Thursday, February 27, 2014

Phòng trừ bệnh hại trên cây cao su

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Nông, với diễn biến thời tiết thất thường như hiện nay thì rất dễ làm phát sinh các loại sâu bệnh hại trên cây cao su, nhất là vào thời điểm cây ra lá non, thuận lợi cho các bệnh phấn trắng, héo đen đầu lá, nhện đỏ, nhện vàng phát sinh gây hại. Vì thế, bà con nông dân cần tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống, tránh để bệnh hại xảy ra làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của vườn cây. 

Gia đình ông Trần Xuân Thu ở thôn Quảng Phước, xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp) có 2 ha cao su. Thời gian này, khi thời tiết giao mùa giữa mùa lạnh sang hanh khô, mỗi ngày ông đều ra thăm vườn một lần, tiến hành phát dọn ở những khu vực có nhiều cỏ dại để phòng tránh các loại sâu bệnh phát sinh. Tuy nhiên, qua theo dõi, vườn cây của ông vẫn có những biểu hiện của bệnh phấn trắng, Ông Thu cho biết: “Mấy ngày này, khi thấy các biểu hiện của bệnh phấn trắng và bắt đầu có hiện tượng rụng lá non, phiến lá bị biến dạng, tôi lập tức tỉa bỏ những cành bị bệnh, vệ sinh vườn sạch sẽ. Nhờ đó, phần nào hạn chế được sự phát sinh của sâu bệnh trên cây cao su”.

Nông dân Đắk R’lấp vệ sinh vườn, phòng bệnh hại cho cây cao su

Ông Hoàng Văn Cúc ở bon Bu Lanhxã Đắk R’tíh (Tuy Đức) có gần 1 ha cao su nhưng gần đây đã phát hiện một số cây bị bệnh héo đen đầu lá. Để ngăn bệnh phát sinh mạnh gây hại, ông huy động cả nhà gồm 5 người ra vườn để kiểm tra từng cây một và tiến hành phun thuốc phòng trừ. Ông Cúc cho biết: “Nhờ trước đó được tham gia lớp tập huấn về cách nhận biết, phòng trừ bệnh trên cây cao su do Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức nên khi thấy khoảng 10% cây có lá non nhú chân chim trên vườn, tôi dùng máy phun 2-3 lần với chu kỳ 10 ngày/lần vào buổi sáng, khi trời ít gió. Khi cây ra lá được khoảng 90% thì tôi không phun nữa. Nhờ cách làm này mà tôi đã khống chế được dịch bệnh lây lan”.

Theo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Tuy Đức thì toàn huyện hiện có 7.158 ha cao su, trong đó có trên 1.550 ha ở thời kỳ kinh doanh. Thời gian này, qua kiểm tra, ở nhiều vườn cây đã có biểu hiện của sâu bệnh. Do đó, Phòng đang tập trung cử cán bộ xuống cơ sở, cùng với khuyến nông, bảo vệ thực vật xã, thôn, bon hướng dẫn, chỉ đạo bà con tăng cường các biện pháp chăm sóc đúng cách như bón cân đối các loại phân bón, giảm mật độ cạo mủ, vệ sinh vườn, cắt tỉa những cành bị bệnh đem đi tiêu hủy, phun thuốc hóa học tránh để bệnh hại lây lan ra diện rộng.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì hiện nay, toàn tỉnh đã có hàng trăm hécta cao su có biểu hiện của sâu bệnh gây hại, nhất là tại các huyện Tuy Đức, Krông Nô, Đắk R’lấp, Đắk Mil. Trước tình hình này, mới đây, Chi cục cũng đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các phòng nông nghiệp, trạm bảo vệ thực vật nhanh chóng triển khai kiểm tra, theo dõi diễn biến bệnh trên toàn bộ diện tích, hướng dẫn nhân dân phòng, trừ hiệu quả. Khi vườn cao su mắc các bệnh phấn trắng, héo đen đầu lá, nhện đỏ, bà con phải biết sử dụng đúng thuốc đặc trị, đúng lúc, đúng liều lượng.

Cụ thể, có thể sử dụng các loại thuốc hóa học như: Bột lưu huỳnh thấm nước (Kumulus 80WP, Sulox 80WP) nồng độ 0,3%; Hexaconazole (Anvil 5SC, Hexin 5SC, Vivil 5SC, Saizole 5SC) nồng độ 0,2%; hỗn hợp của Carbendazim và Hexaconazole (Arivit 250SC, Vixazol 275SC) nồng độ 0,2% hoặc Diniconazole (Sumi-Eight 12,5WP) nồng độ 0,05 - 0,1%. Phun thuốc lên tán lá khi có 10% cây có lá non nhú chân chim trên vườn và ngừng phun khi 80% cây có lá ổn định. Dùng máy phun cao áp, phun 2-3 lần với chu kỳ 7-10 ngày/lần vào buổi sáng ít gió với lượng nước 1.000 - 1.400 lít/ ha. Những nơi có điều kiện, nhà vườn có thể sử dụng thêm phân bón qua lá để tăng cường sức đề kháng cho cây. Đồng thời, nông dân cũng cần kết hợp với các biện pháp như bón thêm kali, giảm đạm, tạm ngưng hoặc hạn chế bớt số lần cạo mủ, vệ sinh vườn, cắt tỉa cành bị bệnh đem đi tiêu hủy… 

