Tuesday, April 29, 2014

Sử dụng màng phủ nông nghiệp

Màng phủ nông nghiệp sử dụng nhiều vụ bị rách, nếu vá lại thì khi sử dụng có đảm bảo tác dụng như ban đầu không? Hai Còn (Ngãi Tứ- Tam Bình)

Ảnh minh họa

Theo PGS.TS. Trần Thị Ba- Giảng viên bộ môn Khoa học cây trồng- Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Đại học Cần Thơ), màng phủ có nhiều tác dụng và tùy theo đó mà khai thác.

Ví dụ: sử dụng màng phủ để xua đuổi côn trùng thì phải sử dụng màng phủ mới vì lớp tráng bạc còn nguyên thì mới phản chiếu ánh sáng lại với côn trùng. Côn trùng gây hại nhiều trong mùa nắng đặc biệt trong vụ xuân hè, do vậy nên sử dụng màng phủ mới.

Nếu khai thác các tác dụng của màng phủ: giảm bệnh, giảm mất phân bón, giảm cỏ và giữ ổn định ẩm độ trong đất, giảm úng, đồng thời sản phẩm phía trên sạch sẽ thì không cần dùng màng phủ mới, có thể vá lại để sử dụng tiếp.

Theo Báo Vĩnh Long

Monday, April 28, 2014

Sử dụng phân bón hiệu quả trên đất phèn

Để sử dụng phân bón hiệu quả thì cần phải chú ý bón phân đáp ứng theo nhu cầu của cây.

Các nhà khoa học khuyến cáo nông dân nên sử dụng phân bón theo 6 đúng để đạt hiệu quả cao

Đó là nội dung diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trên đất phèn vùng ĐBSCL” do Trung tâm KNQG phối hợp với Sở NN-PTNT Hậu Giang tổ chức tại TP Vị Thanh ngày 24/4. Tham dự diễn đàn có các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các viện, trường và 250 nông dân ĐBSCL.

Đến với diễn đàn, nông dân được nghe các nhà khoa học báo cáo kết quả các đề tài nghiên cứu về cách xử lý phèn, mặn trong canh tác nông nghiệp, cách sử dụng phân bón hiệu quả cho các loại cây trồng khác nhau.

Trong báo cáo đề dẫn, TS Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm KNQG cho biết, ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước, cung cấp tới 90% lượng gạo xuất khẩu của VN nhưng diện tích đất đai phù sa ngọt màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp chỉ khoảng 1,2 triệu ha, còn lại gần 2,5 triệu ha đất bị nhiễm phèn, mặn; riêng diện tích đất bị nhiễm phèn là 1,6 triệu ha (chiếm khoảng 40% diện tích tự nhiên).

Phần lớn đất phèn ở ĐBSCL tập trung ở vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau và Tây sông Hậu. Trong đất phèn có một số độc tố với hàm lượng rất cao làm kìm hãm sự phát triển của cây trồng, dẫn đến năng suất thấp và không ổn định. Chính vì vậy, việc cải tạo đất phèn và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trên đất phèn là nhu cầu cấp bách nhằm cải thiện điều kiện SX, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong tham luận của mình, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, GĐ Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón & môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa) cho biết, “thủ phạm” gây ra đất phèn là do độc tố nhôm (Al) và sắt (Fe) xuất hiện với hàm lượng là nồng độ khá cao. Nếu mặt đất phèn mà có nước màu vàng, nổi váng màu đỏ là do sắt gây ra (nông dân gọi là phèn nóng); còn nước trong xanh, đất quanh bờ màu xám là do nhôm gây ra (phèn lạnh).

Nhiễm phèn làm cho môi trường đất bị chua và 2 độc tố nhôm, sắt làm hạn chế sự sinh trưởng của cây. Vì vậy, cần phải cải tạo đất phèn trước khi đưa vào SX và phải chú ý một số biện pháp kỹ thuật đặc thù nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trên đất phèn. Vì phân bón quyết định đến 40% năng suất cây trồng.

