Thursday, November 18, 2010

Kỹ thuật sản xuất giống tôm càng xanh

1. Xây dựng trại và chuẩn bị trại giống 

1.1. Chọn vị trí 

Các tiêu chí thường được xem xét khi chọn lựa vị trí xây dựng trại giống bao gồm khí hậu, nguồn nước, nguồn tôm mẹ thị trường tôm giống, điện và giao thông. Thông thường, các trại được đặt ở gần biển, tuy nhiên, nhiều trại ở Thái Lan, Việt Nam vẫn đặt sâu trong nội địa và vẫn hoạt động tốt (Correria và ctv, 2000; New, 2002; Phương và ctv, 2003)

Ảnh minh họa

1.2. Thiết kế, xây dựng và trang bị phương tiện trại giống

Trại giống tôm càng xanh có thể được xây dựng với qui mô gia đình hay qui mô lớn. Qui mô gia đình cần diện tích nhỏ, từ 50-500 m2, có thể tích bể ương ấu trùng tổng cộng khoảng 10-50 m3 và công suất khoảng 1-2 triệu tôm bột/năm. Nhà trại có thể xây dựng đơn giản bằng cây, gỗ kết hợp tấm bạt. Công ty, xí nghiệp có thể xây trại qui mô lớn với công suất đến 10-20 triệu PL/năm, có diện tích rộng cho phòng làm việc, phòng thí nghiệm, ao, bể ương. Tuy nhiên, hầu hết các trại thành công ở Châu Á đều ở qui mô gia đình. Các trại được lợp bằng mái che tối xen với mái che trong suốt để có ánh sáng, đặc biệt là đối với trại áp dụng mô hình nước xanh. Xung quanh, nên có nhiều cửa sổ có rèm để giữ thoáng vào ban ngày đồng thời giữa ấm vào ban đêm.

Bể chứa: Bể có thể dùng để chứa nước ngọt hoặc nước lơ. Bể đa số làm bằng xi măng. Tùy theo vị trí trại giống, qui mô trại giống, qui trình sản xuất giống, độ mặn nước chứa… mà bể chứa cần thể tích khác nhau để chủ động sản xuất quanh năm. Thông thường, trại cần có 2 bể chứa riêng, mỗi bể có thể tích bằng tổng thể tích bể ương.

Lọc cơ học: Hệ thống lọc cơ học dùng để loại bỏ chất thải rắn trong nước. Các loại vật liệu như cát mịn, cát to, san hô, đá nhỏ, than hoạt tính... được dùng làm giá thể cho bể lọc. Hệ thống lọc gồm bể lọc có thể tích khoảng 1-2 m3 và các bể chứa nước lọc có thể tích khoảng 10-20 m3 hay hơn tùy trường hợp. Ngoài ra, trong trại cần có túi vải lọc có kích cỡ lỗ 1-5 μm để lọc lại nước trước khi sử dụng.

Lọc sinh học: Lọc sinh học là hệ thống bể có chứa nhiều giá thể như san hô, đá, vật liệu có nhiều lỗ rỗng, hay ngay cả rong tảo và thực vật thủy sinh lớn để hấp thu và chuyển hóa đạm trong nước từ dạng độc sang ít độc để tái sử dụng nước cho ương nuôi tôm hay các loài thủy sản nói chung. Có nhiều dạng bể lọc sinh học được sử dụng như lọc ngầm có nước từ trên xuống, lọc ngầm nước từ dưới lên, lọc ngầm nước chảy ngang có nhiều ngăn, lọc ướt có nước phun từ trên xuống, lọc lồng xoay chứa giá thể, hay lọc có giá thể dạng dĩa xoay. Tuy nhiên, dạng lọc ngầm nước chảy ngang và có nhiều ngăn được áp dụng phổ biến nhất do tiện lợi và hiệu quả. Bể lọc chứa các giá thể có thể tích khoảng 4-20% thể tích ương. Trước khi ương ấu trùng, cần kích thích hệ vi khuẩn Nitrosomona và Nitrobacter phát triển trong giá thể bằng cách bón đạm Amôn (dạng NH4Cl) với nồng độ bằng 10% nồng độ có thể có trong bể ương. Kiểm tra nồng độ Amôn, nếu thấy nồng độ giảm xuống thì bón tiếp với lượng như trên và lặp lại đến khi nào toàn bộ Amôn được chuyển hóa hoàn toàn thành Nitrate trong 24 giờ thì bón tiếp với lượng gấp đôi. Quá trình bón Amon, theo dõi nồng độ và tăng gấp đôi nồng độ cần lặp lại đến khi nào bể lọc có thể có đủ lượng vi khuẩn để chuyển hóa hết lượng đạm có thể có trong bể ương trong vòng 24 giờ thì có thể đưa vào sử dụng.

Bể nuôi tôm mẹ: Trại giống cần có bể ể xi-măng để nuôi nuôi dưỡng tôm trứng trước khi cho nở. Các bể có thể tích dao động 5 - 50 m3. Số lượng bể cũng thay đổi tùy qui mô của trại. Bể nên có lớp cát phủ mặt đáy dày 0,5-20 cm. Bể nên có nước chảy liên tục và nên đặt nhiều giá thể cho tôm ẩn nấp.

Bể cho tôm nở:. Trại sản xuất qui mô gia đình, đơn giản, chỉ cần dùng 5-10 bể kính hay bể nhựa 50-100 lít để cho tôm nở là đủ. Mỗi bể có thể chứa 2-3 tôm trứng. Bể có thể bằng composite hay nhựa, màu tối để dễ dàng thu ấu trùng.

Bể ương ấu trùng: Bể ương ấu trùng có thể đa dạng như bể tròn, hình chữa nhật hay vuông và được làm bằng compostite, nhựa cao cấp hay ximăng. Bể compostite và nhựa cao cấp tiện lợi trong quản lý, thao tác và dễ di chuyển. Bể bêtông chi phí rẻ, ổn định nhiệt hơn nhưng không cơ động. Bể ương nên có màu xám sậm hay xanh lá cây. Qui mô gia đình nên làm bể nhỏ, thể tích 0,5-2 m3, tốt nhất làm 0,5-1 m3 để dễ quản lý và năng suất cao.

Bể ương tôm bột: Trại sản xuất giống cũng cần có bể, giai lưới hay ao để ương tôm bột. Bể và giai nên có thể tích 10-20 m3/bể. Ao có diện tích 100-500 m2.

