Saturday, December 28, 2013

Dinh dưỡng hiệu quả cho tiêu sạch

Ở nước ta, nhiều nơi sản xuất tiêu bón phân vượt từ 4 - 5 lần khuyến cáo, gây tốn kém, độc hại và dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Ảnh minh họa

Trong khi, theo khuyến cáo của các nhà khoa học thì lượng phân vô cơ bón cho 1ha tiêu để đạt năng suất cao nhất và hiệu quả kinh tế là từ 200 – 400kg N, 100 – 200kg P2O5, 225 – 400kg K2O trong mỗi năm, tùy theo chân đất và loại trụ trồng tiêu. Việc bón bổ sung phân hữu cơ hoặc phân bón lá đã cung cấp thêm một lượng dinh dưỡng khoáng đa lượng, trung và vi lượng cho cây tiêu. Phân gà và phân hữu cơ chế biến có tác dụng tốt trong phòng trừ bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora capsici.

Sản xuất hồ tiêu hữu cơ không áp dụng phân bón, cũng như không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh hóa học. Người sản xuất cần có kỹ thuật cao như biết trồng xen hồ tiêu với các cây phân xanh, hoặc cây họ đậu tạo điều kiện cung cấp các chất dinh dưỡng kết hợp có hiệu quả. Ngoài ra, nông dân cần tận dụng vật chất nông nghiệp phế thải như cành lá cây, phụ phẩm cây trồng, cỏ dại, phân gia súc gia cầm có sẵn trong nông hộ hoặc tại địa phương để chế biến thành phân trộn hữu cơ theo đúng kỹ thuật bón cho cây tiêu nhằm tăng cường độ phì nhiêu trong đất. 

Hiện nay, việc sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ còn mới mẻ và chưa có quy trình khuyến cáo mức phân bón và loại phân bón hữu cơ cụ thể như sản xuất thông thường. Một số tài liệu khoa học tin cậy khuyến cáo áp dụng phân bón trong sản xuất hồ tiêu với lượng 5 - 10kg phân chuồng cộng với 5 - 10kg phân trộn hữu cơ cho một trụ tiêu căn cứ vào độ tuổi cây tiêu mà bón nhiều hoặc ít. Cung cấp chất lân (P) bằng bón quặng photphat hoặc bột xương hay bón tro gỗ nhằm cung cấp bổ sung chất lân (photphorus) và kali (potassium) cho cây tiêu. Đất phèn tăng cường bón vôi. 

Khi cây tiêu biểu hiện thiếu các yếu tố dinh dưỡng vi lượng dẫn đến giảm năng suất, ở các nước sản xuất hồ tiêu hữu cơ như Ấn Độ, khuyến cáo có thể sử dụng hạn chế một lượng phân hóa học hoặc phân khoáng dinh dưỡng vi lượng và phân magiê sunfat trong tiêu chuẩn đã được cho phép bởi một cơ quan cấp chứng nhận hữu cơ. Đồng thời bón bổ sung bánh dầu (như bánh neem, 1kg/trụ), phân trộn xơ dừa (2,5kg/trụ) hoặc phân trộn vỏ cà phê giàu chất kali, giúp nuôi dưỡng vi khuẩn Azospirillum và vi khuẩn hòa tan lân nhằm cải thiện độ màu mỡ của đất trồng tiêu. 

Ngoài ra, sản xuất hồ tiêu hữu cơ chỉ cho phép áp dụng thuốc trừ sâu bệnh sinh học phối hợp với các biện pháp canh tác và vệ sinh đồng ruộng trong việc phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu.

TS Nguyễn Công Thành (Báo NTNN)

Thursday, December 26, 2013

Về ưu nhược điểm của phân lân và cách dùng hiệu quả

Thời gian qua có khá nhiều bài báo phản ánh về ưu, nhược điểm của phân lân và cách dùng hiệu quả. Nhân đây tôi cũng xin có một số trao đổi xung quanh vấn đề này.