Trước hết là thiết kế đồng ruộng và kỹ thuật làm đất. Nếu canh tác lúa nước thì có kênh, mương và đánh rãnh trên ruộng để xả phèn. Nếu canh tác cây trồng cạn thì lên liếp để hạ phèn. Sử dụng giống và nhóm cây trồng thích ứng với đất phèn. Đối với lúa nên chọn các giống kháng phèn hoặc chống chịu phèn, còn cây trồng cạn thích hợp canh tác trên đết phèn là mía, khoai mỡ, chuối, bắp, mè và một số cây lâm nghiệm như tràm, bạch đàn…

TS. Phan Huy Thông phát biểu kết luận diễn đàn

Chọn kỹ thuật canh tác phù hợp nhằm hạn chế phèn như “ém phèn, né lũ”, sạ ngầm, điều tiết nước ruộng hợp lý; xây dựng quy trình bón phân hợp lý, hiệu quả. Muốn nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trên đất phèn thì trước khi bắt tay vào mùa canh tác mới thì phải chú trọng sử dụng sử dụng các chất cải thiện độ pH và làm giảm các độc tố trong đất. Các chất được dùng phổ biến hiện nay là vôi, Dolomite, Secpentin, phosphorite, Biochar (than hoạt tính), các chế phẩm sinh học, bón lót phân hữu cơ…

Một số nông dân hỏi về cách phân biệt lúa bị ngộ độc hữu cơ và ngộ độc phèn. Theo các nhà khoa học, ngộ độc phèn rễ lúa có màu vàng, còn ngộ độc hữu cơ rễ lúa màu đen và có mùi hôi.

Một số người còn cho biết, có nơi nông dân sử dụng xi măng để xử lý phèn cũng mang lại hiệu quả, vậy có nên làm theo cách này? Các nhà khoa học khuyến cáo tuyệt đối không được dùng xi măng để sử lý phèn vì sẽ làm chai đất mà lên dùng vôi để xử lý.

Còn TS Chu Văn Hách (Viện Lúa ĐBSCL) thì cho rằng, thực tế ở ĐBSCL hiện nay vẫn còn nhiều nông dân đầu tư phân bón kém hiệu quả, nguyên nhân do còn nặng về kinh nghiệm truyền thống, không thấy được yếu tố hạn chế trong đất có ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, cụ thể là đất bị chua do độ pH thấp.

Để sử dụng phân bón hiệu quả thì cần phải chú ý bón phân đáp ứng theo nhu cầu của cây. Chẳng hạn trong canh tác lúa mà bón phân đợt đầu quá trễ (lên đến 12 - 15 ngày sau sạ) làm cho bộ rễ kém phát triển hoặc dứt phân đợt 3 quá sớm (34 - 35 ngày sau sạ) làm cho lá lúa bị vàng sớm ở giai đoạn sau trỗ do thiếu dinh dưỡng. Bón phân không cân đối giữa các nguyên tố đa lượng N, P, K hoặc là bón ở lượng cao cho cả 3 đợt dưới dạng hỗn hợp NPK nên gây lãng phí.

“Để có một vụ mùa hiệu quả trên đất phèn thì cần thực hiện các biện pháp quản lý tổng hợp và đồng bộ nhằm giảm thiểu yếu tố do ngộ độc phèn gây ra như sử dụng giống chịu phèn, giải pháp thủy lợi (dùng nước rẽ phèn), bón phân theo nguyên tắc 6 đúng (đúng loại, đúng lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp, đúng mùa vụ, đúng loại đất), bón lót vôi và lân từ đầu vụ, Biochar (than sinh học)… hạn chế sử dụng các loại phân có chứa chất gây chua”, TS Chu Văn Hách khuyến cáo.

Tại diễn đàn, nông dân đã đặt gần 50 câu hỏi cho các nhà quản lý, nhà khoa học giải đáp. “Sử dụng phân bón trên đất phèn sắt và phèn nhôm có gì khác nhau?”, ông Trần Văn Dũng, nông dân huyện Vị Thủy, Hậu Giang đặt câu hỏi.

