Saturday, December 28, 2013

Dinh dưỡng hiệu quả cho tiêu sạch

Ở nước ta, nhiều nơi sản xuất tiêu bón phân vượt từ 4 - 5 lần khuyến cáo, gây tốn kém, độc hại và dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Ảnh minh họa

Trong khi, theo khuyến cáo của các nhà khoa học thì lượng phân vô cơ bón cho 1ha tiêu để đạt năng suất cao nhất và hiệu quả kinh tế là từ 200 – 400kg N, 100 – 200kg P2O5, 225 – 400kg K2O trong mỗi năm, tùy theo chân đất và loại trụ trồng tiêu. Việc bón bổ sung phân hữu cơ hoặc phân bón lá đã cung cấp thêm một lượng dinh dưỡng khoáng đa lượng, trung và vi lượng cho cây tiêu. Phân gà và phân hữu cơ chế biến có tác dụng tốt trong phòng trừ bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora capsici.

Sản xuất hồ tiêu hữu cơ không áp dụng phân bón, cũng như không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh hóa học. Người sản xuất cần có kỹ thuật cao như biết trồng xen hồ tiêu với các cây phân xanh, hoặc cây họ đậu tạo điều kiện cung cấp các chất dinh dưỡng kết hợp có hiệu quả. Ngoài ra, nông dân cần tận dụng vật chất nông nghiệp phế thải như cành lá cây, phụ phẩm cây trồng, cỏ dại, phân gia súc gia cầm có sẵn trong nông hộ hoặc tại địa phương để chế biến thành phân trộn hữu cơ theo đúng kỹ thuật bón cho cây tiêu nhằm tăng cường độ phì nhiêu trong đất. 

Hiện nay, việc sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ còn mới mẻ và chưa có quy trình khuyến cáo mức phân bón và loại phân bón hữu cơ cụ thể như sản xuất thông thường. Một số tài liệu khoa học tin cậy khuyến cáo áp dụng phân bón trong sản xuất hồ tiêu với lượng 5 - 10kg phân chuồng cộng với 5 - 10kg phân trộn hữu cơ cho một trụ tiêu căn cứ vào độ tuổi cây tiêu mà bón nhiều hoặc ít. Cung cấp chất lân (P) bằng bón quặng photphat hoặc bột xương hay bón tro gỗ nhằm cung cấp bổ sung chất lân (photphorus) và kali (potassium) cho cây tiêu. Đất phèn tăng cường bón vôi. 

Khi cây tiêu biểu hiện thiếu các yếu tố dinh dưỡng vi lượng dẫn đến giảm năng suất, ở các nước sản xuất hồ tiêu hữu cơ như Ấn Độ, khuyến cáo có thể sử dụng hạn chế một lượng phân hóa học hoặc phân khoáng dinh dưỡng vi lượng và phân magiê sunfat trong tiêu chuẩn đã được cho phép bởi một cơ quan cấp chứng nhận hữu cơ. Đồng thời bón bổ sung bánh dầu (như bánh neem, 1kg/trụ), phân trộn xơ dừa (2,5kg/trụ) hoặc phân trộn vỏ cà phê giàu chất kali, giúp nuôi dưỡng vi khuẩn Azospirillum và vi khuẩn hòa tan lân nhằm cải thiện độ màu mỡ của đất trồng tiêu. 

Ngoài ra, sản xuất hồ tiêu hữu cơ chỉ cho phép áp dụng thuốc trừ sâu bệnh sinh học phối hợp với các biện pháp canh tác và vệ sinh đồng ruộng trong việc phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu.

TS Nguyễn Công Thành (Báo NTNN)

Thursday, December 26, 2013

Về ưu nhược điểm của phân lân và cách dùng hiệu quả

Thời gian qua có khá nhiều bài báo phản ánh về ưu, nhược điểm của phân lân và cách dùng hiệu quả. Nhân đây tôi cũng xin có một số trao đổi xung quanh vấn đề này.

Thứ nhất, về nguyên nhân gây chua đất của phân lân supe, theo một bài báo viết thì có tới 3 nguồn (do axit H2SO4 dư sau chế biến, do các phốt phát hòa tan phân ly thành H+) là không đúng, vì chỉ có một là do axit H3PO4 chứ không phải H2SO4 (do chuyển hóa trong quá trình chế biến). Còn việc các phốt phát hòa tan phân ly ra H+ là sự sai lầm rất cơ bản về mặt khoa học (hóa học, nông hóa) vì các phốt phát trên chỉ có thể phân ly như sau: Ca(H2PO4)2 = Ca2+ + 2H2PO4-1; CaHPO4 = Ca2+ + HPO4-2 để cây trồng sử dụng hay giữ trên bề mặt keo đất (Ca2+), không thể gây chua đất.

Thứ hai, lý do khi dùng phân lân supe trên đất rất chua và chua, thường khuyến cáo bón vôi khử chua đất là để phân này phát huy tối đa hiệu quả của một loại phân lân có mức dễ tiêu cao nhất (do phân sẽ phát huy tối đa hiệu quả trong môi trường trung tính - ít chua) và việc bón vôi ngoài tác dụng khử độ chua, còn có tác dụng làm cho đất tơi xốp hơn (nhờ tác dụng gắn kết các cấp hạt nhỏ, rời rạc của thành phần cơ giới đất thành các hạt kết có tác dụng tốt hơn với độ xốp của đất) chứ không phải làm “chai đất“.