Bài, ảnh: Hồng Thoan/ Báo Đăk Nông

Tuesday, February 25, 2014

Kỹ thuật sản xuất cây điều ghép

Vườn ươm gốc ghép phải đặt nơi cao ráo, thoát nước tốt. Xung quanh khu vực vườn ươm phải quang đãng, không có cây che bóng.

Ảnh minh họa

1. Kỹ thuật sản xuất cây gốc ghép

a. Thiết kế vườn ươm

- Vườn ươm gốc ghép phải đặt nơi cao ráo, thoát nước tốt. Xung quanh khu vực vườn ươm phải quang đãng, không có cây che bóng.

- Bầu ươm: bằng túi nhựa P.E màu đen, dày = 0,15mm, kích thước túi bầu 15cm x 25cm hoặc 18cm x 28cm, bầu được đục lỗ thoát nước và bảo đảm độ thoáng khí.

- Hỗn hợp đất bao gồm: 89% đất phù sa hoặc đất mặt (cát pha đến thịt nhẹ), 10% phân chuồng hoai mục, 1% phân supe lân. Hỗn hợp đất, phân trộn đều và được phun thuốc chống nấm hại rễ 1 - 2 ngày trước khi đóng bầu. 

- Bầu ươm gốc ghép được đặt theo luống, mỗi luống xếp từ 4-6 hàng bầu. Rãnh luống rộng 50-60 cm để dễ dàng thực hiện thao tác ghép.

b. Giống điều làm gốc ghép

Kinh nghiệm cho thấy sử dụng hạt của cây điều sẻ lùn làm cây ghép sẽ tránh được tình trạng cây điều ghép phát triển không đều. Cây điều sẻ là cây điều lùn, hạt nhỏ (trên 250 hạt/kg) nên hệ số nhân giống cao, sức sống của hạt khoẻ, cây con phát triển mạnh, đồng đều, ít thấy hiện tượng phân ly khi gieo bằng hạt.

c. Xử lý và gieo hạt giống

- Hạt giống làm gốc ghép được thu gom trên các cây mẹ có năng suất cao và sinh trưởng khỏe, được rửa sạch phơi khô đến độ ẩm 8-10%. Bảo quản hạt trong điều kiện khô ráo và kín gió.

- Xử lý hạt: cho hạt vào nước để loại bỏ hạt nổi, rửa sạch và ngâm nước 48-72 giờ. Mỗi ngày thay nước 1 lần. Sau đó, ủ hạt trong bao tải (bao gai) hay cát ẩm, nền thoát nước, nơi râm mát, có thể phủ nhẹ trên mặt bằng rơm rạ. Sau 4 - 5 ngày thì hạt nảy mầm.

- Gieo hạt: Khi hạt nảy mầm dùng lưỡi lam cắt chóp rễ (để rễ hình thành chùm rễ cọc sau này) và gieo hạt vào bầu ươm đã được chuẩn bị sẵn. Mỗi bầu gieo 1 hạt, đặt eo hạt tiếp xúc với mặt đất và ấn chìm hạt ngay xuống mặt đất. Tưới ẩm bằng ô doa hoặc vòi phun hàng ngày.

d. Chăm sóc cây con trong bầu

- Tưới đủ nước và làm cỏ sạch khi cây còn nhỏ. Phun thuốc Sherpa 25EC để phòng sâu hại lá, sâu đục ngọn và bọ xít muỗi. Phun thuốc trừ nấm để phòng bệnh lở cổ rễ, đặc biệt thường xảy ra trong tháng đầu tiên khi cây con chưa hóa gỗ.

2. Vườn nhân chồi ghép

- Vườn trồng cây lấy chồi ghép gọi là vườn nhân chồi ghép có trồng cây đầu dòng chọn được trong quá trình bình tuyển và đã qua hậu kiểm hoặc là giống đã được khu vực hoá hoặc đã được công nhận là giống quốc gia phù hợp với địa phương.

- Kỹ thuật chọn chồi ghép: Chồi ghép phải là chồi ngủ khoẻ không bị nhiễm sâu bệnh, tuổi của chồi tương đương với tuổi gốc ghép (2 tháng) thì tỷ lệ sống cao, đồng đều. 