Vấn đề này được PGS,TS. Mai Thành Phụng, Trung tâm KNQG giải đáp, cả đất bị phèn sắt và phèn nhôm đều cần được xử lý (rửa phèn) trước thì bón phân mới hiệu quả. Đất phèn rất nghèo lân nên cần bón lót các loại lân nung chảy trước khi xuống giống. Nhưng ngược lại, đất phèn giàu chất hữu cơ nên không cần bón thêm phân hữu cơ.

Đ.T.Chánh/ nongnghiep.vn

Friday, April 25, 2014

Tự làm chế phẩm sinh học diệt rầy

Việc sử dụng chế phẩm nấm xanh để phòng trừ rầy đều không sử dụng thêm bất cứ loại thuốc BVTVnào nên các loài thiên địch phát triển mạnh.

Hiệu lực trừ rầy của chế phẩm sinh học trong vụ ĐX với mật độ rầy từ 450 - 550 con/m2, đạt 61,78%, vụ HT với mật độ rầy từ 250 - 400 con/m2, đạt 55,07%.

Nghệ An hằng năm gieo trồng 2 vụ lúa với khoảng 180.000 ha lúa nước nên việc phòng trừ các đối tượng gây hại trên lúa như rầy nâu, rầy xanh đuôi đen, rầy lưng trắng luôn được quan tâm hàng đầu.

Rầy không chỉ gây hại trực tiếp cho cây lúa mà còn là vật trung gian truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và rầy lưng trắng môi giới truyền bệnh lùn sọc đen phương Nam (hiện chưa có thuốc đặc trị).

Từ trước đến nay, để phòng trừ rầy bảo vệ lúa, các địa phương đều phải sử dụng các loại thuốc BVTV độc hại. Vì thế ngoài việc diệt trừ đối tượng gây hại, thuốc BVTV hóa học còn tiêu diệt luôn cả thiên địch có lợi trên đồng ruộng và gây ô nhiễm môi trường, dư lượng tồn dư trong sản phẩm còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi.

Trước tình hình đó, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã nghiên cứu ứng dụng thành công thuốc BVTV bằng CNSH từ loài nấm xanh (hay còn gọi là nấm Lục Cương, nấm cứng xanh) thuộc ngành nấm bất toàn, bộ nấm Đĩa (Melanconiales), họ nấm Đĩa (Melanconiaceae), có tên khoa học là Metarhizium anisopliae var. Trong đó, một số tỉnh, TP như Sóc Trăng, Cần Thơ, Tiền Giang... đã dùng nấm xanh phòng trừ rầy cho hiệu quả cao và hiện đã nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành phố.

Tại Nghệ An, từ năm 2011 đến nay, để hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng nấm xanh phòng trừ rầy hại lúa theo hướng sinh học, an toàn, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và từng bước hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học, Trung tâm Bảo vệ tài nguyên & môi trường rừng (Hội KHKT Lâm nghiệp Nghệ An) đã đầu tư kinh phí, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật và triển khai nghiên cứu ứng dụng nấm xanh và bước đầu đạt được kết quả.

Trong năm 2011, đội ngũ cán bộ của Trung tâm đã bắt đầu triển khai công tác nghiên cứu nhân nuôi nấm xanh. Từ mẫu rầy bị bệnh nấm xanh thu thập được ngoài đồng ruộng, Trung tâm đã phân lập và tuyển chọn được giống thuần (giống gốc Na1).

Từ đó, nhân nuôi nấm sinh khối trên môi trường cấp II, cấp III bằng một số công thức môi trường khác nhau, nhờ đó đã lựa chọn được hai môi trường nhân nuôi nấm xanh đảm bảo chất lượng tốt.