Thứ ba, việc cho rằng gốc SO4-2 (có trong phân supe lân) “có thể tồn dư dẫn đến làm chai đất” (khi sử dụng nhiều và lâu dài) là nguyên nhân trong SX phân DAP phải lọc bỏ toàn bộ thạch cao trong GYP thải” là không đúng trên hai khía cạnh: SO4-2 là dạng dinh dưỡng dễ tiêu của lưu huỳnh (nguyên tố dinh dưỡng trung lượng cây cần khá nhiều) mang điện tích âm (-) nên khi được bón vào đất (trong thành phần của supe lân) sẽ được cây hấp thu, nếu thừa sẽ không được đất giữ vì đất chỉ giữ được các ion mang điện tích dương (+) nên không thể làm “chai đất” và chưa có kết quả nghiên cứu nào kết luận như vậy. Trong SX phân DAP hay supe lân kép việc loại bỏ thạch cao là nhằm tạo ra những dạng phân lân có hàm lượng lân nguyên chất rất cao (46% P2O5) trong sản phẩm.

Thứ tư, việc cho rằng “công nghệ SX supe lân là công nghệ sơ khai của thế giới nên các nước phát triển như Liên Xô (cũ)… đã chuyển sang SX và dùng phân DAP" là không chính xác vì trong SX phân lân, công nghệ SX supe lân là công nghệ đầu tiên phải áp dụng để tạo ra các phân bón có độ dễ tiêu tốt nhất (H2PO4-1 hoà tan trong nước) cho cây trồng, như trong SX các loại phân hóa học khác của thế giới.

Tuy nhiên do dạng lân dễ tiêu đối với thực vật còn có thể là HPO4-2 (tan trong axit yếu, không tan trong nước) nên trong thực tế có thể SX và sử dụng các sản phẩm chứa lân ở dạng trên trong những điều kiện cụ thể (đất chua, đất lúa ngập nước…). Xu hướng tăng cường SX các loại và dạng phân bón có hàm lượng dinh dưỡng (đa lượng) cao như DAP, supe lân kép… là nhằm giảm công vận chuyển, bảo quản và bón phân cho người sử dụng phân bón.

Song, việc SX phân bón theo xu hướng này có hạn chế không nhỏ là phải xử lý một lượng rất lớn chất thải (thạch cao) và cần quan tâm bón các phân trung vi lượng do cho cây trồng (do các chất này không còn trong phân hàm lượng cao như có trong phân lân nung chảy và supe) và nếu đi theo xu hướng SX phân bón này thì các dạng phân lân supe và nung chảy đều không còn được SX.

Thứ năm, việc cho rằng “để phân supe lân phát huy hiệu quả cao, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật”, chỉ “bón phân supe trên đất khô cằn, hạn hán, đất kiềm sẽ tốt hơn” là không đúng, vì khoa học và thực tiễn SX của nông dân trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng supe lân có hiệu quả cao trong hầu hết các điều kiện của thực tế SX, đặc biệt trong những điều kiện mà các dạng phân lân khác có hiệu quả kém (như tại những vùng đất khô cằn, hạn hán, đất kiềm).

PGS.TS Nguyễn Như Hà/ Báo NNVN

Sunday, November 24, 2013

Bón phân đúng lúc, đúng cách

Những năm gần đây, các cơ quan chức năng cũng như các nhà khoa học trong nước đều khuyến cáo người dân sử dụng phân bón giảm lượng nhưng tăng hiệu quả và giảm thất thoát giảm thất thoát.

Ảnh minh họa

Do nhu cầu dinh dưỡng của cây thay đổi qua từng thời kỳ sinh trưởng, kèm theo đó là ảnh hưởng của các yếu tố về môi trường nên việc sử dụng phân bón sao cho đúng lúc, đúng cách vẫn chưa được bà con thực hiện chính xác.

Bổ sung dinh dưỡng đúng lúc

Thời điểm sử dụng phân bón để bổ sung thêm dưỡng chất cho cây trồng đã được các nhà khoa học nghiên cứu trong thời gian dài và đã đi đến kết luận về thời điểm thích hợp nhất khi bón phân.

Đối với cây ăn trái, sau khi sử dụng dưỡng chất để tạo trái thì thời gian sau khi thu hoạch là lúc cây cần phải được bổ sung thêm dinh dưỡng. Bấy giờ, cây cần nhiều cả đạm, lân và kali để có thể hồi phục cũng như tích trữ cho đợt trái tiếp theo.

Giai đoạn tiếp theo là khi nảy mầm hoa, cây cần ít đạm, nhiều lân để kích thích việc ra hoa, kết trái. Khi đã đậu trái thì cần chú trọng bổ sung thêm kali, phục vụ cho việc nuôi trái của cây. Với các cây có thời gian nuôi trái dài như cam, quýt, bưởi thì lượng phân cần chia ra dùng làm nhiều đợt.

Với lúa, thông dụng nhất hiện nay là bón phân vào 3 đợt. Đợt đầu tiên là 8 - 10 ngày sau khi gieo hạt. Vì dưỡng chất tích trữ trong hạt chỉ đủ để sử dụng trong 11 ngày, nên sau đó, cây con bắt buộc phải lấy dưỡng chất từ bên ngoài.