Bể ấp Artemia: Bể ấp Artemia tiện lợi nhất nên bằng composite, có đáy hình chóp và có khóa ở đáy, thể tích 20 –100 lít. Bể đặt nơi có ánh sáng, nhưng tránh ánh nắng trực tiếp làm ảnh hưởng đến tỷ lệ nở của trứng. Qui mô sản xuất gia đình, đơn giản, có thể dùng 5-10 keo thủy tinh 10 lít để ấp Artemia.

Bể nuôi tảo: Các trại áp dụng mô hình nước xanh cần có bể nuôi tảo để cấp cho bể ương ấu trùng. Bể nuôi tảo nên có màu trắng, thể tích các bể khoảng 0.5-1 m3, tiện nhất là bằng composite. Bể được đặt trong nhà dưới mái che nhựa để vừa có ánh sáng vừa hạn chế tác động lớn của môi trường ngoài.

Hệ thống thổi khí: Tùy theo vị trí trại có điện lưới hay không, tùy vào qui mô trại mà có thể dùng máy nén khí hay máy thổi khí, vận hành bằng dầu hay điện, công suất lớn hay nhỏ. Một trại qui mô 10-20 m3 bể ương, đơn giản chỉ cần dùng 2 máy thổi khí điện, mỗi máy có công suất khoảng 1 HP. Nên thiết kế sao cho hai máy có thể vận hành luân phiên nhau, đảm bảo thổi khí liên tục mà vẫn bảo trì máy tốt.

Hệ thống điện: Trại tôm giống tốt nhất nên có nguồn điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, trại cũng cần trang bị máy phát điện dự phòng.

Hệ thống cấp nước: Tùy vị trí trại, nguồn nước sử dụng và qui mô trại mà có thể lắp đặt hệ thống bơm nước đủ công suất.

Các dụng cụ và thiết bị khác: Ngoài các phương tiện trên, trại tôm cần được trang bị các dụng cụ như dụng cụ kiểm tra nước như máy đo độ mặn, pH kế, nhiệt kế, máy đo oxy, bộ hóa chất thử đạm, chlorine và các dụng cụ chế biến thức ăn cho tôm như sàn, khay, nồi, bếp, máy xay sinh tố, tủ lạnh, cân...

1.3. Vệ sinh bể, dụng cụ và xử lý nước ương nuôi

Vệ sinh bể và dụng cụ: Các bể cần phải được vệ sinh kỹ trước khi vận hành. Đối với bể ximăng mới xây cần phải được xử lý kỹ bằng cách cho nước ngọt vào ngâm một ngày, sau đó xả ra và lập lại vài lần. Tiếp đến, cho nước vào đầy bể và dùng phèn chua xử lý với lượng 250 g/m3. Ngâm bể khoảng một tuần sau đó xả nước và xử lý tiếp như các bể thông thường. Trước và sau mỗi đợt sản xuất, cần phải vệ sinh trại, các dụng cụ và bể ương nuôi thật cẩn thận. Các hoá chất thường dùng để rửa bể và dụng cụ như xà phòng, hay dung dịch Chlorine 100-200 mg/l. Sau khi rửa, nếu có thể, nên phơi dưới ánh nắng trực tiếp một ngày. Giữa các đợt sản xuất nên tạm nghỉ 10-15 ngày để đảm bảo khâu vệ sinh được hoàn chỉnh.

Pha nước và xử lý nước ương nuôi : Hai nguồn nước được sử dụng trong trại sản xuất giống tôm là nguồn nước mặn và nước ngọt. Nguồn ngước mặn có thể là nước biển hay nước mặn từ ruộng muối có độ mặn 60-140 . Nước mặn sau khi để lắng, có thể cho qua lọc cơ học để có được nước trong sạch hơn. Sau đó xử lý nước bằng Chlorine với nồng độ 20g/m3 (tính trên cơ sở Chlorine nguyên chất). Sau khi hòa chlorine vào nước, để yên một đêm, sau đó sục khí thật mạnh ít nhất 4 ngày để loại bỏ chlorine trước khi sử dụng. Trước khi sử dụng, có thể kiểm tra nồng độ chlorine còn lại trong nước. Nếu nước còn chlorine, nên dùng thiosulphate natri để trung hòa. Bổ sung thiosulphate natri bằng nồng độ chlorine còn dư trong nước. Sau đó, kiểm tra lại chlorine và xử lý như trên vài lần đến khi không còn chlorine. Đối với nước ngọt, đơn giản nhất là dùng nước máy sinh hoạt đã qua xử lý mà không cần phải xử lý thêm. Nếu dùng nước sông hay nước ao, nên xử lý nước bằng chlorine trước khi sử dụng. Nước giếng ngầm cần chú ý độ cứng. Độ cứng nước tốt nhất là 50-150 mg/l. Hai nguồn nước mặn và nước ngọt này được dùng để pha thành nước có độ mặn 12‰ cho ương ấu trùng.

2. Tôm bố mẹ

Các trại sản xuất nhỏ thông thường không phải nuôi tôm bố mẹ mà chủ yếu thu tôm từ tự nhiên hoặc thu mùa từ các trại nuôi tôm thịt để đơn giản và tiện lợi cũng như giảm chi phí trong sản xuất. Tuy nhiên, các trại lớn đôi khi phải chủ động nuôi để có được nguồn tôm cho sản xuất quanh năm và có chất lượng cao. Daniels và ctv (2000); Reddy (2000), New (2002) và Phương và ctv (2003) thảo luận chi tiết về các kỹ thuật thu, vận chuyển, và nuôi tôm bố mẹ.

3. Ương nuôi ấu trùng

3.1. Cho tôm nở

Tôm trứng chọn cho nở phải khỏe mạnh, không bị thương tích, không có dấu hiệu bệnh (đốm đen, đốm nâu, đóng rong,...), có trọng lượng tốt nhất là 50-80 g và trứng có màu xám đen. Nên chọn đủ số lượng tôm trứng có màu sắc tương tự nhau để cho nở đồng loạt. Có thể xử lý tôm mẹ trước khi cho nở bằng formaline 20-25 mg/l (tính cho formol nguyên chất) trong 30 phút, sau đó thay nước. Tôm sau khi xử lý xong được cho vào bể nở. Bể nhỏ 50 lít có thể thả 2-3 con tôm trứng. Bể lớn thì thả nhiều hơn. Cần sục khí liên tục cho bể nở. Tốt nhất, nước bể nở nên có độ mặn khoảng 5-7 ‰ để tránh gây sốc cho tôm mẹ, trứng tôm cũng như ấu trùng ít bị sốc khi chuyển vào bể ương với độ mặn cao 12‰. Nếu chọn tôm tốt, trứng sẽ nở ngay đêm đó. Trường hợp tôm chưa nở sáng sớm để chuyển vào bể ương.