Năm 2012 và 2013, Trung tâm chính thức đưa chế phẩm Metar-Na ra đồng ruộng khảo nghiệm trên cả 2 vụ ĐX và HT tại huyện Hưng Nguyên với liều lượng 3 kg + 320 lít nước/ha và phun 2 lần/vụ. Phun lần 1 vào giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ, phun lần 2 vào giai đoạn lúa đòng già khi rầy tuổi nhỏ (tuổi 1 - 3). Hiệu lực trừ rầy trong vụ ĐX với mật độ rầy từ 450 - 550 con/m2, đạt 61,78%, vụ HT với mật độ rầy từ 250 - 400 con/m2, đạt 55,07%.

Qua nghiên cứu, SX và ứng dụng thực tế trong 3 năm qua, Trung tâm Bảo vệ tài nguyên & môi trường rừng Nghệ An đã xây dựng được quy trình SX nấm xanh đơn giản, rẻ tiền, sẵn có, rất phù hợp với hộ gia đình, nhóm hộ, HTX... Trung tâm tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương ứng dụng quy trình tự làm nấm xanh để quản lý rầy hại lúa.

Trung tâm tiếp tục khảo nghiệm chế phẩm Metar-Na trên diện rộng, tại hai huyện Đô Lương và Quỳnh Lưu. Nhưng tăng liều lượng nấm lên 4 kg + 400 lít nước/ha. Kết quả, hiệu lực trừ rầy tại mô hình xóm Toàn Mỹ, xã Hòa An, huyện Quỳnh Lưu (mật rầy từ 1.500 - 2.600 con/m2) đạt 74,98%; tại mô hình xóm 7 xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương (mật độ rầy từ 1.400 - 2.900 con/m2) đạt 78,14%.

Điều đáng mừng là vụ ĐX 2013 trên diện tích đã khảo nghiệm không có rầy xuất hiện. Bước sang vụ HT mật độ rầy có phát sinh rải rác, nhưng nơi cao nhất cũng chỉ từ 17 - 155 con/m2.

Từ các mô hình khảo nghiệm trên, nhưng Trung tâm đã điều chỉnh theo hướng giữ nguyên liều lượng chế phẩm 3 kg/ha + 400 lít nước, phun bằng bình bơm tay đeo vai để phun chế phẩm kỹ hơn tăng khả năng tiếp xúc của nấm với rầy để tăng hiệu quả trừ rầy lên mức cao hơn.

Tại các mô hình khảo nghiệm chế phẩm được sử dụng đều dạng nấm tươi (khi hoàn thành quá trình nuôi cấy, đủ tiêu chuẩn là đem sử dụng - nuôi trong túi nilon từ 10 - 14 ngày sau khi cấy giống gốc) nên có ưu điểm là khả năng gây bệnh cho rầy nhanh, mạnh, nhất là khi điều kiện thời tiết phù hợp.

Điều đáng mừng là việc sử dụng chế phẩm nấm xanh để phòng trừ rầy hại lúa tại các mô hình đều không sử dụng thêm bất cứ loại thuốc BVTV nào nên các loài thiên địch trên ruộng mô hình như nhện ăn thịt (Lycosa pseudoannulata), nhện lùn (Atypena formosana); bọ rùa đỏ (Micraspis sp), bọ rùa vàng (M.crocea), bọ rùa 6 chấm (Menochilus sexmaculatus), bọ rùa 8 chấm (Harmonia octomaculata); nhóm bọ xít có bọ xít mù xanh (Cyrtorhinus lividipennis), bọ xít nước (Mesovelia vitigera, bọ xít nước gọng vó (Limnogonus fossarum)... phát triển mạnh đã góp phần tích cực vào việc tiêu diệt làm giảm mật độ rầy trên đồng ruộng và trở thành "những người bạn hữu ích của nhà nông".

Nguyễn Văn Hội/ nongnghiep.vn

Muỗi hành gây hại và phòng trừ

Cần phát hiện sớm để phòng trị kịp thời. Nếu lúa qua giai đoạn đẻ nhánh tối đa (30 – 35 ngày sau sạ), việc phun, rải thuốc sẽ tốn kém vô ích. 


