Monday, March 31, 2014

Xử lý bưởi ra hoa bằng cách tạo khô hạn

Nghe nói xử lý bưởi ra hoa bằng cách tạo khô hạn trong vườn giúp dễ chăm sóc và ra trái đồng loạt. Kỹ thuật này khó không, nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn. Ba Miễn (Trà Ôn)

Ảnh minh họa


Thường vào tháng 12 đến tháng 1 hoặc tháng 3- 4 dương lịch tiến hành xử lý bưởi ra hoa bằng cách tạo sự khô hạn.

Sau khi thu hoạch xong, tiến hành vệ sinh vườn, bón phân với liều lượng tùy thuộc vào sự sinh trưởng và tuổi cây.

Mực nước trong mương được khống chế ở mức thấp nhưng phải trên tầng phèn tiềm tàng. Sau từ 7- 20 ngày, bưởi có dấu hiệu thiếu nước, xào lá. Vì vậy, bên cạnh việc tưới nước có thể kết hợp vét sình lên liếp. Lượng nước tưới, mỗi ngày 2- 3 lần và tưới liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ 4, tưới nước mỗi ngày/lần đến khi bưởi ra hoa, đậu trái.

Nhược điểm của biện pháp xử lý bưởi ra hoa cách này là khi vét sình, xác bã thực vật chưa phân hủy hoàn toàn hoặc tầng phèn tiềm tàng vô tình bị đưa lên liếp có thể gây độc cây.

Theo Báo Vĩnh Long

Friday, March 28, 2014

Tăng hiệu quả bắp luân canh trên đất lúa

Cây bắp có vị trí quan trọng sau cây lúa. Hiện ở ĐBSCL, cây bắp được đưa vào luân canh trên đất lúa nhằm giảm bớt sức ép sản xuất nhiều lúa gạo mà giá cả không ổn định, trong lúc thiếu thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu hơn 3 tỷ USD/năm.

Cây bắp lai lấy hạt cho chăn nuôi là cây cho năng suất cao nên ‘‘phàm ăn’’ và có thể hấp thu lượng phân lớn. Tuy nhiên việc bón cho bắp phải căn cứ vào hiệu quả kinh tế nên mức khuyến cáo phân bón là (150 - 180kg N) + (70 – 100kg P2O5) + (30 – 90kg K2O)/ha. Nếu muốn đạt năng suất cao hơn, mức phân bón có thể tăng như sau: (200 - 300kg N) + (150 - 200kg P2O5) + (100kg K2O)/ha. Cần bón cân đối phân NPK, bón đủ, bón đúng.

Trộn thêm phân DAP vào tro trấu (0,5kg/bao) khi lấp hạt sẽ giúp cây bắp non phát triển vượt trội so với bình thường.

Phương pháp bón: Nếu sử dụng phân đơn thì chia làm 4 lần bón. Lần 1 bón lót toàn bộ phân hữu cơ (từ 8 - 10 tấn/ha nếu có) + phân lân ngay sau khi gieo hạt. Lần 2 bón ¼ lượng đạm + ½ lượng kali vào lúc 12 - 15 ngày sau gieo (NSG). Lần 3 bón ½ đạm + ½ kali vào giai đoạn 30 - 35 NSG và lần 4 bón ¼ lượng đạm còn lại vào 50 NSG. 

Nếu sử dụng phân hỗn hợp thì chia làm 3 lần bón sau khi đã tính toán ra số lượng phân nguyên chất tương ứng. Lần 1 bón ¼ lượng N + ½ lượng P2O5+ ½ lượng K2O lúc 10 – 12 NSG. Lần 2 bón ½ lượng N + ½ lượng P2O5 + ½ lượng K2O lúc 30 - 32 NSG. Lần 3 bón ¼ lượng N còn lại lúc 50 NSG.

Đối với bắp nếp (dùng cho người) thì lượng phân bón như sau:

Bón lót: 700 kg/ha phân NPK(5-10-3). Bón thúc lần 1 (giai đoạn cây 5 - 7 lá): 250kg phân NPK (12-5-10) + 40 - 50kg đạm urê, kết hợp làm cỏ, xới vun gốc. Bón thúc lần 2 (giai đoạn sắp trổ cờ): 220kg phân NPK (12-5-10) + 30 - 40kg kali, kết hợp xới, vun gốc chống đổ.