Chồi ghép sau khi cắt nếu vận chuyển đi xa cần được nhúng qua nước, gói vào giấy báo hoặc quấn bằng vải, xếp vào thùng xốp có lót đá ở đáy thùng. Chồi ghép đặt vào thùng đá phải được cách đá bằng một lớp vải hoặc giấy báo. 

Nếu vận chuyển ngắn hoặc ghép nhanh thì chỉ cần gói chồi ghép trong một khăn giữ ẩm và để nơi thoáng mát.

3. Kỹ thuật ghép

a. Tiêu chuẩn gốc ghép

- Cây con ươm bằng hạt trong bầu được khoảng 45-60 ngày thì tiến hành đảo bầu (nhấc rễ), loại bỏ các cây còi cọc hoặc dị dạng và xếp lại thành từng ô với mức độ sinh trưởng khác nhau để tiện chăm sóc. Sau đó để cây con ổn định trong thời gian 30 ngày thì tiến hành ghép.

- Tiêu chuẩn cây gốc ghép:

+ Đường kính thân từ 7 - 10mm .

+ Cây con làm gốc ghép có từ 10-15 lá trở lên.

+ Tuổi cây con làm gốc ghép từ 60 ngày tuổi trở lên.

+ Cây con khỏe mạnh, không bị nhiễm sâu bệnh.

b. Tiêu chuẩn chồi ghép

- Thời gian lấy chồi ghép tốt nhất là cây chuẩn bị phát đợt lá mới. 

- Chồi ghép tốt cần đạt các tiêu chuẩn sau:

+ Chồi vừa mới bật, đường kính chồi từ 7 - 10mm.

+ Chiều dài chồi ghép 7cm.

+ Không có vết sâu bệnh, chồi lấy ở ngoài sáng.

c. Thời vụ ghép

Thời vụ ghép tốt nhất, đạt tỷ lệ sống cao là từ tháng 2 - 7. Thời vụ này sử dụng chủ yếu chồi ghép từ vườn nhân chồi. Trong thực tế, từ tháng 2 đến tháng 5 là thời kỳ cây điều có hoa, mang quả nên nếu sử dụng chồi từ cây mẹ thì thời vụ tốt nhất là từ tháng 6 đến tháng 8

Nên ghép vào buổi sáng lúc trời mát, lúc cây đã hút đủ nước qua đêm. Thời gian ghép tốt nhất là 6 - 10 giờ sáng.

d. Thao tác ghép

Ghép điều có thể thực hiện bằng 3 phương pháp: ghép vát (ghép áp), ghép nêm và ghép mắt. Đạt tỷ lệ sống cao là ghép vát hoặc ghép nêm. Thông dụng và dễ thao tác là ghép vát. 

+ Bước 1: Dùng dao ghép vạt xiên thân gốc ghép một mặt phẳng nghiêng dài 3-4 cm cách mặt bầu (mặt đất) từ 10-15cm, chừa lại 2-3 lá thật trên gốc ghép.

+ Bước 2: Dùng dao vạt một mặt phẳng nghiêng trên chồi ghép tương tự như vạt gốc ghép.

+ Bước 3: Áp mặt cắt của chồi ghép và gốc ghép lại với nhau để có sự tiếp hợp. Nếu đường kính của chồi ghép và gốc ghép chênh lệch nhau thì nên để cho một bên mép vỏ của chồi ghép và gốc ghép liền khớp với nhau.

+ Bước 4: Dùng dây ni-lông mỏng quấn chặt từ dưới lên trên theo kiểu lợp mái nhà để cố định và bịt kín chồi ghép.


Chuẩn bị gốc và chồi trước khi ghép
Sau khi ghép
Hình minh hoạ cách ghép chồi vạt ngọn  

4. Chăm sóc cây ghép

- Cây sau khi ghép được tưới ẩm bằng vòi phun hoặc ô doa hàng ngày, 2 - 3 ngày đầu có thể tưới số lần nhiều hơn. 

- Khi cây ghép đã bứt chồi, nếu tầng lá thứ nhất của cây phát triển kém có thể tưới phân NPK loại 16:16:8 nồng độ 1 - 1,5%

- Thường xuyên kiểm tra để cắt bỏ các chồi mọc ra ở phía dưới vết ghép.

- Đảo bầu: Khi cây ghép có tầng lá đầu tiên phát triển hoàn chỉnh (thường phải từ 4-6 tuần kể từ lúc ghép) thì tiến hành đảo bầu và phân loại cây. 

- Bảo quản cây ghép, giữ cho cây sinh trưởng chậm lại do quá lứa trồng: Trong trường hợp cây quá lứa trồng cây phải được hãm lại để vụ sau hoặc lứa sau. Phương pháp giữ cho cây sinh trưởng chậm lại là hạn chế chăm bón, tưới nước. Đặt bầu ghép lên lớp ni-lông cách ly đất là cách tốt nhất hạn chế sinh trưởng của cây ghép trong bầu, kết hợp với hạn chế đến mức thấp nhất tưới nước cho cây.