Muỗi hành gây hại ở nhiều nước trồng lúa châu Á. Thất thoát năng suất do muỗi hành có thể đến 50%. Tác nhân: Muỗi hành có tên khoa học là Orselia oryzae, bộ Diptera, họ Cecidomyiidae.

Cách gây hại và triệu chứng

Muỗi hành di chuyển lên phần giữa của bẹ và thân, rồi xâm nhập vào đỉnh sinh trưởng, tại đây sâu cắn phá gây hại và thải ra chất độc có trong nước miếng làm gốc bẹ lúa phồng to, bên trong rỗng, sau đó đọt lúa phát triển bất thường thành ống như lá hành có màu trắng nhạt, rộng khoảng 1 cm, dài 10 - 30 cm, đầu ống hành được bịt kín do mô lá tạo thành. Ống hành xuất hiện khoảng một tuần sau khi muỗi xâm nhập.

Tép lúa bị hại không cho bông (gié) nhưng lúa có thể mọc chồi mới để bù lại. Triệu chứng lúa do muỗi hành hại giống như lúa bị hạn, bệnh do virus (bệnh vàng lùn, bệnh Tungro), sâu đục thân, ngộ độc thuốc trừ cỏ 2,4D. Muỗi hành chỉ gây hại từ giai đoạn mạ đến cuối đẻ nhánh, trước khi có đòng.

Đặc tính sinh học

- Trứng: Thon dài, mới đẻ có màu trắng, trước khi nở có màu vàng. Trứng được đẻ rải rác ở lá thìa, phiến hay bẹ lá, trừng được đẻ từng quả một hay đẻ thành từng nhóm 3 - 4 quả.

- Sâu non: Giống như dòi, mình dẹt, màu trắng sữa, dài 4 - 5 mm. Giai đoạn ấu trùng có 3 - 4 tuổi. Mỗi chồi chỉ có một sâu non và khi ống hành vươn dài ra thì cùng lúc sâu non hóa nhộng.

- Nhộng: Có màu hồng nhạt, trước khi vũ hóa, có màu đỏ, dài 2 - 4 mm, giai đoạn nhộng dài 3 - 5 ngày, cả sâu non và nhộng sống và gây hại trong ống hành. Nhộng có thể di chuyển lên xuống trong ống hành. Khi sắp vũ hóa, nhộng di chuyển lên ngọn ống hành, dùng gai bụng đục lỗ, chui nửa mình ra, lột vỏ nhộng để lại trên đầu ống hành để thành trùng (muỗi) bay thoát ra ngoài.

- Trưởng thành: Giống như muỗi nhà, sải cánh dài 3 - 5 mm, muỗi cái bụng màu đỏ nhạt, muỗi đực, nhỏ hơn muỗi cái, màu nâu vàng. Râu 10 đốt. Muỗi hoạt động (giao phối, đẻ trứng) mạnh về đêm, sức bay yếu nên tầm gây hại hạn chế trong khu vực giới hạn, bị dẫn dụ bởi ánh sáng. Con cái đẻ 100 - 200 trứng.

- Thiên địch: Muỗi hành có nhiều thiên địch ký sinh trứng, sâu non (Obtusiclava oryzae, Eurytoma setitibia…) và nhộng. Thường khi sâu non xuất hiện, thiên địch ký sinh tăng, do đó cần chú ý khi phun thuốc trừ sâu, có thể làm giảm mật số thiên địch ký sinh về sau.

- Ký chủ phụ: Lúa chét, cỏ Bắc ( Leersia), cỏ lồng vực, cỏ ống, cỏ lông tây.

Phòng trừ

- Vệ sinh đồng ruộng, diệt sạch cỏ dại, cỏ bờ.

- Bẫy đèn: Theo dõi muỗi hành để phòng trừ đúng lúc (phun thuốc ngay khi muỗi ra rộ).