Giai đoạn này cây con cần nhiều đạm và lân. Với đồng ruộng có vùi rơm rạ thì đạm đã bị vi sinh vật sử dụng nên cần tăng cường thêm, sau khi phân hủy hết thì đạm sẽ được trả lại vào đất. Kali lúc này chưa quan trọng cho cây, kết hợp với đất nhiều kali, có thể tạm cung cấp cho cây giai đoạn đầu.

Đợt thứ hai vào 18 - 22 ngày sau gieo, là thời điểm phát triển chồi, cây cần nhiều đạm và lân. Đợt cuối là đón đòng, khi tim đèn xuất hiện; lúc này lúa cần dưỡng chất để thụ tinh, tạo bông lúa to, nhiều hạt. Đây là thời điểm quyết định đến năng suất cần chú ý, tránh bón phân trễ.

Bổ sung dinh dưỡng đúng cách

Bón phân đúng cách chính là nâng cao hiệu quả, chống thất thoát và giúp cây trồng hấp thu được tối đa lượng phân. Vấn đề này phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó 3 yếu tố chính là đấy, cây và loại phân.

Nguyên tắc đầu tiên là trước khi bón phân phải đưa cây nói chung và rễ cây nói riêng vào trạng thái sẵn sàng hút dinh dưỡng. Nếu cây bị bệnh hại, tổn thương hay đang phải chống chịu với điều kiện môi trường thì phải giải quyết các vấn đề gây ảnh hưởng xấu đến khả năng hấp thụ.

Đặc biệt với các vùng đất phèn thì phải thực hiện ém phèn, hạn chế cố định lân; cũng như tiến hành rửa mặn đối với đất nhiễm mặn. Trên những vùng đất cát, khả năng rửa trôi phân bón cao thì nên chia phân ra làm nhiều lần để sử dụng, có thể 4 đợt bón, cũng như tăng thêm lượng phân. Ngược lại với đất nhiều sét thì có thể giảm số lần bón.

Cây ăn trái có bộ rễ lớn, chiếm vùng rộng, thường tán cây vươn xa đến đâu thì rễ non cũng phát triển đến đó. Do đó khi bón phải tiến hành băm đất, rắc phân, lấp đất, tưới nước trong phạm vi của rễ, quanh tán cây. Với những vườn đất không bằng phẳng thì rắc nhiều phân ở phía đất cao, ít ở nơi thấp; khi rửa trôi xảy ra sẽ dàn đều phân ra.

Tương tự như vậy, trên ruộng lúa cũng nên thực hiện bón ít ở những nơi trũng. Điều cần thiết là cần tính toán chỗ ít, chỗ nhiều ngay từ ban đầu và lên phương án sử dụng máy mọc hoặc rải tay sao cho đều trên ruộng. Biện pháp bón phân vá áo, tăng thêm lượng phân ở chỗ lúa xấu và giảm lượng phân ở chỗ lúa tốt cũng được khuyến cáo sử dụng để tạo độ đồng đều cho cây.

2 loại phân bón gốc và phân bón lá cũng có cách thức sử dụng khác nhau. Phân bón gốc do cần phải tan trong nước nên đòi hỏi đồng ruộng phải xăm xắp nước; 3 - 5 cm là tốt nhất, ít hơn thì khả năng hòa tan phân sẽ kém và nhiều hơn thì phân sẽ bị loãng, dễ dàng bị thất thoát.

Trong khi đó, phân bón lá đi vào lá qua khí khổng nên khi sử dụng vào buổi sáng hoặc chiều sẽ đem lại hiệu quả tối ưu, đặc biệt không sử dụng buổi trưa khi khí khổng lá đóng kín. Ngoài ra cần phải tránh những lúc trời âm u, sắp mưa, có khả năng bị rửa trôi cao.

Một yếu tố mang tính cơ bản nhưng cực kỳ quan trọng là trước khi sử dụng bất kì loại phân nào, người dân cần đọc kĩ hướng dẫn trên bao bì để nắm rõ loại phân, liều lượng, cách thức và hiệu quả sử dụng.

Các loại phân chuyên dùng được SX riêng cho từng loại cây để dùng vào những thời điểm sinh trưởng trên những vùng đất cụ thể có công thức tối ưu cho từng đối tượng khác nhau, sử dụng sai sản phẩm sẽ không đem lại lợi ích như mong đợi.

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trường ĐH Cần Thơ; PGS.TS Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ThS. Phan Văn Tâm, Cty Phân bón Bình Điền (theo Xuân Nam/ Báo NNVN)

Wednesday, November 20, 2013

Bón phân cân đối cho cây chè xanh

Các nhà khoa học đã xác định, trung bình năng suất 2 tấn chè búp khô/ha. Cây chè lấy đi khoảng 80 kg N, 40kg P2O5, 30 kg K2O, 8 kg MgO, 16 kg CaO và các chất vi lượng như kẽm (Zn), Bo (B), Mô líp đen (Mo)...

Nếu năng suất 3 tấn chè búp khô/ha thì nhu cầu dinh dưỡng của cây chè tăng gấp trên 2 lần, đặc biệt các chất trung lượng như ma nhê, can xi và các chất vi lượng như kẽm, bo, mô líp đen... cây chè cần rất nhiều.