3.2. Thu và bố trí ấu trùng vào bể ương

Sau khi ấu trùng nở, thu ấu trùng vào buổi sáng. Ngừng sục khí bể, che tối bể, chừa một góc để có ánh sáng hoặc dùng đèn để tập trung ấu trùng lại một góc để hút ra bằng ống hút. Ấu trùng khỏe sẽ có tính hướng quang mạnh và tập trung nơi chiếu sáng, ấu trùng kích cỡ lớn, màu trong sáng, và hoạt động tích cực. Ấu trùng thu được nên xử lý với Formol 200 ppm trong 30 giây, sau đó, bố trí vào bể ương đã được chuẩn bị sẵn. Bể ương ấu trùng có mức nước tùy vào qui trình ương với khoảng 0,8-1m đối với hệ thống nước trong hở và nước trong kín; và khoảng 0,6-0,7 m đối với hệ thống nước xanh cải tiến để tảo phát triển. Nước ương có độ mặn 10-12 . Sục khí liên tục và vừa phải cho bể ương với số lượng 3-4 đá bọt/m2 mặt bể. Đối với mô hình nước xanh cải tiến, cần bổ sung tảo (tảo Chlorella thuần hoặc nước xanh từ bể nuôi cá rô phi) trước khi bố trí ấu trùng với mật độ khoảng 0.5-1 triệu tế bào/ml để nước có màu xanh nhạt. Mật độ ấu trùng bố trí nên trong khoảng 50-60 con/lít đối với mô hình nước trong kín và nước xanh cải tiến; và 100-150 con/lít đối với mô hình nước trong hở. Qui trình nước trong hở cũng có thể bố trí với mật độ cao 300-500 ấu trùng/Lít để ương trong 10-15 ngày đầu (đạt giai đoạn V-VII) thì sang thưa ương với mật độ 60-100 ấu trùng/L (Ang, 1987&1995; Reddy, 2000; Correia và ctv, 2000; New, 2002; Phương và ctv, 2003).

3.3. Chăm sóc, cho ăn

Trong ương ấu trùng tôm càng xanh, có thể cho ấu trùng ăn bằng các loại Artemia, Moina, thịt cá, thịt mực, Artemia tiền trưởng thành, trùng chỉ (giun đỏ), thức ăn chế biến, thức ăn nhân tạo... Tuy nhiên, thức ăn thường được sử dụng nhất là ấu trùng Artemia và thức ăn chế biến.

Cho ấu trùng ăn Artemia

Ngày đầu tiên không cần cho ấu trùng ăn. Từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5, ấu trùng được cho ăn bằng Artermia mới nở, ít nhất 2 lần mỗi ngày vào lúc sáng và chiều. Mật độ cho ăn trung bình mỗi lần là 1-2 Artemia/ml nước. Từ ngày thứ 5, mỗi ngày cho ấu trùng ăn Artemia 1 lần vào chiều tối, ban ngày cho ăn tức ăn chế biến 4 lần/ngày. Lượng Artemia cho ăn tăng dần lên 2-4 con/ml về giai đoạn cuối. Tuy nhiên, tùy qui trình ương, nếu mật độ ương cao thì lượng Artemia cho ăn có thể tăng lên đến 5-10 con/ml ở giai đoạn ấu trùng IX-XI. Đối với qui trình nước xanh cải tiến, Artemia sau khi cho nở nên thu cả ấu trùng và vỏ trứng đem xử lý với formol 100 mg/l trong vài phút, sau đó cho vào các bể ương. Vỏ Artemia có vai trò quan trọng như giá thể trong bể.

Cho ấu trùng ăn thức ăn chế biến

Tùy từng trại mà có thể chế biến thức ăn với các thành phần khác nhau như trứng, sữa, thịt tôm, mực, sò huyết, gan và các hỗn hợp Vitamine, khoáng. Các công thức thức ăn chế biền được trình bày ở Bảng 1. Công thức ở Bảng 1 đã được xây dựng bởi Khoa Thủy sản - Đại học Cần Thơ dựa trên nền công thức của Ang (1995) và hiện được áp dụng phổ biến ở các trại giống ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Các nguyên liệu này được trộn đều và hấp cách thủy, sau đó, ép thức ăn qua sàn với kích cỡ mắt lưới khác nhau là 300 μm, 500 μm700 μm để tạo hạt thức ăn có cỡ thích hợp cho từng giai đoạn của tôm (Bảng 2).

Cho ấu trùng ăn tức ăn chế biến vào ban ngày, 3-4 lần/ngày. Khi cho ăn, nên ngưng sục khí để ấu trùng tập trung lên mặt nước rồi rãi thức ăn từ từ xung quanh bể nơi ấu trùng tập trung để ấu trùng bắt mồi hiệu quả và tránh dơ nước. Lượng cho ăn tùy vào khả năng bắt mồi của ấu trùng. Sau khi ấu trùng ăn hết thức ăn thì mới sục khí trở lại. Thời gian cho ăn mỗi lần mất khoảng 15-30 phút. Tùy vào qui trình ương nuôi và cách cho ăn mà lượng thức ăn chế biến và lượng Artemia sử dụng để sản xuất 1 triệu tôm bột sẽ khác nhau (AQUACOP, 1983; New và Shingholka, 1985; Thắng, 1995; Correia và ctv, 2000; Valenti và Daniels, 2000). Trong mô hình nước xanh cải tiến, lượng thức ăn cần để sản xuất 1 triệu tôm bột có thể chỉ cần khoảng 20 kg thức ăn chế biến dạng ẩm và 2-4 kg trứng Artemia (Hải và ctv, 2002).

Bảng 1: Công thức thức ăn chế biến cho ấu trùng tôm (Phương và ctv, 2003)



Bảng 2: Kích cỡ thức ăn cho các giai đoạn ấu trùng (Ang, 1995)



3.4. Quản lý môi trường nước ương ấu trùng

Tùy từng qui trình ương nuôi ấu trùng khác nhau mà các phương pháp quản lý nước cũng rất khác nhau (AQUACOP, 1983; New và Shingholka, 1985; Ang, 1995; Thắng, 1995; Correia và ctv, 2000; Valenti và Daniels, 2000; New, 2002; Phương và ctv, 2003).

Thay nước và hút cặn

Đối với mô hình nước trong-hở, cần thay nước bể ương hằng ngày 30-50% tùy giai đoạn bằng nước trong sạch. Hằng ngày, cần hút cặn đáy bể sau khi cho tôm ăn và trước khi thay nước. Cần chú ý nhiệt độ, độ mặn giữa nước cấp và nước bể ương, tránh chênh lệch lớn vì sẽ ảnh hưởng đến ấu trùng.