Nếu dùng phân đơn thì bón phân hữu cơ từ 8 - 10 tấn + urê 200 – 250kg + super lân 450 - 500kg + kali 100 – 150kg cho 1ha. Bón lót (lúc làm đất) toàn bộ phân hữu cơ + phân lân + 20% urê. Bón thúc lần 1 (10 NSG): 30% urê + 40% kali. Bón thúc lần 2 (20 NSG): 50% urê + 50% kali. Bón thúc lần 3 (35 - 40 NSG) toàn bộ lượng phân còn lại.

Để gia tăng hiệu quả sử dụng phân bón, phân lân nên rải đều khắp ruộng, đạm và kali rải theo hàng kết hợp lúc vun gốc và tưới nước. Ngoài ra nên cuốc chôn phân sát theo hàng bắp để chống rửa trôi và bốc hơi. Có thể bón bằng máy dúi phân hiện đang có sẵn trên thị trường dùng cho bắp và cây đậu nành.

TS Nguyễn Công Thành - Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam (theo Dân Việt)

Sunday, March 23, 2014

Về tình trạng thoái hóa đất nông nghiệp: Giảm chua phèn bằng phân bón

Những năm gần đây, Việt Nam ít có những công trình nghiên cứu chuyên sâu về thổ nhưỡng trong khi nhiều vùng đất bị biến đổi chất đất, tăng chua phèn. Liệu bản đồ đất đai xây dựng cách đây hàng chục năm có còn giá trị sử dụng?

Trong quá khứ, chúng ta đã có nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu thổ nhưỡng. Tuy nhiên, việc lập bản đồ đất và những công trình tầm vóc về lĩnh vực này thường đã có thâm niên 15-25 năm rồi. Thời gian gần đây, ngành nông nghiệp đã cực kỳ quan tâm đến nghiên cứu phát triển các loại giống (cây trồng, thủy sản, vật nuôi...) nhưng lại ít quan tâm đến nghiên cứu thổ nhưỡng, ít có công trình nghiên cứu chuyên sâu về khoa học đất. 

Chính trong thời gian này, Việt Nam từ một nước nông nghiệp lạc hậu đã trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản như lúa gạo, chè, cà phê, cao su, hồ tiêu; đồng thời cũng bùng nổ dữ dội những tác động làm biến động chất lượng đất đai. Đó là:

Có thể giảm độ chua cho đất trồng cà phê bằng cách bón phân hợp lý.

- Nạn phá rừng đã đến mức trầm trọng và trở thành vấn đề có tính chất “quốc nạn” gây nên tình trạng xói mòn, lở đất, lũ ống, lũ quét ngày càng trầm trọng;

- Việc độc canh 3-4 vụ lúa/năm trên cùng một vùng đất trở thành phổ biến;

- Nông dân ít quan tâm đến sử dụng các loại phân hữu cơ như trước, mà lệ thuộc hoàn toàn vào phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật…, dùng phân bón hóa học không đúng cách gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất.

- Biến đổi khí hậu, Trái đất nóng lên đã trở thành vấn đề toàn cầu gây lên các trạng thái khí hậu cực đoan như bão lũ, lở đất, nước biển dâng gây ngập mặn mất đất canh tác (Việt Nam là 1 trong 8 quốc gia bị tác động nặng nề nhất thế giới).

Những vấn nạn trên tác động thế nào đến chất lượng đất trồng? Liệu bản đồ đất đai xây dựng cách đây hàng chục năm có còn giá trị sử dụng như một loại cẩm nang cho nông dân nữa không?

Lưu huỳnh tích tụ gây ngộ độc đất

Trong bài báo “Sử dụng nguyên tố dinh dưỡng lưu huỳnh hợp lý” (đăng trên NNVN, ngày 10.2.2014), tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đất - Phân bón và Môi trường Phía Nam) nói về kết quả khảo sát lưu huỳnh (S) trong đất Tây Nguyên. Kết quả làm nhiều người giật mình khi một vùng đất đỏ bazan màu mỡ từ chỗ thiếu hụt nguyên tố S, nay đã trở thành một vùng đất chua (pH thấp) với hàm lượng S tầng mặt quá cao (86ppm), cho thấy nguy cơ ngộ độc S trên đất trồng cà phê.