Ngoài đạm, cây chè còn cần lân, ka li và đặc biệt cần canxi, ma nhê và các chất vi lượng như kẽm, bo, mô líp đen... trong đó cây chè cần nhiều nhất là canxi và ma nhê.

Ngoài NPK, cây chè cần rất nhiều canxi, manhe và các chất vi lượng

Do đặc điểm hình thành đất trồng chè ở miền núi phía Bắc là đá phiến thạch phong hoá nên bản thân đất đã chua và nghèo dinh dưỡng đặc biệt các nguyên tố trung vi lượng, cộng với qúa trình đốt rẫy nên đất ngày càng bị rửa trôi xói mòn, độ pH thấp từ 3 - 4 nghèo các chất dinh dưỡng trung vi lượng.

Trong khi đó cây chè lại cần độ pH từ 4,5 - 5,5 và phải có hàm lượng canxi, ma nhê và các chất vi lượng từ trung bình trở lên. Các thực nghiệm bón phân cho cây chè xanh đều khẳng định: Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng đa lượng (NPK) và các chất trung lượng can xi, ma nhê, các chất vi lượng như kẽm, bo, mô líp đen thì chè tốt bền, cây khoẻ, ít sâu bệnh cho năng suất cao và chất lượng tốt.

Nắm bắt được nhu cầu thiết yếu này Cty CP Phân lân Văn Điển đã cho ra đời sản phẩm phân bón đa yếu tố NPK chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa lượng (NPK) các chất trung lượng như can xi, ma nhê, các chất vi lượng như kẽm, bo, mô líp đen... chuyên dùng cho cây chè đặc biệt là các chất dinh dưỡng trong phân đa yếu tố NPK Văn Điển hầu hết không bị rửa trôi, khi bón vào đất có tác dụng nâng cao độ pH của đất và là nguồn dự trữ dinh dưỡng cung cấp từ từ đầy đủ, cân đối cho cây chè. Bởi vậy cây chè khoẻ, tốt đều, tốt bền.

Để chăm bón cho cây chè kinh doanh nhằm đạt được năng suất cao, chất lượng chè cải thiện bà con nông dân có thể sử dụng phân bón NPK Văn Điển loại 16.8.8 (N = 16%; P2O5 = 8%; K2O = 8%; CaO = 10%; MgO = 7%; SiO2 = 9%; S = 2%) và các chất vi lượng Zn, B, Mo hoặc cũng có thể dùng loại NPK Văn Điển 16.8.4 (N = 16%; P2O5 = 8%; K2O = 4%; CaO = 15%; MgO = 8%; SiO2 = 13%; S = 2%) và các chất vi lượng Zn, B, Mo.

Tổng hàm lượng dinh dưỡng trên 60% với mức bón từ 60 - 80kg/sào/năm tuỳ theo điều kiện thổ nhưỡng và được chia làm 2 lần bón: Lần 1 bà con bón vào tháng 3: 50% lượng phân. Lần 2 bón vào tháng 8, tháng 9 hết số phân còn lại.

Theo cách bón xới đất giữa hai hàng chè rồi rải phân sau đó lấp đất kín phân hoặc đào hố giữa hàng đối với đất bằng, đất dốc thì đào hố mép chè phía trên tả luy dương mỗi hố rộng 15-20 cm, sâu 20-25 cm, hố cách hố 30-40 cm sau đó rải phân rồi lấp đất chặt.

Sau 3 năm sử dụng phân bón chuyên dùng cho cây chè bà con nông dân ở Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên), Phú Đa, Phú Bền (Phú Thọ)... nhận xét, chè cho năng suất cao hơn 2 - 3 lần so với bón phân thông thường.

Đặc biệt, búp và lá chè có màu xanh sáng, búp to, chè ít sâu bệnh khi sao chè ít hao chỉ cần 3,85 - 4,2 kg búp tươi cho 1 kg búp khô, hương vị được cải thiện, thị trường nhiều người ưa chuộng, hiệu quả sử dụng phân bón được nâng cao; đặc biệt bà con nông dân sử dụng phân bón NPK Văn Điển đã thay đổi được phương pháp bón phân là bón vùi qua đất mỗi năm chỉ bón 2 lần thay vì bón 7 - 8 lần như trước đây, không phải đầu tư thêm phân đạm và các loại phân khác nhưng hiệu quả vẫn cao gấp nhiều lần.

KS Tùng Dũng/ Báo NNVN

Wednesday, November 13, 2013

Chăm sóc cây điều đúng cách để phòng giảm thiệt hại khi thời tiết bất thuận gây ra

Hiện nay, theo thống kê của Chi cục Trồng trọt-BVTV tỉnh Bình Phước, diện tích điều cả tỉnh có khoảng 140 ngàn ha đang bước vào giai đoạn phát đọt, ra hoa, đậu trái. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, có thể xuất hiện mưa trái mùa trong mùa khô năm nay, chính vì vậy, để có một vụ điều năng suất, chất lượng, Chi cục Trồng trọt-BVTV đã có một số khuyến cáo, hướng dẫn người dân trồng điều một số biện pháp chăm sóc điều đạt hiệu quả, để giảm thiệt hại tối đa khi thời tiết bất thuận gây ra.