- Không sạ cấy dầy. Bón đầy đủ, cân đối NPK, không bón thừa đạm giai đoạn đẻ nhánh.

- Bảo vệ thiên địch (ong ký sinh), không phun thuốc trừ sâu sớm.

- Thăm đồng thường xuyên, nếu có muỗi hành, có thể tháo nước phơi ruộng để hạn chế lây lan.

- Thuốc BVTV: Trường hợp ruộng thường xuyên bị muỗi hành gây hại, điều kiện thời tiết, canh tác thuận lợi cho muỗi phát sinh, gây hại, cần thường xuyên thăm đồng, có thể dùng bẫy đèn theo dõi, nếu muỗi nhiều, có thể phun ngay thuốc trừ muỗi: Sapen alpha 5EC, Sec Saigon 5,10 EC, Diaphos 50EC.

Nếu ruộng nhiều muỗi, ống hành xuất hiện rải rác, cần phun thuốc trừ muỗi ngay, kết hợp rải thuốc dạng hạt có tính lưu dẫn, thấm sâu như Gà nòi 4G, Diaphos 10H hay Sargent 6G.

Trường hợp ruộng bị hại nặng, việc phòng trị sẽ ít có hiệu quả, tuy nhiên để tránh thiệt hại đến năng suất và hạn chế lây lan qua vụ sau có thể kết hợp phun thuốc có tính thấm sâu, xông hơi như Diaphos 50EC, Sairifos 585 EC, kết hợp rải thuốc hạt (như trên).

Lưu ý: Cần phát hiện sớm để phòng trị kịp thời. Nếu lúa qua giai đoạn đẻ nhánh tối đa (30 – 35 ngày sau sạ), việc phun, rải thuốc sẽ tốn kém vô ích. Ruộng rải thuốc hạt, cần duy trì mực nước 3 - 5 cm, trong 3 - 5 ngày.

ThS Huỳnh Kim Ngọc/ nongnghiep.vn

Wednesday, April 23, 2014

Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hồ tiêu ngăn chặn bệnh chết nhanh chết chậm

Anh Trịnh Văn Ba ở khối 11, thị trấn Ea K’Nốp, huyện Ea Kar, sau thời gian khá dài vất vả tìm tòi đủ mọi cách để ngăn chặn bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu. Có thể tự đánh giá mình đã có thành công nhất định, anh ghi lại những việc đã làm.


Người nào trồng tiêu cũng có nhiều nỗi lo, nhưng mối quan tâm lớn nhất là phòng và trị bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu.

Anh Ba với gần 20 năm trồng tiêu và cũng đã trải qua đại nạn bệnh chết nhanh chết chậm chia sẻ kinh nghiệm mình tích lũy được về phòng bệnh chết nhanh chết chậm cho cây hồ tiêu ở vườn nhà. Căn bản có mấy điểm chính sau đây :

1. Vườn tiêu có hệ thống thoát nước nhanh

Theo tôi, việc thoát nước nhanh quyết định tới 90% thành công của việc trồng và chăm sóc tiêu.

– Mỗi hàng tiêu là 1 luống, mỗi luống cần có 1 rãnh thoát nước.

– Bồn tiêu phải làm nổi, nội trong tháng 8 âm lịch phải vun, lấp lại cao hơn mặt luống. Biện pháp thoát nước nhanh cho vườn tiêu là điều cốt yếu, để đảm bảo an toàn cho tiêu trong thời gian mưa dầm, các vấn đề khác chỉ là thứ yếu. Tuyệt đối không để gốc tiêm âm trong mùa mưa.

2. Sử dụng nấm Tricho…

– Mỗi năm bổ sung 3 lần, lần thứ nhất vào đầu mùa mưa, lần thứ 2 vào trung tuần tháng 8 âm lịch, lần thứ 3 vào cuối mùa mưa.