Đối với hệ thống nước trong - tuần hoàn, từ ngày thứ 4 sau khi ương ấu trùng, nên cho nước luân chuyển giữa bể ương và bể lọc sinh học. Tỷ lệ nước luân chuyển khoảng 100-400% thể tích bể ương/ngày. Hệ thống bể ương cần được hút cặn 2 lần mỗi ngày.

Trong qui trình nước xanh, phải thay nước mới thường xuyên, nhất là khi nước dơ hay khi tảo tàn. Sau đó, bổ sung tảo mới. Trong quá trình nuôi cũng thường xuyên hút cặn để loại bỏ tảo chết và lắng ở đáy bể.

Đối với qui trình nước xanh cải tiến, cơ bản, không phải thay nước, thêm tảo hay hút cặn trong suốt thời gian ương. Điều này sẽ không làm xáo động đáy bể, để tảo đáy phát triển sẽ có vai trò như lọc sinh học.

Mức nước bể ương nên duy trì 0,8-1m đối với hệ thống nước trong hở và nước trong tuần hoàn; và 0,6-0,7m đối với hệ thống nước xanh và nước xanh cải tiến.

Quản lý các yếu môi trường nước

Nhiệt độ nước là yếu tố quan trọng cần được quản lý tốt trong phạm vi 26-310C. Vào ban đêm, mùa lạnh hay mùa mưa nhiều, trại nên được giữ kín. Bố trí các dụng cụ nâng nhiệt bằng điện hay nước nóng cho bể ương. Ban ngày, hay mùa nóng, cần giữ trại thoáng và mái nhà không được làm hoàn toàn bằng tole trong suốt. Cần theo dõi nhiệt độ hàng ngày lúc sáng và chiều.

Độ mặn nước ương nên được duy trì trong phạm vi 12±2 . Trong quá trình thay nước, nhất là đối với qui trình nước trong hở thì cần phải trận trọng, tránh nước mới có độ mặn chênh lệch lớn với nước ương làm sốc ấu trùng. Đối với mô hình nước xanh cải tiến và mô hình nước trong tuần hoàn do không thay nước, vì thế độ mặn có thể tăng cao dần và vượt 14  về cuối chu kỳ ương, nhất là vào những tháng nóng. Trường hợp này cần phải cấp thêm nước ngọt để điều chỉnh độ mặn xuống 10-12 .

Nước bể ương ấu trùng nên có pH trong khoảng 7-8,5. pH không nên vượt quá 9. Trong qui trình nước xanh và nước xanh cải tiến, khi mật độ tảo quá cao có thẻ ảnh hưởng đến biến dộng lớn pH trong ngày. Cần sục khí mạnh hay thay bớt nước khi nước quá xanh.

Ánh sáng cần thiết cho sự phát triển của ấu trùng tôm càng xanh. Tuy nhiên, không nên ương ấu trùng dưới ánh nắng trực tiếp. Đối với hệ thống nước trong, chỉ cần ánh sáng yếu, nhưng đối với mô hình nước xanh và nước xanh cải tiến cần ánh sánh mạnh hơn cho tảo phát triển. Cường độ ánh sáng thích hợp là 6.000 - 18.000 lux, chu kỳ chiếu sáng hàng ngày 10-12 giờ. Mái che có các tấm tole sáng và tối xen kẽ nhau sẽ thích hợp cho ương ấu trùng.

Oxy nên được duy trì trên 5 mg/l, tốt nhất là gần đạt mức bảo hòa. Trung bình, mỗi m3 bể ương cần khoảng 4 viên đá bọt với tốc độ thổi khí vừa phải vừa đảm bảo Oxy, vừa giải phóng khí độc, vừa giúp phân bố ấu trùng và Artemia đều trong bể.

Thường xuyên theo dõi các yếu tố đạm hàng ngày và đảm bảo nitrite dưới 0,1 mg/l, nitrate dưới 20 mg/l, đạm a-môn (N-NH4 +) dưới 1.5 mg/l, N-NH3 dưới 0,1 mg/l. Đối với mô hình nước trong-hở, thay nước mỗi ngày là biện pháp giữ nước ương sạch. Đối với mô hình nước trong - tuần hoàn, bể lọc sinh học hoạt động tốt sẽ ổn định được hàm lượng đạm trong phạm vi thích hợp. Trong mô hình nước xanh cải tiến, tảo và các vi khuẩn phát triển trong nước, trên vỏ Artemia và trên thành bể sẽ là yếu tố quan trọng trong việc hấp thu và tự ổn định nồng độ đạm.

Trong qui trình nước xanh cải tiến, sau khi bổ sung tảo vào bể ương với mật độ khoảng 0,5-1 triệu tế bào/ml, cơ bản không phải bổ sung thêm tảo trong suốt thời gian ương. Tảo phát triển tự nhiên trong bể trong thời gian ương nuôi và có thể đạt đến 5-10 triệu tế bào/ml và duy trì màu xanh đến cuối chu kỳ ương. Tuy nhiên, cũng có trường hợp tảo Chlorella sẽ suy tàn, đồng thời tảo khuê sẽ phát triển, vì thế màu nước xanh sẽ dần chuyển thành màu vàng nâu. Cũng có trường hợp, sau khi tảo Chlorella suy tàn thì hệ tảo đáy sẽ phát triển. Tuy nhiên, dù tảo Chlorella, tảo khuê hay tảo đáy phát triển, chúng cũng có vai trò quan trọng như hệ thống lọc sinh học.

3.5. Chăm sóc bể ương trong giai đoạn chuyển sang tôm bột

Ấu trùng sẽ bắt đầu chuyển sang hậu ấu trùng (Postlarvae) sau 17-23 ngày ương và hầu hết ấu trùng chuyển sang hậu ấu trùng sau khoảng 25-35 ngày tùy theo điều kiện ơng. Trong giai đoạn này, cần phải đặt thêm các vật bám như các tấm lưới hay chùm nylon vào bể cho tôm bột bám nhằm hạn chế ăn lẫn nhau. Khi hầu hết ấu trùng đã chuyển sang tôm bột, cần phải hạ dần độ mặn trong khoảng 3-4 ngày để chuyển tôm sang nước ngọt hoàn toàn. Trong thời gian này, ngoài cho ấu trùng và tôm postlarvae ăn như giai đoạn ấu trùng giai đoạn 9-11, cần cho tôm ăn bổ sung các loại như trùng chỉ, moina hay thức ăn công nghiệp. Sau 30-35 ngày có thể thu hoạch tôm hoàn toàn để chuyển sang ương tôm giống hoặc nuôi trực tiếp lên tôm thịt.