Cắt bỏ những chồi bị sâu gây hại để tiêu hủy nguồn bệnh

Vụ Đông Xuân cây điều ra chồi và phát triển hoa, tạo quả bắt đầu từ tháng 11 kéo dài đến tháng 3 năm sau, rộ nhất là tháng 1,2.

Khi thấy vườn điều rụng lá khoảng 20%, bà con có thể sử dụng chất kích thích sinh trưởng như Thioure, Paclobutrazol để phun giúp cây rụng lá đồng loạt, tập trung dinh dưỡng cho cây phát đọt, ra hoa đều, tăng khả năng đậu trái.

Vào giai đoạn xử lý ra hoa, tăng cường phân NPK có hàm lượng đạm thấp, lân và kali cao trong giai đoạn này. Lân cao giúp cây phân hóa mầm hoa tốt nhất, kali cao giúp tăng trọng lượng và chất lượng hạt điều. Người trồng điều có thể sử dụng các loại phân bón lá, cụ thể như sau:

Một số chế phẩm và chất điều hòa sinh trưởng khuyến cáo sử dụng:


Giữ ẩm và tưới nước bổ sung cho cây điều khi điều đậu trái. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương khuyến cáo tưới nước ít nhất 1 tháng 1 lần với lượng nước 350-400 lít/gốc và ngưng tưới khi đã thu hoạch được 2/3 sản lượng điều.

Ở mỗi giai đoạn sinh trưởng, phát triển, đối tượng gây hại cây điều khác nhau. Giai đoạn chồi non: sâu bệnh phổ biến thường là bọ đục nõn (bọ đầu dài, bọ vòi voi), bọ xít muỗi, bệnh thán thư làm cho các chồi non bị héo khô giảm khả năng ra hoa đậu trái; Giai đoạn ra bông: sâu bệnh phổ biến giai đoạn này chủ yếu là bọ xít muỗi, bọ trĩ, bệnh thán thư làm cho bông bị héo khô không còn khả năng đậu trái; Giai đoạn hình thành trái non: sâu bệnh chủ yếu là bọ xít muỗi, bọ trĩ, sâu đục trái, bệnh thán thư.

Do đó, trong thời gian cây điều ra hoa, đậu trái, nông dân phải thường xuyên thăm vườn, vệ sinh vườn sạch sẽ, kiểm tra, phát hiện và có kế hoạch phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời. Hàng năm, sau thu hoạch, nông dân cần tỉa cành,tạo tán thông thoáng để hạn chế sâu đẻ trứng. Nếu có điều kiện, nông dân có thể thả kiến vống vàng, ong mắt đỏ cùng các loại thiên địch ăn sâu; xông khói trong vườn điều, thu gom cành lá có ổ trứng và sâu non mới đem tiêu hủy; đồng thời dùng bẫy đèn thu hút sâu trưởng thành để tiêu diệt. Khi gặp các đối tượng gây hại trên cây điều, nông dân có thể tham khảo các biện pháp dưới đây:

Đối với bọ đục nõn (bọ vòi voi, bọ đầu dài): 

Con trưởng thành dùng vòi đục vòng quanh vào mô chồi non để đẻ trứng. Sâu non nở ra đục trong lõi chồi non làm cho lá và chồi non bị héo khô, cây có khuynh hướng mọc nhiều chồi nách và sinh trưởng kém. Đặc biệt khi sâu phá hại vào đợt chồi chuẩn bị ra hoa có thể làm giảm năng suất nghiêm trọng.

Phòng trừ: cắt bỏ những chồi bị sâu gây hại để tiêu hủy nguồn sâu bệnh. Đối với con trưởng thành, có thể sử dụng thuốc có hoạt chất Cypermethrin như: Cyperan 5EC, 10EC, 25EC; Tungrin 5EC, 10EC, 25EC; đối với sâu non có thể sử dụng các loại thuốc như: Bian 40EC, 50EC (Dimethoate); Quiafos 25EC, Kinalux 25EC (Quinalphos); Andomec 1.8EC, 3.6EC, 5EC (Abamectin); Kimcis 10EC (Emamectin benzoate + Matrine). Kiểm tra thường xuyên khi cây vừa nhú đọt non. Tiến hành phun thuốc phòng trừ khi thấy đọt non có triệu chứng bị gây hại ở tỷ lệ thấp.

Đối với bọ xít muỗi: 

Thường xuất hiện và gây hại vào sáng sớm và chiều mát, chúng chích hút vào mô non của cây như lá, chồi non, hoa, quả và hạt làm cho các bộ phận bị hại héo khô và rụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng hạt.

Phòng trừ: Làm cỏ vệ sinh vườn, phát quang bụi rậm; hun khói vào sáng sớm hoặc chiều mát để xua đuổi bọ xít muỗi. Có thể dùng các loại thuốc hóa học để phun khi bọ xít mới xuất hiện và gây hại ở mức độ nhẹ như: Cyperan 5EC, 10EC, 25EC; Tungrin 5EC, 10EC, 25EC (hoạt chất Cypermethrin ); Tungent 5SC, 100SC (hoạt chất Fipronil).