– Tạo môi trường cho Tricho.. định cư lâu dài, bằng cách không cắt cao tán tiêu mà để chùm kín gốc trụ (nơi trú ngụ của tricho..) không quét dọn hoặc đốt lá tiêu rụng mà vun vào gốc hoặc trên mặt luống (làm thức ăn cho tricho..) không dùng các loại thuốc trị nấm bệnh (nếu dùng tricho.. sẽ bị tiêu diệt), giữ đều độ ẩm trong vườn cho tricho.. sống và phát triển.

3. Sử dụng các loại thuốc sâu rầy

– Sau khi thu hoạch xong, dùng Agri-fos 400 (tăng khả năng kháng nấm bệnh) và Amitage (lưu dẫn tiếp xúc) để trừ tuyến trùng và các loại rầy rệp, sâu bọ khác, pha riêng xịt chung.

– Khi làm rãnh xung quanh tán lá để bón các loại phân, cũng dùng loại 2 loại trên xịt kĩ gốc rãnh và cành lá trên trụ, phơi rãnh ít nhất từ 10 – 20 ngày mới được bón phân và lấp rãnh.

– Cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch cũng dùng 2 loại thước này xịt 1 lần nữa. Từ trung tuần tháng 9 và tháng 10 âm lịch thời điểm mưa dầm, mưa nhiều nhất, phải thường xuyên kiểm tra, khi phát hiện có mùi thối của rễ cây thì phải sử dụng ngay 2 loại thuốc trên + thuốc giâm chiết cành tưới gốc đồng thời xịt lên lá, cành 7 ngày/1 lần, làm 2 đến 3 lần.

4. Bón phân

– Không bón lượng phân hóa học nhiều trong 1 lần.

– Không bón khi rãnh quanh tán lá mới cuốc xong.

– không bón phân ở thời gian mưa dầm trong năm.

– Không bón bất cứ loại phân nào khi tiêu đang có hiện tượng nhiễm bệnh.

– Trung tuần tháng 8 âm lịch bón tăng tỷ lệ P và K.

– Không dùng dao, kéo, cuốc và dụng cụ kim loại trong vườn vào thời gian có mưa dầm, ngoại trừ trường hợp vét rãnh thoát nước.

Trịnh Văn Ba, khối 11, TT Ea K’Nốp, Ea Kar

Theo giatieu.com

Monday, April 21, 2014

Cách ủ phân chuồng

Phân chuồng, đặc biệt là phân gà thì ủ như thế nào cho mau hoai mục, hiệu quả cao? Quốc Danh (Châu Thành - Trà Vinh)

Để thúc đẩy cho phân chuồng hoai mục nhanh và không bị mất nhiều đạm, nên trộn vào phân một lượng vôi ta khoảng 1- 1,5% và khoảng 2% lân supe. Đồng thời, cần phủ lên đống phân một lớp bùn dày 2- 3cm để đạm bay hơi sẽ tích tụ vào bùn. Tuyệt đối không được dùng ny lông che phủ hoặc đựng trong bao để ngoài tự nhiên, phân sẽ giảm hiệu quả.

Ảnh minh họa


Đặc biệt, đối với phân gà là nguồn phân giàu đạm nhất trong các loại phân chuồng (lượng đạm nguyên chất chiếm 1,63%). Do đó, muốn giữ được lượng đạm, nông dân cần mua phân ngay sau khi chủ hộ chăn nuôi vừa quét dọn chuồng. Không nên mua phân để lâu ngày.

Thời gian ủ nếu không sử dụng men, tối thiểu phải từ 2- 2,5 tháng phân mới có thể hoai mục và sử dụng được.

Bạn nhà nông/ Báo Vĩnh Long

Thử nghiệm giải pháp mới phòng trị tôm bệnh EMS

Kết quả thử nghiệm cho thấy giải pháp mới mở ra nhiều hy vọng trong phòng trị EMS.