Nguồn: Sở NN & PTNT Đồng Tháp

Kinh nghiệm chọn con giống tôm càng xanh chất lượng cao

Chất lượng tôm giống là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến tỷ lệ hao hụt, năng suất và hiệu quả kinh tế của các mô hình nuôi tôm càng xanh. Nếu con giống tôm càng xanh kém chất lượng như: Kích cỡ không đều, bơi lội yếu, bị xây sát hoặc gãy chân do đánh bắt, thân có màu trắng đục hoặc có nhiều mầm bệnh, vỏ mềm do mới lột xác... sẽ dẫn đến tỷ lệ hao hụt rất cao ngay từ khi vận chuyển đến địa điểm thả nuôi và sẽ cho năng suất khi thu hoạch kém, mặc dù các yếu tố khác như: Môi trường nước, thức ăn, phòng bệnh... đều thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.

Ảnh minh họa

Các phương pháp chọn tôm giống như sau:

1. Chọn tôm đều cỡ:

Tôm giống phải có chiều dài tương đối đều nhau, tiêu chuẩn tôm giống phải có chiều dài 3 - 5cm (trong trường hợp chọn từ tôm Post thì tôm Post phải được nuôi dưỡng trong môi trường nước ngọt hoàn toàn, không có tôm bơi ngửa và chiều dài từ 1 - 2cm).

Trong trường hợp trong đàn tôm giống chọn nuôi có một ít tôm lớn hơn hoặc nhỏ hơn so với chiều dài bình quân của số lượng đàn tôm dự tính chọn nuôi thì số lượng tôm có kích thước lớn hơn hoặc nhỏ hơn không quá 10%.

2. Chọn tôm khỏe

Bắt một ít tôm giống (khoảng 80 – 100 con) cho vào một cái chậu có nước cao 7 – 10cm, dùng tay quay tròn nước trong chậu. Tôm khỏe sẽ bơi ngược dòng nước, đuôi xòe ra hoặc bám vào thành và đáy thau. Tôm yếu sẽ bị trôi theo chiều nước hoặc tập trung ở lại giữa chậu. Đàn tôm dự tính được nuôi được coi là tôm khỏe khi số lượng tôm bị trôi theo chiều nước hoặc tập trung ở giữa chậu chiếm ít hơn 5% trên số lượng tôm kiểm tra.

Hoặc bà con có thể bắt một ít tôm như trên thả vào dung dịch có pha Formol với nồng độ 100ppm (pha 1ml Formol trong 10 lít nước sạch) sau 2 giờ số lượng tôm chết ít hơn 5% trên tổng số tôm kiểm tra thì chứng tỏ đàn tôm nuôi là khỏe mạnh.

Mặt khác cần chú ý một số yếu tố để chọn tôm khỏe như:

- Tôm khỏe phải không bị dị hình, còn đủ chân, càng, râu.

- Tôm khỏe lúc nào đôi râu cũng xếp song song nhau, tôm yếu đôi râu mở hình chữ V.

- Tôm khỏe thì dạ dày (nằm phía trên đầu) có chứa thức ăn và đường ruột vẫn còn thức ăn (được biểu hiện là đường chỉ có màu nâu, liền nhau không bị đứt đoạn chạy dọc theo thân).

- Tôm khỏe thì bơi lội nhanh nhẹn và khi tắt sục khí tôm sẽ búng mình lên khỏi mặt nước. Chọn tôm không bị bệnh

Tôm khỏe thân thường có màu xanh trong, phần vỏ và phần chân tôm không có những đốm nâu đen hoặc vàng xám, trên thân vỏ và phần đuôi không có chỗ bị ăn mòn hoặc khuyết sâu.

Tôm bệnh thường có màu trắng đục, mang có đốm đen, phần vỏ và chân có nhiều chấm nhỏ màu nâu đen hoặc xám vàng và bị đóng rong.

Vậy khi mua tôm giống nên chọn mua con giống từ những trại tôm hoặc cơ sở có uy tín và cung cấp con giống có chất lượng .

Nguồn: Sở NN & PTNT Đồng Tháp

Monday, September 27, 2010

Khắc phục cá tra ăn mồi thất thường

Theo như ý kiến của nhiều chuyên gia thủy sản, khi cá tra ăn mồi với lượng không ổn định, thường ăn rất trễ trong ngày và có biểu hiện hơi nhát có thể là do tầng đáy ao nuôi bị nhiễm phèn, do trời chuyển lạnh nên nhiệt độ ở tầng nước mặt bị giảm thấp và do chất vẩn hữu cơ lơ lửng trong nước quá nhiều.


Ảnh minh họa

Vào mùa khô, cá tra có tập tính sống ở tầng đáy, nơi có nhiệt độ mát mẻ và ít biến động bởi môi trường. Việc hút bùn đã làm xáo trộn nền đáy, tức làm động nơi cư trú của chúng, nên có thể chúng bị sốc dẫn đến sức ăn bị yếu đi. Việc cá thích ăn vào buổi trưa hoặc chiều khi tiết trời lạnh có thể cũng là do tập tính sống đáy vào mùa khô chi phối, nên khi ánh sáng mặt trời đốt nóng tầng mặt thì cá mới chịu lên ăn.

Để khắc phục hiện tượng này, vào những ngày trời se lạnh thì cần thiết giảm lượng cho ăn và cho cá ăn vào thời điểm nhiệt độ nước ao có sự cân bằng giữa tầng mặt và tầng đáy, khoảng giác trời đứng bóng về chiều. Khi hút bùn đáy ao xong, cần xử lý nền đáy và xử lý cho nước ao trong trở lại mới cho ăn, bởi vì nếu cá phải sống và bắt mồi ở vùng có tích tụ nhiều chất thải và khí độc thì dễ xảy ra hiện tượng cá mất đi hứng thú bắt mồi. Bên cạnh đó, nếu cá bắt mồi trong vùng nước nhiễm bẩn, cũng sẽ tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh xâm nhập vào nội tạng.

