Friday, May 16, 2014

Xử lý chanh ra hoa trái vụ

Làm thế nào để xiết nước, xử lý chanh ra hoa trái vụ hiệu quả? Hai Châu (Châu Thành- Đồng Tháp)

Ảnh minh họa

Chanh thu hoạch vào các tháng nóng (2- 4 dương lịch) thường có giá cao nên được nhà vườn áp dụng xử lý nghịch vụ.


Để đạt hiệu quả cao, cần chú ý một số điểm sau đây:

Khoảng tháng 7- 8 dương lịch (khoảng rằm tháng 5), lợi dụng hạn “bà chằn” tiến hành xiết nước và ngưng tưới khoảng 15- 20 ngày.

Mỗi cây bón 0,5- 1kg phân urê, tùy theo tuổi chanh (chanh núm bón ít hơn chanh giấy) trong giai đoạn tưới lại để cây ra đọt và hoa.

Nếu thời gian xiết nước quá ngắn (do gặp mưa), cần tăng cường kết hợp phun 1- 3 lần hợp chất Nitra Kali (2- 3%) và Atonik để cây dễ ra hoa và đọt cùng một lúc.

Theo Báo Vĩnh Long

Thursday, May 15, 2014

Mía cần kali, cẩn trọng đạm

Mía đang được trồng nhiều ở ĐBSCL, là nguyên liệu quan trọng của ngành công nghiệp chế biến đường, rất cần trong đời sống hàng ngày. Có thể trồng mía trên nhiều loại đất khác nhau từ đất pha cát, đất xám đến đất sét nặng.

Chuẩn bị đất: Cày sâu 20 - 30cm, cày 2 lần vuông góc nhau, sau mỗi lần cày là 1 lần bừa để cho đất nhỏ. ĐBSCL đất trồng mía là đất phù sa bồi tụ, độ phì nhiêu khá cao nhưng bị ảnh hưởng chua phèn và do đất thấp nên phải lên liếp cao 40 - 50cm, rộng 6 - 7m, chiều dài theo ruộng. 

Chú ý không đưa tầng sinh phèn, đất có màu vàng lên mặt ruộng vì có nhiều ion sắt, nhôm, lưu huỳnh… gây độc hại cho mía. Đất mới khai hoang lên liếp không trồng mía ngay mà phải rửa phèn ít nhất qua một mùa mưa. Cũng có thể trồng cây họ đậu 1 - 2 vụ rồi trồng mía là tốt nhất. Mặt liếp cuốc hoặc cày sâu 15 - 20cm, làm tơi xốp và san phẳng, giữa liếp cao hơn hai bên để dễ thoát nước. Trước khi trồng rạch hàng thẳng, sâu 15 - 20cm, hàng cách nhau 0,8 - 1m, rồi đặt hom trồng.

Cây mía (Ảnh minh hoạ, nguồn internet)

Bốn tháng đầu khi mới trồng mía tơ hoặc để mía gốc giữa 2 hàng còn trống vì vậy nên trồng xen đậu phộng, nành hoặc đậu xanh vừa tăng thu nhập vừa nâng cao năng suất mía. Ngoài ra cũng nên trồng luân canh 6 vụ trồng mía có 1 vụ trồng lúa, màu hoặc họ đậu,… để cải tạo, bồi dưỡng lại đất và diệt sâu bệnh.

Khi bón phân, chú ý phân kali rất quan trọng, cần cho việc tích lũy đường. Kali cần cho cả mía tơ và mía gốc vì nó giữ vai trò kích hoạt hiệu quả sử dụng các loại phân bón khác, cây phát triển đạt năng suất, chống đổ ngã, sâu bệnh và các bất lợi… Nếu bón quá nhiều đạm, không cân đối kali, cây mía sẽ xanh tốt, năng suất thân cao, nhưng có giá trị thu nhập thấp vì ít chữ đường, ảnh hưởng trong chế biến công nghiệp đường. 