Công ty Công nghệ sinh học thế hệ mới (NG.BIOTECH) và Trung tâm Ứng dụng & Thử nghiệm sản phẩm đặt tại ấp Tân Thời, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Từ năm 2013 tại trang trại 10 ha của trung tâm bước đầu đã thử nghiệm thành công bộ 3 sản phẩm mới: BioNutri, BioPond, BioGrow có khả điều trị và phòng ngừa hiệu quả bệnh hoại tử gan tụy cấp (hội chứng tôm chết sớm - EMS) trên tôm nuôi nước lợ.


Trong 2 năm trước đây, dịch bệnh tôm chết đã làm thiệt hại nặng nề cho người dân nuôi tôm ở ven biển ĐBSCL, trong đó có EMS gây ra bởi vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, hiện chưa có thuốc đặc trị do vi khuẩn này có khả năng tạo một màng biofilm bảo vệ trước thuốc diệt khuẩn và kháng sinh. Do vậy vi khuẩn thường bùng phát trở lại rất nhanh sau khi thuốc hết tác dụng dẫn đến tôm chết nhanh hơn và thuốc ngày càng không có tác dụng.

Theo TS.BS thú y Nguyễn Minh - Giám đốc sản phẩm của NG.BIOTECH, bộ 3 sản phẩm trên của công ty thực chất là giải pháp dùng thiên địch để khống chế vi khuẩn gây bệnh EMS bằng cách sử dụng một dòng vi khuẩn độc quyền được nghiên cứu, phân lập bởi trường Royal Holloway (Đại học Luân Đôn - Vương quốc Anh). Dòng vi khuẩn này có khả năng ức chế và kiểm soát không cho Vibrio parahaemolyticus (tác nhân chính gây EMS-PV) hoạt động và phát triển trong môi trường nước cũng như trong cơ thể tôm nuôi.

Quá trình thử nghiệm trong 2 vụ nuôi vừa qua, tất cả các ao nuôi tại trại thực nghiệm thuộc Trung tâm Ứng dụng & Thử nghiệm sản phẩm của NG.BIOTECH ở xã Lạc Hòa đều không bị thiệt hại do EMS. Cùng tham gia trong đợt thử nghiệm trên còn có hai nông dân Dương Văn Lực và Châu Văn Voi, ở ấp Tân Thời, xã Lạc Hòa thực hiện, xác nhận đều thành công.

Ông Dương Văn Lực cho biết: "Năm 2013, vụ đầu tôi nuôi 6 ao, vụ thứ hai nuôi 2 ao đều rất thành công, đạt lợi nhuận 1,3 tỷ đồng. Theo dõi thử nghiệm sản phẩm của NG.BIOTECH tôi thấy đường ruột của tôm rất tốt, màu nước trong ao đẹp, ít tốn thức ăn, tỷ lệ hao hụt đầu con ít và tôm lớn nhanh, nên chỉ sau 3 tháng đã đạt kích cỡ 40-50 con/kg. Hiện nay tôi vẫn làm theo quy trình trên, tôm nuôi đã trên 40 ngày tuổi và phát triển tốt".

Đây là kết quả thử nghiệm bước đầu nhưng cho thấy giải pháp mới mở ra nhiều hy vọng trong phòng trị EMS.

Ông Lưu Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và thử nghiệm sản phẩm NG.BIOTECH CORP cho biết: Bộ 3 sản phẩm trên có thể xử lý ao tôm đã bị nhiễm EMS nặng, tôm chết nhiều hoặc những ao tôm mới bị hoặc phòng ngừa ngay từ đầu vụ nuôi. Theo kế hoạch của NG.BIOTECH từ ngày 20/4/2014 sẽ tiếp tục thử nghiệm bộ 3 sản phẩm tại 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Nếu người nuôi tôm có ao bị nhiễm EMS có thể liên hệ với trung tâm để được hỗ trợ sản phẩm miễn phí trong giai đoạn thử nghiệm. Dự kiến vào tháng 7/2014, khi các sản phẩm sử dụng có hiệu quả và an toàn sẽ được công bố trên thị trường.

Hữu Đức/ nongnghiep.vn