Thuốc xử lý nước có thể dùng: Biotuff (10kg) và Polymax (0,2kg) pha nước tưới cho 1.000m2 ao/ngày. Thuốc trộn vào thức ăn để tăng tiêu hoá và kích thích cá thèm ăn, có thể dùng: Compac (1kg) + Doxalase (0,5kg) + Vitalec fish+ (1kg) + Dầu gan mực (2kg) trộn cho 1 tấn mồi, liên tục 7 ngày. Để phòng bệnh, cần thường xuyên trộn Vitamin C vào các bữa ăn của cá cũng giúp cá giảm stress

Nguồn: Sở NN & PTNT Đồng Tháp

Thursday, August 5, 2010

Phương pháp mới điều khiển giới tính cá Rô phi

Cá Rô phi (thuộc họ Cichlidae, giống Oreochromis) hiện được nuôi phổ biến nhất là loài cá Rô phi vằn - niloticus (là giống nhập vào nước ta từ Đài Loan từ năm 1974) và loài cá Rô phi đỏ - Red Tilapia (nhập từ Malaixia năm 1985) là loài cá dễ nuôi, có khả năng thích nghi với nhiều vùng của các nước nhiệt đới, đồng thời cũng có khả năng rộng muối (từ 0‰- 40‰) và đặc biệt, nó có đặc tính ăn tạp nên rất được nông dân ưa chuộng chọn nuôi. Hiện nay cá Rô phi là nhóm cá được nuôi phổ biến thứ 2 trên thế giới sau nhóm cá Chép Fitzsimmons và Gonzalez, 2005 – Trích dẫn bởi Trung tâm tin học, Bộ Thủy sản, 2005) với sản lượng năm 20072.121.010 tấn.


Mặc dù sản phẩm từ cá Rô phi không được ưa chuộng trên thế giới như các loài cá da trơn (cá Tra, Basa, Nheo…) do có nhiều xương; nhưng nhờ thịt chắc, ít mỡ, ngọt thịt và có nhiều dinh dưỡng nên vẫn được một số nước tiêu thụ nhiều. Theo báo cáo cuả Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), nước xuất khẩu sản phẩm từ cá Rô phi lớn nhất trên thế giới là Trung Quốc với sản lượng nuôi năm 2009 ước khoảng 1,15 triệu tấn, xuất khẩu 259.000 tấn; trong đó nước tiêu thụ nhiều nhất là Mỹ với 134.400 tấn.

Một trong những ưu điểm để cá Rô phi trở thành đối tượng nuôi quan trọng là cá có tuổi thành thục sinh dục sớm (4-6 tháng tuổi đã đẻ, chu kỳ sinh dục ngắn (20-30 ngày) và đẻ dễ dàng trong ao (Coddington và cộng tác viên, 1997; trích dẫn bởi Phelps và Popma, 2000). Tuy nhiên, cũng vì đặc tính này đã dẫn đến hậu quả là ao nuôi bị dầy đặc và thiếu thức ăn, cá nuôi bị chậm lớn, kích cỡ cá không đều khi thu hoạch, hiệu quả kinh tế thấp.

Với đặc tính cá đực tăng trưởng nhanh hơn cá cái và sinh sản nhiều lần trong 1 năm (có thể đến 13 lần) nên cá phải tham gia sinh sản nhiều, vì thế tốc độ tăng trưởng rất thấp. Để có được sản lượng lớn từ nuôi trồng, cá thả nuôi phải hạn chế sinh sản và phải chọn toàn cá đực để nuôi thì mới đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu.

Để giải bài toán này, từ những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, đã có những công trình nghiên cứu, đề tài khoa học về điều khiển giới tính cá Rô phi theo hướng rặt đực, gồm:

1. Dùng phương pháp hoá trị để làm teo buồng trứng cuả cá cái (Đề tài khoa học cuả Tiến sĩ Nguyễn Tường Anh, Giảng viên trường Đại học Nông Lâm TP HCM kết hợp với Viện  nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt). Phương pháp này không thành công do giá thành cao và tỷ lệ chết sau hoá trị lớn.

2. Dùng hóc môn sinh dục đực (Testosteron) trộn vào thức ăn, cho cá ăn ngay từ giai đoạn cá bột khi cá bắt đầu ăn thức ăn ngoài (Phương pháp ứng dụng thành tựu từ Trung Quốc), sau 1 thời gian hệ sinh dục cuả cá con sẽ chuyển sang tính đực . Kết quả từ phương pháp này cho 95 - 97% cá giống rặt đực. Hiện nay phương pháp này đang được ứng dụng rộng rãi và cung cấp nhiều cho thị trường như: Trung tâm sản xuất giống cá nước ngọt thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH TM & DV Hải Thanh…

3. Dùng phương pháp lai tạo giữa giống cá Rô phi rằn (O. niloticus) với cá Rô phi xanh (Blue Tilapia) cho ra 95% dòng con toàn đực. Công nghệ này do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I tiếp nhận từ Israel và chuyển giao đàn cá bố mẹ từ Trung Quốc cho Cty TNHH TM & SX Hải Thanh. Trên thực tế, phương pháp này tốn công sức và thời gian hơn phương pháp dùng hóc môn sinh dục.

4. Dùng phương pháp xử lý nhiệt: Mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tư – Giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP HCM và các cộng sự đã có đề tài nghiên cứu “Thử nghiệm sản xuất giống cá Rô phi đơn tính đực bằng phương pháp xử lý nhiệt”. Thực ra đề tài này đã được tiến hành nghiên cứu từ năm 2007 và đến năm 2009 thì tiến hành sản xuất thử nghiệm để đưa ra kết luận cụ thể cho phương pháp này.

Nghiên cứu này dưạ trên các nhận định về sự ảnh hưởng cuả môi trường đến giới tính cuả cá, mà nhân tố chủ yếu chính là nhiệt độ. Đối với hầu hết các loài cá nhạy cảm với nhiệt độ như Artherinid, Cichlid, Poecilid gồm cá Vàng (Carassius auratus), Rô phi (Oreochromis spp.) thì tỷ lệ đực tăng dần khi nhiệt độ cao và giảm dần khi nhiệt độ thấp; và theo Ponzoni và cộng tác viên (2008) cho rằng xử lý nhiệt độ sẽ là phương pháp mới trong sản xuất giống Rô phi đơn tính đực.

- Thí nghiệm năm 2007: Cá 3 ngày tuổi sau khi nở (bắt đầu ăn ngoài) được nuôi trong các bể có gắn các heater để điều khiển nhiệt độ theo yêu cầu. Ương cá ở nhiệt độ cao 32 – 34oC trong 10 ngày liên tục, sau đó hạ nhiệt độ về bình thường và tiếp tục ương trong bể kiếng cho đến khi cá được 25 ngày tuổi thì chuyển sang ương trong vèo. Cá được nuôi đến 90 ngày tuổi thì được thu hoạch và kiểm tra tỷ lệ đực hoá.

- Thí nghiệm năm 2008: Ương cá 8 ngày tuổi trong thời gian 5 ngày và ương với nhiệt độ 36oC, sau đó chăm sóc cá như thí nghiệm năm 2007 đến 80 ngày tuổi thì thu hoạch kiểm tra tỷ lệ đực hoá.

- Thử nghiệm sản xuất với quy mô nhỏ năm 2009:

+ Điạ điểm thực hiện: Trại Phú Hữu thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn

+ Bể cấp nước (bể nâng nhiệt): bể nhưạ 3 lớp có dung tích 700lít được đun nóng bởi 1 heater đầu ren có công suất 2,5 KW.