Để giải thích tình trạng trên, tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng nguyên nhân là do nông dân thích sử dụng loại phân có hàm lượng S cao NPK 16-16-8-13S theo thói quen đã có từ thời trước giải phóng, lâu ngày lưu huỳnh tích tụ lại. Chúng tôi nói thêm rằng: Hàng năm chúng ta sản xuất và sử dụng khoảng trên 1 triệu tấn phân supe đơn với hàm lượng 12%S. Để sản xuất NPK, nếu trộn supe với đạm urê sẽ gây hiện tượng sản phẩm chảy nước khó bảo quản. Chính vì vậy chúng ta nhập hàng vạn tấn đạm sulphat amôn (NH4)2SO4 với hàm lượng 24%S về để phối với supe sản xuất phân NPK. Hai loại phân có hàm lượng S cao trộn với nhau sẽ tạo ra những sản phẩm NPK chứa S rất cao.

Mấy chục năm qua, nông dân đã dùng các loại phân này chăm bón, nếu không biết thay đổi hoặc do thị trường không có chủng loại khác để thay thế thì đây chính là nguyên nhân gây nên tình trạng đất bị hóa chua (pH thấp) và tích tụ S gây ngộ độc đất.

Câu hỏi đặt ra dành cho ngành nông nghiệp và các nhà khoa học nghiên cứu là: Ở Việt Nam có bao nhiêu vùng đất đã bị biến đổi có tính “quay ngoắt” như vậy? Làm thể nào để hạn chế, chấm dứt tình trạng chua hóa này?

Ở Nhật Bản, từ những năm 1960 người ta đã có những nghiên cứu nghiêm túc về tác động của phân hóa học tới việc cải tạo đất, từ đó đề ra các biện pháp định hướng cho nông dân sử dụng những sản phẩm phân bón có lợi cho việc cải tạo đất để sản xuất ra các nông sản sạch, có chất lượng cao. Qua nghiên cứu, người Nhật nhận thấy lân nung chảy là loại phân khoáng tự nhiên có tác dụng rất tốt cho cây trồng, làm tăng năng suất, chất lượng nông sản và tốt cho việc cải tạo đất, nên khuyến cáo nông dân sử dụng ngày càng nhiều. Tư liệu về xu hướng sử dụng phân lân tại Nhật Bản từ năm 1961 -1971 do Liên hiệp Các xí nghiệp sản xuất phân bón Nhật Bản (Shinkyobashi Kyobashi, 3-6 Chucku Tokyo, Japan) cho thấy lượng phân lân nung chảy ngày càng được ưa chuộng. Cụ thể, năm 1961: 239.000 tấn, năm 1963: 216.000 tấn, 1965: 263.000 tấn, 1967: 414.000 tấn, 1969: 449.000 tấn, 1971: 487.000 tấn.

Cùng mốc thời gian trên, tổng lượng các loại phân bón khác được sử dụng ở Nhật Bản từ 712.000 tấn (năm 1961) giảm dần xuống còn 135.000 tấn (năm 1971). 

Cải tạo đất bằng phân khoáng thiên nhiên

Ở Việt Nam, những nghiên cứu của các nhà khoa học nông nghiệp và khảo nghiệm thực tế của Công ty CP Phân lân Văn Điển cũng cho thấy kết quả tương tự như ở Nhật Bản: GS-TS Võ Minh Kha cùng cộng sự qua nhiều năm nghiên cứu, khảo nghiệm đã nhiều lần khẳng định trong các công trình nghiên cứu của ông: Phân lân Văn Điển là loại phân tốt nhất cho đồng ruộng Việt Nam, đặc biệt là ruộng chua, phèn...