Lượng phân bón/ha: Phân urê: 250 - 300kg, super lân: 250 – 300kg, KCl: 200 – 240kg, phân chuồng: 10 - 15 tấn. Cách bón: Bón lót toàn bộ phân chuồng, 1/3 lân, 1/3 đạm và ½ kali. Bón thúc lần 1 khi mía kết thúc nảy mầm (có 4 - 5 lá) 1/3 lượng đạm. Bón thúc lần 2 khi mía kết thúc đẻ nhánh (9 - 10 lá) 1/3 lượng đạm và ½ lượng kali còn lại. Bón vá áo khi mía có lóng, nếu thấy mía xấu bón thêm 50 – 100kg urê/ha. Áp dụng máy bón phân khi có điều kiện. Lưu ý, nếu đất chua, pH = 4 - 4,5, nên bón 1.000kg vôi sau khi cày lần cuối trước. 

TS Nguyễn Công Thành (Dân Việt)

Wednesday, May 7, 2014

Ủ phân hữu cơ

Bón phân chuồng cho cây trồng tốt nhất nên bón lót, không nên bón thúc hoặc rải bề mặt luống dễ làm mất phân và cây trồng khó hấp thu được.

Qua theo dõi thực tế ở nhiều vùng SX rau màu tại miền Bắc, nông dân do không chăn nuôi hoặc đã xử lý chất thải (làm biogas) nên không tích lũy được phân chuồng để bón ruộng. Họ tìm đến các trang trại nuôi gà để mua phân. Song, hầu hết các chủ trang trại đều dọn chuồng và tích phân trong các vỏ bao cám sẵn có.


Cho nên, nông dân sau khi mua phân về, tiện thể họ đựng luôn trong bao dứa như vậy rồi chất chồng các bao lên nhau thành đống.

Nhà thì sơ sài để phân dầm mưa dãi nắng cho nhanh tơi xốp. Có hộ lại cẩn thận quá hóa sai, dùng ni lông bọc kín đống các bao phân vừa để đỡ mùi hôi thối, vừa để “giữ” được dinh dưỡng trong phân.

Trước thực trạng này, xin khuyến cáo bà con một số biện pháp sau:

- Trước hết bà con cần nắm rõ, để tốt cho cây trồng, phân chuồng cần được ủ hoai mục. Vì phân được ủ, hạt cỏ dại, mầm mống bệnh cây và côn trùng sẽ bị tiêu diệt, vừa thúc đẩy quá trình phân huỷ chất hữu cơ, đẩy nhanh quá trình khoáng hoá để khi bón vào đất phân hữu cơ có thể nhanh chóng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.

- Muốn cho quá trình phân giải của phân chuồng được diễn ra nhanh và hiệu quả lại dễ áp dụng trong điều kiện nông hộ, phải đảm bảo đủ 3 yếu tố: Nhiệt độ, ẩm độ và oxy. Trong đó, ẩm độ và oxy có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đống phân sau này.

Nếu đủ ẩm (60 - 70%) và có oxy lưu thông được vào đống phân - phân không nén, các chất độc phân giải được thoát ra ngoài, quá trình phân giải của phân nhanh hơn, nên nông dân sớm có phân hoai mục bón ruộng (1 - 1,5 tháng).

Ngược lại, nếu môi trường trong đống phân yếm khí (thiếu oxy) - nén phân, vi sinh vật có ích ít hoạt động, phân sẽ phân giải chậm hơn.

Nông dân phải chờ thời gian kéo dài (5 - 6 tháng) mới có phân hoai mục để bón. Tuy nhiên, cách đánh đống không nén phân thì lượng đạm sau khi phân giải thành NH3 (nhẹ hơn không khí) sẽ dễ bị bay hơi mất.

- Để thúc đẩy cho phân chuồng phân giải nhanh hơn và không bị mất nhiều đạm nên trộn vào đống phân một lượng vôi tả từ 1 - 1,5% và khoảng 2% lân supe. Đồng thời phủ lên đống phân một lớp bùn dày 2 - 3 cm để đạm bay hơi sẽ tích tụ vào bùn.

Mặt khác, việc dùng bùn để chát sẽ giúp cho oxy lưu thông được vào phân tốt hơn. Các chất độc sản sinh ra trong quá trình phân giải các chất hữu cơ cũng thoát được ra ngoài dễ dàng...

-Tuyệt đối không được dùng ni lông che phủ hay rơm rạ hoặc đựng trong bao dứa để ngoài tự nhiên như nông dân thường làm sẽ không tốt cho đống phân ủ.