5. Tiêu chuẩn cây điều ghép trước khi xuất vườn

- Có đủ 2 tầng tán lá khoẻ, lá bánh tẻ, tầng lá thứ 2 cứng cáp, không héo khi vận chuyển trồng.

- Chiều cao cây > 30 cm

- Đường kính gốc ghép đạt 0,8 - 1 cm trở lên

- Điểm ghép chắc liền, tròn đều trên thân chính. Chiều cao điểm ghép không quá 20cm.

- Cây xuất vườn phải được đảo bầu tối thiểu trước 10 ngày.

Ngọc Lan/ khuyennongvn.gov.vn

Friday, February 21, 2014

Chăm bón cây cà phê sau Tết

Sau những ngày nhộn nhịp đón Xuân Giáp Ngọ 2014, bà con nông dân Tây Nguyên đang tập trung tưới nước và chăm sóc cây cà phê. Năm nay theo dự báo, mùa khô khá khắc nghiệt, khả năng thời tiết nắng hạn và thiếu nước tưới là rất lớn.

Vì thế để đảm bảo cho vụ mùa cà phê thắng lợi, nông dân phải biết sử dụng nguồn nước và cung cấp dinh dưỡng hợp lý, tạo tiền đề cho cây phát triển tốt có đủ sức khỏe để nuôi trái trong mùa mưa.

Ảnh minh họa

Theo đánh giá của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, vụ cà phê năm qua bà con vẫn có khuynh hướng tưới thừa nước khoảng 300 m3 nước/ha/vụ, gây lãng phí rất lớn. Trong khi đó các cảnh báo đều chỉ rõ rằng mức nước ngầm ngày càng xuống thấp, nguồn nước dự trữ ở các sông hồ ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, nếu như bà con biết rõ nhu cầu nước và kỹ thuật tưới trong mùa khô thì có thể giảm áp lực về nước.

Hiện phần lớn nông dân đang sử dụng phương pháp tưới phun mưa (tưới péc) và tưới gốc (tưới dí). Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì đối với phương pháp tưới phun mưa (tưới péc) thì lượng nước tưới để đảm bảo đủ cho cây cà phê nở hoa tốt thì đợt tưới lần tưới đầu tiên ở mức 800 m3 nước/ha. Các lần tưới tiếp theo cần lượng nước ít hơn, khoảng 600 - 650 m3 nước/ha/đợt. Mỗi lần tưới cách nhau từ 20 - 25 ngày tuỳ theo vùng đất.

Đối với phương pháp tưới gốc (tưới dí), để đảm bảo cho cây cà phê nở hoa tốt thì lượng nước đợt tưới đầu tiên cần nhiều nhất, khoảng 500 - 550 lít nước/gốc. Các đợt tưới tiếp theo cần lượng nước ít hơn, khoảng 400 - 450 lít nước/gốc. Mỗi đợt tưới cũng cách nhau chu kỳ từ 20 - 25 ngày tuỳ vào vùng đất.

Thông thường có 2 - 3 đợt tưới trong mùa khô để đảm bảo cho cà phê phát triển tốt. Nhưng trong năm nay có thể bà con phải tưới thêm đợt 4 nếu như mùa khô kéo dài. Bên cạnh nước tưới, việc cung cấp dinh dưỡng hợp lý cho cà phê cũng cần quan tâm. Khi cung cấp dinh dưỡng cân đối, hợp lý cà phê cây sinh trưởng phát triển tốt, chống chịu với điều kiện khắc nghiệt của mùa khô tạo tiền đề năng suất cho mùa vụ mới.

Nếu như cách đây khoảng 15 năm nông dân trồng cà phê chỉ cần bón 2 - 3 đợt trong mùa mưa, mùa khô không cần bón bởi năng suất thời điểm đó thấp chỉ đạt khoảng 1,5 - 2tấn nhân/ha.

Nhưng hiện nay, với giống mới, kỹ thuật mới nên năng suất cà phê có thể lên đến 5 - 6 tấn nhân/ha. Mặt khác nguồn dinh dưỡng trong đất sau một thời gian canh tác thâm canh cà phê cũng có sự chuyển biến, thành phần dinh dưỡng trong đất cũng sẽ mất cân đối, sẽ xảy ra các trường hợp thừa và thiếu. Một số dinh dưỡng như S sẽ thừa, nhưng một số dinh dưỡng khác như Ca, Mg, Bo, Zn… sẽ thiếu. Vì vậy, việc bổ sung dinh dưỡng trong mùa khô là cần thiết, đặc biệt là các vườn cà phê đã suy kiệt sau khi thu hoạch.