Thứ nhất, về nguyên nhân gây chua đất của phân lân supe, theo một bài báo viết thì có tới 3 nguồn (do axit H2SO4 dư sau chế biến, do các phốt phát hòa tan phân ly thành H+) là không đúng, vì chỉ có một là do axit H3PO4 chứ không phải H2SO4 (do chuyển hóa trong quá trình chế biến). Còn việc các phốt phát hòa tan phân ly ra H+ là sự sai lầm rất cơ bản về mặt khoa học (hóa học, nông hóa) vì các phốt phát trên chỉ có thể phân ly như sau: Ca(H2PO4)2 = Ca2+ + 2H2PO4-1; CaHPO4 = Ca2+ + HPO4-2 để cây trồng sử dụng hay giữ trên bề mặt keo đất (Ca2+), không thể gây chua đất.

Thứ hai, lý do khi dùng phân lân supe trên đất rất chua và chua, thường khuyến cáo bón vôi khử chua đất là để phân này phát huy tối đa hiệu quả của một loại phân lân có mức dễ tiêu cao nhất (do phân sẽ phát huy tối đa hiệu quả trong môi trường trung tính - ít chua) và việc bón vôi ngoài tác dụng khử độ chua, còn có tác dụng làm cho đất tơi xốp hơn (nhờ tác dụng gắn kết các cấp hạt nhỏ, rời rạc của thành phần cơ giới đất thành các hạt kết có tác dụng tốt hơn với độ xốp của đất) chứ không phải làm “chai đất“.

Thứ ba, việc cho rằng gốc SO4-2 (có trong phân supe lân) “có thể tồn dư dẫn đến làm chai đất” (khi sử dụng nhiều và lâu dài) là nguyên nhân trong SX phân DAP phải lọc bỏ toàn bộ thạch cao trong GYP thải” là không đúng trên hai khía cạnh: SO4-2 là dạng dinh dưỡng dễ tiêu của lưu huỳnh (nguyên tố dinh dưỡng trung lượng cây cần khá nhiều) mang điện tích âm (-) nên khi được bón vào đất (trong thành phần của supe lân) sẽ được cây hấp thu, nếu thừa sẽ không được đất giữ vì đất chỉ giữ được các ion mang điện tích dương (+) nên không thể làm “chai đất” và chưa có kết quả nghiên cứu nào kết luận như vậy. Trong SX phân DAP hay supe lân kép việc loại bỏ thạch cao là nhằm tạo ra những dạng phân lân có hàm lượng lân nguyên chất rất cao (46% P2O5) trong sản phẩm.

Thứ tư, việc cho rằng “công nghệ SX supe lân là công nghệ sơ khai của thế giới nên các nước phát triển như Liên Xô (cũ)… đã chuyển sang SX và dùng phân DAP" là không chính xác vì trong SX phân lân, công nghệ SX supe lân là công nghệ đầu tiên phải áp dụng để tạo ra các phân bón có độ dễ tiêu tốt nhất (H2PO4-1 hoà tan trong nước) cho cây trồng, như trong SX các loại phân hóa học khác của thế giới.

Tuy nhiên do dạng lân dễ tiêu đối với thực vật còn có thể là HPO4-2 (tan trong axit yếu, không tan trong nước) nên trong thực tế có thể SX và sử dụng các sản phẩm chứa lân ở dạng trên trong những điều kiện cụ thể (đất chua, đất lúa ngập nước…). Xu hướng tăng cường SX các loại và dạng phân bón có hàm lượng dinh dưỡng (đa lượng) cao như DAP, supe lân kép… là nhằm giảm công vận chuyển, bảo quản và bón phân cho người sử dụng phân bón.

Song, việc SX phân bón theo xu hướng này có hạn chế không nhỏ là phải xử lý một lượng rất lớn chất thải (thạch cao) và cần quan tâm bón các phân trung vi lượng do cho cây trồng (do các chất này không còn trong phân hàm lượng cao như có trong phân lân nung chảy và supe) và nếu đi theo xu hướng SX phân bón này thì các dạng phân lân supe và nung chảy đều không còn được SX.

Thứ năm, việc cho rằng “để phân supe lân phát huy hiệu quả cao, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật”, chỉ “bón phân supe trên đất khô cằn, hạn hán, đất kiềm sẽ tốt hơn” là không đúng, vì khoa học và thực tiễn SX của nông dân trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng supe lân có hiệu quả cao trong hầu hết các điều kiện của thực tế SX, đặc biệt trong những điều kiện mà các dạng phân lân khác có hiệu quả kém (như tại những vùng đất khô cằn, hạn hán, đất kiềm).

PGS.TS Nguyễn Như Hà/ Báo NNVN