Nguồn phân gà là nguồn phân giàu đạm nhất trong các loại phân chuồng (lượng đạm nguyên chất chiếm 1,63%). Do đó, muốn giữ được lượng đạm quý hiếm này, nông dân cần mua phân ngay sau khi chủ hộ chăn nuôi vừa quét dọn chuồng rồi đem về nhà đổ dồn đánh đống.

Do lượng đạm nguyên chất cao, các chất dinh dưỡng trong cám theo phân ra ngoài vẫn còn nhiều nên thời gian ủ phân gà cần phải lâu hơn các loại phân khác. Thông thường, nếu áp dụng cách ủ không nén phân, không sử dụng men ủ và đảo 1 lần/tháng thì thời gian ủ tối thiểu phải từ 2 - 2,5 tháng mới cho phân hoai mục.

Không bón phân tươi hoặc phân chuồng đang phân hủy sẽ làm cho cây dễ bị ngộ độc hữu cơ và chết.

Khi dỡ đống phân ra để bón ruộng cần đập nhỏ lớp bùn, đảo đều vào phân rồi đem đi bón. Vì đạm bay hơi ra sẽ tích tụ lại bùn.

Bón phân chuồng cho cây trồng tốt nhất nên bón lót, không nên bón thúc hoặc rải bề mặt luống dễ làm mất phân và cây trồng khó hấp thu được.

Trần Thị Liên/ nongnghiep.vn

Monday, May 5, 2014

Khắc phục mận đổi màu, mềm nhũn

Trái mận khi chín bị đổi màu và mềm nhũn, nguyên nhân do đâu và khắc phục thế nào? Tư Hậu (Đông Thành - TX Bình Minh)

Ảnh minh họa

Hiện tượng trái mận thối như nêu trên là bệnh thối trái do nấm Phytopthora gây nên. Bệnh thường gây hại những trái ở dưới thấp hoặc những trái khuất trong đám lá cây và ở những chùm mang nhiều trái. Bệnh phát sinh nhiều trong mùa mưa hoặc đất quá ẩm, vườn rậm rạp. Trong điều kiện trời ẩm thấp bệnh lây lan rất nhanh, có thể làm thối cả chùm trái trong vài ngày.


Phòng trị:

Để phòng trừ bệnh thối trái mận cần áp dụng các biện pháp: cắt tỉa cành, tạo tán, tạo điều kiện cho vườn cây thông thoáng. Khi có trái bị bệnh không nên tưới nước lên tán cây, nhất là vào buổi chiều mát. Thu gom trái bệnh đem tiêu hủy. Khi mới có bệnh, phun các thuốc như: Ridomil, Mancozeb, Vinomil, Aliette…, phun thuốc ướt đều lên các chùm trái, nhất là các chùm phía dưới thấp và bên trong tán cây, phun 2- 3 lần/tuần.

Bạn nhà nông/ Báo Vĩnh Long

Thursday, May 1, 2014

Nấm đối kháng Trichoderma

Đây là loại nấm hoại sinh có khả năng ký sinh và đối kháng trên nhiều loại nấm gây bệnh cây trồng.

Trichoderma là loại nấm sống phổ biến trong các loại đất, nơi có nhiều dinh dưỡng, chất hữu cơ…nhất là xung quanh vùng rễ của cây.

Ảnh minh họa

Trichoderma sinh trưởng và phát triển mạnh tại vùng rễ, một số giống nếu được xử lý với hạt giống có thể sống trên bề mặt rễ ngay cả khi rễ mọc sâu xuống đất hàng mét và tồn tại tới 18 tháng sau khi xử lý.

Phân loại

Trichoderma thuộc nhóm nấm Bất toàn (Deuteromycetes) không có giai đoạn sinh sản hữu tính, sinh sản vô tính bằng bào tử. Trichoderma đến nay, đã xác định có 33 giống, mỗi giống có mỗi đặc tính riêng. Ở Việt Nam, ĐH Nông nghiệp Cần Thơ, ĐH Nông Lâm TP HCM, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM đã phân lập được một số chủng như T.harzianum, T. viride, T.lignorum, T.koningil…

Công dụng

- Nấm ký sinh: Trichoderma có khả năng khống chế, cạnh tranh và tiêu diệt nhiều loại nấm gây bệnh thối rễ, chết rạp cây con, xì mủ…trên cây trồng như Pythium, Rhizoctonia, Fusarium, Phytophthora, Sclerotium… bằng cách tiết ra một enzym làm tan vách tế bào của các loại nấm gây hại, sau đó Trichoderma xâm nhập và hút dinh dưỡng của các loại nấm hại làm các loại nấm gây hại bị chết.