Ở vùng chè Thái Nguyên, canh tác theo truyền thống năng suất rất thấp, do sử dụng nhiều năm cùng một loại phân bón có tính chua làm cho đất quá chua và nghèo kiệt. Tại Nông trường Chè Sông Cầu, ông Nguyễn Văn Bốn - Phó Giám đốc đơn vị này nói với chúng tôi: “Đất ở đây chua quá, pH 2,8 – 3,1, cây chè chùn lại không phát triển”. 

Khi đưa phân bón Văn Điển vào các huyện Đại Từ, đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình năng suất tăng gấp 2-3 lần, bà con nông dân hồ hởi đón nhận. Tại vùng chè Phú Thọ, 2 liên doanh chè Ấn Độ là Phú Bền và Phú Đa sử dụng phân chuyên dùng Văn Điển năng suất chè tăng gấp trên 3 lần canh tác theo truyền thống và họ gắn bó với Văn Điển gần 10 năm nay. Ông Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Chè Sông Lô cũng nhận định: “Dùng phân bón Văn Điển rất hiệu quả, năng suất cao, chất lượng chè lại tốt, chỉ cần 3,75 – 4,2 kg búp tươi/kg chè khô; trong khi các loại chè khác phải dùng 5kg búp tươi/kg chè khô”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, nông dân thích sử dụng loại phân có hàm lượng lưu huỳnh cao theo thói quen từ trước giải phóng, lâu ngày lưu huỳnh tích tụ lại, làm cho một vùng đất bazan màu mỡ Tây Nguyên bị chua hóa với hàm lượng lưu huỳnh tầng mặt quá cao.

Tại vùng Kim Sơn (Ninh Bình) có khoảng 10.000ha đồng ruộng bị xâm nhập mặn, trồng lúa thu hoạch rất thất thường, nhiều vụ mất trắng, hoặc cho năng suất rất thấp. Năm 2011, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông – Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đưa phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển, làm mô hình với giống lúa TL6 trên vùng đất này, nông dân đã có thu hoạch với năng suất từ 8 – 9 tấn/ha. 

Còn ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) là nơi có diện tích chua, mặn trồng cói cho năng suất rất thấp; khi sử dụng phân chuyên dùng Văn Điển thì năng suất và chất lượng cói tăng lên mạnh, độ dài của cói trên 1,8m tăng lên >50%, sợi cói đanh, dai. Sản phẩm cói tốt hơn đồng nghĩa với thu nhập được cải thiện.

Ở Tây Nguyên, phân bón Văn Điển đã được khẳng định là không thể thiếu đối với các vườn cà phê, hồ tiêu, cao su... Còn ở miền Tây Nam Bộ, suốt từ Long An đến huyện Hòn Đất, Kiên Giang, lân Văn Điển được coi như là giải pháp trị chua phèn và cung cấp đầy đủ, đồng thời, cân đối dinh dưỡng đa, trung, vi lượng cho đồng ruộng để có năng suất cao. Hiện nay, sản phẩm Văn Điển tiêu thụ khoảng 30% tại Bắc Bộ, 35-40% ở Tây Nguyên, trên 30% ở Nam Bộ và dành 5 – 10% xuất khẩu nhưng vẫn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Công ty đang gấp rút xây dựng thêm một nhà máy nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nông dân và phục vụ xuất khẩu. Phân lân FMP Văn Điển chứa 15 – 19% P2O5, 28 – 30% CaO, 24 – 32% SiO2, 15 – 18% MgO và đầy đủ các chất trung vi lượng như Zn, Cu, B, Mo. Mn, Fe, Co... với tính kiềm (pH = 8 – 8,5). Phải chăng đó là giải pháp cho việc cải tạo đất khỏi nhiễm chua phèn, ngập mặn, bổ sung những mất mát Ca, Mg do quá trình xói mòn... chống lại những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ở Việt Nam? 

PGS-TS Mai Quang Vinh/ Dân Việt

Thursday, March 20, 2014

Lai đậu xanh với đậu đen

Đậu đen và đậu xanh thuộc hai loài khác nhau. Việc lai xa rất khó khăn vì về mặt di truyền bộ nhiễm sắc thể của hai bên bố mẹ khác nhau.