+ Bể ương: 03 bể có dung tích 300lít/bể.

+ Mật độ cá thả: 50.000 con/m3, 75.000 con/m3, 100.000 con/m3.

+ Nhiệt độ ương: 36oC và ương trong 5 ngày (ương cá từ 8 ngày tuổi).

+ Thức ăn: bột cá rây thật mịn với lượng ăn là 10% trọng lượng thân.

+ Giai ương: có kích thước 1 x 1 x 1,5m.

Sau 60 ngày thu hoạch kiểm tra tỷ lệ đực cái thì thấy:

. Tỷ lệ cá sống cao nhất khi ương ở mật độ 50.000 con/m3 so với các mật độ khác là 97%.

. Tỷ lệ đực cao nhất cũng là mật độ 50.000 con/m3 là 95,55%.

Phương pháp này có tính ưu việt hơn phương pháp sử dụng hóc môn sinh dục do nó khắc phục được tâm lý e ngại cuả người tiêu dùng vì cho rằng hóc môn sinh dục có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh lý; tuy nhiên, các nhà sản xuất hiện nay chưa mạnh dạn áp dụng vì nếu sản xuất với số lượng lớn sẽ phải cần  một thiết bị cung cấp nhiệt thật lớn và cũng lo ngại về tình trạng cung cấp điện hiện nay.

Theo Sở NN&PTNT TP.HCM

Monday, May 17, 2010

Bệnh gan thận mủ trên cá tra

1. Nguyên nhân gây bệnh:

Bệnh gan thận mủ (còn gọi là bệnh mủ gan) là bệnh do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây ra. Hiện nay bệnh này gây thiệt hại lớn cho người nuôi cá Tra thâm canh ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ cá chết khi bị nhiễm bệnh gan thận mủ có thể lên đến 90%. Cá Tra thường bị nhiễm bệnh vào các tháng cuối năm khi nhiệt độ nước hạ thấp (khoảng tháng 9 đến tháng 1 năm sau); tuy nhiên ngày nay bệnh này còn xảy ra ở những thời điểm khác trong năm do việc tăng diện tích và tăng mức độ thâm canh, cũng như việc không sát trùng nguồn nước của những ao nuôi bị nhiễm bệnh trước khi thải ra môi trường.

2. Đường lây truyền:

E.ictalury có thể nhiễm cho cá bằng 2 đường khác nhau:

- Vi khuẩn trong nước có thể qua đường mũi của cá xâm nhập vào cơ quan khứu giác và di chuyển vào dây thần kinh khứu giác, sau đó vào não. Từ đó, bệnh lan rộng từ màng não đến sọ và da.

- Cá da trơn còn lây nhiễm qua đường tiêu hóa, thức ăn qua đường miệng gây nhiễm khuẩn ruột hoặc qua niêm mạc ruột vào máu gây nhiễm trùng máu. Bằng đường này thì vi khuẩn vào mao mạch trong biểu bì gây họai tử và mất sắc tố của da.

Bệnh tiến triển gây viêm ruột, viêm gan và viêm cầu thận trong vòng 2 tuần sau khi nhiễm khuẩn (Shotts và cộng tác viên, 1986). Tóm lại vi khuẩn E. ictaluri có thể xâm nhập vào cơ thể cá từ môi trường nước qua da, qua mang cá và qua miệng bằng đường thức ăn gây bệnh mủ gan cá.

3. Triệu chứng:

Bệnh này nếu nhẹ thường khó được phát hiện sớm do cá bệnh ít có biểu hiện bên ngoài. Cá bị nhiễm bệnh gan thận mủ thường ăn kém hoặc bỏ ăn tùy theo bệnh nhẹ hay nặng. Quan sát bên ngoài có thể thấy bụng hơi sưng to, mắt bị đục. Cá bệnh thường bơi lờ đờ gần bề mặt ao. Khi mổ bụng cá ta thường thấy những đốm trắng nhỏ (như đốm mủ) trên bề mặt của một số cơ quan như gan, thận và lách (Hình chụp).


Nếu nặng, cá bỏ ăn bơi lờ đờ trên mặt nước, thường nhào lộn và xoay tròn, thường không phản ứng với tiếng động; những tổn thương ở gan lan rộng làm gan không còn chức năng khử độc và lọc máu, làm chất độc tích tụ trong cơ thể kết hợp với những yếu tố khác làm cá chết. Một số cá xuất huyết tất cả các vi hoặc xuất huyết tòan thân và nếu xuất huyết trầm trọng thì khi nhấc cá ra khỏi nước máu sẽ chảy ra từ da và mang cá và khi mổ một số cá mới chết thì thấy túi mật bị vỡ, dịch mật lan tràn khắp nội tạng do ống dẫn mật và túi mật đã họai tử.

Một số cá có biểu hiện màu sắc nhợt nhạt, có nhiều đốm lớn, nhỏ trên da. Số lượng cá chết hàng ngày tăng cao và tỷ lệ tăng dần. Tốc độ lây lan của bệnh rất nhanh, trong điều kiện thí nghiệm, chỉ khỏang 3-4 ngày là tòan bộ số cá nuôi trong bể đều nhiễm bệnh; vì vậy việc điều trị phải làm triệt để và đồng bộ.

4. Điều trị:

4.1. Phương pháp cũ:

Đầu năm 2006, Khoa Thủy sản-Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu và công bố chất kháng sinh Florfenicol là kháng sinh đặc trị bệnh này (thay thế cho các lọai kháng sinh khác đã bị cấm); khi sử dụng thuốc từ 7-10 ngày sẽ cho hiệu quả tốt, cá sẽ hồi phục nhanh khi kết hợp việc vệ sinh diệt mầm bệnh trại nuôi và trong môi trường nước nuôi.

Chú ý: Thuốc phải được trộn với thức ăn, áo bên ngòai bằng Lecithin, sau đó phơi khô ráo nhằm tăng khả năng dung nạp của thuốc. Phải sử dụng liên tục từ 7-10 ngày và kết hợp vệ sinh môi trường mới tránh tái nhiễm.

Tuy nhiên, hiện nay các lọai kháng sinh đang sử dụng để điều trị bện gan thận mủ trên cá Tra và cá Basa đều đã bị vi khuẩn đề kháng nên hiệu quả điều trị không cao.