- Một số giống Trichoderma giúp cây trồng phát triển nhiều rễ, ra rễ mạnh hơn, nhiều hơn và mọc sâu hơn (sâu 1m dưới mặt đất) do đó làm cho cây trồng tăng chính chống chịu hạn và tính đổ ngã. Ngoài ra nghiên cứu cho thấy trên rễ cây bắp nếu xử lý dòng nấm Trichoderma T.22 thì nhu cầu cây bắp cần ít hơn 40% đạm so với cây không xử lý nấm Trichoderma.

- Phân giải hữu cơ: Trichoderma được xem như nhà máy SX enzym phân giải chất xơ cellulose và các enzym phân giải các hợp chất khác (chitin, protein, pectin, amylopectin…). Do đó Trichoderma thường được trộn chung với chất thải hữu cơ, vỏ cà phê, dư thừa thực vật sau thu hoạch để đẩy nhanh quá trình phân hủy các chất hữu cơ thành các đơn chất dinh dưỡng giúp cây hấp thụ dễ dàng.

Nghiên cứu của Trung tâm Cây ăn quả Long Định (thuộc Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam- SOFRI): Các nghiên cứu ngoài đồng cho thấy nấm Trichoderma phun phòng bệnh thán thư trái non, tuy không có khác biệt với các nghiệm thức hóa học khác, tuy nhiên hạn chế sự phát triển của nấm bệnh và không gây ảnh hưởng đến môi trường và thiên địch...

- Phân hữu cơ sinh học: Nhờ các đặc tính trên mà thường được trộn chung với các loại phân hữu cơ (phân chuồng) và các chế phẩm sinh học…bón vào đất để hạn chế bệnh hại và cải tạo tính chất vật lý, hóa học của đất giúp đát tơi xốp, thoáng khí, nhiều chất mùn, tăng độ phì, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật có ích và vi sinh vật đối kháng phát triển, hạn chế phân bón hóa học và thuốc BVTV, giúp tăng cường khả năng phát triển, phục hồi bộ rễ.

- Ứng dụng trong công nghệ SX cây trồng kháng bệnh: Một số gen lấy từ chủng Trichoderma harzianum được cấy vào cây trồng giúp cây kháng được nhiều nấm bệnh như bệnh đốm vòng, khảm, chết rạp cây con.

- Tính mẫn cảm với thuốc BVTV: Trichoderma thể hiện tính kháng thuốc với phần lớn các hóa chất nông nghiệp bao gồm cả thuốc trừ sâu và thuốc trừ bệnh. Dù rằng tính kháng thuốc này ở các chủng Trichoderma có khác nhau. Tuy nhiên một số tài liệu khuyến cáo không dùng chung Trichoderma với sản phẩm có hoạt chất Carbendazim và Benomyl.

Một số nghiên cứu và ứng dụng ở VN

Nghiên cứu tại ĐH Cần Thơ: Bổ sung phân bón hữu cơ với Trichoderma (Trico – DHCT 5g/cây) và vôi (1,7 tấn CaO/ha) giúp giảm bệnh chảy mủ do Phytophthora palmivora, ngoài ra còn giúp tăng năng suất và chất lượng trái.

- Tưới (Trico – DHCT 5g/cây) + vôi (200 g/gốc) + phân vô cơ 300 g/gốc, 2/3 DAP, 1/3 KCL) + phân hữu cơ (10 kg/ gốc) giúp chặn đứng bệnh thối rễ trên cây cam sành (Trà Ôn, Vĩnh Long), cây sinh trưởng mạnh trở lại.

- Tưới (Trico - DHCT 10 kg/ha) + vôi (50 kg/ha x 2 lần cách nhay 15 ngày) +Ca - Chlorine (2 phần ngàn) + phân bò hoai (10 tấn/ha) giúp giảm được bệnh vi khuẩn cây xà lách xoong trên nhiều vụ nối tiếp nhau…

ThS Huỳnh Kim Ngọc/ nongnghiep.vn