Tuy nhiên việc chọn lựa nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cà phê trong mùa khô cũng rất quan trọng. Nếu như trước đây, sau thời gian dài không bón phân trong mùa khô, sau đó được khuyến cáo bà con lại tập trung bón rất nhiều các loại phân bón (do cà phê có giá) như SA, super lân… Điều này càng làm cho đất canh tác cà phê càng mất cân đối, đất dư thừa lưu huỳnh, trong khi các chất có tính kiềm như Ca, Mg lại thiếu, làm ảnh hưởng đến tính ổn định và bền vững trong canh tác.

Đối với nhu cầu dinh dưỡng của cây cà phê trong mùa khô thì đạm chiếm tỉ lệ lớn giúp cây sinh trưởng, phát triển cành lá, yếu tố lân đóng vai trò để phát triển bộ rễ giúp cây hấp thu nước và dinh dưỡng tốt hơn, yếu tố kali trong trường hợp này góp phần giúp cây chống chịu hạn. Bên cạnh đó cây trồng cần cả các yếu tố trung vi lượng khác như Ca, Mg, Bo, Zn, Cu… để tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, ra hoa và góp phần tác động hạn chế việc rụng quả vào mùa mưa.

Chính vì thế khi chúng ta sử dụng phân đơn như urea, SA chỉ cung cấp mỗi yếu tố đạm, không có các yếu tố lân và kali cũng như trung vi lượng sẽ làm mất cân đối dẫn đến cây sẽ phát triển không bền vững, giảm sức chống chịu với điều kiện khô hạn, giá lạnh.

Để giúp bà con thuận lợi trong việc cung cấp dinh dưỡng cho cà phê mùa khô thì các nhà SX phân bón đã có sản phẩm bón cho cà phê mùa khô. Trong số đó phải kể đến Cty CP Phân bón Bình Điền với sản phẩm Đầu Trâu cà phê mùa khô - niên vụ 2013-2014.

Điều đáng quan tâm và rất hay ở sản phẩm là Đầu Trâu mùa khô của Bình Điền là sản phẩm luôn được cải tiến qua từng năm, dựa vào tình hình thời tiết, khí hậu mà sản phẩm được bổ sung các chất trung vi lượng hợp lý trên nền NPK 20-5-6, giúp cây vừa tốt trong mùa khô mà con giúp giảm rụng trái non, tạo đà phát triển trong mùa mưa.

Đặc biệt, sản phẩm Đầu Trâu cà phê mùa khô niên vụ 2013-2014 năm nay, bà con được tặng gói Sulpomag.Bo+TE 200 gram (trong bao phân), đây là sản phẩm có thể bổ sung hòa với nước tưới hoặc trộn với phân NPK bón giúp tăng khả năng đậu quả, hay bổ sung cho các vườn cà phê bị yếu, thiếu nhiều trung vi lượng.

KS Nguyễn Văn Duy/ Báo Nông nghiệp Việt Nam

Thursday, February 20, 2014

Cần tăng cường phòng trừ rệp sáp gây hại cà phê

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Nông, thời gian qua, do thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến bất thường đã tạo môi trường cho rệp sáp phát triển gây hại trên cây cà phê ở một số địa phương như Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô…Trong đó, tại các huyện Chư Jút, Krông Nô, rệp sáp đã xuất hiện trong vườn cà phê với tỷ lệ từ 3-5%/1 cành. 

Để phòng trừ rệp sáp có hiệu quả, theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì bà con nên tỉa cành tạo sự thông thoáng cho vườn cây. Đồng thời, ngoài cắt bỏ những cành bệnh nặng, sát đất đem đi tiêu hủy tránh bệnh lây lan, phát sinh thì việc dọn sạch cỏ, rác xung quanh gốc cà phê để kiến khỏi trú ngụ mang mầm bệnh đi những cây khác cũng rất cần thiết.

Vào mùa khô tưới nước đầy đủ cho cây, những chỗ bị rệp nhiều nên cho vòi nước phun thẳng vào, rửa trôi bớt rệp, tạo độ ẩm trên cây giảm mật số rệp. Ngoài ra, bà con cũng cần thường xuyên thăm vườn kịp thời phát hiện bệnh rệp sáp. Nếu rệp xuất hiện dù mật độ ít, bà con cũng phải diệt trừ ngay, vì rệp sinh sản rất nhanh.

Người dân xã Nam Dong (Chư Jút) đang tăng cường diệt trừ rệp sáp trên cây cà phê.

Theo khuyến cáo của Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên, trước mắt, nếu vườn cây có tỷ lệ rệp sáp thấp thì bà con nông dân nên sử dụng các biện pháp phòng trừ sinh học bảo vệ môi trường bằng cách tạo điều kiện sinh tồn cho các loài ong ký sinh, bọ ăn thịt như bọ rùa, bướm, ruồi… là thiên địch tấn công rệp sáp. Một biện pháp nữa là canh tác phi hóa học bao gồm hun khói được khuyến cáo để hạn chế phát triển của rệp sáp, trồng cây che bóng để ngăn chặn rệp sáp lây lan.