Ảnh minh họa
* Xin hỏi, nếu đem cây đậu đen lai với cây đậu xanh có được không? Nếu có thì hạt như thế nào? Hoàng Ngọc Phi, Bắc Quang, Hà Giang

- Đậu đen và đậu xanh thuộc hai loài khác nhau. Việc lai xa rất khó khăn vì về mặt di truyền bộ nhiễm sắc thể của hai bên bố mẹ khác nhau về số lượng, hình dạng, kích thước, cách sắp xếp các gen trên nhiễm sắc thể, sự không tương hợp giữa nhân và tế bào chất của hợp tử...

Tuy nhiên người ta vẫn có thể thực hiện thành công quá trình lai xa giữa hai loài thực vật khác nhau. Tất nhiên đây chỉ có ý nghĩa về lý thuyết chứ không có giá trị thực tiễn vì cây lai cho năng suất rất thấp. Chưa ai thực hiện việc lai đậu đen với đậu xanh có lẽ cũng do những lý do vừa nói.

GS Nguyễn Lân Dũng/ nongnghiep.vn

Saturday, March 8, 2014

Để ca cao cho nhiều trái

Ca cao được trồng bằng cây con sau khi hạt được gieo trực tiếp trong túi nylon cao khoảng 25cm, có đường kính 15cm.

Cây con thường được sắp xếp hàng đôi dưới bóng râm và chăm sóc cho đến 7 - 8 tháng đem trồng ra đất. Mật độ cây trồng thuần biến động từ 950 – 1300 cây tùy theo dinh dưỡng đất và khí hậu. Trồng xen trong vườn dừa với khoảng cách 3 x 3m, mật độ có thể từ 400 - 700 cây/ha.

Phân vô cơ rất quan trọng với cây ca cao, giúp tăng năng suất và hạn chế sâu bệnh.

Nắm vững nhu cầu phân bón và cách bón phân cho cây ca cao sẽ giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất chất lượng và hiệu quả. Loại phân rất quan trọng cho ca cao là phân vô cơ (đạm, lân, kali hoặc NKP) giúp bổ sung khoáng chất nuôi cây và vôi giúp cải thiện độ pH đất thích hợp cho cây. 

Trong đó phân lân giúp bổ sung chất phốt pho, trung lượng. Phân chuồng/hữu cơ giúp bổ sung các dinh dưỡng trung, vi lượng, cải thiện độ phì của đất, bổ sung khoáng chất và kích thích sự phát triển của hệ vi sinh vật, hạn chế sự phát triển của nấm bệnh. Ngoài ra còn có phân bón lá cung cấp bổ sung chất dinh dưỡng trung và vi lượng cho cây.

Mức khuyến cáo áp dụng phân bón cho cây ca cao thời kỳ kinh doanh như sau: Urea 0,4kg + super lân 0,9kg + KCl 0,5kg + vôi 0,5kg + phân chuồng/hữu cơ 10kg cho một cây. Lượng phân này chia đều cho số lần bón trong năm. Thường bón nhiều lần vào các tháng mùa mưa. Bón vôi, phân lân và phân chuồng/hữu cơ vào đầu mùa mưa (tháng 4). 

Các loại phân vô cơ chia làm 4 lần bón vào các tháng 5, 7, 9, và 11. Nếu bón vào mùa khô phải đảm bảo có nước tưới. Phân bón lá thì chọn các loại phân có các trung lượng như Ca, Mg, S và các vi lượng như Fe, Mn, Cu, B, Mo và phun vào các tháng 2, 5, 8 và 11.

Cách bón: Bón theo tán cây bằng cách đào rãnh quanh tán, bón phân rồi lấp đất. Nếu vườn có nhiều lá khô thì cào lá trước khi bón rồi lấp lại. Cách khác là đào rãnh giữa hai hàng cây ca cao, bón phân rồi lấp đất và lấp lá lại. 

Áp dụng kiểu bón khác nhau cho mỗi đợt, ví dụ đợt đầu bón rãnh dọc thì sau bón rãnh ngang. Không bón chạm phân vào lá, không bỏ phân sát gốc, không bón dưới lá ủ, khi bón đất đủ ẩm và sau bón tưới nước hòa tan phân, không bón trước những cơn mưa lớn nhất là đất cát pha. 

TS Nguyễn Công Thành (theo Dân Việt)