4.2. Phương pháp mới nghiên cứu:

Giữa năm 2009, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thịnh (Trường Đại học Nông Lâm) cùng các cộng sự của các trường Đại học Đài Loan và Na Uy đã tổ chức nghiên cứu và thực nghiệm 01 phương pháp mới “kết hợp phương pháp chủng ngừa vaccine bằng cách ngâm và cấp qua đường tiêu hóa để hạn chế tỷ lệ chết do vi khuẩn trên cá Tra”

Trước đây, việc sử dụng các loại vaccine bất hoạt để phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn do E. ictaluri đã được thử nghiệm trên nhiều loài cá da trơn khác nhau, đặc biệt là ở Mỹ. Các loại vaccine bất hoạt có thời gian miễn dịch không dài và loại vaccine sống sử dụng vi khuẩn E.ictaluri chủng RE-33 được làm giảm độc lực cũng chỉ có tác dụng bảo vệ trong một khoảng thời gian ngắn sau khi tiêm vaccine. Ngòai ra, những phương pháp khác sử dụng các loại vaccine bất hoạt để phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn do E. ictaluri cho cá Tra ở Việt Nam cũng đã được thử nghiệm nhiều nhưng chưa có kết quả về lâu dài.

Phương pháp này sử dụng vaccine được lấy từ vi khuẩn E.ictaluri đã làm cho bất họat bằng Formalin với nồng độ 0,5% và ủ trong thời gian tối thiểu là 24 giờ với nhiệt độ mát, đồng thời dịch huyền phù của vi khuẩn cũng được bảo quản ở nhiệt độ 40C, sau đó phải được kiểm tra kỹ lưỡng.

Chủng ngừa bằng phương pháp ngâm được thực hiện bằng cách ngâm 1200 cá trong dung dịch pha loãng 2 lít vaccine (gồm nước cất và vi khuẩn bất họat với nồng độ 5 x 109 cfu/ml) trong 18 lít  nước sạch có nồng độ vi khuẩn cuối cùng là 5.56 x 108 cfu/ml trong thời gian 1 phút, sục khí mạnh. Vaccine cấp qua đường tiêu hóa được chuẩn bị bằng cách phun kháng nguyên dạng nhũ tương bên ngoài viên thức ăn với tỷ lệ 2%. Viên thức ăn sau đó được phun áo bên ngoài bằng dầu mực với tỷ lệ 0,1% (v/w). Thức ăn này được chuẩn bị hằng ngày và được sử dụng trong vòng 1-2 ngày sau khi chuẩn bị. Cho cá ăn đến no và kéo dài trong 2 tuần. Sau khi cá đã nuôi được 101-107 ngày thì cho ăn tăng cường thức ăn có trộn vaccine liên tục 1 tuần và ngưng.

Kết quả cho thấy, khi ao cá được cho lây nhiễm bệnh mạnh thì tỷ lệ cá chết rất ít so với các ao không được ngâm và cho ăn bằng vaccine.

Tóm tại, chủng ngừa bằng cách kết hợp phương pháp ngâm/cho ăn để gây miễn dịch ban đầu và cho ăn tăng cường cho kết quả bảo hộ tương đối tốt khi cá bị nhiễm vi khuẩn E.ictaluri. Lặp lại việc cho ăn tăng cường có thể sẽ là một phương pháp thay thế để duy trì hiệu quả miễn dịch cho cá Tra đối với việc phơi nhiễm các loại tác nhân gây bệnh có độc lực cao.

Trịnh Biên/ Sở NN&PTNT TP.HCM

Friday, April 9, 2010

Bệnh làm chết cây mãng cầu

Cây mãng cầu thường có hiện tượng chết cây, sử dụng nhiều loại thuốc nhưng chưa thấy hiệu quả. Xin cho biết biện pháp phòng ngừa. Bà con trồng mãng cầu xã Thanh Tân, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh


- Khi thành vùng trồng tập trung (Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Thuận…), mãng cầu (cây na) dễ bị bệnh, một số dịch hại khó kiểm soát như bọ vòi voi (mò đục bông), ruồi hại quả (dòi đục trái); trong đó, bệnh chết cây (thối rễ) gây thiệt hại kinh tế. Một số biện pháp phòng trị như sau:

Triệu chứng: Bộ lá kém xanh (có thể bị nhuốm vàng rỉ sắt, lá non dễ bị rụng), ít trái. Gốc và bộ rễ bị tổn thương nặng (vỏ gốc nứt, khô hay thối đen từng mảng, vỏ rễ thối đen và bị mục, không rễ non). Cây kém phát triển, chết dần từng cành, vài năm cây chết. Bệnh lây sang cây bên cạnh phía thấp hơn, gây chết theo luống…

Nguyên nhân: Chủ yếu do điều kiện canh tác không phù hợp làm một số nấm dưới đất phát triển như Fusarium, Phytopthora, Pythium… Do trồng cây mật độ dày, quá sâu hoặc trồng ở đất không thoát nước. Đất bị chua, bị rửa trôi và thành phần ít đất sét (đất nhẹ). Bón phân không cân đối, thừa đạm, thiếu phân hữu cơ và vi lượng, nên cây suy kiệt hoặc quá non mềm, rậm rạp. Bị rệp sáp và một số côn trùng hại rễ, gây vết thương làm nấm tấn công. Do thời vụ không đồng loạt. 

Phòng trị: Chọn đất cao, lên luống, mương tưới và tiêu tốt. Trước khi trồng, bón lót phân chuồng và vôi. Mật độ trồng không dày, tán cây không rậm. Không ủ gốc cây bằng rơm rạ hay xác bã thực vật khác trong mùa mưa, không để cỏ dại che phủ gốc, nắng chiếu được vào gốc cây. Bón phân hữu cơ cao cấp (như phân dơi) Batman hoai mục quanh tán cây (tránh bón phân tươi sát gốc). Bón cân đối NPK và bổ sung các loại vi lượng như phân bón lá Poly Feed.

Nên sử dụng phân Calcium Nitrat, giảm độ chua đất nhanh, cung cấp canxi và đạm cho cây. Đầu vụ, để nấm không tấn công bộ rễ, diệt côn trùng hại gốc như rệp sáp, dế, sùng trắng, mối… bằng cách rải thuốc hạt Sago Super 3G nhằm hạn chế vết thương do chúng gây ra. Đầu mùa mưa, tưới gốc, nhất là cây nhiễm bệnh, cây gần cây bệnh hay cây chết bằng thuốc trị bệnh Copforce Blue, Dosay, Alpin 800WDG. Cây bị bệnh nặng, đào bỏ rễ để đốt, trước khi trồng xử lý lại đất bằng thuốc trị bệnh (nêu trên) và vôi. Vận động những người chung quanh cùng phòng trừ.

TS Nguyễn Minh Tuyên (Công ty TNHH 1 thành viên BVTV Sài Gòn)