Mặt khác, dùng xà phòng trừ sâu là sản phẩm có bán trên thị trường hiện nay, nhưng bà con cũng có thể tự làm bằng cách sử dụng chất xà phòng rửa chén nhưng không dùng xà phòng có tẩm dầu thơm và chất phụ gia có thể ảnh hưởng cây. Trộn xà phòng với ít nước phun lên cây. Ngoài ra, bà con có thể sử dụng những đồ gia vị như tỏi, gừng, ớt…để tạo chất phòng trừ rệp sáp theo hướng hữu cơ  một cách an toàn. Người dân có thể dùng 1 củ tỏi, 1 củ hành và 1 muỗng ớt bột trộn và nghiền nhỏ bằng dụng cụ nghiền nhà bếp chế biến thành bột nhão, rồi rót khoảng 1 lít nước khuấy đều và ngâm khoảng 1 giờ, sau đó lọc qua vải thưa rồi cộng thêm 1 muỗng xà phòng rửa chén và tiếp tục khuấy đều sau đó phun đều những cây bị rệp gây hại...

Đối với biện pháp hóa học, khi thấy rệp sáp trên lá, quả, người dân cần phun thuốc kỹ để thuốc thấm qua lớp sáp, mới diệt được rệp. Bà con cần thường xuyên kiểm tra 10 ngày/lần để phát hiện sự xuất hiện, mật số của rệp sáp để có biện pháp xử lý kịp thời vì chúng sinh sản rất nhanh, phun thuốc 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 7-10 ngày để diệt tiếp lứa rệp non còn sót lại.

Đối với rệp sáp trên lá và chùm quả, người dân nên dùng các loại thuốc đặc trị sau đây để phun ướt đều trên cây, phun 2 lần cách nhau 7-10 ngày để diệt tiếp lứa non mới nở như Oncol 20EC, Nurelle D25/2,5EC (25-30ml/bình 8 lít), Cori 23EC (20ml/bình 8 lít), Mospilan 3EC 15ml/bình 8 lít), Elsan 50EC (30ml/bình 8 lít), Applaud 10WP 920-30ml/bình 8lits) hoặc Applaud 25EC (8-12ml/bình 8 lít) và dầu khoáng Citrole 96,3EC (40ml/bình 8 lít).

Với rệp sáp hại rễ nên dùng Fipronil (Supergen 800 WG); Thiamethoxam (Fortaras 25 WG); Phenthoate (Elsan 50EC); Oncol 20EC theo hướng dẫn tưới vào vùng rễ ở gốc. Bên cạnh đó, còn có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl: có tác dụng tiếp xúc, vị độc và xông hơi; hoạt chất Bufroferin là thuốc sinh học, tác dụng ức chế sự lột xác của nhóm rầy rệp, mất khả năng sinh sản và trứng không nở được.

Nếu đất khô, trước khi tưới thuốc 1 ngày thì bà con nên tưới nước cho ẩm đất vùng rễ sẽ giúp thuốc ngấm nhanh và sâu hơn. Ngoài ra, người dân có thể xới đất quanh gốc sâu 10cm rồi rải 20-30g/gốc thuốc Lorsban 15G rồi phủ đất và tưới nước đủ ẩm cho ngấm thuốc để diệt hết rệp sáp ở gốc và vùng rễ.

Quan trọng hơn là người trồng cà phê cần phát hiện sớm để trừ rệp vì tác hại thứ cấp của rệp sáp, cũng như rệp vảy xanh, vảy nâu là chúng tạo điều kiện cho nấm, bồ hóng phát triển bám trên lá, quả và cành dẫn tới cây giảm khả năng quang hợp, ảnh hưởng đến năng suất của vườn cây.

Bài, ảnh: Văn Tâm/ Báo Đăk Nông

Tuesday, February 18, 2014

Bệnh trắng lá mía và biện pháp quản lý

Bệnh trắng lá mía do dịch khuẩn bào (phytoplasma) gây ra được phát hiện lần đầu tiên ở Đài Loan năm 1958, ở Ấn Độ và Thái Lan năm 1964. Hiện bệnh này chủ yếu thấy xuất hiện ở các nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Sri Lanka, Campuchia, Lào và Việt Nam. Đây là một bệnh nguy hiểm gây thiệt hại nặng cho SX mía nguyên liệu.

Ở Việt Nam, bệnh trắng lá mía thấy xuất hiện đầu tiên ở các tỉnh phía Nam (Đồng Nai, Bình Thuận,…) vào năm 1996, cùng với trào lưu du nhập, phát triển ồ ạt của các giống mía ROC từ Đài Loan. Diện tích mía bị bệnh trắng lá gây hại ở tỉnh Đồng Nai và các khu vực lân cận năm 1997 lên tới 2.000 ha. Giống bị hại nặng nhất ở thời điểm đó là ROC10.