Đối với Bọ trĩ

Bọ trĩ thường gây hại nặng cho điều vào đầu mùa khô, cao điểm vào tháng 12-2 dương lịch lúc trời nắng nóng. Bọ trĩ gây hại bằng cách cứa rách lớp biểu bì ở các bộ phận non và hút nhựa chảy ra dẫn đến lá đọt kém phát triển và có màu bạc trắng; hoa, trái non bị khô, rụng; vỏ hạt bị hiện tượng da cám, vỏ trái giả bị chai sần, nứt chảy nước và thối.

Phòng trừ: Chăm sóc cây tốt, có thể xử lý các loại thuốc trừ sâu như đối với bọ xít muỗi phun trước khi điều ra bông rộ.

Đối với bệnh thán thư:

Bệnh phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, ẩm độ không khí cao. Cây chăm sóc kém, sinh trưởng yếu bị tác hại nặng.

Phòng trừ: Tăng cường chăm sóc vườn cây, tạo cho vườn thông thoáng. Khi bệnh phát sinh, có thể sử dụng thuốc trừ bệnh có hoạt chất Carbendazim như Bavistin 50WP, Carbenda 60WP, 50SC; Derosal 50SC, 60WP, hoạt chất Propineb như Antracol 70WP để phun.

Đối với sâu róm đỏ: 

Thường xuất hiện và gây hại tập trung theo từng vùng, sâu ăn trụi lá làm cây mất khả năng quang hợp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây.

Phòng trừ: Nông dân cần phòng trừ sâu róm đỏ trước khi điều ra bông, Khi bị sâu róm đỏ gây hại, cần ngắt bỏ kén nhộng, vệ sinh vườn để tiêu hủy nguồn sâu bệnh; sử dụng các loại thuốc như: Cyperan 5EC, 10EC, Tungent 5SC phun vào giai đoạn sâu non, làm bẫy đèn thu hút sâu trưởng thành.

Bà con lưu ý, do quá trình ra hoa và thụ phấn của cây điều bắt đầu từ 8 giờ đến 11 giờ sáng, do đó phun thuốc giai đoạn này chỉ nên thực hiện vào buổi chiều mát để tránh ảnh hưởng đến quá trình ra hoa thụ phấn của cây. Việc pha chế và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như các loại phân bón lá, chất kích thích sinh trưởng cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất về nồng độ, liều lượng và các biện pháp an toàn khi sử dụng thuốc./.

Tác giả bài viết: KS. Trần Huy Bình - Nguồn tin: CC TT-BVTV Bình Phước

Monday, November 11, 2013

Bệnh héo rũ Panama hại chuối và biện pháp phòng trừ

Bệnh héo rũ Panama hại chuối do nấm Fusarium oxysporum f. sp. cubense gây ra. Đây là một trong những bệnh rất phổ biến và gây hại nghiêm trọng đến năng suất. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn tăng trưởng nào của cây chuối.


Triệu chứng

Cây chuối bị nhiễm bệnh héo rũ Panama thường có hiện tượng vàng từ lá già lan dần lên các lá non, từ bìa lá lan vào gân lá. Lá bị bệnh thường héo, cuống gãy và lá treo trên thân giả, đôi khi cuống lá cũng bị gãy ở phần giữa phiến lá. Trên cây, các lá già bị héo khô quanh thân giả, chỉ còn một số lá đọt còn xanh và mọc thẳng, các lá đọt này có màu xanh nhạt hay hơi vàng hoặc bị méo mó, nhăn nheo, cuối cùng bị héo úa.

Cây bệnh chết nhưng thân không đổ, các bẹ ngoài bị nứt dọc. Cắt ngang thân giả sẽ thấy các bó mạch dẫn có màu nâu vàng. Cắt ngang củ chuối có các đốm màu vàng hoặc đỏ nâu và bốc mùi hôi.

Đặc điểm phát sinh gây hại

Nấm Fusarium oxysporum f. sp. cubense tồn tại trong đất và tàn dư cây bệnh. Nấm có thể sống hoại sinh trong củ chuối và các bộ phận khác một thời gian dài, lây lan chủ yếu theo cây chuối con và đất có mang mầm bệnh.

Nấm bệnh xâm nhập chủ yếu qua chóp rễ hoặc qua vết thương ở rễ. Sau khi xâm nhập, nấm sẽ phát triển trong mạch dẫn làm cho cây bị vàng héo.

Phòng bệnh

- Chọn giống chuối kháng với nấm bệnh là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh.

- Đất trồng chuối: Nên chọn đất có độ pH trung hoà và hơi kiềm.

- Không dùng chuối con ở các vườn bị bệnh làm giống.

- Xử lý đất và cây giống trước khi trồng: Bón vôi, phân chuồng mục ủ cùng với nấm đối kháng Trichoderma vào các hố trồng. Cắt sạch rễ và đất ở gốc chuối con rồi nhúng gốc vào dung dịch Bordeaux hoặc các thuốc gốc đồng như Vidoc 80 BTN, Champion 37,5 FL, Bocdocop super, Funguran… 10 - 15 phút để diệt trừ mầm bệnh.

- Thoát nước tốt cho vườn chuối, nhất là vào mùa mưa, không nên để ẩm độ đất quá cao.

