi khuẩn có lợi, nhằm khôi phục tính đa dạng của cộng đồng vi khuẩn, át chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.

Một biện pháp phòng bệnh hoại tử gan tụy trên TTCT nuôi thâm canh được áp dụng có hiệu quả hiện nay, đó là thiết kế vèo nuôi trong nhà lán, diện tích 100 - 500 m2, trải bạt nền đáy, quanh bờ, đáy lắp hệ thống sục khí, nước được xử lý sạch, độ sâu 1 - 1,2 m. Tôm thả trong vèo ở mật độ cao (400 - 500 con/m2), các yếu tố môi trường được khống chế và xi phông chất thải hàng ngày. Tôm sống trong vèo, môi trường luôn phù hợp và không bị ảnh hưởng bởi thời tiết bên ngoài nên ít bệnh. Sau một tháng thì chuyển tôm ra ao nuôi lớn bình thường.

Cùng đó, nhằm hạn chế bệnh này, việc sử dụng công nghệ sinh học Biofloc để đa dạng hóa quần thể sinh vật trong ao nuôi tôm cũng được quan tâm nhiều. Tuy nhiên, với công nghệ này để duy trì được sự cân bằng Carbon/Nitơ trong nước là 1/12 - 15 không đơn giản và cũng khó để phân biệt được trong quần thể vi khuẩn phát triển đâu là vi khuẩn lợi đâu là vi khuẩn hại.

Theo kinh nghiệm của người nuôi, nếu phát hiện tôm có dấu hiệu bị bệnh gan tụy nên hạn chế cho ăn hoặc giảm lượng thức ăn, sẽ giảm được tỷ lệ chết.

Hải An/ Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Nhiệt độ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thức ăn

Mỗi loài tôm, cá đều thích ứng và sinh trưởng với một ngưỡng nhiệt độ nhất định. Khi nhiệt độ thay đổi sẽ gây stress và làm giảm hiệu quả sử dụng thức ăn của vật nuôi. Do vậy, người nuôi cần nắm được những đặc điểm này để có biện pháp khắc phục trong quá trình nuôi.

Những tác động của nhiệt độ

Nhiệt độ cao

Tôm, cá là động vật biến nhiệt, thân nhiệt thay đổi theo môi trường sống, do vậy trong quá trình sinh trưởng và phát triển, khi gặp điều kiện thời tiết thay đổi (đặc biệt là nhiệt độ tăng lên) sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể vật nuôi tăng cao; Theo đó, vật nuôi phải tăng cường hô hấp để cung cấp ôxy, chúng sử dụng thức ăn nhiều hơn, quá trình tiêu hóa cũng nhanh hơn. Tuy nhiên, sự tiêu hóa thức ăn nhiều như vậy trong khi lượng men tiêu hóa trong cơ thể tôm, cá lại có hạn nên sẽ khó có thể hấp thụ được chất dinh dưỡng trong thức ăn như ở nhiệt độ bình thường; Đồng nghĩa là sẽ tiêu tốn nhiều thức ăn mà hiệu quả không cao. Mặt khác, lượng thức ăn sau khi tiêu hóa được tôm cá thải ra, gặp nhiệt độ cao quá trình phân hủy sẽ xảy ra nhanh, tiêu tốn nhiều ôxy gây thiếu ôxy cục bộ ở tầng đáy, đồng thời sinh ra nhiều khí độc (H2S) và vi khuẩn gây bệnh.

Khi nhiệt độ tăng cao vượt quá giới hạn (trên 320C đối với tôm và trên 350C đối với một số loài cá, như rô phi, chép, tráp, vược…) sẽ gây stress cho vật nuôi, khiến chúng phải tiêu tốn nhiều năng lượng cho quá trình hô hấp, cơ thể sẽ khó thích nghi được với môi trường mới; Từ đó, dẫn đến sức đề kháng giảm và có nguy cơ bị các vi khuẩn, virus thường trực trong nước tấn công gây bệnh.