Đến năm 1998, bằng phương pháp hiển vi điện tử, GS.TS Vũ Triệu Mân và CTV ở Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã phát hiện các tiểu thể phytoplasma trong kính hiển vi điện tử JEOL 1010 ở độ phóng đại 24.000 lần và 40.000 lần với kích thước các thể plasma tương tự ở Đài Loan.

Năm 2013, bằng kỹ thuật phản ứng chuỗi polymerase lồng (Nested-PCR), sử dụng cặp mồi chung P1/P7 và R16F2n/R16R2, TS. Trịnh Xuân Hoạt và CTV ở Viện Bảo vệ thực vật và Viện Nghiên cứu Mía đường đã xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh trắng lá mía ở phía Nam là do chủng phytoplasma thuộc nhóm phụ SCWL, nhóm 16SrXI. Chủng phytoplasma gây bệnh trắng lá mía có mức tương đồng 100% so với chủng phytoplasma gây bệnh trắng lá mía ở Thái Lan.

Tại thời điểm năm 1998, do không tìm thấy các loài côn trùng môi giới truyền bệnh như ở Đài Loan (loài rầy Matsumuratettix hiroglyphicus) nên các tác giả trên đã khẳng định là bệnh phytoplasma hại mía ở miền Nam chỉ truyền bệnh qua hom giống. Sau đó, căn bệnh này ít thấy xuất hiện trên diện rộng nữa (cùng với sự thoái trào của các giống ROC) nên phần nào đã bị lãng quên trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, trong 2-3 năm gần đây, cùng với sự du nhập và trồng phổ biến các giống mía Thái Lan ở các tỉnh phía Nam, bệnh trắng lá mía đang xuất hiện trở lại với phạm vi rộng hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn và có thể gây thiệt hại lớn hơn. Hiện nay có thể thấy bệnh xuất hiện ở hầu hết các vùng mía nguyên liệu, đặc biệt là các tỉnh Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Chỉ tính riêng ở tỉnh Khánh Hòa đã có trên 1.160 ha mía bị nhiễm bệnh.

Bệnh trắng lá mía gây thiệt hại nặng cho Khánh Hòa

Sự xuất hiện trở lại của bệnh trắng lá mía ở các tỉnh phía Nam hiện nay cần được được các cơ quan chức năng, chuyên môn và doanh nghiệp mía đường quan tâm, chú ý nhiều hơn nữa so với giai đoạn trước đây, nhất là sau khi chúng ta đã được chứng kiến sự gây hại nặng nề của bệnh chồi cỏ xanh, một bệnh phytoplsma khác trên cây mía, ở tỉnh Nghệ An.

Mặc dù mới bắt đầu xuất hiện rải rác từ năm 2005 tại vùng nguyên liệu của Công ty Liên doanh Mía đường Nghệ An Tate & Lyle, nhưng đến năm 2010, bệnh chồi cỏ xanh đã lan rộng trên diện tích gần 10.000 ha, với tỷ lệ bụi bị bệnh trung bình khoảng 10%. Hầu hết các giống mía đang trồng tại Nghệ An đều bị bệnh, kể các giống mía My55-14 mà các tác giả của Thái Lan cho rằng có khả năng kháng bệnh chồi cỏ xanh. Thiệt hại do bệnh chời cỏ xanh gây ra cho ngành mía đường tỉnh Nghệ An là rất lớn, ước tính lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Biện pháp quản lý

Cũng như các bệnh khác phytoplasma trên cây mía nói riêng, cây trồng nói chung (bệnh chổi rồng trên cây sắn,…), bệnh trắng lá mía rất khó kiểm soát và quản lý. Các biện pháp phòng trừ bệnh như xử lý hom bằng nước nóng (50obiện pháp hóa học (xử lý hom bằng thuốc kháng sinh tetracyline HCl hoặc ledermycin với nồng độ 500 ppm), biện pháp thủ công cơ giới (cắt, đào bỏ cây bệnh), cũng như biện pháp phòng trừ côn trùng môi giới (vector) truyền bệnh đều đã được nghiên cứu, thử nghiệm nhưng cũng đều cho thấy hiệu quả quản lý bệnh không cao (như biện pháp hóa học, thủ công cơ giới), rất khó thực hiện (phòng trừ côn trùng môi giới) và ít khả thi (xử lý hom bằng nước nóng). Trong khi đó, việc chọn tạo các giống mía kháng bệnh cũng chưa đem lại kết quả nào đáng kể. C trong 2 giờ, 54oC trong 30 phút) hoặc bằng hơi nước nóng 54oC trong 2,5 giờ),

Để quản lý được bệnh trắng lá mía, tạm thời trước mắt chúng ta có thể áp dụng đơn lẻ hoặc kết hợp các biện pháp sau:

1. Mỗi đơn vị SX mía nguyên liệu cần thiết lập một hệ thống SX, nhân giống mía sạch bệnh 3 cấp (cơ bản, kiểm định và thương phẩm), có khả năng cung cấp đủ nhu cầu giống thương phẩm sạch bệnh để trồng mới hàng năm của đơn vị mình. Trong đó việc chẩn đoán sớm (nhanh nhạy và tốt nhất là bằng bộ kit chẩn đoán bệnh dựa trên kỹ thuật PCR) và loại trừ bệnh ở ngay giai đoạn sản xuất giống cơ bản là quan trọng nhất. Hiện nay Thái Lan cũng đang đi theo hướng này.