Trừ bệnh

- Khi phát hiện cây bệnh, phải đào bỏ các gốc bệnh đen tiêu huỷ và dùng vôi bột rải vào các vị trí cây bị bệnh để khử trùng đất. Những khóm chuối còn lại trên vườn phải tưới gốc để chống nấm xâm nhiễm bằng các loại thuốc như Bendazol 50WP, Viben 50BTN, Fudazole 50WP, Zineb, Tilt, Score, Anvil...

- Nếu vườn chuối bị bệnh nặng nên ngừng canh tác, cho ngập nước từ 2-3 tháng để diệt mầm bệnh, luân canh với cây trồng khác sau ít nhất 1 năm mới trồng chuối trở lại.

Theo TTKNQG

Monday, October 14, 2013

Nấm sò và kỹ thuật nuôi trồng

Nấm sò (nấm bào ngư) có tên khoa học Pleurotus spp.. Nấm sò có nhiều loại (khác nhau về màu sắc, hình dạng, khả năng thích nghi với điều kiện nhiệt độ)...

                                                                        Nấm sò tím

1. Đặc tính sinh học

Nấm sò mọc đơn lẻ hoặc thành cụm tập trung bao gồm 3 phần: mũ, phiến và cuống. Mũ nấm có dạng phễu lệch; phiến mang bào tử kéo dài xuống đến chân; cuống nấm gần gốc có lớp lông nhỏ mịn. Mũ nấm sò còn non có màu sắc sậm hoặc tối, nhưng khi trưởng thành, màu trở nên sáng hơn. Nấm sò là loại dễ trồng, năng suất cao, ăn ngon; thích hợp trồng trên mùn cưa, bã mía, bông phế thải và rơm, rạ.
Về điều kiện nhiệt độ: nhóm nấm chịu lạnh: 13-20oC, nhóm chịu nhiệt: 24-28oC; về độ ẩm: không khí ≥ 80%, cơ chất (giá thể): 65-70%; pH = 7; ánh sáng, gió: giai đoạn nuôi sợi không cần ánh sáng, cần gió thông thoáng, giai đoạn hình thành quả thể cần ánh sáng khuếch tán, độ thông thoáng vừa phải; dinh dưỡng sử dụng trực tiếp từ nguyên liệu hoặc có thể bổ sung thêm phụ gia trong quá trình xử lý nguyên liệu. Mùa vụ sản xuất thuận lợi nhất từ tháng 10 đến tháng 3 dương lịch.

2. Nguyên liệu trồng và phương pháp xử lý 

Nguyên liệu trồng nấm phổ biến ở Việt Nam là rơm rạ, bông phế thải, mùn cưa. Có 2 phương pháp để xử lý nguyên liệu

* Ủ nguyên liệu (rơm rạ và bông):

Với rơm rạ khô được làm ướt bằng nước vôi (tỉ lệ: 3,5 kg vôi đã tôi hòa với 1.000 lít nước), sau đó chất đống ủ (đống ủ phải có khối lượng tối thiểu 300 kg). Dùng ni-lông, bao dứa quây xung quanh để tạo nhiệt. Cứ sau 3 ngày đảo đống một lần, số lần đảo là 3 lần (lần đảo cuối cùng chỉ cần sau 2 ngày ủ). Khi đảo đống ủ, kết hợp chỉnh độ ẩm. Sau 8 ngày ủ, kiểm tra độ ẩm đạt chuẩn: 65% (bằng cách vắt chặt nước chỉ ướt vân tay là được), rơm rạ có mùi thơm dễ chịu, mềm, màu vàng sáng. Nếu quá ẩm hay quá khô, chỉnh lại bằng cách phơi hay bổ sung thêm nước, ủ lại sau 1-2 ngày.

Với nguyên liệu là bông phế thải: ngâm bông nhanh trong dung dịch nước vôi, vắt nhẹ, ủ thành đống, che kín như ủ rơm rạ; ủ sau 12-36 giờ tùy theo loại bông tốt hay xấu, tiến hành đảo đống, ủ lại sau 2 ngày là được. Với bông đã ủ, khi trồng nấm cần làm thật tơi nguyên liệu; với rơm rạ băm thành từng đoạn từ 10 - 15 cm để đóng túi, cấy giống.

* Khử trùng nguyên liệu (tất cả các loại): Rơm rạ chặt đoạn ngắn 10 - 15 cm ngâm trong nước vôi 15 - 20 phút, vớt ra để ráo nước 1-2 ngày; bông phế liệu làm ướt như trên; mùn cưa tạo ẩm, ủ lại 4 - 6 ngày. Các loại nguyên liệu này sau khi kiểm tra đảm bảo đủ độ ẩm, phối trộn thêm với 5 - 10% cám gạo hoặc cám ngô. Đóng nguyên liệu vào túi ni-lông chịu nhiệt, trọng lượng túi 1,5 - 2,0 kg/túi (kích thước 30 x 45 cm), nút cổ túi bằng nút nhựa và bông không thấm nước sau đó đưa vào hấp khử trùng như sau:

+ Hấp khử trùng trong nồi Autoclave (nồi áp suất) ở áp suất 1 atm, nhiệt độ 121-125oC trong thời gian 120-180 phút.

+ Hấp trong thùng phuy (hấp cách thuỷ) hoặc các lò hấp xây bằng gạch, kiểm tra thấy nhiệt độ ở giữa túi đạt 95oC thì tính giờ, tiến hành hấp tiếp trong thời gian 5 - 6 giờ là được. Hấp xong, lấy bịch ra để nguội trong phòng sạch.