Căn cứ vào thời tiết để tăng, giảm lượng thức ăn cho phù hợp - Ảnh: Nguyễn Hoàng Trong


Nhiệt độ thấp

Khi nhiệt độ hạ thấp (gió mùa, mưa), quá trình trao đổi chất của tôm, cá sẽ giảm, dẫn đến sức ăn cũng giảm theo, kéo dài thời gian lột xác của tôm và làm chậm tăng trưởng ở cá. Khi nhiệt độ xuống thấp quá ngưỡng giới hạn, một số loài có sức đề kháng kém sẽ bỏ ăn và chết, đặc biệt là tôm, cá giai đoạn còn nhỏ (cá bột, hương, giống, tôm post). Nếu nhiệt độ hạ thấp kéo dài, vật nuôi sẽ có xu hướng di chuyển xuống đáy ao để tránh rét, nguy cơ tiếp xúc với khí độc và nấm sẽ rất cao.

Theo đặc tính mỗi loài tôm, cá chỉ có thể sử dụng và hấp thụ thức ăn hiệu quả nhất khi sống trong ngưỡng nhiệt độ phù hợp, vì vậy, trong quá trình nuôi người dân cần có những biện pháp thích hợp để mang lại hiệu quả cao.

Biện pháp khắc phục

Quản lý các yếu tố môi trường

Trong quá trình nuôi, khi nhiệt độ thay đổi (theo biến động của thời tiết) thì cần có những biện pháp sau:

Cấp thêm nước vào ao nuôi đảm bảo độ sâu nước từ 1,2 m trở lên nhằm ổn định nhiệt độ nước trong giới hạn tránh stress cho tôm. Dùng lưới chống nắng hoặc bạt căng phía trên mặt ao để hạn chế tăng nhiệt độ nước ao.

Khi thời tiết nắng nóng hay lạnh có thể bơm nước ở tầng đáy ao lắng vào ao nuôi tôm nhằm cấp thêm nước sạch và nước có nhiệt độ ổn định; Ngoài ra, khi trời nắng nóng, độ mặn nước ao cao thì có thể dùng nước giếng khoan bơm trực tiếp vào ao nuôi để hạ nhiệt độ và độ mặn.

Tăng cường sục khí cho ao nuôi, đảm bảo cung cấp đủ hàm lượng ôxy hòa tan cho các tầng nước và đáy ao, hạn chế stress cho tôm, cá nuôi. 

Chăm sóc

Điều chỉnh thức ăn: Trong quá trình nuôi, nên căn cứ vào tình hình cụ thể của thời tiết mà tăng, giảm lượng thức ăn cho phù hợp với sức ăn của vật nuôi, tránh thừa hoặc thiếu thức ăn. Đối với nuôi tôm, khi nhiệt độ thay đổi dưới mức thích hợp, nên giảm 30 - 50% lượng thức ăn hàng ngày và tùy theo khả năng bắt mồi của tôm mà điều chỉnh lượng thức ăn sau khi nhiệt độ nước ổn định trở lại.

Khi thời tiết thay đổi (nắng nóng) quá trình phân hủy các hợp chất hữu cơ xảy ra nhanh hơn và sinh nhiều khí độc có hại cho tôm, cá, do vậy cần phải xiphông lượng chất thải trong ao hàng ngày và duy trì sục khí 24/24 giờ.

Theo nghiên cứu về "Nhiệt độ ảnh hưởng đến tính ăn của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)" của Tiến sĩ Carlos A. Ching và Chalor Limsuwan, Trường Đại học Kasetsart, Thái Lan cho thấy: Mức độ tiêu thụ và tiêu hóa thức ăn của tôm thay đổi tương ứng theo nhiệt độ của môi trường nước mà chúng sinh sống.

ThS Nguyễn Quang Chương/ Tạp chí Thủy sản Việt Nam