2. Trồng mía đúng thời vụ, tăng cường chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất cho cây mía sinh trưởng, phát triển, giúp nâng cao tính kháng bệnh của cây và hạn chế thiệt hại do bệnh gây ra trên các lô ruộng đã bị nhiễm bệnh (nhưng với tỷ lệ bệnh còn thấp hoặc rất thấp).

Trong đó cần chú trọng nhất đến khâu tưới nước bổ sung trong mùa khô, lúc hạn hán và bón phân cân đối, hợp lý theo nhu cầu của cây mía. Biện pháp này tuy rất cũ, đơn giản nhưng lại là biện pháp có tính khả thi nhất và đang được áp dụng rộng rãi ở khắp các vùng mía ở Thái Lan, bởi với tính chất gây hại và đặc điểm của bệnh như đã nêu ở trên, chắc chắn chúng ta không thể loại trừ được hoàn toàn bệnh trắng lá trong SX mà buộc phải tìm cách “chung sống hòa bình” với nó.

Qua tổng kết thực tiễn kết quả quản lý bệnh trắng lá mía trong sản xuất đại trà ở Thái Lan cho thấy, chính nhờ áp dụng biện pháp này mà ngành mía đường Thái Lan tuy bị bệnh trắng lá mía gây hại từ khá lâu và khá phổ biến nhưng vẫn tăng trưởng đều, có hiệu quả sản xuất vẫn khá cao và ổn định.

3. Tăng cường tổ chức các lợp tập huấn cho nông dân trồng mía nhằm giải thích rõ tác hại của tập quán tự lấy hom từ ruộng mía thịt làm giống, nhất là những ruộng đã bị nhiễm bệnh trắng lá mía. Đồng thời ban hành quy định tất cả các ruộng trồng mới phải lấy giống từ các địa chỉ được chỉ định và khuyến cáo trong hệ thống nhân giống 3 cấp, nghiêm cấm nông dân tự lấy giống từ ruộng mía nguyên liệu.

4. Thường xuyên thăm đồng, phát hiện và phá hủy, không để lưu gốc toàn bộ những ruộng có tỷ lệ bụi bị hại > 20%.

Loài rầy môi giới truyền bệnh trắng lá mía chủ yếu ở Thái Lan

5. Kiểm soát không cho phép lấy hom giống từ vùng bị bệnh đưa sang các vùng khác chưa bị bệnh.

6. Tiến hành đánh giá khả năng kháng bệnh trắng lá mía đối với tất cả các giống mía mới lai tạo trong nước hoặc nhập nội từ nước ngoài trước khi phóng thích vào sản xuất đại trà.

7. Hạn chế tối đa việc nhập khẩu giống ồ ạt với khối lượng lớn từ nước ngoài, đặc biệt là từ Thái Lan mà không tuân thủ đúng các quy định về kiểm dịch đối với việc xuất nhập khẩu giống mía của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc - FAO và Cơ quan Tài nguyên Di truyền thực vật Quốc tế - IBPGR (Technical guidelines for safe movement of sugarcane germplasm, 1993).

8. Trước mắt, khi chưa có kết luận cuối cùng về việc bệnh trắng lá mía có truyền qua con đường tiếp xúc hay không, cũng cần khuyến cáo nông dân nên khử trùng dao, dụng cụ canh tác mía bằng các hóa chất khử trùng như cồn, formatdehyd,... khi chuyển từ lô ruộng này sang lô ruộng khác để ngăn ngừa việc lây lan bệnh (nếu có), đặc biệt là khi thu hoạch mía giống.

9. Bộ NN-PTNT xem xét cấp kinh phí và giao trực tiếp cho Viện Bảo vệ thực vật và Viện Nghiên cứu Mía đường phối hợp thực hiện một đề tài nghiên cứu toàn diện về bệnh trắng lá mía ở Việt Nam, nhằm sớm tìm ra biện pháp quản lý bệnh một cách hữu hiệu nhất, giúp ngành mía đường có thể đối phó hiệu quả với căn bệnh nguy hiểm này trong thời gian tới.

TS Cao Anh Đương/ Báo Nông nghiệp Việt Nam