3. Cấy giống

Với nguyên liệu rơm rạ ủ đống, dùng túi ni-lông kích cỡ 30 x 40 cm (mùa thu) và 35 x 50 cm (mùa đông). Bông phế liệu, dùng túi 25 x 35 cm. Lượng giống nấm khoảng 40 - 45 kg giống cho 1 tấn nguyên liệu khô. Khu vực cấy giống nấm cần sạch sẽ, kín gió, nếu có điều kiện thì chuẩn bị một phòng riêng để hạn chế các bào tử nấm dại trong không khí rơi vào túi nấm gây nhiễm tạp.

Cách đóng bịch, cấy giống: cho 1 lớp nguyên liệu 5 - 7 cm vào túi ni-lông đã gấp đáy vuông, rắc một lớp giống xung quanh thành túi, làm như vậy đủ 3 lớp giống, lớp trên cùng rắc giống đều trên bề mặt. Lấy một lượng bông bằng chén uống nước làm nút hoặc tạo cổ túi bằng nhựa, quấn dây cao su chặt nút bông. Bịch (túi) đã cấy giống căng tròn, độ nén vừa phải. Với nguyên liệu được xử lý hấp, cấy giống bắt buộc phải trong tủ cấy giống hoặc phòng vô trùng.

4. Ươm giống và rạch bịch

- Ươm giống: bịch nấm đã cấy giống được chuyển vào phòng ươm, đặt trên giàn giá hoặc để trực tiếp xuống nền đất, miệng túi lên phía trên. Xếp các bịch cách nhau 2 - 3 cm, nhà ủ cần thoáng mát, sạch sẽ, không cần ánh sáng. Thời gian nuôi tơ kéo dài khoảng 25 - 30 ngày tùy theo mùa và thời tiết. Sợi nấm phát triển sẽ mọc dần vào nguyên liệu tạo nên màu trắng đồng nhất, bịch rắn chắc là tốt.

Nếu giống không mọc kín nguyên liệu hoặc không phát triển có thể do nguyên liệu quá ẩm hoặc bị nhiễm bệnh. Nếu bịch nấm có màu xanh hoặc đen là do bị nhiễm nấm mốc. Những trường hợp như vậy đều loại ra và vứt bỏ ra xa khu vực nuôi trồng.

- Rạch bịch: nấm đã phát triển tốt sau 25 - 30 ngày (kể từ lúc cấy giống), khi sợi nấm đã mọc trắng kín bịch, dùng dao nhọn, sắc rạch 4 - 6 vết rạch xung quanh; chiều dài vết rạch 3 - 4 cm, sâu 2 - 3 mm, khoảng cách giữa các vết rạch so le và đều nhau. Gỡ bỏ nút bông, dùng tay ép nhẹ vào bịch nấm (nếu là bịch bông không cần nén bịch) dùng dây thun buộc kín miệng túi. Chuyển bịch sang nhà chăm sóc, úp miệng bịch nấm quay xuống dưới hoặc treo dây để tận dụng diện tích. Khoảng cách giữa các bịch hoặc dây treo từ 20 - 30 cm để khi nấm mọc không chạm vào nhau.

5. Chăm sóc và thu hái

* Chăm sóc: sau khi rạch bịch chỉ tưới nước tạo ẩm nền, được 4 - 6 ngày nấm bắt đầu có mầm quả thể ở vết rạch, lúc này tiến hành tưới nước lên bịch nấm. Trong giai đoạn này, cây nấm rất cần độ ẩm, nếu thiếu nước, nấm mọc cằn cỗi, nhẹ cân và ăn rất dai. Ngược lại nếu tưới quá nhiều, nấm có màu vàng, thối rữa. Trung bình một ngày tưới 3 - 5 lần tùy điều kiện cụ thể. Sau khi thu hái hết một đợt, ngừng tưới nước khoảng 5 - 7 ngày sau, nấm lại ra tiếp đợt 2; 3; 4; 5.

* Thu hái nấm: nấm sò mọc tập trung thành cụm, nên khi nấm đủ lớn cần hái cả cụm. Hái nấm đúng độ tuổi sẽ đạt năng suất, chất lượng cao nhất. Tiêu chuẩn là rìa mũ nấm vẫn co vào trong sắp dàn phẳng; thịt nấm dày, chắc, mập và non. Khi nấm chuẩn bị phát tán bào tử, là thời điểm hái nấm đúng tuổi nhất. Nếu nhìn thấy “làn khói trắng” bay ra từ cây nấm, đó là các bào tử phát tán (biểu hiện nấm già). Thời gian thu hái nấm từ 40 - 45 ngày kể từ ngày hái đầu tiên. Chăm sóc tốt sau 2 - 3 lứa đầu, ta nén nhẹ bịch nấm cho căng, chặt, buộc miệng như cũ. Treo và chăm sóc tiếp, khi nào cơ chất hết dinh dưỡng, mới hết nấm. 

Chú ý: khi hái không để sót phần “gốc” trên bịch, nếu để sót phải cấu sạch để nấm ra đợt tiếp theo tốt hơn.

Vũ Thị Thủy - TTKNQG